Mới đây, Công an phường Lào Cai (TP Lào Cai) đã ra mắt mô hình “Xác thực danh tính công dân tại cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ F88 theo Đề án 06 của Chính phủ” (Mô hình số 16).
Trước đó, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Ninh Bình cũng triển khai thực hiện Mô hình 16 trong Đề án 06 của Chính phủ cho các cơ sở cầm đồ F88 thuộc địa bàn thành phố Ninh Bình.
Nội dung của Mô hình 16 là lắp đặt thiết bị đọc căn cước công dân (CCCD) gắn chip tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, kết nối và đồng bộ thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở kinh doanh có điều kiện được xác định là công ty, cửa hàng cầm đồ, công ty dịch vụ bảo vệ, dịch vụ thừa phát lại và một số loại hình khác…
Quá trình triển khai công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn… cán bộ, nhân viên của cơ sở cầm đồ F88 đã được chỉ huy, cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh giới thiệu, hướng dẫn cách cài đặt, sử dụng máy quét thẻ CCCD gắn chíp, cụ thể hóa Mô hình điểm sử dụng đầu đọc CCCD gắn chíp…
Áp dụng Mô hình 16 vừa hỗ trợ cho cơ quan Công an nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay cầm cố, vừa giúp cơ sở cầm đồ xác thực thông tin khách hàng một cách nhanh chóng, chính xác.
Thiết bị đọc căn cước có thể đọc được hầu hết các thông tin trên thẻ; xác định thẻ là thật hay giả, đối sánh sinh trắc học khuôn mặt của người mang thẻ với ảnh chân dung trong chip, xác thực đúng chủ sở hữu của căn cước công dân, đáp ứng các tiêu chuẩn về pháp lý, bảo mật…
Thượng tá Lê Thị Tám, Phó trưởng Công an TP Lào Cai lưu ý, để mô hình phát huy hiệu quả, xứng đáng là mô hình điểm cấp thành phố, cần đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời, thống nhất, đồng bộ giữa cơ sở kinh doanh F88 trên địa bàn phường và các cơ quan, đơn vị có liên quan; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; tuân thủ quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở và quyền lợi của khách hàng.
Theo một cán bộ Đội Quản lý hành chính và trật tự xã hội - Công an TP Lào Cai thì việc triển khai Mô hình số 16 gặp phải một số khó khăn như: “Đầu tư trang thiết bị và gói cước ban đầu tốn kém. Nhân viên của cơ sở kinh doanh F88 sẽ mất thời gian để làm quen với quy trình mới. Đối với khách hàng, từ trước tới nay họ chỉ quen giao dịch thủ công nên sẽ dễ dàng nhưng khi phải quét thẻ qua máy cũng khiến thay đổi quy trình giao dịch. Ngoài ra, khách hàng thường có tâm lý lo sợ thông tin của mình sẽ bị lộ lọt khi được quét lên hệ thống nên gây ra sự e dè”.
Bên cạnh những khó khăn nói trên thì Mô hình 16 cũng có không ít những thuận lợi như: Kiểm soát được người đến đăng ký, cụ thể sẽ biết được người đến cầm đồ có phải là chính chủ hay không. Ngoài ra còn phòng chống cả việc trộm cắp tài sản và lưu trữ thông tin để giúp công an và một số lực lượng khác có thể truy vết.
Ông Phùng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 cho biết, việc xác thực danh tính công dân như trên sẽ giúp đơn vị hạn chế sai sót liên quan đến người vay và nguồn gốc tài sản. Ngoài ra, việc nắm bắt chính xác thông tin khách hàng cũng giúp F88 chăm sóc khách hàng tốt hơn, thể hiện tinh thần cho vay có trách nhiệm hơn.
“Thời gian tới, F88 sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan Công an tại 63 tỉnh, thành để nhân rộng Mô hình 16. Đây là giải pháp tốt giúp chuyển đổi số hoạt động cho vay cầm cố một cách nhanh chóng, hiệu quả, đúng với định hướng của nhà nước!”.
Việc triển khai Mô hình 16 tại F88, cũng theo ông Tuấn, sẽ có nhiều thuận lợi hơn bởi F88 hoạt động theo mô hình chuỗi, có kinh nghiệm và lợi thế trong việc đồng nhất dịch vụ trên toàn quốc. Bên cạnh đó, F88 là doanh nghiệp chủ động ứng dụng CNTT ở mức độ cao trong thị trường cung cấp dịch vụ tài chính bình dân nên luôn có tâm thế sẵn sàng triển khai thí điểm ở quy mô toàn quốc.
(Theo CAND)