Ở nhiều quốc gia, trẻ em nhà nghèo và nhà giàu gần như sử dụng cùng một lượng thời gian cho việc sử dụng Internet. Nhưng cách họ sử dụng Internet thì khác nhau.

{keywords}

Theo một nghiên cứu mới từ OECD, những thanh thiếu niên giàu hơn có xu hướng sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin hoặc đọc tin tức nhiều hơn là chat chit hoặc chơi game.

Báo cáo dựa trên dữ liệu từ hơn 40 quốc gia này cũng kết luận rằng, thậm chí khi trẻ nhà giàu và nhà nghèo bình đẳng trong việc tiếp cận với Internet thì vẫn có một khoảng cách trong cách mà chúng sử dụng.

Năm 2012, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn dành thời gian “online” không hề kém các bạn cùng lứa giàu có hơn – tính trung bình ở các nước thuộc OECD. Ở 21/42 quốc gia và nền kinh tế, trẻ em nghèo còn dùng Internet nhiều hơn trẻ em giàu.

Ở 5 nước Bắc Âu cũng như Hồng Kông, Hà Lan và Thụy Sỹ, hơn 98% trẻ em nghèo có kết nối Internet tại nhà.

Ngược lại, ở một số quốc gia thu nhập thấp và trung bình, những đứa trẻ nghèo nhất chỉ có kết nối Internet ở trường. 50% học sinh Thổ Nhĩ Kỳ, 45% Mexico, 40% Jordan và 38% ở Chi-lê và Costa Rica có kết nối Internet ở nhà.

“Việc tiếp cận bình đẳng không đồng nghĩa với cơ hội bình đẳng” – báo cáo cho hay, đồng thời cũng chỉ ra rằng trong khi bất cứ ai đều có thể sử dụng Internet để khám phá thế giới, để cải thiện các kỹ năng hay tìm kiếm một công việc tốt, thì những học sinh nghèo lại ít khi nhận thấy những cơ hội mà công nghệ kỹ thuật số mang lại cho mình.

“Họ có thể không có những kiến thức hay kỹ năng cần thiết để biến những cơ hội online thành cơ hội thực” – báo cáo nói.

Các dữ liệu của nghiên cứu được thu thập như một phần của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD – một nghiên cứ về năng lực các môn toán, khoa học và đọc hiểu ở học sinh 15 tuổi trên khắp thế giới.

Kết quả PISA cho thấy sự khác biệt về kinh tế xã hội trong cách người trẻ sử dụng Internet có liên quan chặt chẽ với thành tích học tập của chúng.

Một mặt, báo cáo thừa nhận những nỗ lực thu hẹp khoảng cách trong việc tiếp cận Internet, mặt khác nó cũng cho rằng việc phát triển kỹ năng đọc ở người trẻ sẽ giúp giảm sự bất bình đẳng về kỹ thuật số.

“Nếu mọi đứa trẻ đều có khả năng đọc hiểu ở mức độ cơ bản thì sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tạo ra những cơ hội bình đẳng trong một thế giới kỹ thuật số, hơn là chỉ mở rộng hay trợ cấp để trẻ đến với những dịch vụ và thiết bị công nghệ cao” – báo cáo khẳng định.

  • Nguyễn Thảo (Theo Weforum)