– “Điểm bắt đầu của cuộc hành trình là niềm tin vĩ đại dành cho những con người bình dị, tin ở cách thức hành động tử tế và ôn hòa của họ, khi họ biết được sự thật bên trong vụ việc". (Wilfred Graham Burchett)
TIN BÀI KHÁC
Sinh ra tại Hà Nội năm 1955, George Burchett là con trai của nhà báo cánh tả nổi tiếng Wilfred Graham Burchett. Ông hiện đang làm việc như một họa sĩ và một nhà làm phim tài liệu với một số dự án tại Việt Nam. George Burchett cũng đã từng gặp gỡ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2011), được Chủ tịch tặng bức tranh bằng đá khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phóng viên VietNamNet có cuộc trò chuyện với George Burchett về người cha vĩ đại trong lòng ông - một nhà báo tài giỏi và rất nổi tiếng, về quan điểm làm báo và những cuốn sách cha ông viết về Việt Nam.
Wilfred Graham đã viết hơn 40 cuốn sách trong cuộc đời mình, nhiều cuốn hiện nay vẫn được dùng trong nhiều trường đại học trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh cùng vợ chồng nhà báo Wilfred Burchett, Hà Nội năm 1966. |
Wilfred Graham Burchett (quốc tịch Úc) là một phóng viên cánh tả nổi tiếng. Burchett từng tường thuật Chiến tranh thế giới thứ hai cho báo chí Anh. Ông cũng chính là phóng viên phương Tây đầu tiên có mặt tại Hiroshima, Nhật Bản sau khi Mỹ thả bom nguyên tử, lúc thành phố còn đầy mùi bụi phóng xạ. Một trong những dòng chữ đầu tiên mà Burchett viết về sự kiện này là: “ Tôi viết để cảnh báo thế giới ” Ông là phóng viên phương Tây hiếm hoi từng sống cùng với bộ đội Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc và chiến trường miền Nam trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Wilfred Burchett đặt biệt gắn bó với Việt Nam. Ông có mối quan hệ gần gũi với chủ tịch Hồ Chí Minh. Burchett gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên là hồi tháng 3, 1954 tại Việt Bắc, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra. Những năm sau này, mỗi lần đến Hà Nội, Burchett đều đến thăm Người. Trong chiến tranh Việt Nam, mặc dù đã 60 tuổi, Burchett vẫn đi hàng trăm dặm qua nhiều chiến trường, đã từng ở trong địa đạo Củ Chi với các du kích. |
George Burchett - con trai nhà báo Wilfred Graham - tại Hà Nội (2012), trên tay ông là một cuốn sách được viết bởi cha ông - Ảnh: Angellittlefire |
Điều gì đã khiến ông trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2006, gần 50 năm sau khi rời VN lúc chỉ mới 2 tuổi, George Burchett?
- Tôi được mời bởi Hanoi Cinematheque cho lễ ra mắt bộ phim tài liệu - “Public Enemy Number One” – một phim về cha tôi.
Cuộc trò chuyện gần đây nhất tại Hà Nội (tháng 5/2012) về cuốn sách lịch sử của cha ông đã diễn ra thế nào?
- "From Hanoi to Hanoi" đã diễn ra rất tuyệt vời, với rất nhiều người tham dự. Tôi nghĩ mọi người đến vì những bức hình tôi cho sẽ họ xem, và câu chuyện mà chúng kể lại về Việt Nam, Hà Nội.
Ông còn có dự án nào khác ở Việt Nam không?
- Tôi đang làm một dự án phim tài liệu với con trai tôi, Graham Burchett. Và tôi cũng muốn tổ chức một buổi triển lãm các tác phẩm của tôi, lấy cảm hứng từ Việt Nam nữa.
Nghe thật tuyệt. Hãy nói một chút về cuốn sách đã làm nên linh hồn của cuộc trò chuyện “From Hanoi to Hanoi”. “North of the 17th Parallel” (Phía Bắc của vĩ tuyến 17) là một cuốn sách như thế nào?
- “North of the 17th Parallel” nói về Việt Nam trong năm đầu tiên sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nó gợi lại một vài khoảnh khắc lịch sử ngắn ngủi với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những thách thức cho nền Độc lập. Nó cũng mô tả cuộc gặp gỡ đầu tên của cha tôi với Bác Hồ ở Thái Nguyên sau đêm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cuốn sách nói về những dữ liệu lịch sử trong trận đánh, về nông thôn Việt Nam, về những người dân tộc thiểu số, về tái thiết đất nước: một Việt Nam mới đã ra đời như thế nào. Nó được minh họa bởi 70 bức hình, chủ yếu là do cha tôi chụp.
