Vốn xuất thân lính hình sự, Thiếu tá Võ Duy Thắng, Phó Ðội trưởng Ðội 4 PC52, là một trinh sát dày dạn kinh nghiệm trong việc truy bắt các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm.

Trinh sát truy nã xuất sắc xuất thân từ lính hình sự

Khoảng 20 năm trước, khi đang là sinh viên Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, học hết giai đoạn đại cương chuyển vào chuyên ngành thì mới thấy mình không hợp với ngành sư phạm nên Võ Duy Thắng đã có một quyết định đầy bất ngờ khiến cho gia đình anh lúc đó ra sức phản đối.

Nhưng trước quyết tâm của anh, cuối cùng mọi người đã phải đồng thuận theo. Đó là nghỉ học để nộp đơn thi vào Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và anh thi đậu vào chuyên ngành Cảnh sát hình sự (hệ trung cấp). Từ đó cuộc sống và công việc của anh rẽ theo một hướng khác hoàn toàn.

Anh cho biết, gia đình mình có truyền thống cách mạng, ông nội anh thuộc lực lượng Tự vệ đỏ - lực lượng tiền thân của Công an nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; bố anh là đặc công rừng Sác… Bản thân anh tập luyện võ thuật từ năm 6 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh được về công tác tại Đội Cảnh sát giao thông đường thủy.

Nhưng chỉ 6 tháng sau, anh lại chuyển về Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM rồi được tăng cường cho chuyên án C99 - tức chuyên án Năm Cam và đồng bọn; trong đó anh tham gia điều tra chủ yếu vào hai vụ án lớn là vụ nữ trùm giang hồ Dung Hà bị bắn chết và vụ băng nhóm Dũng “chim xanh” và đồng bọn…

Sau một thời gian công tác, năm 2009 anh được bổ nhiệm làm Phó Đội trưởng Đội 5 (Đội Phòng chống tệ nạn), Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM. Trong thời gian đó, anh đã tham gia triệt phá nhiều vụ án lớn trên địa bàn. Hai năm sau, anh được điều chuyển về Phòng Cảnh sát truy nã (PC52) Công an TP.HCM và công tác cho đến nay.

Với anh, công việc của một trinh sát truy nã là nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bởi sau khi gây án nghiêm trọng, các đối tượng biết rằng mình sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng nên sẽ dùng mọi thủ đoạn để trốn tránh, thậm chí sử dụng vũ khí sẵn sàng chống trả nếu bị phát hiện, truy bắt.

“Các đối tượng trốn nã thường có tâm lý cùng đường, vì thế hành vi chống trả của chúng sẽ rất khó lường. Do đó, lãnh đạo Phòng PC52 luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao để hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ, những hậu quả với tính mạng, với sức khỏe có thể xảy ra với cán bộ chiến sĩ khi truy bắt đối tượng trốn nã.

Và cũng từ đó Cảnh sát truy nã luôn phải có các giải pháp hiệu quả nhất về thời gian, địa bàn, sự hỗ trợ của địa phương, người dân… để thực hiện thành công nhiệm vụ và hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả có thể xảy ra”, Thiếu tá Võ Duy Thắng cho biết.

Cũng phải thừa nhận rằng đặc thù nghề nghiệp của Cảnh sát truy nã khá nhàm chán, vì chỉ thường xoay quanh các loại đối tượng truy nã. Tuy nhiên, đây là các đối tượng “ẩn mình” và để xác định được đối tượng, tìm kiếm ra cung đường lẩn trốn của chúng cũng giống như đang chơi một ván cờ vua phải đi những nước hợp lý để tìm ra và truy bắt được đối tượng.

Dù gian nan, vất vả nhưng vẫn có những cái “sướng” của nghề

Kể lại một số vụ truy nã các đối tượng cộm cán, Thiếu tá Thắng tỏ ra đầy hứng thú. Đối tượng mà anh có ấn tượng nhất chính là Võ Văn Một (31 tuổi, quê xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Một bị truy nã vì hành vi cướp tài sản sau khi thực hiện nhiều vụ cướp ở TP.HCM.

Để truy bắt được đối tượng này, anh và đồng đội phải mất rất nhiều công sức, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, di chuyển nhiều nơi, và nhất là phải tìm vào tận bãi vàng ở Quảng Nam - nơi đầy rẫy hiểm nguy - mới tìm ra tung tích và bắt giữ được đối tượng này vào cuối năm 2013.

Theo lời kể của Thiếu tá Thắng, khi anh và hai trinh sát vừa tiếp cận đầu đường vào bãi vàng (thuộc địa phận thị trấn Nam Phước) chưa lâu thì đã có bốn thanh niên vẻ mặt bặm trợn đi xe máy ào tới hỏi thăm “Tụi bây ở đâu tới đây?”. Bốn đối tượng này vốn là những tên “anh chị” bảo kê bãi vàng, vừa nhận được thông tin có người lạ xuất hiện, liền đến thị uy.

