Gần đây, nhiều vụ đánh tráo, đổi, cắt ghép tiền liên tiếp xảy ra. Đối tượng lừa đảo sử dụng những chiêu thức ngày càng tinh vi khiến cả những người có nhiều kinh nghiệm cũng có thể bị mắc lừa.
Tráo 500.000 đồng và 20.000 đồng 'ma thuật': Nữ quái bị cô bán rau vạch mặt
Cắt, ghép biến tờ 20.000 đồng thành 500.000 đồng
Từ năm 2014, một fanpage trên Facebook từng cảnh báo chiêu lừa dùng hai tờ tiền 20.000 đồng và 500.000 đồng cắt đôi rồi ghép nửa tờ này vào nửa tờ kia và ngược lại để sử dụng mua bán, trao đổi lừa người khác.
Với thủ thuật tinh vi này, người thực hiện chỉ bỏ ra 520.000 đồng sẽ được 1 triệu đồng. Nhưng có một số người không tin và cho rằng điều đó không thể xảy ra vì kích cỡ hai tờ mệnh giá này khác nhau, khi ghép lại sẽ không trùng khớp.
Tờ tiền 20.000 đồng bị cắt, ghép vào tờ tiền 500.000 đồng. (Ảnh: PL TP.HCM) |
Hiện điều đó đã được khẳng định là có thật bởi công an vừa bắt giữ một người thực hiện hành vi cắt, ghép tiền như trên.
Cụ thể, ngày 22/12, Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết đang làm rõ hành vi cắt, ghép giữa hai tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng và 20.000 đồng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Khẩn (44 tuổi, ngụ huyện Di Linh).
Bà Khẩn đã cắt hai tờ tiền mệnh giá khác nhau này đem trộn lẫn vào cọc tiền đều có mệnh giá 500.000 đồng đến ngân hàng hoặc các doanh nghiệp có dịch vụ chuyển tiền gửi vào tài khoản của chính mình. Lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều tờ tiền cắt ghép từ tờ 20.000 đồng và 500.000 đồng khác được kẹp trong cọc tiền 500.000 đồng giấu trong cốp xe và ví cá nhân của đối tượng.
Tráo đồng 500 nghìn nhanh như chớp
Ngày 29/11 vừa qua, một khách nam vào cửa hàng giày ở Biên Hòa, Đồng Nai để mua đôi tất giá 25 nghìn đồng. Sau một hồi trao đổi qua lại với nữ nhân viên cửa hàng, khách nam này đưa tờ 500.000 đồng để thanh toán tiền tất và nhận lại 475.000 đồng tiền thừa. Song, khách nam lại đổi ý không mua nữa, trả lại tiền thừa và yêu cầu nữ nhân viên đưa lại tờ 500.000 ban đầu.
Clip: Người đàn ông tráo tiền, đánh lừa nhân viên bán hàng. (Nguồn: Người Đồng Nai)
Đến khi vị khách rời đi, cô gái mới tá hỏa phát hiện ra mình vừa bị lừa mất 400 nghìn đồng. Chỉ trong chớp mắt, tên này đã giấu 400 nghìn và chỉ đưa lại nữ nhân viên 75 nghìn mà cô không hề hay biết. Thậm chí theo dõi đoạn clip, nhiều người cũng chưa bắt kịp được khoảnh khắc tên này giấu số tiền đi.
Clip:Tráo đồng 500.000 và 200.000 nhanh như chớp, kẻ lừa đảo bị cô bán rau "nắn gân".
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội cũng chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ cố gắng đánh tráo tờ 500.000 đồng bằng tờ 20.000 đồng tại cửa hàng rau. Nhưng hành vi này đã không qua mắt được người bán hàng và kết cục, người phụ nữ này phải xin lỗi rồi nhanh chóng rời đi.
Lừa trả tiền âm phủ cho du khách nước ngoài
Ngày 17/7, trên mạng xã hội facebook xuất hiện thông tin kèm theo clip phản ánh việc 2 du khách Pháp bị một người lái xe xích lô trả lại 900.000 đồng tiền âm phủ, sau khi thuê người này chở đi tham quan phố cổ với mức phí 600.000 đồng/giờ.
Du khách nước ngoài và những đồng tiền âm phủ |
Sau đó, Công an quận Hoàn Kiếm vào cuộc điều tra, xác minh. Hai du khách xuất hiện trong clip mang quốc tịch Tây Ban Nha chứ không phải mang quốc tịch Pháp.
