Tôi ngộ ra một điều: Lý thuyết chỉ mãi là lý thuyết, chỉ khi nào mình có trải nghiệm thực tế, khi đó nó mới trở thành kiến thức của mình!

Đúng vào ngày kỷ niệm 66 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tại Đà Nẵng sẽ diễn ra cuộc gặp mặt lần đầu tiên của những người lính hải quân còn sống trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988. Ngoài ra, còn có các nhân chứng Hoàng Sa là những nhân viên khí tượng thuỷ văn đã ra Hoàng Sa làm việc trước thời điểm hải quân Trung Quốc đánh chiếm phần còn lại của quần đảo này, cũng như thân nhân của một số liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện bi hùng đó.

Đặc biệt, sự kiện còn có sự tham dự của Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ, người đồng thời là Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, và một nhà nghiên cứu Biển Đông - ThS Hoàng Việt. 

Cuộc gặp mặt mang tên “Vòng tròn bất tử - Vòng tay đồng đội” này, theo ban tổ chức thuộc chuỗi chương trình “Vòng tròn bất tử - Tri ân chiến sĩ”do Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa tổ chức từ tháng 7.2009 tới nay.

Trong Năm thanh niên hướng về biển đảo Tổ quốc, TTDL Hoàng Sa hi vọng rằng chương trình có thể truyền tải được sự quan tâm, lo lắng của thế hệ trẻ đối với chủ quyền đất nước, tiếp bước cha anh gìn giữ toàn vẹn non sông.

Nhân dịp sự kiện quan trọng này, Tuần Việt Nam xin được giới thiệu cuộc trao đổi với nhân vật chủ chốt đứng đằng sau sự kiện này – cô sinh viên 20 tuổi Nguyễn Thị Đài Trang của Trường Tài chính – Marketing, người điều hành chính của Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa từ hơn 2 năm nay. Một khuôn mặt còn bấm ra sữa.

Cuộc trò chuyện này được phóng viên Huỳnh Phan thực hiện tại Cam Ranh, trong chuyến đi đưa tin về chuyến biểu diễn phục vụ sĩ quan và chiến sĩ vùng 4 Hải Quân của Nhóm Công tác Trường Sa và Nhà hát Tuổi Trẻ từ 10.8 đến 13.8 vừa rồi.

Tuổi trẻ rất cần trải nghiệm

Website Tư liệu Hoàng Sa hình thành được bao lâu rồi?

Nó được thành lập sau sự kiện Tam Sa (Nhà cầm quyền Trung Quốc quyết định thành lập đơn vị hành chính Tam Sa, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam - TG), vào tháng 12 năm 2007.

Hình thức ban đầu là một trang blog cá nhân. Sau đó, do nhu cầu phát triển mạnh hơn, một website đã ra đời. Đầu tiên, nó chỉ là một diễn đàn đơn thuần giữa những người trẻ cùng mối quan tâm đến Hoàng Sa, Trường Sa.

 
 Thay mặt TS Nguyễn Nhã trao cho đại diện Nhà giàn Phúc Tần "An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ

Nhưng với sự tham gia của TS Nguyễn Nhã và ThS Hoàng Việt, với vai trò cố vấn, chúng tôi thành lập thêm một tủ sách trực tuyến Hoàng Sa – Trường Sa. Chúng tôi số hoá, hoặc scan, tất cả những cuốn sách mà TS Nguyễn Nhã có. Tủ sách hoàn toàn có thể tải miễn phí về đọc.

Lúc đầu chỉ có những sách tiếng Việt, sau đó có cả sách tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban nha, tiếng Ý…

Nguồn tư liệu tiếng nước ngoài mình kiếm đâu ra?

Những cuốn sách tiếng nước ngoài chúng tôi tìm trên google, hoặc do các cộng tác viên là du học sinh sao chụp trong các thư viện ở Ý, hoặc các nước khác, gửi về.

