Nhiều bạn trẻ leo cây, trèo lên tường ở di tích để chụp ảnh |
Bất chấp nguy hiểm
Xu hướng chụp ảnh, tôn vinh áo dài nở rộ. Ai ai cũng mong muốn có cho mình những bộ ảnh áo dài xinh đẹp để khoe lên mạng xã hội, nhất là những dịp cận Tết Nguyên đán. Nhanh chóng nắm bắt xu hướng, các bạn trẻ, studio chụp hình tìm ra những địa điểm vừa yên tĩnh, nên thơ, thích hợp quảng bá tà áo dài. Đền Voi Phục (362 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) là một địa điểm như vậy. Điều đáng nói là, các cô gái khi đến đây để có được những tấm hình đẹp đăng trên mạng xã hội đã không ngần ngại trèo tường, leo cây, nằm nhoài người trên thân cây đang vươn ra mặt hồ.
Bệnh “sống ảo” bất chấp nguy hiểm là câu chuyện được nhiều người lên tiếng, cảnh báo. Tuy nhiên, phải đến khi có tai nạn, mọi người mới biết sợ để tránh địa điểm chụp ảnh đó. Nhưng rất nhanh sau đó mọi thứ lại đâu vào đấy. Tại cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), nhiều bức ảnh chụp ở một số địa điểm nguy hiểm từng lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Khu vực đèo Mã Pì Lèng, hẻm vực Tu Sản, dốc Thẩm Mã... với cảnh đẹp hút mắt, không ít du khách bỏ qua những cảnh báo nguy hiểm để chụp ảnh. Tháng 3/2023, một du khách người Anh leo ra mỏm đá “sống ảo”, bị đá ở vách rơi trúng người ngã xuống, bị thương nặng.
Một tháng sau, cũng tại đây, một người bị ô tô lùi trúng khi đang chụp ảnh, rơi xuống hố sâu 56m, phải nhờ tới lực lượng cứu hộ đưa đến bệnh viện. Tại cung đường ven biển ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cũng xảy ra tình trạng tương tự khi một du khách mải mê chụp ảnh đón bình minh, một cô gái đã trượt chân xuống vực sâu, bị chấn thương…
Chưa bàn đến sự nguy hiểm khi chụp ảnh ở đền Voi Phục, việc các bạn trẻ mặc áo dài trèo tường, leo cây nơi đây phần nào thể hiện sự nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận giới trẻ về di tích nói riêng và văn hóa nói chung. Tại một số di tích khác như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một số nhóm bạn trẻ lén cởi áo khoác ngoài để lộ trang phục hở hang, phản cảm khi chụp ảnh.
GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định, việc giới trẻ ngày càng quan tâm, quảng bá, tôn vinh trang phục truyền thống Việt Nam rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc mặc trang phục truyền thống trèo cây, trèo tường tại các di tích để chụp ảnh là hành vi không phù hợp với chuẩn mực ứng xử.
“Các bạn trẻ làm vậy chỉ hướng tới mục đích cá nhân là đề cao hình ảnh bản thân mà không quan tâm đến quảng bá văn hóa, cảnh quan, di tích dân tộc. Việc này cũng thể hiện sự lệch lạc, đề cao cái tôi, lối sống ảo mà quên đi những nguyên tắc ứng xử ở những không gian công cộng”, GS.TS Từ Thị Loan nêu.
Điều 6 Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội quy định rõ việc nên làm và không nên làm tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Việc nên làm: Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn, phát huy nghi thức, giá trị truyền thống, chấp hành quy định, hướng dẫn tại nơi thờ tự, đi nhẹ, nói khẽ, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung. Việc không nên làm: Thực hành, ủng hộ mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, xâm hại lợi ích của tập thể, cá nhân, xâm hại cảnh quan, không gian tín ngưỡng, tôn giáo; mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm.
Việc quảng bá tà áo dài - biểu tượng người phụ nữ Việt Nam - cần được lồng ghép với giá trị chung của dân tộc, cộng đồng |
Mặc đẹp, ứng xử đẹp
GS.TS. Từ Thị Loan nhận định, hành vi trèo tường, nằm nhoài người trên cây vươn ra hồ, hoặc đứng quay lưng với bàn thờ, xoa đầu rùa… để chụp ảnh là hành vi không đúng chuẩn mực ứng xử với di tích linh thiêng, công trình công cộng. Quy định ứng xử nơi công cộng, khu di tích đã có, tuy nhiên hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe. “Bảo vệ không thể nhắc nhở suốt cả ngày được. Nhắc nhở được một nhóm này, nhóm khác vào lại làm y như vậy thì không được”, GS.TS Từ Thị Loan nêu. Theo bà, việc quảng bá tà áo dài - biểu tượng người phụ nữ Việt Nam - cần được lồng ghép với giá trị chung của dân tộc, cộng đồng.
Trang phục giới trẻ sử dụng khi đến địa điểm linh thiêng, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng cũng cần được chấn chỉnh, bởi nhiều bạn thản nhiên mặc áo yếm để chụp ảnh. “Ban Quản lý có biển chỉ dẫn trước cửa di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là cấm mặc áo hai dây, váy ngắn quá đầu gối vào tham quan. Quy định này không chỉ áp dụng cho người Việt mà cả với du khách người nước ngoài. Tuy nhiên, những trường hợp mặc đồ ngắn, đồ hở vẫn diễn ra do sự thiếu ý thức của một bộ phận giới trẻ", GS.TS Từ Thị Loan cho hay.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, việc ăn mặc, chụp ảnh theo trào lưu là điều bình thường. Tuy nhiên, xét theo khía cạnh giáo dục, mặc quần áo không chỉ để đẹp mà còn thể hiện tầm văn hóa của từng cá nhân. “Cách ăn mặc nói lên bạn là ai, trí tuệ của bạn ở đâu, tâm hồn dân tộc của bạn ở đâu. Với thanh niên, du khách thế hệ mới, tôi tin các bạn hấp thu giá trị văn hóa dân tộc rất nhanh. Bởi đất nước ta ở đâu cũng đẹp, trang phục dân tộc ở miền nào cũng đẹp. Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa đẹp đẽ”, anh nêu quan điểm.
(Theo Tiền Phong)