Chương trình biểu diễn được thực hiện bởi Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, với sự tham gia của các nghệ sĩ Phan Việt Cường oboe, nghệ sĩ Tạ Trung Đức clarinet, nghệ sĩ Văn Thanh Hà bassoon và nghệ sĩ Tạ Tiến Đạt horn, dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Kim Xuân Hiếu. Các tác phẩm trình diễn trong chương trình gồm các tác phẩm của thiên tài W. A. Mozart và nhà soạn nhạc.
Khúc Overture mở màn vở Cây Sáo Thần của W.A.Mozart
Vở opera Cây sáo thần gồm 2 màn, cùng khúc overture do dàn nhạc thể hiện ở mở đầu. Khúc overture mang tính dẫn dắt, chuẩn bị cho khán giả bầu không khí của câu chuyện sắp diễn ra. Bởi vở Cây sáo thần gồm chứa nhiều tính chất khác nhau, khúc overture cũng mang nhiều sắc thái phong phú để dẫn dắt, thâu tóm tinh thần của câu chuyện. Với tài năng của mình, Mozart đã viết nên khúc overture đạt tới sự cân bằng hoàn hảo giữa nhiều yếu tố đối lập: nhịp độ có khu vực chậm trang trọng, có chỗ tươi tắn linh hoạt; có khi như thầm thì đưa chuyện, có khi bùng nổ cường độ đến độ sảng khoái, có thắt rồi lại mở nút…
Sinfonia Concertante K.297b của W.A.Mozart
Sinfonia Concertante là dạng trình diễn gồm hai nhóm nhạc cụ: một nhóm nhạc cụ có vai trò chính, dẫn dắt tác phẩm (tương tự như vai trò của cây đàn solo trong concerto) và nhóm còn lại là toàn dàn nhạc phụ trách nền đệm. Năm 22 tuổi, Mozart từng khoe với bố rằng nhạc sĩ có sáng tác mới cho nhóm kèn hơi cùng dàn nhạc, nhưng bản nhạc sau đó đã thất lạc. Sau khi ông qua đời, phải tới năm 1869, một nhà sưu tầm mới phát hiện một bản Sinfonia Concertante lưu lạc viết cho nhóm kèn hơi, và người ta xác định đó là của Mozart. Bản nhạc ấy được đưa vào danh mục các sáng tác của Mozart (Köchel), được đánh thứ tự là K.297b.
Giao hưởng số 8 của Antonín Dvořák
Âm nhạc Lãng mạn thế kỷ 19 không chỉ nhấn mạnh và tình cảm, tính cách cá nhân của mỗi tác giả và niềm cảm hứng từ thi ca, hội hoạ, mà còn chứa đựng dấu ấn dân ca, dân vũ của nhiều vùng văn hoá dân gian châu Âu. Mỗi vùng văn hoá, dân tộc đều có những đứa con sáng giá có công tôn vinh làn điệu của xứ sở đó, và Smetana, Dvořák cũng là những người khiến cho cả thế giới ấn tượng với âm điệu của Czech, quê hương họ.
Antonín Dvořák (1841 – 1904) gây tiếng vang bởi bản Giao hưởng số 9 (“Từ thế giới mới”), song bản số 8 viết từ năm 1889 của ông cũng xuất sắc không kém. Khác với 7 bản trước đó chất chứa đầy ưu tư, bản số 8 được bao phủ bởi không khí vui tươi, nhẹ nhõm, và dĩ nhiên, cũng có âm hưởng vùng Bohemian quê hương tác giả trong cả 4 chương nhạc. Có những phân đoạn phát triển chủ đề gần như ngẫu hứng.
Chương trình hòa nhạc đặt vé trước là chuỗi hòa nhạc thường niên, mỗi năm khoảng 10 buổi diễn với nội dung được lên lịch trước. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ trình diễn các tác phẩm kinh điển của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới, các tác giả trong nước, với sự tham gia của các nhạc trưởng, nghệ sỹ độc tấu, ca sĩ khách mời hàng đầu trên thế giới. Khán giả yêu thích âm nhạc giao hưởng có thể đặt mua cả chuỗi chương trình của cả năm.
Thu Hà