Đây là bức ảnh tôi thích nhất, với biểu tượng thật mạnh mẽ
Ploughing Dien Bien Phu: turning Dien Bien Phu from battlefield to ricefield.
(Cày xới ở Điện Biên Phủ: từ trận địa thành cánh đồng) |
Có lẽ nó là một trong những cuốn sách hiếm có được xuất bản tại Việt Nam và bằng tiếng Anh thời điểm đó. Cha ông còn viết một cuốn sách nào khác về Việt Nam, ngoài “North of the 17th Parallel”?
- Cha tôi còn viết thêm 7 cuốn sách nữa về Việt Nam sau khi “North of the 17th Parallel” ra đời năm1955. Chúng là:
(Phía Bắc của vĩ tuyến 17) |
My Visit to the Liberated Zones of South Vietnam (1964)
Vietnam: Inside Story of the Guerilla War (1965)
Vietnam North (1966)
Vietnam Will Win (1967)
Grasshoppers and Elephants: Why Vietnam Fell (1977)
Catapult to Freedom (1978)
The China, Cambodia, Vietnam Triangle (1981)
Những cuốn sách này đã được dịch ra 30 thứ tiếng và được đọc ở khắp nơi trên thế giới. Chúng đã gây ảnh hưởng rất lớn trong việc thay đổi chính kiến của nhiều người, làm nên phong trào phản chiến trong chiến tranh Việt Nam.
Ông đã đọc “North of the 17th Parallel”- một cuốn sách viết từ năm 1955, và chứng kiến thực tế khi ông trở lại Việt Nam từ năm 2006 đến nay. Điều gì đã thay đổi nơi đây?
Họa sĩ George Burchet trong cuộc trò chuyện - Ảnh: Angellittlefire |
- Chà, đây là một câu hỏi rất lớn!
Tất nhiên Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Những bức ảnh của cha tôi chụp từ năm 1954-1955 khi Việt Nam bị thương tổn bởi một cuộc chiến kéo dài và dữ dội. Cuối cùng, đất nước cũng được tự do và độc lập vào năm 1975, 20 năm sau khi “North of the 17th Parallel” xuất bản.
Ngày nay, Việt Nam là một đất nước trẻ trung, năng động và hiện đại, hướng tới tương lai.
Có một điều không thay đổi, và tôi mong nó sẽ không bao giờ thay đổi, đó là: Việt Nam hãy luôn là Việt Nam, chỉ một và duy nhất – với con người Việt Nam, với vẻ đẹp của tự nhiên, văn hóa và truyền thống; với 54 dân tộc anh em - một vùng đất của những người anh hùng, của thơ ca và nhiều nghệ sĩ.
Và tôi mong Hà Nội đừng thay đổi quá nhiều. Đặc biệt là nét Hà Nội xưa.
Ông có nghĩ Việt Nam vẫn là một nước nghèo?
- Tùy thuộc vào việc bạn định nghĩa thế nào là nghèo. Việt Nam giàu có về lịch sử, truyền thống và vẻ đẹp; giàu những người anh hùng. Lịch sử của các bạn là cảm hứng cho nhiều người trên thế giới.
Tháng trước tôi đi du lịch từ Hà Nội đến Xam Neua (Lào), và trở lại Hà Nội qua đường Thanh Hóa. Cảnh quan đẹp vô cùng. Từ máy bay, tôi có thể nhìn thấy những ngọn núi. Vợ tôi nói rằng Việt Nam trông thật giàu có. Những con đường bao quanh những ngọn núi đó làm thành biên giới với nước Lào. Việt Nam không giống như một nước nghèo.
Tôi đã lớn lên ở đây, khi Việt Nam đang chiến đấu với một nước giàu mạnh nhất trên thế giới. Và chiến thắng. Bởi vậy với tôi, Việt Nam luôn là một đất nước anh hùng, không phải là một quốc gia nghèo khó.
Một đất nước xã hội chủ nghĩa (socialist country) không bao giờ là một quốc gia nghèo khó - bởi đất nước thuộc về nhân dân. Nhưng nếu tư hữu hóa mọi thứ, thì sẽ chỉ có một số người giàu sở hữu đất nước, và số còn lại phải làm việc cho họ, làm cho họ ngày càng giàu có hơn. Đó là điều mà mọi người trên thế giới đang bắt đầu nhận ra, và đang phản đối, cũng như biểu quyết lại.
