Tranh triệu đô ‘về quê’

Đến nay, đã có tới 7 lần các tác phẩm hội họa Việt Nam đạt mức trên triệu USD. Bức đầu tiên đạt mức này là ‘’Đời sống gia đình’ của họa sĩ Lê Phổ được mua với giá trên  1,17 triệu USD cách đây bốn năm. Đây là lần đầu tiên, một bức tranh Việt Nam đạt mốc trên triệu USD khi đem đấu giá công khai ở sàn quốc tế.

{keywords}
Bức Đời sống gia đình


Sau đó hơn hai năm, bức tranh Nude  cũng của họa sĩ Lê Phổ lại phá kỷ lục của bức ‘’Đời sống gia đình’’ khi đạt mức giá gần 1,4 triệu USD khi đem đấu tại phiên đấu giá "20th Century & Contemporary Art" của Christie’s tại Hong Kong, Trung Quốc.

Ngoài ba bức tranh lập kỷ lục về giá này, còn những bức tranh khác cũng cán mốc trên triệu USD là ‘Tự họa’ của Lê Phổ, ‘Phong cảnh chùa Thầy’, ‘Cá chép trong hồ nước’ cùng của họa sĩ Phạm Hậu, ‘’Vỡ mộng’ của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Điều đáng chú ý, theo những người thạo tin tức mỹ thuật, phần lớn những bức tranh trên đều được hồi hương.Người mua bức tranh ‘Madame Phương’ được cho là ông Q., chủ thương hiệu MS nổi tiếng.  Ông Q. có dự định mở bảo tàng tư nhân. Nhiều năm qua, ông lặng lẽ mua được khá nhiều tác phẩm có tiếng của hội họa Việt.

{keywords}
Bức tranh Nude  của họa sĩ Lê Phổ


Tranh của các họa sĩ Việt Nam như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Nam Sơn, Tô Ngọc Vân phần lớn được sáng tác tại nước ngoài và đa số được người nước ngoài mua nay họ đem ra bán là dễ hiểu. Bởi bảy, tám thập kỷ trước đất nước những người Việt có điều kiện kinh tế, có sự am hiểu và say mê nghệ thuật, ý thức được giá trị của nghệ thuật chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Và câu chuyện những năm đầu Đổi mới hơn 30 năm trước, chuyện tác phẩm mỹ thuật đương đại Việt ‘’chảy máu’’ cũng đã được nói đến nhiều khi những người có tiềm lực kinh tế chưa nhiều, sự quan tâm đến nghệ thuật còn bị lấn át bởi yếu tố thường nhật ‘cơm áo gạo tiền’. Hệ quả là nhiều tác phẩm tốt nhất của nghệ sĩ Việt Nam giai đoạn này bị bán ra nước ngoài. Đáng kể nhất là Singapore, cả bảo tàng lẫn cá nhân của đất nước này đã mua được khá nhiều tác phẩm hội họa Việt Nam tiêu biểu những năm đổi mới. Đến nay, nhiều người muốn xem những tác phẩm này cũng phải bay sang Singapore mới có thể thỏa mãn.

Niềm vui còn nhân lên

Bất kỳ quốc gia nào, sự hiện diện của những tác phẩm tiêu biểu của nghệ sĩ nước họ tại bảo tàng hay điểm trưng bày nào đó đều là niềm hãnh diện, là gương mặt cho nền văn hóa nói riêng, đất nước đó nói chung. Việc các tác phẩm có tiếng hồi hương thực sự là điểm nhấn cho văn hóa nước nhà.

Không thể không nhắc đến, những bức họa triệu đô này nó còn có giá trị thức tỉnh cho nhiều người. Bởi lẽ, nghệ thuật thực sự có giá trị, thậm chí giá trị rất cao. Bức tranh đẹp ngoài giá trị thẩm mỹ nó thực sự là tài sản, không khác gì cân vàng hay miếng đất. Không như tình trạng không hiếm ở ta, nhiều người thường nói với họa sĩ "dạo này vẽ đẹp thế nhỉ, hôm nào cho xin bức tranh về treo". Hay như nhiều người thường nói lái "sưu tập" thành "xin tập".

