Ở thời điểm hiện tại, khi mà công nghệ di động đang dần phổ biến thì một trong những băn khoăn lớn nhất của các bậc phụ huynh là ở tuổi nào trẻ em được phép sử dụng smartphone.

Ngoài chức năng nghe gọi, smartphone còn có thể quay phim, chụp ảnh, truy cập vào Internet để chia sẻ hình ảnh, xem video, tham gia mạng xã hội... nhưng cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm khó lường.

{keywords}

Một khảo sát mới được tiến hành ở Mỹ bởi nhà cung cấp dịch vụ di động Zact cho thấy rằng 56% trẻ em Mỹ ở độ tuổi từ 10-13 tuổi sở hữu một chiếc smartphone, trong khi khủng khiếp hơn là có 25% trẻ ở độ tuổi từ 2-5 tuổi sở hữu một chiếc smartphone.

Lưu ý, kết quả khảo sát này chỉ đúng ở Mỹ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu có nên cho trẻ em sở hữu một chiếc smartphone và nếu có thì độ tuổi nào là phù hợp?

Để trả lời câu hỏi trên mời độc giả theo dõi những lời khuyên từ các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học và công nghệ trẻ em dưới đây.

Smartphone sẽ được sử dụng cho mục đích gì?

Nếu cô con gái 10 tuổi của bạn đề nghị bạn mua cho cô bé một chiếc smartphone có thể bạn sẽ từ chối ngay lập tức bởi vì bạn cho rằng cô bé còn quá nhỏ. Nhưng trước khi từ chối bạn nên hỏi cô bé tại sao lại muốn có một chiếc smartphone.

{keywords}

Smartphone có thể hỗ trợ bạn trong việc giáo dục trẻ em.

"Câu hỏi cần đặt ra là "Smartphone sẽ được sử dụng cho mục đích gì?" chứ không phải độ tuổi nào trẻ em nên được sử dụng nó", tiến sĩ Pamela Rutledge, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học Truyền thông, Mỹ cho biết. Bà cũng khuyến cáo rằng các bậc cha mẹ nên xem xét yêu cầu mua smartphone của trẻ dưới quan điểm thực tế.

"Nếu đứa trẻ hoạt động thể thao tích cực, tham gia nhiều hoạt động xã hội mà hay phải liên lạc ngay lập tức thì nên trang bị cho trẻ một chiếc smartphone", Rutledge nói.

Tất nhiên, đôi khi những đứa trẻ của bạn chỉ đơn giản muốn một chiếc smartphone cho "bằng bạn bằng bè". Bà Rutledge cho rằng ở lớp 4 hoặc lớp 5 (tại Mỹ) những đứa trẻ chưa có smartphone bắt đầu ganh tỵ với những bạn sở hữu smartphone ở trong lớp.

Ngoài ra, trước khi đưa ra quyết định của các bậc phụ huynh cũng nên xem xét khả năng hỗ trợ giáo dục trẻ em của một smartphone. Hiện trong kho ứng dụng App Store của Apple và Google Play Store đều có những ứng dụng có thể giúp bạn dạy trẻ tất cả mọi thứ từ kỹ năng cơ bản về nghệ thuật ngôn ngữ tới những phép tính cơ bản.

Tiếp cận công nghệ sau khi đã trưởng thành về mặt tâm lý

Các chuyên gia tâm lý học và phát triển trẻ em đồng thuận với nhau rằng không có một độ tuổi chung để xác định trẻ sẵn sàng sở hữu một smartphone. Bà Rutledge lưu ý các bậc phụ huynh rằng cho trẻ tiếp cận với công nghệ di động sớm sẽ giúp chúng có nền tảng vững chắc mà chúng cần để hoạt động trong thế giới ngày càng "số hóa". Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra rằng các bậc phụ huynh nên cho trẻ sở hữu smartphone khi trẻ đã trưởng thành một cách hài hòa giữa thể chất và tinh thần.

{keywords}

Smartphone có thể làm suy giảm những tương tác mặt đối mặt giữa các trẻ.

