Ngày 18/11/2016, dự án “Tủ sách Lam Sơn” đã tiến hành trao tặng 67 tủ sách với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng cho 04 trường Tiểu học và Trung học cơ sở tại xã Xuân Lâm, Hải Nhân, Định Hải thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Truyền niềm đam mê đọc sách cho các em nhỏ
Đây là hoạt động đầu tiên của dự án trong kế hoạch xây dựng hệ thống thư viện mini đến từng lớp học, nhằm đặt nền móng cho việc xây dựng văn hóa đọc và niềm đam mê đọc sách từ rất sớm cho các em học sinh trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: "So với các nước trong khu vực, tỉ lệ đọc sách của người Việt Nam khá thấp". Trẻ em ở các vùng nông thôn chỉ đọc 0,4-2 cuốn sách/năm ngoài sách giáo khoa, thua trẻ con nhà công chức Hà Nội khoảng 30 lần. Trẻ em Châu Âu đọc khoảng 12.000 phút/năm tương đương 9.000 trang sách = khoảng 45 cuốn sách với mỗi cuốn 200 trang. Sở dĩ có hiện tượng này, là do nguồn tài chính, kinh phí dành cho sách tham khảo, sách truyện ở nông thôn là một vấn đề thách thức lớn, bên cạnh đó, trẻ em nông thôn hầu hết chưa được rèn luyện thói quen đọc sách theo định hướng của nhà trường và gia đình.
Hệ thống thư viện lớp học ”Tủ sách Lam Sơn” được triển khai từ sự hỗ trợ tủ và sách của các cựu học sinh Lam Sơn, các cựu học sinh xuất thân từ tỉnh Thanh, và sự đồng hành của những cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu mến vùng đất này. Dự án được khởi động với thương hiệu "Lam Sơn" để phát huy giá trị tinh thần "học giỏi, thành đạt" đồng thời đánh giá cao sự tham gia làm nòng cốt từ các cựu học sinh Lam Sơn.
Bên cạnh đó, nhìn vào lịch sử dân tộc, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, mang lại nhiều đổi thay cho đất nước, tên gọi Tủ sách Lam Sơn cũng gắn với ý nghĩa này - mong muốn góp phần mang lại sự thay đổi về thói quen đọc sách trong cộng đồng người Việt nói chung và xứ Thanh nói riêng. Khi kỹ năng đọc sách, niềm say mê đọc sách được nhen nhóm, rèn luyện ngay từ những bước đầu của quá trình học văn hóa, và được duy trì suốt cuộc đời, sách sẽ giúp con người nâng cao tri thức.
Gắn kết người cho, chia sẻ trách nhiệm thế hệ
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Ba: “Dự án này cũng là nơi tập hợp các thành viên tích cực của thế hệ đàn anh đi trước, tạo sức lan tỏa, kêu gọi và vận động để xây dựng tủ sách cho con em mình, cho các thế hệ học sinh đàn em trên chính ngôi trường họ đã học, trên chính mảnh đất nơi họ sinh ra. Như vậy, “Tủ sách Lam Sơn” không chỉ có khả năng góp phần làm thay đổi tương lai “người nhận”, mà còn gắn kết sự đoàn kết, chung sức chung lòng của “người cho”. Chúng tôi nhận thấy rằng: Nếu trong mỗi cuốn sách được đóng dấu “Sách do cựu học sinh ưu tú của tỉnh Thanh chia sẻ trách nhiệm xã hội” thì tâm trí nhiều học sinh xứ Thanh sẽ dung chứa tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội. Khi lớn lên, các em lại tiếp tục chia sẻ trách nhiệm xã hội đến thế hệ kế tiếp, Việt Nam sẽ dung chứa những chỉ số của xã hội văn minh”.
Theo tính toán sơ bộ, cả tỉnh Thanh Hoá có khoảng 1600 trường từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tới trung học phổ thông. Nếu trung bình mỗi trường có 15 lớp thì cần tới 24.000 tủ sách. Với khoảng 3 triệu đồng cho một thư viện mini ở lớp học, bao gồm tủ và số lượng đầu sách từ 30 - 60 cuốn sách/tủ cần gần 1.500.000 (một triệu năm trăm) đầu sách. Để triển khai hệ thống thư viện lớp học trên toàn tỉnh Thanh Hóa, cần có 72 tỷ VND cho để thực hiện dự án này.
Chương trình mới được triển khai trong gần 1 tháng qua đã tiếp nhận sự hỗ trợ, đóng góp của các nhà xuất bản, công ty sách, doanh nhân, các cựu học sinh chuyên Lam Sơn và các cá nhân, tổ chức khác với tổng số 3.500 cuốn sách và tủ sách, tương đương 300 triệu đồng. Trong đó, có nhiều đầu sách phong phú như: sách phổ biến kiến thức khoa học, truyện tranh, tâm lý giáo dục, kỹ năng thực hành xã hội, truyện văn học và tham khảo trong nhà trường. Dự kiến trong kế hoạch 10 năm, Tủ sách Lam Sơn sẽ được triển khai trên toàn địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ cả kinh phí từ ngân sách dành cho giáo dục và các nguồn hỗ trợ xã hội.
Thông tin ủng hộ dự án Tủ Sách Lam Sơn: Số tài khoản: 0200.419.88.666 Chủ tài khoản: Lê Thị Quyên Ngân hàng Sacombank, chi nhánh Đống Đa, Hà Nội. |
Thúy Ngà