- Vẫn đau đáu như câu hỏi, khi trí thức “trùm chăn” mọi lúc mọi nơi, (kể cả khi chăn có rận), thì có không khái niệm “kẻ thức giả”?
Trở thành trí thức phải có điều kiện cần là có học thức. Và nếu xét theo định nghĩa tầng lớp thượng lưu trong từ điển, thì giới thượng lưu của bất kỳ quốc gia nào hôm nay cũng gồm toàn những người có học thức. Wikipedia chẳng hạn, định nghĩa thượng lưu (tầng lớp tinh hoa/ elite) trong xã hội phương Tây hiện đại, gồm: cộng đồng các lãnh đạo tập đoàn (mà thời xưa là có thể các “cóc vàng” chỉ biết gảy bàn tính); giới các viện sĩ (ngày xưa có thể kể cả những “ông tú Cát”); giới chính khách (ngày xưa có thể gồm cả những “nghị Lại”, những viên tướng võ biền); các biên tập viên, người dẫn chương trình trên truyền thông, giới tướng lĩnh; và các ký giả hạng sang (high-profile journalists).
Những điều kiện của chiến trường và thị trường hiện đại áp đặt các lãnh đạo chủ chốt của cả hai lĩnh vực doanh nghiệp và nhà binh nay cũng phải là có học thức trở lên. Làm cho định nghĩa thượng lưu của wiki về thượng lưu kiểu phương Tây hiện đại như trùm lên định nghĩa trí thức.
Cách đây không lâu lắm, một học giả Pháp nổi tiếng, tác giả nhiều sách về Việt Nam là ông Daniel Hémery từng đưa ra một nhận định rất gây tranh cãi là “Việt Nam không có (giới) trí thức”. Vừa “nghe” xong đã thấy tiếng ào ào cãi lại, bởi nước Nam ta đang lao tới chỉ tiêu mỗi năm đào tạo hàng ngàn tiến sĩ… Lập tức xuất hiện một số ý kiến thứ ba, kẻ cả như “văn sĩ Hoàng” của Nam Cao, nhắc rằng chư vị đã quên bài Tiến sĩ Giấy của Nguyễn Khuyến rồi sao?
Kẻ sĩ (cũng có thể có phần “rởm”) là tôi, bỗng chột dạ. Không cứ Việt Nam, hễ nước nào sinh ra một số lượng X (nhất là theo cấp số cộng) các nhà trí thức “giả” thì sẽ gây ra những ẩn hoạ gì cho xã tắc đây?
Trí thức giả ắt sinh… giá trị giả
Theo phép suy diễn nhàm nhất, trí thức giả sẽ sinh ra thượng lưu giả. Và, vẫn theo kinh điển, thượng lưu giả sẽ đẻ ra … các giá trị giả. Kết quả là (hệ thống) xã hội sẽ méo mó, các chuẩn mực đạo đức, hướng đích sống sẽ lệch lạc.
Các giá trị giả, trước hết, là các giá trị phản văn hoá. Vì một nét nổi bật của người trí thức có lẽ là… văn hoá. Còn trong đời thường, nếu ai đó mang danh trí thức mà lộ mặt vô văn hoá, vô học thì sẽ bị cả những người lao động giản đơn xem thường. Điều này chắc chắn có lý, vì có kiến thức mà không có lý trí (sự lành mạnh về tinh thần) thì sẽ phản tác dụng. thậm chí phản động.
Trí thức giả, thượng lưu giả sẽ cố tạo tác văn hoá giả, và cố “lộng giả thành chân”. Văn hoá giả là văn hoá nịnh hót, văn hoá lì xì kiểu mới (mừng tuổi cả người lớn, trong khi ngày xưa chỉ “chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu”…), văn hoá “buôn thần bán thánh”, làm “dự án” giải ngân từ tài khoản tiền âm…
|
Có cách gì báo thức cho “trí ngủ”? |
Thượng lưu giả
Trong bối cảnh của Việt Nam (và có lẽ của nhiều nước thế giới thứ 3), nhiều thành viên của thượng lưu chưa thể là trí thức, có khi cũng chẳng muốn, “chẳng thèm” làm trí thức (kiểu như nghị Lại, “có cái đức không thèm biết chữ”).
