- Với vẻ ngoài "hiền khô", ít ai nghĩ rằng Phạm Quốc Cường có nhiều năm làm trinh sát hình sự đặc nhiệm thuộc phòng cảnh sát hình sự công an TP.HCM. Anh từng đối diện với nhiều tội phạm từ chống đối, ngáo đá đến thậm chí là cướp tài sản.
Clip 2: Những kỷ niệm đáng nhớ khi bắt cướp của trinh sát Quốc Cường.
Xem toàn bộ phần trò chuyện của trinh sát Quốc Cường.Nhà báo Quỳnh Loan: Tốt nghiệp ĐH Thể dục Thể thao, nhưng lại rẽ hướng sang làm cảnh sát hình sự đặc nhiệm. Anh có thể chia sẻ cơ duyên đến với công việc hiện tại?
Trinh sát Quốc Cường: Từ nhỏ tôi đã mê làm công an, nhất là săn bắt cướp. Do không đủ điều kiện để thi vào ĐH Công An nên tôi quyết định chuyển hướng sang ĐH Thể dục thể thao, chuyên ngành võ taekwondo.
Sau khi tốt nghiệp, ở nhà phụ giúp gia đình một thời gian.Qua báo đài tôi biết bên công an có tuyển để phục vụ lâu dài cho ngành nên nộp đơn ứng tuyển. Tháng 1/2008, tôi được tổ chức phân công về Công An TP.HCM, làm công tác trinh sát và huấn luyện võ thuật cho đến nay.
Là "cao thủ” taekwondo", thi đấu luôn đạt thành tích cao, anh có tiếc không khi không làm đúng với chuyên ngành đã học?
- Tôi cũng tiếc. Nhưng thật ra ngành nào cũng là đam mê, là ước mơ của mình và cho dù làm ở công việc nào, vị trí nào tôi cũng cố gắng phấn đấu để làm tốt nhiệm vụ được giao.
Khi được chọn ngành công an, tôi rất vui vì vẫn thường xuyên sử dụng những kỹ năng võ thuật đã học tại trường ĐH Thể dục thể thao để phục vụ cho công việc của một cảnh sát hình sự.
Trinh sát Quốc Cường. |
Những ngày đầu vào nghề cảnh sát hình sự, anh đã gặp những khó khăn gì?
- Có nhiều khó khăn đấy bạn. Nhớ thời gian đầu mới vào ngành, tôi được phân công về cảnh sát hình sự đặc nhiệm. Trong thời điểm đó thường xuyên xảy ra các vụ cướp vào ban đêm tại các địa bàn giáp ranh như quận Bình Tân, Bình Chánh,...
Nhiệm vụ của tôi là tuần tra chống cướp ban đêm, thời gian từ 21h đến 5h sáng tại khu vực quận Bình Tân. Khi nhận nhiệm vụ tôi thấy rất hoang mang, lo lắng, chưa biết cách nhìn ra đối tượng nghi vấn; hơn nữa cũng không có giấy tờ gì chứng minh mình là công an.
Có lần, thấy tổ trưởng quay đầu đột ngột, tôi cứ tưởng là quay đầu đi về, ai ngờ thêm một đoạn tôi biết đang theo đối tượng chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội.
Đã khi nào anh phải đối diện với những tình huống nguy hiểm đến tính mạng?
- Nhiều chứ. Vì các đối tượng khi bị phát hiện và truy đuổi, biết nếu bị bắt giữ sẽ phải ngồi tù nên rất manh động, chống trả quyết liệt. Có lần truy bắt đối tượng trên đường Cao Thắng nối dài thuộc quận 10, biết sắp bị tóm nên đối tượng quay lại rút dao bấm giấu trong người và tấn công lại. Lúc này tôi bắn 3 phát súng chỉ thiên để cảnh cáo, tuy nhiên đối tượng không buông dao vẫn tiếp tục lao vào tấn công. Trong tình huống này, buộc tôi phải bắn một phát vào đùi đối tượng. Thế nhưng đối tượng vẫn không dừng lại, tôi quyết định bắn tiếp một phát vào bụng đối tượng quỵ xuống và sau đó chúng tôi đưa đối tượng vào bệnh viện cấp cứu.
