- Các ĐBQH phần muốn lao động nữ được nghỉ thai sản dài vì lợi ích trẻ nhỏ, phần lo nghỉ dài có thể khiến họ gặp khó khăn trong công việc.


Ngay bây giờ đã có nơi ngại nhận nữ

Thảo luận tổ chiều 16/11 về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, ĐB Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) ủng hộ thời gian nghỉ thai sản 6 tháng. ĐB nữ trẻ này dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng trẻ sơ sinh nên được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh thấy điều này cần thiết trong tình hình thiếu nhà trẻ và các cơ sở không nhận trẻ em dưới 5 tháng tuổi.

Bà Thanh ủng hộ quy định linh hoạt nghỉ tối thiểu 4 tháng và tối đa 6 tháng, để lao động nữ chọn lựa tùy theo điều kiện làm việc.
Ảnh: Minh Thăng

Một ĐB nữ ở Lâm Đồng cho rằng nên quy định thống nhất 6 tháng. “Lựa chọn 4 - 6 tháng là đặt áp lực lựa chọn nuôi con - công việc xã hội lên người phụ nữ”, ĐB này tin rằng phụ nữ yên tâm sinh nở khi trở lại công việc sẽ cống hiến tốt hơn.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) lưu ý thời gian nghỉ thai sản chỉ là một phần, chế độ trong khi nghỉ mới quan trọng: “Nếu không được đảm bảo về công việc, vị trí, chế độ, tiền lương thì lao động nữ không dám nghỉ sinh lâu”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thấy nghỉ thai sản dài dễ dẫn đến giảm cơ hội được tuyển dụng của lao động nữ. “Ngay hiện nay đã có doanh nghiệp không tuyển nữ bất chấp luật bình đẳng giới”, ông Thuyền nói.

ĐB Phạm Hồng Hương (Hải Dương) cũng chỉ ra: “Thực tế nhiều phụ nữ nghỉ sinh xong bị chuyển công việc không phù hợp với điều kiện nuôi con nhỏ, đã buộc phải tìm việc khác hoặc chấp nhận thất nghiệp”.

Bà Ngọc Thanh cho rằng tình trạng này dễ xảy ra ở doanh nghiệp ngoài nhà nước: “Không chỉ chủ lao động mà chính người lao động cũng e ngại liệu sau khi nghỉ sinh có được nhận trở lại làm việc tiếp”.

Tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ giới thêm cơ hội?


ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng tăng tuổi hưu là cơ hội thực hiện bình đẳng giới, nhấn mạnh những lao động nữ được đào tạo tốt nên có điều kiện cống hiến lâu dài.

Bà Khánh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ở cả hai giới lên 62, những trường hợp sức khỏe yếu hoặc có nhu cầu khác có thể nghỉ sớm.

Nhà khoa học nữ Bùi Thị An đồng tình: “Nhiều phụ nữ gần đến tuổi 50 đã phải lùi sự nghiệp lại vì không còn ở trong độ tuổi quy hoạch, trong khi nam giới vẫn còn. Nhiều trí thức nữ muốn ở lại cống hiến cũng phải xin - cho. Các vị trí lãnh đạo cũng toàn nam, ít nữ”.

Thấy câu chuyện tuổi tác này đã được bàn từ năm 1993 đến nay vẫn chưa thay đổi, bà An cho rằng hai giới phải được đánh giá năng lực, đề bạt hay quy hoạch cán bộ một cách bình đẳng.

“Chúng tôi là nữ giới, có trí tuệ, kiến thức, chúng tôi muốn cống hiến”, bà An nói tiếp. “Việc nghỉ hưu để nhường chỗ cho thế hệ trẻ cũng phải là trách nhiệm của cả nam và nữ”.

Trước ý kiến của hai ĐB nữ cùng đoàn, ĐB Chu Sơn Hà thấy “những người có trình độ, kiến thức đến tuổi về hưu vẫn có thể đóng góp tốt cho xã hội bằng nhiều cách, không nhất thiết phải ở lại”.

Tuy vậy, không ít ĐB cho rằng số đông người lao động sẽ không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu. Như ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói vui: “Trước đây Tổng liên đoàn Lao động lấy ý kiến trong ngành sư phạm và y tế thì không ai đồng ý, vì bác sĩ 60 tuổi mắt kèm nhèm mổ làm sao, cô giáo mầm non 60 tuổi dạy múa cho ai”.

Nhiều ĐB đồng ý giữ nguyên tuổi nghỉ hưu 60 với nam và 55 với nữ như hiện nay, các ngành nghề độc hại, nguy hiểm muốn nghỉ sớm hoặc lao động trí thức, khoa học muốn nghỉ muộn đều có thể có cơ chế riêng.

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì nhấn mạnh cần nghiên cứu kỹ lưỡng cơ sở khoa học, tâm sinh lý cũng như khảo sát nhu cầu thực tế của người lao động trước khi quy định.

Cũng trong chiều 16/11, các ĐB thảo luận tại tổ về dự án Luật Công đoàn. Hầu hết ý kiến nhận định luật phải bám sát thực tiễn chứ không nên cứng nhắc, hành chính. Số vụ đình công, chủ yếu là không đúng quy định pháp luật, tăng thời gian qua là câu hỏi lớn về vai trò của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp.

Chung Hoàng - Lê Nhung