Trong thời gian qua Mỹ dự hội thảo về Biển Đông vừa rồi, TS Nguyễn Nhã đã thu thập được một đĩa DVD về chủ đề chủ quyền của VN tại Hoàng Sa, qua các sách do Pháp xuất bản.

Cho đến nay có nhiều người truy cập không?

Trong một ngày khoảng 30 ngàn. Đó là giảm nhiều so với trước đây, vì một số lý do khác nhau.

Đó là những lý do gì?

(Cười) Thôi. 30 ngàn/ngày cũng là quá quý rồi.

Nhóm điều hành gồm những ai?

Toàn những người trẻ, thuộc thế hệ 8X và cả 9X, như tôi. Người chịu trách nhiệm về tư cách pháp nhân là nhà nghiên cứu Phạm Thu Xuân – thành viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.

Nhóm điều hành gồm khoảng 20 người, làm part-time cũng như tôi, hoạt động theo nhóm, tuỳ từng mảng phụ trách. Tôi phụ trách chung, quản lý mạng, tài chính và truyền thông.

Còn về học thuật?

Bên cạnh chúng tôi có ban cố vấn gồm nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc phụ trách chung về lịch sử Đông Nam Á, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân phụ trách về cổ sử Việt Nam và Trung Quốc, ThS Hoàng Việt về luật pháp quốc tế, TS Nguyễn Nhã về sử học, về lịch sử chủ quyền và quá trình thực thi chủ quyền.

Ý tưởng này xuất phát từ đâu?

Do hai anh là sinh viên Đại học Quốc Gia TP HCM. Sau sự kiện Tam Sa, họ gặp nhau trên mạng, họ thấy cùng lý tưởng và hợp tác, xây dựng diễn đàn. Và tiếp tục có những người cùng ý tưởng, và họ định hướng cho một diễn đàn rộng hơn.

Tôi mới tham gia từ tháng 3.2009, khi đang học lớp 12. Chính thức quản lý từ tháng 4.2009.

Lý do?

Tôi gặp một anh đồng hương Nam Định, người vẫn tham gia quản trị diễn đàn, nghe thấy thích và quyết định tham gia. Ban đầu, tôi chỉ cộng tác làm chương trình tri ân thôi. Bởi tôi có biết một chiến sĩ CQ88.

Sau đó, khi tìm được chiến sĩ đó mới tìm tiếp được thông tin của 9 chiến sĩ bị Trung Quốc bắt giữ và trả về. 3 chú ở Quảng Bình mà Tuần Việt Nam đã viết nhân 27.7 vừa rồi, một chú ở Nam Định, một chú ở Đắc Lắc, một chú ở Qui Nhơn, một chú ở Quảng Trị, và một chú nữa ở Thanh Hoá và hình như đã mất, nghe đồn là vậy.

Nhưng công việc liên quan đến điều hành mạng, hay làm những chương trình tri ân có ảnh hưởng tới công việc học của Đài Trang không?

Không. Quan trọng là mình biết sắp xếp thời gian thế nào. Tôi đi học thì tuỳ thời gian biểu của từng kỳ học mà bố trí công việc cho phù hợp không chông chéo lên nhau. Khi rảnh thì dành thời gian cho diễn đàn. Sinh viên cũng hay đi làm tình nguyện, và tôi cũng coi hoạt động cho diễn đàn là một hoạt động tương tự như vậy.

Hơn nữa, không phải lúc nào cũng bận. Chỉ những lúc tổ chức chương trình như thế này mới bận, bởi phải lo liên hệ, thực hiện các thủ tục, rồi kêu gọi tài trợ. Cũng may là đang nghỉ hè.

Kết quả học tập của Đài Trang thế nào?

Trung bình khoảng 7,5-7,6. Cũng khá thôi.