Tiến sĩ Sherry Turkle tại Học viện Khoa học Xã hội Massachusetts, Mỹ cho biết không có gì sai khi trang bị smartphone cho trẻ em, nhưng smartphone có thể làm suy giảm những tương tác mặt đối mặt giữa các trẻ do đó ảnh hưởng xấu tới quá trình phát triển tâm lý và khả năng giao tiếp của trẻ.

"Đối thoại với người khác giúp trẻ có thể học hỏi được cách tự đối thoại với bản thân", bà Turkle nói. "Đây là nền tảng của sự phát triển trong quá trình trưởng thành của trẻ".

Bà Turkle tin rằng trẻ em nên học cách ở một mình. Smartphone sẽ ảnh hưởng xấu tới khả năng ở một mình của trẻ, vì chúng sẽ luôn muốn sử dụng smartphone để liên lạc với ai đó hoặc chơi game khi chúng chỉ có một mình.

{keywords}

Smartphone sẽ ảnh hưởng xấu tới khả năng ở một mình của trẻ, vì chúng sẽ luôn muốn sử dụng smartphone để liên lạc với ai đó hoặc chơi game khi chúng chỉ có một mình.

"Trẻ em phải học cách thoải mái khi ở một mình mà không cần gọi cho ai hay chơi trò chơi", bà Turkle nhấn mạnh. "Hiện tại, những khi ở một mình, dù chỉ trong vài phút, người ta thường tìm đến chiếc điện thoại".

Giúp đỡ hoặc làm tổn thương quá trình phát triển

Bà Rutledge chỉ ra rằng không có bằng chứng nào chứng tỏ smartphone ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội của trẻ em. Tuy nhiên cũng có những nghiên cứu chỉ ra rằng việc dành quá nhiều thời gian cho smartphone đang trở thành vấn đề.

{keywords}

Tiếp cận với công nghệ di động sớm sẽ giúp trẻ có nền tảng vững chắc trong thế giới ngày càng "số hóa".

"Ngoài ra cũng có bằng chứng cho thấy công nghệ có thể giúp trẻ học tập hiệu quả hơn", bà Rutledge nói.

Michael Moyer, cha của một cậu bé 2 tuổi cho biết, luôn giữ chiếc iPhone của ông trong túi khi cậu bé ở gần ông. Tuy nhiên, Moyer cũng thừa nhận chiếc smartphone của ông đã từng được sử dụng như là một công cụ làm phân tâm cậu bé trong các trường hợp đặc biệt căng thẳng. "Bé sợ văn phòng của bác sĩ nên khi chờ tới lượt khám tại đó chúng tôi đưa cho bé chiếc smartphone để giúp bé giảm căng thẳng", ông nói.

Moyer cũng chia sẻ rằng ông sẽ cho con ông sở hữu smartphone khi cậu bé được 6 - 7 tuổi, tuy nhiên ông vẫn hoài nghi về khả năng sử dụng smartphone như là một công cụ học tập.

"Trẻ em nên học hỏi từ người khác, không phải từ một màn hình động", Moyer nói.

Tuổi 13-17 là độ tuổi thích hợp

Tiến sĩ Kathleen Clarke-Pearson, cựu thành viên của Học viện Hội đồng Nhi khoa trên Truyền thông và Đa phương tiện Mỹ, tin rằng thời điểm trẻ em bước vào trường trung học là thời điểm cuộc sống của chúng trở nên độc lập hơn. Do vậy trang bị smartphone cho trẻ ở độ tuổi này sẽ giúp các bậc phụ huynh gần gũi hơn với trẻ.

{keywords}

Nên trang bị smartphone cho trẻ 13-17 tuổi.

"Smartphone giúp cha mẹ kết nối với con cái", Clarke-Pearson nói. "Smartphone sẽ giúp cha mẹ có nhiều cơ hội giao tiếp với con cái hơn và ngược lại, trẻ có thể nhắn tin SMS cho mẹ để chia sẻ rằng "Con cảm thấy khó chịu", hoặc "Con bị bắt nạt", hay "Thầy giáo bận, con được về sớm mẹ đón con nhé"". Mặt khác, chuyên gia này cũng cho rằng không nên cho trẻ dưới lớp 6 sở hữu smartphone.

