Trong hai tháng đầu, trẻ sơ sinh không chỉ sử dụng toàn bộ thời gian để ăn và ngủ như bạn nghĩ mà em bé cũng thực sự biết học hỏi. Hiểu sự phát triển của trẻ trong hai tháng, cha mẹ sẽ dễ dàng có những hoạt động tương tác với con hơn.
Bé 2 tháng tuổi có những đặc điểm gì?
- “Phản xạ sơ sinh”: Bé mút và xoay đầu theo bản năng khi bạn cọ cọ vào má bé. Bé cũng nắm bắt bất cứ vật gì nếu vật đó được đặt vào tay. Nếu bạn nhẹ nhàng ngả đầu bé về phía sau, bé sẽ giật cánh tay và mở mắt.
- Kỹ năng chuyển động: Ngay sau khi sinh đầu và cổ của trẻ chưa đỡ được đầu. Sau một tháng cổ của bé cứng cáp hơn và điều khiển tốt hơn. Hai tay và chân của bé chuyển động đồng thời và song hành cùng nhau, nếu không thì đó là dấu hiệu không bình thường.
- Tầm nhìn: Tầm nhìn của bé chỉ 20/200. Trẻ sơ sinh chỉ nhìn rõ trong phạm vi 20-25cm với vật thể được đặt trước mặt. Em bé thích nhìn màu sắc tương phản (như trắng và đen). Gần 2 tháng bé có thể nhìn được sự vật đặt trước mặt từ 30-60cm. Bé có thể nhìn chăm chú và mắt dõi theo sự vật khi nó được di chuyển từ theo các hướng trên dưới, phải trái.
- Khả năng nghe: Trẻ sơ sinh khi mới sinh có thế nghe được các âm thanh thông thường. Trẻ sẽ giật mình khi nghe âm thanh lớn. Các em bé nhận ra giọng nói của ba mẹ, âm thanh quen thuộc với bé khi bé còn trong bụng mẹ.
- Nhận biết xung quanh: Các bé sơ sinh rất thích thú khi nhìn gương mặt của mọi người. Trước 2 tháng tuổi, nếu bạn mỉm cười với bé, bé sẽ mỉm cười với bạn (hay còn gọi là social smile). Bé dưới 6 tuần tuổi, bất cứ ai cười với bé, bé cũng sẽ cười lại, cái này gọi là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
- Khả năng ngôn ngữ: Ban đầu trẻ thể hiện nhu cầu của mình cho người khác biết bằng tiếng khóc. Khi gần 2 tháng trẻ bắt đầu tạo những tiếng u ơ. Trẻ bắt đầu biết cười và thậm chí biết cười to.
Cha mẹ chơi trò gì với con để phát huy khả năng của trẻ?
Chúng ta cho trẻ xem những món đồ chơi nhiều màu sắc (xúc xắc, pompom…) chuyển động đồ vật qua lại trái phải, trên dưới, dùng khăn tay vẫy vẫy trước mặt bé.
Cho bé nghe nhạc, chơi với các đồ chơi xúc xắc.
Để bé chạm nắm các vật thể khác nhau như gương mặt mẹ, tóc mẹ, các chất liệu đồ chơi mềm (soft toy)... Ở Mỹ bố mẹ không ngần ngại cho trẻ sờ vào người những con vật nuôi trong nhà (như chó, chim, mèo,…).
Massage cho bé. Trong cuốn sách “The First Twelve Months of Life” của Theresa Caplain, tác giả nói “Touch” (chạm, vuốt ve, âu yếm…) là ngôn ngữ chính đối với trẻ sơ sinh. Có vô số các nghiên cứu chỉ ra rằng việc ôm ấp, thơm, vuốt ve giúp thắt chặt tình mẫu tử. Bên cạnh đó còn giúp tăng cường chức năng miễn dịch, phát triển cơ bắp, các hoocmon sản sinh tốt hơn.
Cha mẹ bế, đung đưa hát ru cho bé những bài hát quen thuộc khi bé nằm trong bụng mẹ và mở rộng những bài hát mới.
Bế bé để bé nhìn gương mặt mẹ và nói chuyện với bé. Việc làm này không chỉ mang tính chất dỗ dành khi bé khóc mà còn làm bé thấy mình được che chở, xây dựng cảm giác an toàn, nuôi dưỡng sự tự tin ở trẻ (theo nghiên cứu của trường Đại học Delaware).
Bạn có thể bắt đầu tập tummy time cho bé, 5 phút mỗi lần. Hoạt động này không chỉ giúp các cơ bắp của vai, cổ phát triển tốt hơn mà còn tránh nguy cơ bé nằm nhiều khiến đầu không được tròn trịa. Lần đầu tiên bé sẽ không thấy thoải mái khi bạn tập tummy time nhưng càng sớm luyện thì khả năng thích ứng của bé càng lớn hơn. Đừng quên ở cạnh bé, nói chuyện, đưa cho bé những vật thể ưa thích để khuyến khích bé.
Ở giai đoạn này bạn có thể bắt đầu đọc sách cho bé và hãy làm thường xuyên, đều đặn hàng ngày. Một cuộc khảo sát đã cho thấy việc trẻ được cha mẹ đọc sách cho từ khi lọt long cho đến khi lớn sẽ giúp trẻ biết đọc sớm hơn, kỹ năng đọc hiểu vượt trội hơn các bạn đồng lứa.
Hãy dành thật nhiều thời gian để trò chuyện và mỉm cười với bé, đó là phương pháp tuyệt vời và hiệu quả nhất đối với một đứa trẻ.
(Theo MASK Online)