Với tổng vốn đầu tư lên đến 1,7 tỷ USD, dự án hướng vào cải thiện môi trường học tập và khuyến khích sự chuyển tiếp thuận lợi của trẻ em dân tộc thiểu số từ mầm non tới tiểu học, thông qua việc nâng cao năng lực của giáo viên mầm non, tiểu học và phụ huynh, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự án do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ và được thực hiện bởi tổ chức phi chính phủ Plan International cùng các đối tác địa phương.

{keywords}
Trẻ em dân tộc thiểu số có thể học tốt hơn nếu được đặt niềm tin. Ảnh minh họa

Phần lớn dân số huyện Sìn Hồ và huyện Kon Plông là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Một số điểm trường ở các bản làng xa xôi hẻo lánh không có hệ thống điện nước. Trẻ em gặp nhiều khó khăn bởi rào cản ngôn ngữ do khi đến lớp các em phải học tất cả các môn bằng tiếng Việt trong khi tiếng dân tộc lại là ngôn ngữ các em dùng hàng ngày. Trong khi đó, phần lớn giáo viên là người dân tộc Kinh, còn ít hoặc không có kiến thức về văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào DTTS tại địa phương.

Trước những vấn đề này, dự án được xây dựng nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy và học, khuyến khích sự chuyển tiếp thuận lợi từ mầm non sang tiểu học, xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện với trẻ em. Cụ thể, hơn 400 giáo viên mầm non và tiểu học được tham gia tập huấn và nâng cao năng lực; 5.500 học sinh mầm non và tiểu học có cơ hội tiếp cận tới nguồn sách truyện của dự án; 9 trường học đã được nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng lớp học với hệ thống vệ sinh nước sạch.

Sau 3 năm, dự án đã giúp thay đổi cuộc sống của hơn 6.000 học sinh, giáo viên, cán bộ và phụ huynh của 2 huyện kể trên. Dự án cũng giúp giáo viên và cán bộ tham gia trong ngành giáo dục thấy được rằng trẻ em DTTS có thể học tốt hơn nếu người lớn xung quanh không từ bỏ niềm tin vào khả năng của các em, đồng thời xây dựng môi trường học tập chất lượng tập trung vào chính các em.

Theo ông Yuichiro Tabuchi, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam “Dự án đã giúp giải quyết những thách thức mà cộng đồng dân tộc thiểu số phải đối mặt, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển kinh tế, hoàn toàn phù hợp với tiêu chí “an ninh con người”, một trong những ưu tiên chính của các nguồn vốn tài trợ từ chính phủ Nhật Bản”.

Bài: Mỹ Hòa - Nhóm PV
Ảnh: Mai Hương - Nhóm PV