Ths Bác sĩ Ngô Dũng Tuấn, Giảng viên bộ môn sinh lý học, ĐH Y Hà Nội cho rằng, những lầm lạc của bố mẹ khi nuôi con chính là nguyên nhân hàng đầu khiến cho trẻ bị ốm bệnh liên miên.

Đừng cho con ăn… “rác”

Trong buổi hội thảo “Nuôi con khỏe mạnh không cần can thiệp y tế”, Ths. Bác sĩ Ngô Dũng Tuấn đã chia sẻ những vấn đề mà phần lớn cha mẹ hiện nay mắc phải khi nuôi con nhỏ. Trước thực tế tỉ lệ trẻ em bị mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận, các bệnh về máu ngay từ khi còn ở lứa tuổi rất nhỏ, cũng như tình trạng các bệnh viện, khoa nhi luôn quá tải bệnh nhân không chỉ vào thời điểm dịch bệnh hoành hành, BS Tuấn cho rằng: “Gốc rễ của vấn đề chính là do cách nuôi con hiện nay của phần lớn cha mẹ. Những lầm lạc của bố mẹ khi nuôi dạy con chính là nguyên nhân hàng đầu khiến cho trẻ hay bị ốm đau, bệnh tật, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tiêu hóa”.

{keywords}

Theo BS Ngô Dũng Tuấn, để nuôi con khỏe mạnh, bố mẹ không chỉ cần thông thái về kiến thức mà còn cần đầu tư thời gian để kiên nhẫn đồng hành cùng con. (Ảnh: Hải An)

Mục tiêu nuôi con của phần lớn cha mẹ hiện nay là “nuôi con to béo” chứ không phải là “nuôi con khỏe mạnh” nên chuyện ăn uống trở thành một nỗi ám ảnh của nhiều gia đình, càng nghiêm trọng hơn khi bố mẹ chưa biết nuôi con bằng một chế độ ăn lành mạnh nên dẫn tới một vòng luẩn quẩn.

Theo BS Tuấn, quan điểm "thương con là cho con cái ăn uống thoải mái" là hết sức sai lầm, nó dẫn đến việc bố mẹ cho con ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ chế biến sẵn, đồ ăn nhanh như bim bim, bánh kẹo, nước ngọt, kem, gà rán KFC, mì ăn liền,... Nhiều bố mẹ thì ra sức tẩm bổ cho con bằng các loại sữa, sữa chua, váng sữa... đều có nhiều đường một cách vô tội vạ. Nhiều bố mẹ khác thì lại hay cho ăn thức ăn đường phố, ăn hàng. Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo một ngày không đưa vào người quá 6 thìa con đường, thì số lượng đường mà nhiều bố mẹ đang đưa vào người con hiện nay cao gấp nhiều lần con số tối đa này.

BS Tuấn cho biết: “Tiêu chí đầu tiên để có thể nuôi con khỏe mạnh là phải giữ cho con thể của con “sạch” từ bên trong, một cơ thể “sạch” là cơ thể không có “rác”. BS Tuấn định nghĩa một cách đơn giản “rác” của cơ thể là tất cả những gì không tham gia vào quá trình trao đổi chất, tạo năng lượng của cơ thể, không dùng để xây dựng và tái tạo tế bào cơ thể ví dụ như các thực phẩm sinh a-xít là đường trắng, tất cả các sản phẩm tinh chế, chế biến công nghiệp như bánh kẹo, các đồ ăn liền, ăn nhanh, nước ngọt có ga,...

Nước chiếm tới 80% trọng lượng cơ thể (chất dịch, máu) tạo nên môi trường bên trong gọi là nội môi. Nội môi lý tưởng cần phải hơi có tính kiềm, độ pH khoảng 7.35 – 7.45. Các cơ quan, đặc biệt là thận sẽ tìm cách kiềm hóa cơ thể nếu nội môi mang tính a-xít. Việc hiện nay các bố mẹ cho con ăn một cách bừa bãi quá nhiều thực phẩm sinh a-xít trong cơ thể khiến các cơ quan, đặc biệt là thận phải hoạt động quá tải làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm ở trẻ. Bên cạnh đó, những thực phẩm sinh a-xít kể trên cũng là nhóm thực phẩm hàng đầu gây ra các viêm nhiễm thường gặp ở trẻ như viêm phế quản, viêm họng, viêm phổi....

Tuy nhiên, điểm danh trong tất cả những thực phẩm trên thì phần lớn đó lại là những đồ ăn mà bố mẹ thường cho con ăn hàng ngày, cộng thêm thói quen sống thiếu lành mạnh, lười vận động, phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ khiến cho sức đề kháng của trẻ bị suy giảm, hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu. Không chỉ thế, đây còn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tim mạch, tiểu đường, béo phì, rối loạn tâm lý... khi trẻ còn ở độ tuổi rất nhỏ.

{keywords}

Cảnh cho con đi ăn rong ở công viên, hè phố, nơi công cộng là cảnh thường thấy ở Việt Nam. Thái độ ăn uống thiếu lành mạnh là một nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc trẻ hay ốm đau, bệnh tật. (Ảnh: Hải An)

Nuôi con khỏe mạnh như thế nào?

BS Ngô Dũng Tuấn tư vấn, để giúp trẻ tăng sức đề kháng và có hệ miễn dịch khỏe mạnh, bố mẹ cần tuân theo 3 nguyên tắc dưới đây:

- Giữ cho cơ thể con "sạch" bằng cách không cho con ăn "rác" hàng ngày. Xây dựng cho trẻ chế độ ăn lành mạnh và cân đối, nên ưu tiên các loại rau xanh, củ quả. Tuyệt đối không nên cho con ăn các thực phẩm sinh a-xít trong cơ thể đã kể ở trên.

- Sống gần gũi với thiên nhiên bằng cách giúp con tránh xa các thiết bị điện tử, giải trí hiện đại, khuyến khích con vui chơi ngoài trời, tìm hiểu, khám phá thiên nhiên.

- Cần có chế độ rèn luyện con quen với các hoạt động thể dục, chăm chỉ vận động, thích thú chơi thể thao. Nên để con hòa mình với thiên nhiên, học cách chịu đựng thời tiết nóng, lạnh, khí hậu bất thường. Đặc biệt, hãy để con hiểu được cảm giác "thiếu thốn" để con biết trân trọng và yêu quý hơn những gì mình đang có.

(Theo Happy Moms / Trí Thức Trẻ)