Ngày 16/1, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hội Di sản văn hoá Việt Nam tổ chức triển lãm 100 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo Cuộc thi vẽ tranh Di sản văn hoá Việt Nam qua hội hoạ lần thứ I - năm 2023 và giới thiệu cuốn sách cùng tên.

z5076402216000 2453e21b9e60c60592a358c2e1182514.jpg
Triển lãm trưng bày 100 tác phẩm.

Sau hơn 4 tháng phát động Cuộc thi vẽ tranh Di sản văn hoá Việt Nam qua hội hoạ lần thứ I - năm 2023, BTC nhận được 839 tác phẩm của 494 tác giả từ 55 tỉnh, thành phố gửi về tham dự. Kết quả, Hội đồng Giám khảo, Ban tư vấn nội dung di sản văn hoá lựa chọn trao giải cho 30 tác phẩm.

Tổng giải thưởng của cuộc thi trị giá hơn 1 tỷ đồng, gồm: 1 giải Xuất sắc 100 triệu đồng; 1 giải Nhất 75 triệu đồng; 2 giải Nhì mỗi giải 50 triệu đồng; 4 giải Ba mỗi giải 40 triệu đồng; 20 giải Khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng; 70 tác phẩm được chọn vào chung khảo, mỗi tác phẩm nhận thưởng 5 triệu đồng. 

Chia sẻ với VietNamNet, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, cuộc thi vẽ tranh Di sản văn hoá Việt Nam qua hội hoạ lần thứ I - năm 2023 được thực hiện hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hoá; là sân chơi rộng rãi, bổ ích, bình đẳng dành cho những người yêu di sản văn hoá, yêu hội hoạ trong cả nước; khuyến khích các hoạ sĩ trẻ, sinh viên các trường mỹ thuật, văn hoá nghệ thuật trong nước và cả sinh viên, học sinh Việt Nam ở nước ngoài.

"Hầu hết các tác phẩm dự thi đều bám sát chủ đề, phản ánh những nét hay, đẹp, độc đáo trong kho tàng di sản văn hoá phong phú của đất nước. Nhiều tác phẩm rất công phu cả về ý tưởng, nội dung phương pháp thể hiện. Có tác giả đã 84 tuổi hay mới 9 tuổi cũng tham gia cuộc thi", ông Trụ đánh giá.

z5076707455906 c8627cda5521267a234e6b6dfc28e387.jpg
Tác phẩm 'Lễ hội Khmer ở Cà Mau' có kích thước 100x200cm, được làm bằng chất liệu bút sắt, màu nước.

Tác giả Lại Lâm Tùng (Cà Mau) đoạt giải Xuất sắc với tác phẩm Lễ hội Khmer ở Cà Mau chia sẻ không phải là dân hội họa chuyên nghiệp mà đang công tác trong lĩnh vực dầu khí. Anh có kế hoạch vẽ bức tranh này từ 10 năm trước, vì điều kiện công việc bận rộn nên đến bây giờ mới có thời gian thực hiện. Tác phẩm Lễ hội Khmer ở Cà Mau được tác giả vẽ trong 8 tháng, trải qua quá trình kỳ công sưu tầm, tìm hiểu về truyền thống văn hóa của người Khmer.

Lễ hội Sene dolta được tổ chức vào tháng 8 Âm lịch hàng năm trong cộng đồng người Khmer nhằm tưởng nhớ công ơn sinh thành, những người thân trong tộc đã quá cố và tri ân tổ tiên. Đây là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào Khmer Nam Bộ, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Dịp lễ này được bà con chuẩn bị chu đáo từ dọn nhà, bàn thờ, dâng cúng tổ tiên các món ăn truyền thống. Tuỳ điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà chọn lễ vật khác nhau, song chung quy đều thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ ông bà. 

z5076707714966 d510157c5fcbda005a2402490863585b.jpg
Tác phẩm 'Nghìn xưa lưu dấu'.

Tác giả Lê Thị Thanh giành giải Nhất cho biết, tác phẩm Nghìn xưa lưu dấu gồm một số hình tượng được in rập tại vườn bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các bản khắc cao su hình ảnh di sản tượng và phù điêu tiêu biểu của Việt Nam nói chung và hiện vật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng như: rồng đá, voi đá, tượng đá cổng Thái Học, bút lông bằng đá... kết hợp với nghệ thuật in độc bản thủy ấn gợi cảm giác về sự huyền bí, xa xưa.

Các hình tượng nghệ thuật như bước ra từ huyền tích. Sự đậm nhạt của bức tranh được tạo bởi kỹ thuật in lưới, làm nên một quầng sáng như ánh hào quang mà tâm điểm là Khuê Văn Các - ngôi sao Khuê - biểu tượng của văn chương và trí tuệ. Bố cục tranh được cấu trúc như cách sắp gạch để xây một bức tường, ý nói đây là bức tường di sản, là nền móng tạo nên các giá trị thẩm mỹ của người Việt đương đại. Bộ tranh hiển thị các tín hiệu tạo hình mà cố nhân để lại trong tinh thần của tác phẩm nghệ thuật. 

z5076708945540 0b429a5b23881476e9c0cb57f860acd3.jpg
Tác phẩm 'Tiên nữ, cánh diều và mái đình' của tác giả Phạm Hùng Anh giành giải Ba.