Một nhóm cổ đông của Công ty Prosimex nhiều ngày qua đã giăng băng rôn cảnh cáo khách mua nhà tại dự án Riverside Garden do Videc và Prosimex làm chủ đầu tư với lý do dự án đang diễn ra tranh chấp.

{keywords}

Cổ đông căng băng rôn khuyên khách hàng không mua dự án của công ty Prosimex.

"Ép cổ đông với giá quá thấp"

Như BizLIVE đã đưa tin, liên quan đến sự việc cổ đông của CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex giăng băng rôn tại dự án Riverside Garden khuyên khách hàng mua nhà, ngày 21/10 cuộc gặp giữa lãnh đạo công ty Prosimex và nhóm cổ đông đã diễn ra tuy nhiên những nội dung đề cập vẫn chưa có phương án chốt.

Bà Đoàn Thị Phương, một trong những cổ đông cho biết, tại cuộc làm việc, dường như phía lãnh đạo Prosimex đã “ép cổ đông với giá quá thấp” cho số cổ phần mà nhóm cổ đông hiện đang nắm giữ và thương lượng chuyển nhượng lại.

“Lãnh đạo Prosimex từng đưa ra mức giá 10.800 đồng/cổ phiếu, sau đó được nâng lên 18.000 đồng/cổ phiếu và chiều ngày 21/11 trong cuộc làm việc, con số này được nâng lên là 25.000 đồng/cổ phiếu nhưng chúng tôi cho rằng con số này chưa thoả đáng”, bà Phương nói.

Cũng theo bà Phương, trên cơ sở tính toán những con số được lãnh đạo Prosimex đưa ra việc Prosimex lựa chọn đối tác đầu tư là CTCP Đầu tư Thiết kế và xây dựng Việt Nam (Videc) cùng triển khai dự án Riverside Garden trên lô đất rộng khoảng 8.900 m2 tại 349 Vũ Tông Phan với giá 75 tỷ đồng và 1.000 m2 sàn văn phòng làm việc cho Videc và việc Prosimex sở hữu 15.000m2 đất tại Hải Phòng, 6 gian nhà ở 46 Ngô Quyền (Hà Nội)… mức giá thương lượng ít nhất là 80.000 đồng/cổ phiếu, tức là gấp khoảng 8 lần số tiền bỏ ra trước đây. “Chúng tôi không ảo tưởng và trục lợi, đây là những con số họ đã đưa ra”, bà Phương nhấn mạnh.

Liên quan đến thông tin về việc hợp tác với Videc triển khai dự án tại đường Vũ Tông Phan, tờ trình thông qua lựa chọn đơn vị hợp tác đầu tư trình ĐHĐCĐ CTCP Prosimex tháng 5/2014 cũng đã đề cập đến những nội dung này.

Cụ thể, về nội dung tiến độ hợp tác, quá trình hợp tác của Videc với Prosimex chia thành các giai đoạn trong đó giai đoạn đầu 2 bên ưu tiên thực hiện dự án chuyển đổi sử dụng đất tại Khu đất số 45A, ngõ 35 Khương Hạ, Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) thành khu nhà ở để bán kết hợp văn phòng, dịch vụ thương mại.

Về phương pháp góp vốn, Công ty Prosimex góp vốn bằng giá trị lợi thế quyền khai thác tài sản trên đất và giá trị công trình xây dựng trên khu đất. Công ty Videc góp vốn bằng tiền để thực hiện dự án.

Phân chia lợi nhuận, Công ty Prosimex được nhận khoản lợi nhuận tối thiểu 75 tỷ đồng và 500-1.000m2 mặt sàn văn phòng. Công ty Videc ứng trước lợi nhuận trong năm 2014 thanh toán trả nợ cho ngân hàng để giải chấp tài sản đảm bảo, số tiền là 45 tỷ đồng, chi phí thuê văn phòng, hỗ trợ người lao động sau khi tái cơ cấu lại công ty số tiền là 5 tỷ đồng, tổng cộng 57 tỷ đồng.

Videc cũng là đại diện các bên trước pháp luật và giữ vai trò chủ đầu tư để thực hiện dự án cụ thể với các công việc như chuyển đổi mục đích sử dụng đất; các công việc chuẩn bị đầu tư như xin giao đất, nộp tiền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, lập, thẩm tra và phê duyệt thiết kế kỹ thuật…

"Đặt vấn đề mua lại 90% cổ phần nhưng họ không đồng ý"

Cũng theo bà Phương, việc lãnh đạo đương nhiệm của Prosimex nắm giữ 90% cổ phần công ty và đồng ý với các phương án trên và ĐHĐCĐ được thông qua, nhóm cổ đông giữ % còn lại đã đặt vấn đề mua lại 90% số cổ phần này cùng mức giá lãnh đạo Prosimex dự kiến trả cho cổ đông nhưng lãnh đạo Prosimex đã không đồng ý.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Lý, 1 trong số 60 cổ đông thuộc nhóm cổ đông nhỏ lẻ đang thương lượng với lãnh đạo Prosimex về mức giá chuyển nhượng cổ phiếu cũng cho biết, số tiền 75 tỷ đồng Prosimex thu về từ việc liên danh với Videc triển khai dự án tại diện tích đất hơn 8.900m2 và 1.000m2 sàn văn phòng làm việc là một con số quá nhỏ, thay vì 75 tỷ đồng thậm chí có thể phải ở mức 400 tỷ đồng.

Nhóm cổ đông có khoảng 60 người, vốn là cán bộ công nhân viên của công ty Prosimex đồng thời cũng sỡ hưu khoảng 10% cổ phần của công ty.

Ông Lữ Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Prosimex từng cho biết, dự án liên danh giữa 2 đơn vị, có chủ trương của công ty Prosimex đã được đưa ra tại ĐHCĐ năm 2014 với tỷ lệ cổ đông tán thành việc liên danh đạt 99,28% chỉ có một ý kiến khác và ngay người có ý kiến khác cũng không tham gia việc giăng băng rôn biểu ngữ.

Theo ông Sơn, Prosimex đã nhóm họp với các cổ đông đưa ra phương án giải quyết, tuy nhiên trên thực tế nhiều cuộc họp giữa nhóm cổ đông nhỏ và lãnh đạo Prosimex vẫn tiếp tục bế tắc.

Theo Bizlive