Lần khác trên địa bàn quận 8, trong lúc khống chế bắt giữ đối tượng bất ngờ tôi bị đối tượng cắn vào chân chảy máu. Sau khi đưa đối tượng về công an phường, qua xác minh nhanh được biết đối tượng nhiễm HIV giai đoạn cuối. Lúc đó tôi hoang mang lo sợ bị lây nhiễm. Ngay trong đêm tôi đã đến bệnh viện nhiệt đới uống thuốc phơi nhiễm và điều trị trong 4 tuần. Thời gian đó tôi cảm thấy căng thẳng lắm. May mắn sau 6 tháng đi xét nghiệm kết quả âm tính với HIV nên tôi rất vui.
Anh được xem là “tay lái lụa” của đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm TP.HCM bởi kỹ thuật chạy xe điêu luyện. Anh có thể chia sẻ ưu điểm này và tốc độ cao nhất anh từng chạy là bao nhiêu và nó được xảy ra trong tình huống như thế nào?
- Lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm hàng năm đều được tập huấn kỹ năng lái xe do Công An TP.HCM tổ chức, tôi cũng được tập luyện nhiều. Cộng thêm việc thường xuyên truy đuổi theo các đối tượng cũng giúp tôi nâng cao trình độ lái xe.
Tôi được các anh em trong đội ví von là tay lái lụa, chẳng qua trong mỗi lần truy đuổi tôi có thể xử lý tình huống trong gang tấc mà không ảnh hưởng đến người đi đường.
Có lần, lái xe chở đồng đội đuổi theo đối tượng cướp giật trên quốc lộ 1, tôi chỉ biết lao xe đuổi theo chứ không quan tâm đến vận tốc bao nhiêu. Đến khi bắt được đối tượng, đồng đội mới cho hay khi nãy tôi đã chạy rất ghê với vận tốc khoảng 150 km/h. Lúc đó tôi hoang mang vì không hiểu làm sao mình chạy được như vậy.
Trinh sát Quốc Cường. |
Đối tượng cướp giật ngày càng tinh vi, xe dùng để gây án thường được chúng đôn dên, xoáy nòng. Được biết anh cũng tốn không ít tiền để nâng cấp phương tiện đi lại cho việc truy bắt cướp?
- Do các đối tượng cướp giật ngày càng tinh vi, thay đổi kết cấu xe, đôn dên, xoáy nòng để dễ tẩu thoát khi bị phát hiện truy đuổi nên tôi cũng phải trang bị phương tiện truy bắt cho phù hợp tình hình thực tế. Tôi có tìm hiểu các câu lạc bộ đua xe chuyên nghiệp của thành phố để cải tiến thêm một số chi tiết để nâng cấp tốc độ tối đa cao nhất.
Khi phát hiện đối tượng và truy đuổi là hợp lý, tuy nhiên việc truy đuổi luôn phải an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông, đồng thời phải ngăn chặn được tội phạm. Ở tình huống phải chọn lựa, anh xử lý thế nào?
- Công việc của một cảnh sát hình sự đặc nhiệm săn bắt cướp là phải phát hiện và ngăn chặn được tội phạm. Tuy nhiên, trong lúc làm nhiệm vụ, tôi phải đảm bảo được an toàn của người đi đường cũng như bản thân. Do đó, đối với tình hình thực tế một số trường hợp nếu việc truy bắt có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông thì mình cố gắng nhận dạng đối tượng cùng các chi tiết liên quan để phục vụ cho những lần truy bắt sau.
Đã khi nào anh phải bỏ cuộc khi đang truy bắt các tội phạm chưa và lý do vì sao?
- Trong mọi tình huống tôi đều cố gắng hết sức để bắt được đối tượng. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp bất khả kháng, chẳng hạn như trong lúc truy bắt phương tiện của tôi bị hư đột ngột hay đối tượng trên đường tẩu thoát đã gây tai nạn giao thông hoặc xảy ra biến cố trên đường tôi buộc phải dừng truy đuổi và hỗ trợ xử lý.
Phần 2: Trinh sát hình sự bỏ vợ giữa đường để bắt cướp
Quỳnh Loan - Sơn Hà - Ngọc Chính - Hoàng Thuyên - Đức Yên
Ảnh: Đinh Quang Tuấn