Đối tượng cố tình trả tiền thừa bằng tiền âm phủ là lái xe taxi chứ không phải lái xe xích lô. Tài xế taxi này đã lấy trong xe 3 tờ tiền âm phủ, hai tờ mệnh giá 200.000 đồng và một tờ mệnh giá 500.000 đồng đưa cho du khách nước ngoài.
Màn phù phép biến đồng 500.000 thành 20.000 của tài xế taxi dỏm
Clip: Màn phù phép ‘đồng 500.000 thành 20.000' của các taxi dỏm tại TP.HCM.
Theo điều tra của PV báo Pháp luật TP.HCM, cả trăm taxi dù đang chạy và đậu ở các khu đắc địa tại trung tâm TP.HCM. Họ giở lắm chiêu trò móc túi khách hàng, chủ yếu là du khách, bằng việc cho đồng hồ nhảy với tốc độ “phi mã”, tráo tiền trong nháy mắt.
Tài xế taxi dỏm đã tráo tờ tiền 500.000 đồng thành tờ 20.000 và hô hoán đủ trò. Thậm chí, khi khách nói sẽ gọi 'police' thì các tài xế này la làng lên “mafia”.
Các tài xế taxi dù thường điều khiển đồng hồ tính cước có mức giá nằm giữa khoảng 400.000 đến 600.000 đồng hoặc dưới 1 triệu đồng, để dễ tiếp xúc tờ 500.000 đồng của khách, nhằm đánh tráo bằng tờ 20.000 đồng.
Tài xế taxi dù tráo tờ 500.000 đồng của khách thành tờ 20.000 đồng. (Ảnh cắt từ clip) |
Chiêu tráo đôla lẻ lừa tiền tỷ của Tây balô
Gần đây, một số trung tâm môi giới du lịch và cửa hàng vàng bạc ở Hà Nội xuất hiện nhiều khách ngoại quốc đến đề nghị đổi ngoại tệ sang tiền Việt. Nhưng chỉ sau ít phút khách "ngắm nghía", hàng chục ngàn đôla của cửa hàng biến mất.
Vào cuối tháng 9/2015, một chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc tại quận Hoàn Kiếm đã bị lừa mất hàng tỷ đồng qua chiêu đổi đôla. Trước đó, trong 2 tháng 7 và 8/2015, trên địa bàn TP. Hà Nội xảy ra ít nhất 5 vụ người nước ngoài nhờ đổi tiền để trộm cắp, với số tiền từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Những cọc tiền mệnh giá 100USD rất dễ bị tráo loại mệnh giá nhỏ hơn. |
Thủ đoạn của các đối tượng là vờ mua hàng, hoặc loanh quanh khu vực ngân hàng rồi tiếp cận nhờ đổi tiền Việt sang đôla hoặc ngược lại. Thừa lúc bị hại không chú ý, các đối tượng sẽ rút lõi hoặc tráo tiền mệnh giá thấp. Khi khổ chủ phát hiện ra thì chúng đã cao chạy xa bay.
Dùng tiền âm phủ tráo đôla trong ngân quỹ
Năm 2013, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hải Phòng phê chuẩn lệnh khởi tố bị can, tạm giam Đỗ Thị Thu Thủy - nguyên trưởng quỹ kho tiền Ngân hàng xăng dầu (PG Bank) chi nhánh Hải Phòng - về hành vi trộm cắp tài sản.
Từ tháng 7/2013 đến tháng 10/2013, lợi dụng việc quản lý kho quỹ tại Ngân hàng PG Bank Hải Phòng có nhiều sơ hở, đó là việc các nhân viên ngân hàng có đồng trách nhiệm quản lý kho quỹ với Thuỷ chỉ kiểm đếm số tiền mặt thực tế trong quỹ theo số lượng cọc tiền bên ngoài, không kiểm tra chi tiết bên trong lõi các cọc tiền. Thấy vậy, Thuỷ đã bí mật lấy tiền ngoại tệ ở trong két.
Để tránh bị phát hiện khi kiểm quỹ tiền mặt hàng ngày, Thuỷ mua tiền đôla vàng mã xếp lẫn vào với tiền thật cho đủ số lượng các cọc tiền. Bên cạnh đó, Thuỷ sửa số liệu số dư tiền USD và tiền EUR trên báo cáo khi kiểm tra quỹ tiền mặt.
Trong hơn 3 tháng, tổng cộng số tiền Thủy đã cuỗm được đến hơn 300 nghìn USD và gần 40.000 EUR mà ngân hàng PG Bank không hề biết.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Cảnh giác chiêu biến tờ 20.000 đồng thành 500.000 đồng
Chuyện hô biến 20.000 đồng thành 500.000 đồng để lừa người khác là có thật chứ không còn là lời đồn đại như trên mạng lâu nay.