Ảnh: longford.co.uk Một quán cà phê internet ở Heifei, phía đông Trung Quốc |
Kết hợp cả cảm thông lẫn kỷ luật, một khu trại kiểu quân đội gần Bắc Kinh là mặt trận của cuộc chiến cai nghiện internet vốn đang làm khổ sở, náo loạn hàng triệu thanh niên Trung Quốc.
Trung tâm điều trị cai nghiện internet (IATC) ở quận Daxing sử dụng hỗn hợp thuốc và biện pháp quân sự để điều trị những đứa trẻ nghiện trò chơi trực tuyến, sách báo khiêu dâm trên internet, tình dục ảo và chat.
“Tôi dần dần bị ám ảnh” Li Yanlin, một sinh viên đại học học lực giảm mạnh sau khi bị nghiện các trò chơi trên mạng nói. Sau vài tuần ở trại Daxing, anh sinh viên 18 tuổi này nói anh “đã nhận ra sự sai lầm của (việc chơi) trò chơi trực tuyến”.
Quan tâm tới số hồ sơ internet liên quan đến những cái chết và tội phạm thanh thiếu niên tăng cao, chính phủ đang thực hiện những bước ngăn chặn nghiện internet bằng cách cấm mở các quán cà phê internet mới và ngăn cản các trò chơi máy tính bạo lực.
Trung tâm Daxing do một đại tá quân đội điều hành dưới quyền của Bệnh viện quân sự Bắc Kinh là một trong những nơi cai nghiện internet ở Trung Quốc. Các bệnh nhân chủ yếu là nam giới tuổi từ 14 đến 19 phải dậy lúc 6h15 sáng, tập các động tác thể dục mềm dẻo và hành quân trên mặt sân bê tông cứng trong bộ trang phục kaki bảo hộ lao động.
Trung sĩ huấn luyện quát tháo bệnh nhân mỗi khi họ không chú ý trong nhóm. Việc chữa nghiện còn bao gồm cả việc khuyên bảo từng người, thuốc, kỷ luật quân sự và có khi để các bệnh nhân giả vờ tham chiến trong trò chơi với súng laser.
Theo một nhân viên của Trung tâm, cách tiếp cận kiên trì của IATC để cắt cơn nghiện internet là duy nhất ở Trung Quốc nhưng cần thiết ở một đất nước có đến hơn hai triệu con nghiện internet mới đang tuổi vị thành niên.
“Nhiều người nghiện internet ở đây hiếm khi cân nhắc đến cảm giác của người khác. Việc huấn luyện quân sự cho phép họ cảm thấy thế nào gọi là một phần của một nhóm”, chuyên gia tâm lý học Xu Leiting, Bệnh viện quân sự Bắc Kinh nói. “Nó cũng giúp cơ thể họ hồi phục và khoẻ hơn”.
IATC đã điều trị cho 1.500 bệnh nhên theo cách này kể từ khi mở cửa năm 2004 và tỷ lệ cai nghiện thành công là 70%. Chi phí khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.290 USD) một tháng cho mỗi bệnh nhân, gần bằng thu nhập bình quân của một người trong một năm ở Trung Quốc. Nhưng Giám đốc Trung tâm Tao Ran cho biết những trường hợp gia đình nghèo được miễn phí.
Bạo lực internet
Cuối năm 2006, Trung Quốc có 137 triệu người sử dụng internet, tăng 23,4% so với năm trước đó. Theo nghiên cứu năm 2006 của Trung tâm trẻ em quốc gia Trung Quốc, số người sử dụng dưới 18 tuổi ước khoảng 13%, tương đương 2,3 triệu người là nghiện internet.
Tỷ lệ nghiện internet theo các nghiên cứu của phương Tây khác xa nhau. Một báo cáo của Đại học Stanford University of Medicine năm 2006 phát hiện cứ một người trong số 8 người lớn thấy khó có thể sống xa internet vài ngày. Nhưng báo cáo này lại không đi đến kết quả cuối cùng như liệu việc sử dụng quá mức có được định nghĩa là nghiện hay không.
Các cơ quan quản lý y tế Trung Quốc tuy nhiên có vài minh hoạ về việc đặt nghiên internet một hoàng với nghiện rượu, thuốc phiện và cờ bạc.
“Hậu quả là giống nhau”, ông Tao nói. “Một số người nghiện bỏ học. Một số trộm tiền của gia đình, bán đồ đạc của gia đình để có tiền chơi game. Một số kết thúc bằng việc tự sát bởi họ cảm thấy cuộc sống vô định".
Hậu quả xã hội của nghiện đã vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính phủ, như sự tăng trưởng bùng nổ của internet.
“Bỗng nhiên từ một nhóm người sử dụng năm 1997, Trung Quốc nay đã có hơn 130 triệu người sử dụng. Người dân có thể truy cập internet ở những vùng sâu, vùng xa nhất”, ông Tao nói.
Hầu hết tội phạm thanh thiếu niên ở Trung Quốc, số vụ tự sát, người chơi internet chết do kiệt sức được đổ lỗi tại nghiện internet.
Năm 2005, một toà án ở Thượng Hải đã kết án tù chung thân một tay chơi trò chơi trực tuyến, người đã đâm một đối thủ đến chết để ăn cắp kiếm ảo - một phần thưởng ảo có được trong quá trình chơi.
Sức ép của cha mẹ
Trào lưu nghiện internet trong giới thanh niên gia tăng đã thúc ép chính phủ cấm việc mở các quán cà phê internet mới trong năm 2007. Việc này ở Trung Quốc được xem như một hành động duy trì nòi giống cho xã hội.
Ông Tao nói. “Nguyên nhân chính của chứng nghiện internet là kỳ vọng của các bậc cha mẹ đối với con cái của họ quá lớn”.
Với nhận thức giáo dục có ý nghĩa duy nhất trong một xã hội cạnh tranh đến cực đoan, nhiều vị phụ huynh đã đã khoá con cái lại để học, yêu cầu giáo viên ra thêm bài tập về nhà cho con cái của mình.
Sức ép có thể quá lớn đối với một số đứa trẻ, đặc biệt nếu chúng thất bại trong học hành. “Rồi chúng trốn tới thế giới ảo để tìm kiếm thành tựu, sự quan trọng và thoả mãn hoặc cái cảm giác có quyền sở hữu” chuyên gia tâm lý học Xu nói.
Lê Hạnh
Theo Reuters