Bà Turkle thì không đưa ra một hướng dẫn cụ thể nhưng bà cũng khuyên các bậc phụ huynh nên thận trọng và nên xử lý khéo léo. "Tôi không nghĩ có một thời điểm cụ thể, tuổi cụ thể cho việc sử dụng smartphone. Nhưng tôi nghĩ việc này nên trì hoãn càng lâu càng tốt", bà nói.

Các bậc phụ huynh không nên từ chối một cách áp đặt và nên thảo luận về vấn đề này với trẻ. "Từ chối không chỉ vô tác dụng, đôi khi nó còn khiến sự việc trở nên phức tạp hơn", bà Rutledge chia sẻ.

Giữ an toàn cho trẻ khi sử dụng smartphone

Rõ ràng là chẳng có công ty nào đưa ra khuyến cáo về thời điểm thích hợp để trang bị cho trẻ một chiếc smartphone. Tuy nhiên, các chuyên gia đều đồng ý rằng vấn đề an toàn là vấn đề tối quan trọng khi trẻ đã sở hữu một chiếc smartphone.

Cha mẹ nên nói chuyện với trẻ và phác thảo chính xác những gì trẻ có thể làm với smartphone của trẻ.

"Trẻ không nên sử dụng smartphone hoặc Internet nếu chưa hiểu về những nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng tới sự riêng tư, về việc dữ liệu trên mạng sẽ tồn tại vĩnh viễn, hay về khả năng tìm kiếm và nghi thức mạng", Rutledge nói. "Hãy so sánh smartphone với một chiếc xe: Nó rất hữu ích nhưng cũng rất nguy hiểm. Bạn không thể giao chìa khóa cho trẻ nếu chưa dạy họ cách lái xe và cách sử dụng xe".

Bà Rutledge đề xuất một ý tưởng rất hay là các bậc phụ huynh có thể tạo ra một "hợp đồng" với trẻ với các điều khoản quy định những gì trẻ có thể làm và những gì trẻ không được làm trên smartphone của chúng. Trẻ cũng nên hiểu ý nghĩa của khả năng chia sẻ không giới hạn trên Internet. "Không có gì gọi là "riêng tư" trên Internet".

Để ngăn trẻ không chia sẻ những thông tin cá nhân trực tuyến hay truy cập vào các trang web có nội dung không phù hợp các phụ huynh có thể thiết lập chế độ sử dụng hạn chế cho trẻ. Hiện Android 4.3 với tính năng "Quản lý người dùng" và Windows Phone 8 với Kid's Coner sẽ hỗ trợ các phụ huynh trong vấn đề này.

Kết luận

Các chuyên gia không phản đối việc cho trẻ sở hữu smartphone. Thực tế họ cho rằng smartphone là công cụ học tập hữu ích và nó còn giúp cha mẹ giữ liên lạc với con cái. Nên cho trẻ sử dụng smartphone khi bắt đầu vào trường trung học với điều kiện trẻ thể hiện đã trưởng thành về mặt tâm lý.

{keywords}

Cha mẹ không nên mang smartphone vào bàn ăn hoặc quá chú ý vào smartphone mà quên đi sự hiện diện của trẻ.

Tuy nhiên, cha mẹ nên ngồi lại với con cái và dạy cho họ có trách nhiệm khi sử dụng smartphone. Đặc biệt, cha mẹ nên cảnh báo trẻ về các mối nguy hiểm từ các trang web khiêu dâm cũng như cách để trở thành một công dân số lành mạnh.

Hãy ghi nhớ: Trẻ em sẽ học hành vi kỹ thuật số bằng cách quan sát nên "nếu bạn không muốn trẻ lạm dụng smartphone của trẻ thì bạn phải tôn trọng ranh giới mà bạn muốn trẻ làm theo. Bạn không nên mang smartphone vào bàn ăn, không nhắn tin khi đang lái xe trước mặt trẻ và không nên bỏ mặc trẻ khi bạn sử dụng Internet".

Theo Vnreview/Laptop Mag