- “Giả sử chuyên ngành của tôi là kinh tế, mà bảo đi dạy triết, thì tôi cũng xin chịu thua, không dạy nổi.”- GS.TS Đỗ Thế Tùng, nguyên giảng viên cao cấp Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi với giảng viên các trường ĐH, CĐ về việc dạy các môn lý luận chính trị cho sinh viên.
Trong buổi tập huấn giảng viên bộ môn lý luận chính trị ngày 22/7 tại ĐH Nha Trang, GS Tùng cho rằng, từ khi ghép 3 môn lý luận chính trị thành một môn “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mac-Lenin”, các trường ĐH đã phải bắt thầy dạy triết học đi dạy Kinh tế chính trị, bắt thầy dạy Kinh tế chính trị đi dạy triết. Việc này khiến cho đội ngũ giảng dạy vốn rất đầy đủ nay tan rã, nhiều giảng viên giỏi của bộ môn này đã ra đi vì “thừa người”.
Chia sẻ của GS Tùng ngay lập tức nhận được những tiếng vỗ tay hưởng ứng.
TS Lê Đình Lực, ĐH Sài Gòn cũng thừa nhận: “Dạy triết học cũng khá lâu nhưng tôi chỉ dám đảm bảo phần triết học, không dám đảm bảo phần kinh tế.”
Sự tréo ngoe về phân công giảng dạy trong bộ môn lý luận chính trị này đã diễn ra trong các trường ĐH từ khi 3 môn lý luận Mác- Lenin được gom chung thành một môn vào năm 2008. Các giáo viên vốn được đào tạo chuyên sâu để giảng dạy từng môn riêng biệt nay phải ôm đồm cả những chuyên ngành không phải sở trường.
Giảng viên tưởng chừng thừa nhưng thực chất lại thiếu do không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu chất lượng giảng dạy.
Đặc biệt, các giáo sư đầu ngành của bộ môn Mac-Lenin ngày càng ít dần nhưng lực lượng kế cận lại rất ít và chất lượng thấp. GS Tùng chia sẻ, ông từng gặp không ít người có học vị tiến sĩ triết học nhưng không đọc nổi bộ sách Tư bản luận. Các bộ sách kinh điển của triết học không còn được coi là tất yếu phải đọc và đọc tốt như đối với các thế hệ trước.
Tuy là những ngành đòi hỏi năng lực tư duy tốt ở người học nhưng đầu vào của các chuyên ngành lý luận chính trị ở các trường ĐH đang đối diện với mức điểm chuẩn thấp.
Giải pháp tình thế khiến các giảng viên e ngại nhận thức về giá trị của ngành bị hạ thấp. Đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM còn cho rằng nên để các trường có một khoảng không gian nhất định để tự chủ giải quyết các vấn đề liên quan này chứ không nên có những ưu đãi như vậy.
Thực tế, đại diện các trường đều nhận thấy từ cấp lãnh đạo cho đến giảng viên đang trực tiếp giảng dạy đều đang lúng túng trước một yêu cầu được xác định rõ ràng là đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị.
Điển hình, việc gom chung ba môn thành một môn được gọi là đổi mới theo hướng tích hợp nhưng các giảng viên đều chỉ ra đây chỉ là sự cắt ghép hết sức cơ học, viết ngắn hơn và bỏ bớt những phần mang tính chất giải thích khái niệm. Thế nên, cả giảng viên lẫn sinh viên đều hụt hơi vì thời lượng ngắn.
GS.TS Đỗ Thế Tùng còn chỉ ra, đối với phần Kinh tế chính trị, nội dung giáo trình không khác 30 năm trước, trong khi đó, cái mà hiện tại cần biết nhiều hơn là kinh tế thị trường thì còn rất ít.
Đại diện Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ TP.HCM còn cho biết, qua đối thoại, sinh viên của trường thất vọng nhiều đối với việc cập nhật thực tế của giảng viên.
Các em đặt câu hỏi, muốn thầy cô chỉ ra minh chứng cho nội dung thường giảng dạy là Đảng cộng sản lãnh đạo đã làm cho Việt Nam tốt hơn các nước khác có cùng điều kiện phát triển như thế nào, hay muốn biết tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện giá trị ngay trong thời diểm đất nước đầy khó khăn như hiện nay ra sao. Những vấn đề thực tế này có rất ít giảng viên đáp ứng được.
Ông Đinh Thế Huynh tại lớp tập huấn, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị các trường ĐH, CĐ |
Suốt gần 3 giờ, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã kiên nhẫn lắng nghe, ghi chép và suy nghĩ trả lời trước những ý kiến trao đổi của các giảng viên. Ông khẳng định, những vấn đề này sẽ được tiếp thu để đưa vào đề án đổi mới giảng dạy bộ môn lý luận chính trị sẽ trình chính phủ sắp tới.
Ông Huynh đặc biệt đánh giá cao ý kiến cần đưa nhiều nội dung liên quan đến kinh tế thị trường vào giảng dạy cho sinh viên bởi thực tế hiện nay đây vẫn là mảnh đất rộng lớn cho các thầy cô sáng tạo và nghiên cứu. Song song với vấn đề này sẽ là dành quyền tự chủ cho các trường, các thầy cô giáo để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Đinh Thế Huynh thể hiện thái độ đồng cảm với các giảng viên lý luận chính trị. Ông gọi các thầy cô giáo là những chiến sĩ trực tiếp trên mặt trận tư tưởng và sẽ luôn được nhà nước dành sự quan tâm đãi ngộ đặc biệt.
- Nguyễn Hường