Bởi vậy, nếu Việt Nam cứ là một đất nước xã hội chủ nghĩa thực sự, nó sẽ không bao giờ là một quốc gia nghèo khó, sẽ ngày càng phồn thịnh và của cải được chia sẻ cho mọi người, không phải chỉ một vài người. Tiền được dành để xây dựng trường học, bệnh viện, trường đại học, chăm sóc người cao tuổi. Được như vậy, đó sẽ là một đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Cha ông đã nói gì về Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và quãng thời gian ông ấy ở đây?
Nhà báo Wilfred Burchett và Chủ tịch Hồ Chí Minh |
- Cha tôi ngưỡng mộ Hồ Chủ tịch nhiều hơn bất cứ nhân vật nào trong lịch sử - bởi nhân cách duy nhất của Người, cũng như sự thông tuệ đáng khâm phục, tư tưởng quốc tế và tài lãnh đạo.
Mỗi lần ông trở lại Việt Nam qua những chuyến thăm ngắn ngủi, ông đều nói với chúng tôi rằng, Bác Hồ gửi tới những đứa trẻ chúng tôi lời hỏi thăm ấm áp nhất – dành cho anh trai tôi, chị gái tôi, và tôi. Bởi vậy, có thể nói rằng Bác Hồ luôn hiện diện trong gia đình tôi như một hình ảnh vô cùng mạnh mẽ.
Và bởi vì cha tôi đã luôn kiên định với cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất của Việt Nam, nên Việt Nam cũng luôn hiện diện trong gia đình tôi. Với tôi, Việt Nam – Hồ Chí Minh thực sự là một điều gì đó sâu sắc và có thực.
Cha ông có tiếp tục lắng nghe tin tức về Việt Nam sau năm 1975?
- Tất nhiên rồi. Cha tôi tham gia và là một phần của những hoạt động ủng hộ Việt Nam cho đến khi ông mất vào tháng 9 năm 1983. Cuốn sách cuối cùng ông viết về Việt Nam được xuất bản năm 1981, có tên “The China, Cambodia, Vietnam Triangle” (Tam giác Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia)
Ông có gần gũi với cha mình không? Ông đã học được điều gì từ ông ấy?
- Cha tôi đi rất nhiều. Ông đi khắp nơi để viết về những câu chuyện trên thế giới. Khi ông trở về nhà, đó luôn là khoảng thời gian rất đặc biệt.
Giờ đây khi ông đã mất, tôi còn cảm thấy gần gũi hơn với ông vì tôi đang đọc những cuốn sách do ông viết, từ đó học được nhiều điều về lịch sử và bản thân ông. Tôi cũng đang biên tập lại 2 bộ sách của ông.
Tôi học từ ông nhiều bài học. Tôi ngưỡng mộ sự lạc quan, tinh thần nhân văn, lòng can đảm, nhiệt huyết và kỷ luật trong công việc của ông. Cha tôi cũng là một đầu bếp tuyệt vời, một người thực sự mến yêu cuộc sống và đầy hài hước. Ông là con người đầy tình yêu và nhân văn.
Quan điểm của cha ông về nghề báo là gì?
Nhà báo Wilfred Burchett |
- Tôi có thể trích dẫn ra đây ý của ông để trả lời bạn:
"Nó đã xảy ra như vậy, từng bước từng bước một, và như không định trước, tôi đã đạt được tới một kiểu báo chí niết bàn - tự do trước bất kì một lòng trung thành nào xây dựng trên chính phủ, các đảng phái hay tổ chức.
Lòng trung thành của tôi là niềm tin của riêng tôi và độc giả của tôi.
Điều này đòi hỏi sự tự do tuyệt đối trước bất cứ mọi loại hình kỉ luật, ngoại trừ việc nắm bắt sự thật về những vấn đề quan trọng, và mang nó trở lại cho những người có khả năng hành động (thường là những người hy sinh vĩ đại) - hành động dựa trên những thông tin mà họ nhận được.
Minh chứng là những bản báo cáo của tôi từ Việt Nam - một phần quan trọng trong sự nghiệp của tôi - nó quá quan trọng để có thể bị ảnh hưởng bởi mệnh lệnh bên ngoài hoặc trên cao rót xuống.
Qua nhiều năm, ở nhiều quốc gia, tôi đã có một cộng đồng người đọc không mua báo để đọc những bản báo cáo thị trường chứng khoán hay truyện tranh dài kì, mà để đọc được sự thật về những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và lương tâm họ.