Ví dụ về thượng lưu giả? Đơn cử bài phỏng vấn HLV kỳ cựu Vương Tiến Dũng trên báo An ninh thế giới gần đây. Ông Dũng tỏ ý muốn nghỉ, để khỏi phải điều hành cầu thủ thi đấu mà nghe thấy gia đình “đại gia”, chủ đội bóng, gầm từ băng ghế “chỉ đạo”: “Mày đá chết thằng kia (cầu thủ đội bạn) đi”…
Đang tồn tại những đại gia, hoặc “bớp bơ hình chúa Chổm”, hoặc mập mờ hình bóng xã hội đen (liên tưởng đoạn Tôn ngộ Không nhìn đạo sĩ thấy mặt thực là lang sói…). Những quan trên giả mù (không nhận thấy những bức xúc của dân), giả điếc (không nghe thấy oán thán của dân), và những người dân không biết làm sao để áp dụng, và bảo vệ, những quyền lợi chính đáng của người lao động (quyền sống, quyền làm việc, quyền mưu cầu hạnh phúc)?
Giới thượng lưu giả, nếu có, hẳn đang là thủ phạm, đồng thời có thể là nạn nhân, của những “nền” văn hóa mới: văn hóa cờ bạc tiền tỉ, nhất là với chiếu trên; văn hóa răn dạy kiểu đừng dùng “gái cơ quan”; văn hóa mở “phòng làm việc” ở ngoài, từ quán nước đến sân gôn, cả trong sảnh của khách sạn 5 sao, xung quanh toàn Tây, có nhu cầu gì thì cứ trình báo… Có công sở hôm nay ta vô trong cứ ngỡ là vào… thánh đường, với một số thày bói trong biên chế (dĩ nhiên là với chức danh khác). Nhiều đêm, nghe tiếng mõ lốc cốc vẳng lại từ dinh thất một lãnh đạo có vai vế, lãnh cả trọng trách Bí thơ cơ sở (?).
|
Phải sống theo luật! Tranh: báo Cá sấu (Liên Xô). |
Bản thân tôi từng chứng kiến các doanh nhân thành đạt đi tìm hiểu thị trường, vừa sang đến nơi đã bị kéo vào chiếu bạc tại chỗ… Có ông sang vài hôm có điện gọi về nước, nghển cổ than rằng, mang tiếng đi nước ngoài mà chỉ biết mỗi đường từ sân bay đến một căn hộ bên Tây…
Sau khi xa gần một tin sương…, rằng một khách sạn quốc tế nhiều sao được một tập đoàn VN mua lại. Đã thấy rõ ít nhất hai “bàn thua” về văn hóa. Một là bánh kém ngon (vẫn thợ làm bánh ấy, nhưng gia vị “đi sơ tán”). Hai là, anh chị em CNV kêu rằng các bà chủ mới thường lệnh lạt cho họ bằng giọng “hàng cá, hàng tôm”…
Thượng lưu giả (gồm đại trí thức giả + đại gia + chánh khách rởm) tới nay chưa có khả năng đề xuất cho dân cư, và cho toàn xã hội, những thang giá trị, mà dựa vào đó phụ huynh có thể giáo dưỡng con cái, gắn kết các mối liên hệ nội tại trong gia đình, xây dựng quan hệ giữa công dân với nhau (đồng bào, đồng chí), và quan hệ với nhà cầm quyền (các lực lượng chức năng, những người thi hành công vụ).
Vậy nếu quả thực trong xã hội ta đang lộng giả nhiều “tiến sĩ (giấy)”, thì chúng ta đang chứng kiến, dù vô cảm hay bất đắc dĩ, những giá trị thực, những gì thiêng liêng nhất của Mẹ Việt Nam, đang bị bầm dập nghiêm trọng.
- Lê Đỗ Huy