- Trước hiện tượng ngày càng nhiều em trong lứa tuổi học sinh tìm đến cái chết, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Phòng Tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em (TP.HCM) về nguyên nhân của hiện tượng này.

Phóng viên: Thưa chuyên gia tâm lý Lê Khanh, hiện tượng nhiều bạn trẻ trong lứa tuổi học sinh tìm đến cái chết có phải do “khủng hoảng tâm lý tuổi mới lớn” không?
 
Nhà tâm lý Lê Khanh: Đúng là trong quá trình phát triển về tâm lý, có những giai đoạn như khủng hoảng tuổi lên 3, khủng hoảng ở tuổi dậy thì – những trẻ trong giai đoạn này thường có những ứng xử thái quá hoặc khó kiểm soát được cảm xúc của mình.
 
Thế nhưng nếu cho rằng nguy cơ tự tử của các bạn trẻ là do tác động của sự khủng hoảng này là rất phiến diện, cũng như cho rằng những hành vi bướng bỉnh hay quá nhõng nhẽo của trẻ lên 3 cũng là do ảnh hưởng khủng hoảng.
 
Điều này thường giúp cho mọi người “an tâm” vì nếu là vậy, đó là do ảnh hưởng tâm sinh lý mà thôi. Trong khi những yếu tố dẫn đến hành vi tư tử rất phức tạp, thường đến từ áp lực gia đình và tác động của  xã hội.
 
Nguyên nhân dẫn đến tự tử ở người lớn và trẻ em giống và khác nhau ở điểm gì?
 
Có thể nói tình trạng mất tự chủ, không kiểm soát được cảm xúc là yếu tố xuyên suốt trong mọi cái chết của người lớn và trẻ em, và ẩn chứa bên trong đó, hành vi tự tử được xem là một phản ứng lại những áp lực của gia đình và xã hội, đó được xem như là một biện pháp chống đối hay trả thù một cách tiêu cực, tự giết mình để gây ra sự đau khổ cho những người thân quen.
 
Do đó, lứa tuổi có nguy cơ tự tử cao nhất là từ 15 đến 24, bởi vì ở lứa tuổi này, các em có thể chủ động thực hiện hành vi tự tử, nhưng đây cũng là lứa tuổi bồng bột thường làm trước khi nghĩ, vì thế dễ đưa đến sự mất kiểm soát về hành vi.

Có một điểm khác biệt lớn là yếu tố đưa đến hành động tự tử ở trẻ em hay giới trẻ hầu hết là vì tổn thương đến cá nhân, còn với  một số người lớn tự tử nhằm hy sinh bản thân để bảo vệ một lý tưởng, một tổ chức hay những người thân, người bạn của mình...

Nếu như người chết lại là một người có quan hệ gắn bó với mình thì đôi khi cũng đưa đến một trạng thái “thấu cảm” để nếu không kiểm soát được cảm xúc bản thân thì người ngăn cản có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo.

 
Ẩn chứa bên trong đó, hành vi tự tử được xem là một phản ứng lại những áp lực của gia đình và xã hội, đó được xem như là một biện pháp chống đối hay trả thù một cách tiêu cực, tự giết mình để gây ra sự đau khổ cho những người thân quen.
 
Có ý kiến cho rằng, người tự tử thực ra là người đã có ý định chết từ lâu, và nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết như bị bố mẹ hay thầy cô mắng…chỉ là cái cớ mạnh mẽ nhất khiến họ hành động nhanh (những ca tự tử thành công luôn dùng những hình thức chắc chắn mang đến cái chết). Vậy nguyên nhân sâu xa nhất của tự tử là vì sao?
 
Đúng là với những người có ý định tự tử thì đa số đều có những dấu hiệu báo động và sự tác động cuối cùng để đưa đến cái chết chỉ là một giọt nước làm tràn ly.
 