Trước tình huống đầy hiểm nguy, Thiếu tá Thắng - người có tướng tá cao lớn, gương mặt khá phong trần đã bình tĩnh đáp lời: “Tụi tao từ Sài Gòn ra kiếm người”. Câu trả lời ngắn gọn này đã hóa giải tất cả bởi nó vừa đúng mục đích là kiếm người, vừa ngầm thông báo với “chủ nhà” rằng bản thân nhóm này từ Sài Gòn lặn lội ra đây vì chuyện riêng chứ không hề có ý định tranh giành địa bàn.

Trong cuộc trò chuyện đầy căng thẳng tiếp theo, các đối tượng có phần nể bởi thấy anh Thắng biết rõ nhiều tên giang hồ ở Sài Gòn - bởi đơn giản vì anh vốn là lính hình sự và đã trải qua nhiều chuyên án lớn nên anh Thắng không lạ gì những cái tên đó. Thế là “họa hóa may”, thấy các vị khách có vẻ “hiểu đời”, bốn tên đã nhiệt tình giúp đỡ và đưa các trinh sát truy nã đến tận nơi để tìm ra kẻ cần tìm.

Theo các đối tượng này thì lúc đó Một đang làm bảo kê cho một lán nhỏ nằm sâu trong rừng. Và khi các trinh sát lặn lội tìm vào đến nơi, Một còn đang cởi trần ngủ li bì. Đến lúc chiếc còng số 8 lạnh lùng bập vào tay, Một mới bừng tỉnh kinh ngạc. Lục soát người đối tượng, trinh sát thu giữ được một khẩu súng cùng 5 viên đạn. Đến lúc này những người anh em “bản địa” mới ngã ngửa khi phát hiện những “giang hồ Sài Gòn” thực chất là các trinh sát truy nã...

{keywords}

Ðối tượng truy nã nguy hiểm Lê Minh Duy tại cơ quan Công an.

Một đối tượng truy nã khác mang án giết người đặc biệt nguy hiểm là Lê Minh Duy (34 tuổi, quê Thạnh Phú, Bến Tre). Điều đáng nói là bản thân đối tượng này có tới 3 tiền án về tội Cố ý gây thương tích và Cướp giật tài sản. Khi gây án giết người ở KCN Tân Tạo, Bình Tân vào năm 2013, Duy cũng chỉ mới ra tù được 1 tháng thì tiếp tục phạm tội.

Theo Thiếu tá Thắng, quá trình theo dõi và truy bắt đối tượng này cực kỳ công phu và gian khổ. Do hành tung của Duy rất mờ ám và đối tượng thường xuyên di chuyển từ Bình Dương ra Nha Trang rồi lại vòng về Bình Dương nên các trinh sát đã mất nhiều công sức để truy xét và lần theo tìm dấu vết mà vẫn bặt tăm.

Không nản lòng, các trinh sát tiếp tục truy tìm thêm các nguồn tin khác. Đến ngày 18/4/2015 các trinh sát đã nắm được thông tin Duy đang làm bảo kê kiêm bảo vệ ở một quán bar trên đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. Từ đó, nhiều ngày liên tiếp các trinh sát đã thay nhau giám sát quán bar.

Quan sát trong số bảo vệ bảo kê, các trinh sát thấy nổi lên đối tượng tên Rón. Theo giác quan nghề nghiệp và quan sát cử chỉ hành động của đối tượng, Thiếu tá Thắng đánh giá khoảng 70-80% Rón chính là Duy. Tối 21/4, anh cùng tổ trinh sát có 6 CBCS đã tới quán bar này để chuẩn bị hành động.

“Do địa bàn phức tạp và đối tượng thuộc dạng hung hãn, manh động, có băng nhóm, có đối tượng hỗ trợ nên chúng tôi sử dụng 6 CBCS có nghiệp vụ cao để hành động. Sau khi đã bố trí lực lượng và lên phương án hợp lý, khi vừa thấy tên này ra phía ngoài cửa quán bar để hút thuốc, tôi liền gọi: ‘Duy, khỏe không?!’. Theo phản xạ, đối tượng này lập tức quay qua nhìn tôi và trả lời: ‘Ờ, khỏe, mà anh là ai vậy?’. Lúc này tôi biết chắc chắn đó là Duy. Ngay lập tức tôi khống chế đối tượng trong khi tên này chưa kịp có hành động phản ứng nào…”, Thiếu tá Thắng kể lại.