{keywords}
Bức Madame Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ


Những tác phẩm triệu USD được người Việt mua về chắc chắn là liều thuốc bổ cho thị trường nghệ thuật trong nước vốn manh nha, tự phát và còn thiếu nhiều yếu tố hiện nay. Nó không những có giá trị kích thích thị trường mà còn kích thích cả người mua lẫn các nghệ sỹ.

Nhiều họa sĩ Việt Nam thường kể lại với giọng buồn bã, dự những cuộc đấu giá tại các nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby’s, Christie’s , họ thường thấy người nước nào mua tranh nước đó. Còn nước ta lâu nay không ai để ý đến tác phẩm hội mỹ thuật Việt Nam. Điều này, khiến cho giá các tác phẩm không thể cao như các nước trong khu vực. Thậm chí, ngay cả đến nay, khi bức "Madame Phương" thiết lập kỷ lục mới về giá, với mức giá cao hơn gấp đôi bức Nude của Lê Phổ- tác phẩm giữ kỷ lục trước đó, thì giá tranh của Việt Nam so với các nước ngay trong khu vực Đông Nam Á vẫn còn thua xa.

Nay, với sự hiện diện của nhiều người Việt tham gia mua tranh Việt trên các sàn đấu giá danh tiếng, chắc chắn, giá trị của tranh Việt sẽ không dừng lại ở con số 3,1 triệu USD.

Nhiều đời giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia cùng than vãn, với cơ chế mua bán và mức giá bảo tàng được phép mua tác phẩm như nhiều năm qua và hiện nay, bảo tàng không có cửa cạnh tranh ngay cả với những nhà sưu  tập trong nước trong việc lựa chọn, mua những tác phẩm tốt để lưu trữ, trưng bày, chứ chưa nói đến những bức tranh triệu USD. Điều này, khiến cho sức hút của bảo tàng ngày càng giảm.

Với những động thái trong thời gian vừa qua, như gia đình họa sĩ Lê Thị Lựu, người cùng thời với các họa sĩ Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ tặng 26 tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và những người Việt mua về những bức tranh triệu đô, rất có thể một ngày nào đó bảo tàng sẽ có thêm những tác phẩm đình đám để giới thiệu đến công chúng nếu như có được sự trọng thị.

Bởi ngay cả những bảo tàng danh tiếng nhất thế giới,  những tác phẩm được tư nhân đem tặng cũng chiếm không ít trong số các tác phẩm thuộc sưu tập bảo tàng. Mua tranh để tặng lại bảo tàng, tặng lại quốc gia là cách ứng xử của khá nhiều người giàu trên thế giới. Việt Nam chắc cũng không nằm ngoài xu thế này. 

Những bức tranh triệu USD của Hội họa Việt Nam được cho là  hồi hương

1, Madame Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ đạt mức 3,1 triệu USD (cả thuế, phí)

2, Nude của họa sĩ Lê Phổ, giá đấu 1,4 triệu USD

3, Đời sống gia đình của Lê Phổ giá đấu 1,17 triệu USD

4, Chân dung tự họa của Lê Phổ, giá đấu 1 triệu USD

5, Chín con cá chép trong hồ nước của Phạm Hậu, giá đấu 1,1 triệu USD

6, Phong cảnh chùa Thầy của Phạm Hậu, giá đấu 1 triệu USD

7, Vỡ mộng của Tô Ngọc Vân, giá đấu 1,1 triệu USD

 

K.N

Đề nghị mở hội nghị “diên hồng” bàn việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế

Đề nghị mở hội nghị “diên hồng” bàn việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế

Việc khi nào mở cửa đón khách du lịch nước ngoài, một mình ngành du lịch không thể quyết định mà các bên ngồi lại cùng bàn và Chính phủ cần cầm trịch việc này.