- Ít có mối quan hệ song phương nào mà sự khai thông và phát triển của nó lại phụ thuộc chủ yếu vào vấn đề tranh chấp một vùng lãnh thổ biển như giữa Nhật và Nga.
Tokyo và Moscow sẽ tiến hành họp tham vấn vào đầu tuần tới bàn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ liên quan đến bốn hòn đảo mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril và Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc.
Trên thế giới, ít có mối quan hệ song phương nào mà sự khai thông và phát triển của nó lại phụ thuộc chủ yếu vào vấn đề tranh chấp một vùng lãnh thổ biển như giữa Nhật và Nga. Giải quyết vấn đề này thật sự là một phép thử đối với quan hệ hai nước.
Ngoại lực
Chiến tranh lạnh qua đi hơn hai thập kỷ, nhưng tàn dư về mâu thuẫn đối kháng “hai cực” vẫn là một trong những trở ngại không nhỏ, nếu không nói là có tính chất quyết định đối với quan hệ Nhật - Nga.
Là đồng minh chủ chốt của Nhật Bản, Mỹ luôn phản đối bất kỳ sự nhượng bộ nào từ phía Nhật để tiến tới giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Là đồng minh “chí cốt”, nên Nhật Bản đã có phần phụ thuộc vào Mỹ trong thời kỳ dài kể từ sau thế chiến hai, vì thế Nhật Bản không thể không tính đến lập trường của Mỹ trong quan hệ Mỹ - Nga.
Nga-Nhật sẽ vượt qua phép thử về tranh chấp đảo vì lợi ích lớn trong quan hệ song phương? Ảnh minh họa: foxnews |
Nhưng lập trường căn bản của Mỹ đã có sự thay đổi nhất định dưới thời Tổng thống Obama khi Mỹ tỏ ý ủng hộ Tokyo cùng Moscow sớm giải quyết vấn đề lãnh thổ và cải thiện quan hệ song phương.
Trung Quốc, vốn luôn quan tâm khai thác mâu thuẫn Nhật - Nga trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, thì nay cũng đã thể hiện thái độ ủng hộ Nhật - Nga xích lại gần nhau hơn.
Cơ hội cho Tokyo?
Đối với Nhật, vùng lãnh thổ phương Bắc có ý nghĩa tâm lý và thể diện dân tộc nhiều hơn, bởi chừng nào những đảo này còn nằm trong tay Nga thì Nhật Bản còn cảm thấy gánh nặng của một quốc gia bại trận.
Một gánh nặng mà Nhật đã phải luôn cố gắng thoát ra trong những thập kỷ sau chiến tranh lạnh. Nếu Tokyo không vượt qua được gánh nặng này và không thoả hiệp để tiến tới một giải pháp thì những lợi ích to lớn, lâu dài của họ sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Cải thiện quan hệ với Nga trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với những nỗ lực của Nhật Bản đang tăng cường vai trò quốc tế của mình sau chiến tranh lạnh. Nhật sẽ có cơ hội để đóng một vai trò đặc biệt trong sự chuyển đổi của nước Nga. Mặt khác, Nhật Bản cũng rất cần sự ủng hộ của Nga đối với nỗ lực trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Ngoài ra, cải thiện quan hệ với Nga nằm trong sự điều chỉnh chính sách chung của Nhật theo hướng cân bằng quan hệ với các nước lớn thay vì dựa hẳn vào Mỹ như trước đây, qua đó tăng cường vai trò “nước lớn chính trị” của Nhật trong khu vực và trên thế giới.
Hướng Đông
Liên Xô trước đây đã không quan tâm đầy đủ tới vùng lãnh thổ phía Đông hẻo lánh, lạnh lẽo mà chủ yếu tập trung đầu tư, phát triển khu vực miền Trung, miền Tây.
Tuy nhiên, khi Liên Xô tan rã, khu vực phía Trung và Tây không đủ sức hồi sinh nước Nga nên Moscow đã quay lại khai thác tài nguyên thiên nhiên ở phía Đông để phát triển.
Vấn đề chủ quyền các hòn đảo tranh chấp cũng có ý nghĩa tượng trưng, tâm lý và đặc biệt là lòng tự hào dân tộc đối với Nga.
Bởi vượt lên trên nhũng lý do đó, Nga cũng có những lợi ích to lớn trong việc bình thường hoá hoàn toàn quan hệ với Nhật Bản, một cường quốc về kinh tế mà sự giúp đỡ về vốn cũng như công nghệ cao có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Điều đó càng ý nghĩa trong bối cảnh những kỳ vọng của Nga về sự hỗ trợ của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga đã tỏ ra không có cơ sở.
Cải thiện quan hệ với Nhật cũng phù hợp với lợi ích chính trị của Nga. Trước xu thế Mỹ ngày càng lấn lướt các công việc quốc tế, nên mục tiêu nổi bật của ngoại giao Nga là góp phần tạo dựng một trật tự đa cực trong đó Nga là một cực quan trọng, nhằm hạn chế vai trò áp đảo của Mỹ và bảo vệ vị thế cường quốc của Nga.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Nga đã đưa ra và thực hiện chính sách ngoại giao đa phương hoá và đặc biệt đặt trọng tâm vào củng cố quan hệ với các nước lớn, trong đó có Nhật Bản.
Sẻ chia lợi ích
Theo báo cáo tổng kết chiến lược của Viện nghiên cứu chiến lược London (IISS), Nhật và Nga có thể chia sẻ mối quan ngại chung đối với một số nước trong khu vực đang nổi lên, có lực lượng quân sự mạnh cùng với xu hướng dân tộc chủ nghĩa, nên trong toan tính cân bằng quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương thì hai cường quốc Nga – Nhật không thể không xích lại gần nhau.
Và là trung tâm lục địa Á – Âu, để giữ vai trò ảnh hưởng đối với khu vực và phát triển kinh tế thì Nga không thể không tăng cường khai thác tiềm năng khu vực này. Chưa kể, việc khai thác tài nguyên, phát triển khu vực phía Đông còn giúp Nga tiến một bước dài hơn trong nỗ lực tiến vào khu vực kinh tế năng động nhất thế giới…
Vì lẽ đó, dư luận đang kỳ vọng vào bước đột phá trong giải quyết vấn đề Nam Kuril/lãnh thổ phương Bắc, góp phần khơi thông quan hệ song phương giữa Nga và Nhật Bản.
Nguyễn Nhâm