Vụ mới đây nhất là vào ngày 7/8/2016, anh cùng động đội đã bắt giữ được đối tượng Bùi Văn Xuân Lắm (32 tuổi, ngụ ấp 8, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) tại khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh với nước bạn Campuchia. Lắm là đối tượng bị truy nã đặc biệt về hành vi giết người hơn 2 năm trước.

Theo Thiếu tá Thắng, Lắm có tên gọi khác là Hóa, là đối tượng đặc biệt nguy hiểm chuyên đánh bạc và tổ chức đánh bạc bằng hình thức lắc tài xỉu tại khu vực giáp ranh huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, TPHCM. Sau khi ly hôn vợ, năm 2010, Lắm quen biết và có quan hệ tình cảm với Nguyễn Thị Kim Chi (28 tuổi, thường trú xã Bình Mỹ, Củ Chi), cả hai cùng ghi và thầu số đề, sinh sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.

{keywords}

Di lý đối tượng Lắm từ khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh về TP.HCM

Đến cuối năm 2013, Lắm và Chi nảy sinh mâu thuẫn về tiền bạc nên không còn ở chung với nhau. Thời gian này Chi có ý định quay về với chồng cũ. Khoảng 7h ngày 21/2/2014, Lắm chở Chi bằng xe Wave của Chi đến một quán cà phê võng tại tổ 3 ấp 8 xã Bình Mỹ để ăn sáng uống cà phê. Tuy nhiên, ngay sau đó, cả hai đã xảy ra cự cãi về số tiền thua lỗ trong hoạt động thầu đề và mâu thuẫn xung quanh mối quan hệ tình cảm. Bất ngờ Lắm dùng dao mang theo đâm Chi nhiều nhát và cắt đứt lìa vành tai trái của Chi làm Chi chết tại chỗ. Sau khi gây án, Lắm đã lấy xe gắn máy của nạn nhân tẩu thoát khỏi hiện trương.

Nhận lệnh truy bắt đối tượng, trong suốt 2 năm liền ròng rã, Thiếu tá Thắng cùng đồng đội nhận được nhiều thông tin về đối tượng xuất hiện nơi này, nơi khác. Nhưng trong đó có một thông tin các trinh sát đặc biệt chú ý cho rằng hiện Lắm đang ở Campuchia hoạt động trong lĩnh vực cờ bạc và đòi nợ thuê tại các casino dọc tuyến biên giới Campuchia - Việt Nam… Thậm chí, Lắm còn tiếp tục gây án bắt cóc tống tiền, đánh chết con bạc tại một casino ở Campuchia…

{keywords}

Thiếu tá Võ Duy Thắng (ngoài cùng bên phải).

Mới đây vào khoảng tháng 3/2016, các trinh sát nhận được thông tin hiện Lắm đang hành nghề đổi “lưu linh” (đổi tiền thành phỉnh và ngược lại để các con bạc chơi tại các casino) tại casino New World thuộc huyện Svayvet, tỉnh Svayrieng, Campuchia, giáp ranh ấp Long Hưng, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, cách cửa khẩu Mộc Bài 8km nên đã thường xuyên liên tục bố trí một tổ công tác gồm 6 trinh sát do Thiếu tá Thắng chỉ huy phối hợp với Đội An ninh Công an huyện Bến Cầu mật phục các con đường mòn qua lại biên giới ở khu vực này để đón bắt khi đối tượng sử dụng các con đường mòn này về Việt Nam.

Và chiều ngày 7/8, khi phát hiện Lắm vừa qua khỏi biên giới trên đường từ casino New World theo đường mòn qua tổ 5 ấp Long Hưng xã Long Thuận về Việt Nam, tổ công tác lập tức ập tới tiến hành bắt giữ đối tượng trước sự bất ngờ của tên này.

Theo Thiếu tá Thắng, mỗi vụ truy bắt đối tượng trốn nã đều có những khó khăn riêng. Tuy nhiên khó khăn nào trinh sát cũng phải tìm được cách giải quyết hợp lý, mục tiêu cuối cùng là đưa kẻ chạy trốn về quy án.

“Hầu hết những đối tượng truy nã đều có tiền án tiền sự nên Cảnh sát truy nã còn có trách nhiệm phải ngăn chặn đối tượng tiếp tục tái phạm tội. Có thể nói, tính chất công việc của nghề này rất đặc biệt, có những cái “sướng” của nghề mỗi lần truy bắt, truy nã các đối tượng như vừa hồi hộp, lo lắng trước khi bắt được đối tượng rồi phải “nằm gai nếm mật” ở nhiều địa bàn khác nhau để tìm tung tích đối tượng. Sau đó thì lại cảm thấy rất vui vì mình đã làm được điều tốt cho xã hội - bắt giữ được đối tượng về quy án và ngăn chặn hành vi tái phạm của đối tượng”.

(Theo Cảnh sát toàn cầu)