Điều này phản ánh ở chỗ tỷ lệ các em gái tự tử cao hơn các em trai, vì các em gái chịu nhiều áp lực cũng như sự coi thường hơn Tuy nhiên, tỉ lệ tự tử thành công ở các em trai lại cao hơn, nói cách khác là trẻ nam phản ứng nhanh hơn và vì thế thiếu cân nhắc trước khi hành động và các em cũng chọn những cách tử tự chắc chắn mang lại cái chết.
 
Theo một báo cáo của Bộ Y tế và Dịch vụ xã hội Mỹ, trong năm 2001 có 30.622 vụ tự sát thành công trong đó có 3.971 vụ nằm trong lứa tuổi thanh niên với tỉ lệ là 86% nam, 14% là nữ.
 
Chúng ta cũng nên biết, tự tử không đơn thuần là một hành vi giết mình, mà đó là một hành vi bao gồm 3 thành phần: ý tưởng tự sát (chỉ thể hiện trong ý nghĩ); toan tự sát (có hành vi để tự tử, nhưng không thành công); tự sát (có hành vi tự tử đi đến tử vong).
 
Chính vì thế, nếu có được các yếu tố như sự quan tâm của gia đình, sự tôn trọng của xã hội và sự tự chủ của bản thân thì cho dù có gặp những khó khăn, một người chỉ có thể có ý tưởng tự sát và một số biểu hiện toan tự sát, để  chính mình biết dừng lại hay những người chung quanh ngăn cản kịp thời.
 
Tuy nhiên, khi đã có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và gặp những tác động mạnh mẽ từ bên ngoài thì họ có thể quyết định rất nhanh để chọn một cái chết chắc chắn. Vì thế, nguyên nhân sâu xa nhất của tự tử lại nằm ở chính bản thân. Nó không phải là do khủng hoảng lứa tuổi mà là một sự yếu kém về tự chủ, thiếu ý thức quý trọng giá trị bản thân và mất khả năng kiểm soát cảm xúc.
 
Có người cho rằng, người đã có ý định từ bỏ cuộc sống thì không ai có thể ngăn cản được, thậm chí trong giới tâm lý học, có người còn cho rằng, ai cố tình ngăn cản thì sẽ bị “thế mạng”, ông nghĩ sao về điều này?
 
Đúng là đối với một người đã nhất định chết thì khó có ai có thể ngăn cản vì có muốn ngăn cũng không kịp! Còn dĩ nhiên khi đã biết và cố gắng ngăn cản mà không thành công thì có nhiều người lại cho rằng đó là lỗi tại mình, không biết cách hay không quyết tâm ngăn cản khiến cho người kia phải chết.
 

Nguyên nhân sâu xa nhất của tự tử lại nằm ở chính bản thân. Nó không phải là do khủng hoảng lứa tuổi mà là một sự yếu kém về tự chủ, thiếu ý thức quý trọng giá trị bản thân và mất khả năng kiểm soát cảm xúc.

 
Vấn đề ở đây là năng lực cá nhân, mà ngay cả trong giới chuyên môn về tâm lý, nếu không đủ khả năng tự chủ và kinh nghiệm, khi đứng trước một trạng thái bi đát của thân chủ cũng dễ có những xúc động đưa đến những phán đoán, thái độ ứng xử thiếu khách quan, nói cách khác là bị thân chủ nắm quyền điều khiển cách giải quyết !
 
Nếu một người thường xuyên có ý định tự tử, người ta có thể giúp đỡ được bằng cách nào? Vai trò của gia đình và nhà trường trong việc giúp đỡ học sinh giải tỏa tâm lý dẫn đến tự tử bằng cách nào?
 
Nguyên nhân đưa đến tự tử là sự yếu kém về năng lực cá nhân và cũng có yếu tố tính cách khi một người không biết rõ về bản thân. Tuy nhiên tác động mạnh mẽ lại đến từ bên ngoài.
 
