Singapore là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người vào hàng cao nhất thế giới, nhưng không phải ai cũng có khả năng sở hữu ô tô, kể cả người nhiều tiền…
Có tiền chưa chắc đã mua được xe
Mới đây, cơ quan chức năng Singapore bổ sung thêm một loạt biện pháp siết chặt việc sở hữu xe cá nhân. Theo đó, mức trả trước tối thiểu phải là 40% giá trị xe; thời gian đáo hạn các khoản vay mua xe chỉ còn 5 năm (trước là 10 năm).
Cũng nên nói thêm, trước khi các biện pháp mới được bổ sung thì giá xe (chính xác là chi phí sở hữu xe) đã khiến chủ phương tiện “toát mồ hôi” so với những quốc gia phát triển khác khá nhiều. Ô tô mới bị đánh thuế 100% giá trị xe. “Giấc mơ sở hữu xe dù chỉ là chiếc xe tầm tầm cũng ngày càng quá khó đối với tôi. Hiện thu nhập của tôi cũng không quá tệ, khoảng gần 10.000 USD/ tháng (hơn 200 triệu VND) nhưng thực sự chưa đủ cho một chiếc xe và bất kỳ gia đình nào thu nhập tầm đó đều không dám nghĩ tới giấc mơ bốn bánh”, anh Andy Siew - một huấn luyện viên thể dục than thở.
Hãng tin CNBC dẫn lời Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng nghiên cứu J.D. Power & Associates - ông Mohit Aroa cho biết: Ngày nay việc sở hữu một chiếc ô tô như là thông điệp xác định địa vị xã hội, nhưng điều đó không quá quan trọng ở Singapore. Hiện ai cũng nghĩ, nếu có 100.000 USD họ mua nhà khả thi hơn là mua ô tô.
Kể từ tháng trước, khi các biện pháp bổ sung có hiệu lực, các showroom ô tô cảm nhận rõ rệt sự tác động của chính sách mới này. “Showroom chúng tôi vốn chuyên cung cấp các dòng xe hạng sang cho những người có điều kiện thực sự giờ cũng chỉ thưa thớt vài người đến xem”- một nhân viên bán xe cho hay.
… 10 năm cho giấy phép lưu hành xe
Mua xe xong, để có thể cầm lái chạy trên đường phố, chủ xe phải “găm” thêm một loạt giấy tờ: Chứng nhận xe được phép lưu hành, chứng nhận hạn ngạch lưu hành, thuế đường, phí lưu hành, ngoài ra còn phải đăng ký tại Cục Quản lý giao thông đường bộ... Trong đó, phức tạp và tốn kém nhất là giấy phép lưu hành phương tiện (có giá trị trong 10 năm) - COE (Certificate of Entitlement).
Hiện, mua một COE khoảng 70.000 USD (gần 1,5 tỷ đồng). Chính phủ kiểm soát số lượng giấy phép COE rất chặt chẽ. Các giấy phép này được đấu giá và mức giá mỗi giấy phép sẽ tăng giảm tùy theo cung cầu. Đồng thời, mỗi khu vực dân cư cũng bị hạn chế tối đa số lượng chỗ đỗ xe. Chi phí cho mỗi chỗ đỗ cũng không rẻ bao gồm chi phí ban đầu gần 200.000 USD (gần 4,2 tỷ đồng) và chi phí thường niên. Một thương nhân đến từ Arab Saudi vò đầu bứt tóc vì không kiếm được chỗ đậu xe: “Khu vực tôi ở đã hết chỗ để xe rồi, chính quyền địa phương không cấp thêm phép vì “quota” đã đủ. Giờ tôi đành phải đợi ai đó trong khu vực chuyển đi chỗ khác hoặc... qua đời, mới có hy vọng”.
Tổng chi phí sở hữu một chiếc Toyota Altis ở Singapore khoảng 120.000 USD (hơn 2,5 tỷ đồng), trong khi ở Malaysia chiếc xe này có giá chỉ từ 34.000 USD, ở Mỹ từ 16.000 USD, ở Anh từ 20.000 USD.
Tuy nhiên, quyết định này của Chính phủ lại nhận được sự ủng hộ từ phần lớn người dân bởi những người hoạch định chính sách giao thông hiểu, đáp ứng tốt những gì dân cần. Trước khi ban hành các loại phí họ đã có và đang tiếp tục hoàn thiện một hệ thống giao thông công cộng (xe bus và tàu điện ngầm) tốt bậc nhất thế giới như Báo Giao thông đã giới thiệu ở kỳ trước.
(Theo GTVT)