Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh, nhưng trẻ bú bình lại ít khóc và tỏ ra dễ bảo hơn.
Một nghiên cứu mới nhất về trẻ sơ sinh tại Anh nhận thấy, những em bé bú mẹ khóc nhiều hơn, cười ít hơn và khó dỗ dành cũng như đánh thức hơn so với những em bé nuôi bộ.
Mặc dù vậy, các chuyên gia của Đại học Cambridge khẳng định, sự dễ bị kích thích này là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên chứ không phải là dấu hiệu của stress, càng không phải là biểu hiện của việc bị đói.
Thay vào đó, đấy là cách trẻ kết nối với mẹ và tìm kiếm sự chú ý, cảm giác an toàn. Dù những em bé bú bình tỏ ra “thuần tính” hơn nhưng có thể đó là dấu hiệu cho thấy các bé đã ăn quá no.
Cách ăn tác động đến tâm trạng
Theo DailyMail, các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi phản ứng, hành vi và tâm trạng của hơn 300 trẻ em bé khi chúng mới được 3 tháng tuổi. Các bà mẹ đã được yêu cầu trả lời gần 200 câu hỏi về con mình, từ cách chúng phản ứng khi được tắm, thay quần áo cho đến mức độ dễ/khó khi ru ngủ.
Kết quả cho thấy hầu như không có sự khác biệt giữa bé trai và bé gái, độ tuổi của người mẹ cũng như gia cảnh của phụ huynh. Tuy nhiên, nó cho thấy có sự liên hệ rõ ràng với cách thức cho bé ăn, tạp chí PLos ONE cho hay.
Bác sĩ Ken Ong của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa – Đại học Cambridge tin rằng, tiếng khóc của một em bé bú mẹ không có nghĩa là bé đang đói. Mà đôi khi, bé khóc chỉ vì muốn mẹ nựng, dỗ dành và gần gũi.
Sữa mẹ vẫn là tối ưu
Ngược lại, những em bé bú bình đôi khi bị thừa dinh dưỡng và lên cân quá nhanh. “Kể cả ở giai đoạn sơ sinh, con người cũng dễ dàng cảm thấy sự thoải mái khi ăn. Thay vì ngần ngại với việc cho trẻ bú mẹ, các bậc phụ huynh nên có cách hiểu thực tế về hành vi “bình thường” ở trẻ sơ sinh”, Tiến sĩ Ong khuyến cáo.
Những nghiên cứu trước đây đã kết luận, sữa mẹ sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ béo phì, bị chàm eczema, đau tai, ngực và bụng. Cho trẻ bú mẹ có thể giúp trẻ có thói quen ăn uống điều độ hơn khi lớn lên, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư ở người mẹ và đặc biệt là giúp mẹ giảm cân nhanh.
Trọng Cầm