Trong khi giữ cho mắt và tai của mình được mở rộng hơn 40 năm qua, để viết từ những điểm nóng trên thế giới, tôi đã ngày càng nhận thức nhiều hơn về trách nhiệm của mình với độc giả.
Điểm bắt đầu của cuộc hành trình là niềm tin vĩ đại dành cho những con người bình dị, tin ở cách thức hành động tử tế và ôn hòa của họ, khi họ biết được sự thật bên trong vụ việc". (Wilfred Burchett, At The Barricades)
Trong cuộc sống bình thường, cha ông là một người như thế nào?
- Một người rất khiêm tốn và chăm chỉ - người đã từng trải qua những sự kiện lớn hình thành nên lịch sử thế kỉ 20. Tôi chưa bao giờ nghe cha chửi thề hay cao giọng. Theo nhiều cách, ông là sản phẩm của nền giáo dục và những giá trị Anh kiểu cũ. Một quý ông thực sự, ủng hộ cho cuộc đấu tranh của người dân trên khắp thế giới chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và quyền có được sự độc lập, tự do, hạnh phúc.
Bực bội với quan điểm chính trị của cha ông, chính phủ Úc đã từng gây khó dễ cho ông ấy. Cha ông đã đối mặt với sự từ chối từ quê hương mình như thế nào?
- Chính phủ Úc từ chối hộ chiếu của cha tôi trong 17 năm. Vì vậy, từ năm1955 đến 1972 ông đã di chuyển dọc miền Bắc Việt Nam bằng giấy thông hành (Laissez Passer Tenant Lieu de Passport) và sau đó bằng hộ chiếu Cuba do Fidel Castro cấp cho ông.
Việc thiếu tấm hộ chiếu Úc đã không ngăn được ông viết những câu chuyện tuyệt vời trong thời gian đó. Nó chắc chắn đã không ngăn nổi ông tới khu giải phóng miền Nam Việt Nam! Ông là nhà báo phương Tây đầu tiên đã làm điều đó - và nói với cả thế giới sự thật về cuộc đấu tranh của người dân miền Nam Việt Nam.
Nhà báo Wilfred Burchett tác nghiệp tại Hàn Quốc |
Từ khoảng năm 1969, một phong trào quốc tế đã gây áp lực lên chính phủ
Úc để khôi phục lại các quyền dân sự cơ bản của cha tôi cũng như anh
trai tôi, chị gái tôi và bản thân tôi. Hộ chiếu Úc của ông đã được phục
hồi ngay lập tức sau khi Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Gough Whitlam
được bầu lên nắm quyền. Mặc dù tôi được sinh ra tại Hà Nội, hộ chiếu
Úc đầu tiên của tôi lại đóng dấu “Không hợp lệ cho miền Bắc Việt Nam” (Not valid for North VietNam!)
Một con người kiên cường như ông ấy có từng thất vọng?
- Tôi nghĩ rằng thất vọng lớn nhất của cha tôi là những gì đã xảy ra sau năm 1975 ở các nước Đông Dương và Trung Quốc. Chế độ Khmer Đỏ kinh hoàng ở Campuchia cũng như sự xâm lược chống Việt Nam, là một đòn khủng khiếp giáng xuống mọi quan điểm của ông.
Ông vượt qua sự tuyệt vọng bằng cách làm việc như một nhà báo tố cáo tội ác của Pol Pot. Ông hoàn toàn ủng hộ Việt Nam trong cuộc giải phóng Campuchia, đánh đuổi chế độ Pol Pot tại thời điểm khó khăn đó.
Ông qua đời sau khi viết xong cuốn sách cuối cùng “Shadows of Hiroshima”, nhắc lại câu nói lịch sử “cảnh báo thế giới” vào tháng 9/1945. Ông chưa bao giờ ngừng làm việc vì nhân loại và hòa bình cho đến tận phút cuối cùng. Bởi vậy với tôi, ông thực sự là một trong những con người vĩ đại nhất của thế kỉ 20. Trong tâm trí tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cha tôi luôn có mối quan hệ mật thiết. Tôi yêu quý và trân trọng họ với tất cả trái tim mình.
Xin cảm ơn ông, George Burchett và gửi tình cảm đến cha ông Wilfred Graham Burchett – một nhà báo lớn và một người bạn của Việt Nam!
- Hồ Hương Giang (thực hiện)