Nói cách khác, chúng ta có thể giảm thiểu tình trạng tự tử bằng sự quan tâm và tôn trọng lẫn nhau. Vì nếu cha mẹ quan tâm đến con cái, không chỉ là cái ăn, cái mặc mà còn là những nhu cầu về tinh thần, đồng thời có sự tin tưởng và tôn trọng đối với con, khiến các em nhận ra được giá trị bản thân và có được những kỹ năng sống thì chắn chắn sẽ tránh được những nguy cơ ảnh hưởng đến nhận thức.
 
Sự quan tâm ở đây cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu những áp lực về năng lực mà cha mẹ muốn con đạt được.
 
Đối với nhà trường thì việc đặt ra những thành tích thi đua chính là những áp lực không đáng có, chính vì đặt áp lực lên giáo viên mà lại không có những hỗ trợ về tinh thần và vật chất thỏa đáng cho công việc nặng nề này, đã khiến cho các giáo viên không còn đủ sức, thậm chí là đưa đến những ứng xử không phù hợp với các em học sinh, và điều đó cũng là một tác nhân gây ra những hệ lụy không tốt cho các em.
 
Đó là chưa nói đến một vai trò rất quan trọng trong nhà trường của những nhà tư vấn tâm lý học đường. Hệ thống giáo dục chưa có cái nhìn đúng đắn về vai trò này, không xác định cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm cũng như thiếu sự coi trọng về năng lực của các nhà tư vấn, khiến nhiều trường tuy có phòng tư vấn cũng như không, hoặc không đủ thẩm quyền và năng lực để có thể tác động vào những khó khăn mà các em học sinh đang gặp phải.
 
Theo ông, có nên thành lập đường dây nóng cho người có ý định tự tử giải tỏa bức xúc của mình không, vì nếu như trong trường hợp họ được lắng nghe và chia sẻ, có thể họ sẽ thay đổi ý định?
 
Hiện nay, hệ thống tư vấn qua điện thoại cũng đã phổ biến ở nước ta, vì thế việc thiết lập một đường dây nóng là điều không khó và thực sự đó là cách giải tỏa những ức chế tâm lý cho người có nguy cơ tự tử rất hiệu quả.
 
Tuy nhiên, việc tư vấn nguy cơ tự tử hay can thiệp khủng hoảng là một kỹ thuật mà người vận dụng phải có những kinh nghiệm và hiểu biết nhất định. Vì thế, cần có những tổ chức và nhân sự có chuyên môn và hệ thống cấp cứu như xe cộ, thiết bị, phòng cấp cứu.. đồng bộ và hiệu quả thì đường dây nóng mới đem lại hiệu quả mong muốn.
 
Hiện nước ta không có con số thống kê về tự tử hàng năm, theo ông, cần có con số thống kê này không?
 

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Tu nghiệp về Tâm lý lâm sàng trẻ em tại  Pháp, được đào tạo về Trị liệu Hệ thống gia đình tại Đại học Catholique Louvain APSY - Bỉ. Đã làm việc và cộng tác tạiTrung tâm Sức Khoẻ Tâm thần TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em NT.

Theo những số liệu thống kê về tỉ lệ tự tử chung của thế giới của nhóm tuổi từ 12-15 là 97-131 người/100.000 dân; nhóm tuổi từ 16-20 là 277-341 người/ 100.000 dân. Tỉ lệ này đang có xu huớng gia tăng và trẻ tuổi hoá. Dự báo của Tổ chức Y tế thế giới đến năm 2020 tự tử sẽ là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và hàng thứ 2 ở các nước đang phát triển.


Ở Việt Nam, tự tử trong thanh thiếu niên cũng có xu hướng trẻ hóa và gia tăng nhưng chưa có những thống kê chính xác, trong khi đây lại là một dữ liệu rất cần thiết để định hướng và xây dựng những biện pháp hiệu quả để đem lại hiệu quả cho việc giảm thiểu tình trạng tự tử.
 
