- Đã gần hai tháng sau ngày sinh, chị Mai vẫn chưa “chốt hạ” được tên cho cô con gái yêu đầu lòng. Bà mẹ chồng sốt ruột gia hạn cho bố mẹ trẻ phải tìm được tên cho cháu nội để đi đăng ký trước Tết còn kịp báo cáo với gia tiên.
Vốn là dân văn chương, chữ nghĩa nên chị Mai muốn chọn cho con gái một cái tên thật nữ tính, vừa hay, vừa dễ gọi nhưng phải đầy đủ ý nghĩa.
Nhiều người còn nói, một cái tên hay có thể mang lại cuộc sống sung sướng, hạnh phúc, nhàn nhã. Vậy là trước khi sinh, chị Mai lượn hiệu sách nhặt về một đống tài liệu gợi ý đặt tên con, lại tranh thủ lướt web tham khảo trên các diễn đàn như lamchame, webtretho… để chọn một cái tên thật đặc biệt cho con.
Thôi thì, cơ man gợi ý. Là con gái thì có thể gọi theo tên các loài hoa: Cúc, Phượng, Hồng, Quỳnh. Hoặc thánh thót như chim: Yến, Khuyên, Mi… hay nữ tính, trữ tình như Trang, Diễm, Thục, Hạnh, Duyên, Nhi…
Trên các diễn đàn còn liệt kê hàng trăm tên khác nhau: muốn cho con gái thành đạt, hạnh phúc, hiền thục; rồi đặt tên con để sau này lấy được chồng giầu có…. Rồi con gái năm Thân, năm Dần… thì nên đặt tên gì.
Nghiền đi ngẫm lại, loay hoay suốt chín tháng mười ngày mà vợ chồng chị Mai vẫn chưa chọn được tên nào ưng. Đành tạm “dấm” sẵn tên ở nhà là “Bống”.
Hôm sinh con gái, trong những người thân đến thăm hai mẹ con, có chồng một cô bạn thân làm việc ở Viện Hán Nôm. Nghe khổ chủ than nỗi niềm chọn tên, anh chàng tiến sĩ Hán Nôm nhẩm tính giờ sinh, ngày sinh xong bèn phán ngay, sinh giờ đó, ngày đó chỉ có tên Vân Thủy là hợp, lại mềm mại, nữ tính. Cả nhà mừng như bắt được vàng. Tên do tiến sĩ Hán Nôm đặt thì ổn quá rồi.
Nhưng, một tuần sau, bà nội cháu bé đi ăn giỗ về mặt dài thườn thượt chạy ngay lên phòng con dâu nói, “con ạ, Bống nhà mình không được đặt tên Thủy đâu, trùng với tên bà cố họ. Hôm nay đi ăn giỗ người ta nói nhà mình không được đặt tên trùng với tên tiền nhân”.
Bà cụ nói thêm, ngày xưa chúng tao đặt tên đơn giản lắm. Cụ nội tên “Đồng” vì 29 Tết bị để rớt ngoài đồng. Thậm chí, nhà nào càng hiếm, càng đặt tên con thật xấu để ma khỏi bắt. “Như tao tên Đởm, bố mày tên Tước đấy”.
Em gái bà sinh được 8 người con thì đặt một lèo 8 cái tên mà nếu ghép lại mới biết hết ý nghĩa: Cành, Lá, Huê (đọc trệch của Hoa), Xuân, Tươi, Tốt, Cả, Mười.
Bà than, giờ thì đặt tên con đủ kiểu. Có nhà hiếm con trai, nên sinh được con trai thì đặt ngay cái tên nghe chứ choang choang“Đại Lộc”. Lại nhà khác, bố Thái Bình, mẹ Hà Nội, thế là con có ngay tên “Thái Hà”.
“Hay là các cụ không cho nhà mình đặt tên Thủy thì ta gọi trệch đi là Thúy cũng được chứ sao”, bà cụ gợi ý.
Chị Mai giãy nãy lên không chịu. Thế là hai vợ chồng lại vào cuộc, huy động cả bạn thân, anh chị trong nhà đi tìm tên cho cháu.
Ông anh chồng tính đơn giản thì gợi ý, hay cứ đặt tên “Anh” như mốt của mười mấy năm trước. Hai đứa con nhà anh chồng chị Mai, một đứa tên Lan Anh, một đứa là Hoàng Anh. “Ở lớp cháu cả chục bạn tên Anh, nên toàn gọi là Lan, Vân, Minh chứ không có Lan Anh, Vân Anh, Minh Anh gì hết”, bọn trẻ kể chuyện.
Tên kiểu “phổ cập” như vậy thì chị Mai không “kết”. Nếu thế thì trong sách có mà đầy.
Được cô bạn thân mách nước, chị Mai alo đến nhà một “ông thầy” nghiệp dư có tiếng đặt tên rất mát tay. Xem đủ ngày tháng năm sinh của con cái lẫn hai bố mẹ, thầy phán, cháu bé sinh ngày, giờ đó là khuyết mất một trong năm yếu tố thuộc ngũ hành nên phải tìm một cái tên phù hợp. Thầy tư vấn cho hai cái tên để phụ huynh tự chọn.
Đem ra trưng cầu dân ý thì bạn bè và họ hàng đều chọn cái tên thứ nhất vì cái tên thứ hai gọi lên không thuận miệng, lại có vẻ nam tính. Ngặt nỗi, cái tên ưng ý kia lại trùng với tên người yêu cũ của chồng chị Mai nên thấy chồng bỏ phiếu cho tên đó, chị Mai mặt sưng mày sỉa mất gần tuần.
Có bà chị họ xa tình cờ đến thăm sực nhớ có cô giáo cũ dạy tiếng Trung thông thạo mấy món xem tên, bói tuổi liền hăng hái nhận sẽ đi săn giúp một cái tên thật “đỉnh”.
Bà giáo già vốn nổi tiếng vì đặt tên cho con cháu, họ hàng con cháu của cả khoa, nghe “cầu viện” xong nói ngay: “Con gái sinh năm Dần thì thông minh, sắc sảo đủ hết. Nhưng e là cô độc. Phải tìm một cái tên mềm mại để làm dịu nhẹ đi”. Bà gợi ý ngay hai tên Thục Hạnh và Khánh Nhi.
Lên mạng gõ hai tên để xem mạng, số thì “thầy” Google “chấm” tên Thục Hạnh.
Để chắc ăn, chị Mai alo cho anh tiến sĩ Hán Nôm nhờ “check” (kiểm tra) xem Thục Hạnh đã hội đủ các yếu tố may mắn, hạnh phúc… chưa thì anh Hán Nôm “phán” luôn: “Đặt tên phải xem đủ cả ngũ hành, chứ ghép chữ nọ với chữ kia thì có cả triệu tên”. Tiến sĩ Hán Nôm cũng tỏ ra “phật ý” vì vợ chồng chị Mai không chọn tên mà thầy đặt.
Vậy là chưa phải phương án tối ưu. Ai đến nhà cũng chỉ biết gọi Bống là “Bống”, và ai cũng được chị Mai đưa mấy phương án ra nhờ chọn hộ.
Bà mẹ chồng thì sốt ruột, gia hạn, “chúng mày phải tìm tên cho cháu trước Tết. Nếu không tao cứ gọi cháu tao là Thúy đấy”.
- Lê Vân (Hải Phòng)