Khi báo chí đăng tin tự tử ở học sinh, theo ông phải cẩn trọng những điều gì?
 
Hiện nay, không chỉ riêng về chuyện tự tử, mà còn nhiều lĩnh vực khác thông tin từ các bài báo thường có những nội dung thiếu chính xác, đưa ra nhiều chi tiết mang tính cá nhân gây ra những ảnh hưởng đến uy tín hay nhân cách cho những người trong cuộc hay đối tượng của bài viết.
 
Vì vậy, yếu tố khách quan và trung thực vẫn là tiêu chí hàng đầu cho một bài viết. Bên cạnh đó, khi nói về những thảm kịch thì cũng không nên cường điệu hay bi thảm hóa các yếu tố và nhất là không nên khẳng định hay có sự định hướng dư luận về nguyên nhân. Thông tin chứ không phải là tiểu thuyết là điều mà các phóng viên khi đưa bài cần hết sức lưu ý, để giúp cho người đọc cũng có được một cái nhìn khách quan về mọi đối tượng có liên quan.
 
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn về hiện tượng này.

  • Hương Giang (Thực hiện)

Các hiện tượng tự tử trong thời gian gần đây:

3 nữ sinh khá, giỏi Thị Bích Loan, Nguyễn Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, (cùng sinh năm 1998), học lớp 7A trường THCS Phan Chu Trinh (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) rủ nhau chết tập thể ở trường.
 
Nữ sinh L.T.H, học sinh Trường THCS xã Cẩm Ðiền (Cẩm Giàng, Hải Dương) tự tử vì bị nghi ăn cắp quần jean trong một cửa hàng thời trang, ngày 10-2.
 
Bố mẹ mắng vì học hành chểnh mảng nên sinh ra buồn chán rồi treo cổ như trường hợp nữ sinh T.T.T.T. (SN 1995) ở Đắk Lắk.
 
Hờn mát trước câu nói của bố "Con dùng điện thoại phải giữ cẩn thận, nếu làm hỏng bố không có tiền sửa cho con đâu!", em L.T.D., học sinh lớp 11, Trường Dân tộc nội trú huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) ăn lá ngón chết.
 
28-2, không rõ vì lý do gì, một nữ sinh lớp 12 Anh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) bất ngờ thắt cổ tự tử tại ký túc xá.
 
Một HS khá của một trường THPT tư thục ở huyện Đông Hưng (Thái Bình), nữ sinh K.O nhảy từ lầu 2 xuống đất ngay trong giờ học vì bị cô giáo bắt chép phạt và la mắng nặng lời.
 
11/3, một nữ sinh trường trung cấp trên địa bàn Thanh Xuân (Hà Nội) đột nhiên nhảy lầu chết thảm chỉ vì cãi nhau với bạn trai.
 
Một bạn nam lớp 8 THCS Thái Sơn (Nghệ An) giận mẹ la mắng treo cổ trên cành xoan tự tử. Một bạn nam khác lớp 9 cũng ở Nghệ An nhảy cầu tìm đến cái chết vì chán học...
 
Một nữ học sinh lớp 8 (Quận 7) mà bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM vừa tiếp nhận cách đây hơn một tuần suýt chết, lý do tự tử là vì buồn chán ba mẹ cấm đoán một số điều mà bạn cho rằng vô lí như: không được sử dụng điện thoại di động hay cho rằng cô giáo đối xử với bạn không công bằng…
 
Ngày 14/3, M.(sinh năm 1993) bị ông T.- một nhân viên làm cùng - nghi lấy cắp chiếc nhẫn trị giá 10 triệu đồng. M. một mực thanh minh nhưng ông T. không tin. Buồn chán, lại thêm chuyện tình cảm không thuận lợi, ngày 15/3, M. đã mua chai thuốc diệt cỏ để tự vẫn.