Nhưng bù lại, do tiếp xúc với nhiều người nên mình cũng có những trải nghiệm khác, kiến thức khác. Trong đó, có những thứ đằng nào ra đi làm mình vẫn phải học, phải trải nghiệm. Bởi vậy trải nghiệm trước vẫn có lợi thế hơn.

Đài Trang có phải làm thêm để kiếm sống không?

Có chứ. Mẹ gửi đủ khoảng 60-70% tổng chi tiêu, phần còn lại tôi tự kiếm thêm.

Tôi có cộng tác báo chí. Nhưng không cố định với báo nào cả, bởi tuỳ chủ đề mà gửi cho tờ phù hợp. Tôi đã có hai bài đăng trên Tuần Việt Nam vào 20.10 năm ngoái, và 21.6 vừa rồi (Phía sau những người đã ngã xuống ở Trường Sa - TG).

 
Với chiến sĩ Trường Sa

Ngoài ra, tôi còn làm thêm một số công việc khác phụ thêm vào tiền chi tiêu nọ kia. Điều tra thị trường, chẳng hạn. Nghề tôi đang học mà.

Vả lại, tôi quan niệm rằng khi đi làm từ thiện, tốt nhất là bằng đồng tiền mình làm ra chứ không phải đi xin của mẹ.

Tức là không muốn “của người phúc ta”?

(Cười) Đúng vậy.

Trước khi tham gia diễn đàn này, Đài Trang hiểu gì về Hoàng Sa – Trường Sa?

Sau sự kiện Tam Sa, tôi chỉ biết là Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, nhưng tôi cũng không quan tâm lắm. Lúc đó còn nhỏ quá.

Tới năm lớp 12, tôi mới tìm hiểu sâu hơn sự kiện Tam Sa thực chất là cái gì, và lịch sử chủ quyền của Việt Nam.

Tại sao tự nhiên Đài Trang lại quan tâm đến chủ đề này?

 Do tác động của truyền thông.

Lý lẽ nào của anh đồng hương đã thuyết phục Đài Trang quyết định tham gia điều hành diễn đàn?

Có lẽ, lúc đó mong muốn tham gia của tôi lớn hơn khả năng thuyết phục của anh đó.

Sau này ra trường, Đài Trang có tiếp tục làm một công việc liên quan tới những gì đang làm không?

Tôi không nghĩ vậy. Tôi học kinh tế, và, tôi nghĩ, thật là phí nếu không làm nghề gì đó liên quan đến ngành mình học. Còn những gì tôi đang làm hiện này sẽ giúp cho tôi có được những trải nghiệm, như tôi đã nói. Và tôi nghĩ, khi đi làm rồi, bận bịu công việc, rồi gia đình, chẳng hạn, cơ hội để có những trải nghiệm như thế này là rất khó.

Diễn đàn giúp giới trẻ bớt mơ hồ, hay bàng quan với biển đảo

Hoạt động của diễn đàn nhờ vào nguồn ngân sách nào?

Nhờ vào sự trợ giúp tài chính của bạn đọc, hoặc chúng tôi tự đi quyên góp tiền. Quỹ hoạt động bao gồm quỹ duy trì website, quỹ duy trì các chương trình, chi phí số hoá và scan sách.

Đặc biệt, chương trình tri ân mang tên “Vòng tròn bất tử” đã nhận được sự đóng góp của người Việt ở cả trong và ngoài nước.

Trong năm 2010, chúng tôi có chương trình hướng về Lý Sơn, được sự hưởng ứng khá mạnh mẽ của người dân. Chẳng hạn, vào tháng 9.2010, chúng tôi đã cho đấu giá một bức hình về Hải đội Hoàng Sa, chụp lại được trong một lần chúng tôi ra Hoàng Sa thực hiện chương trình. Chúng tôi thu thập chữ ký của 15 học giả, trong đó có nhà sử học Dương Trung Quốc, TS Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu bản đồ cổ Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu Đông Nam Á Đinh Xuân Phúc, TS Nguyễn Quang A…

Bức hình đó đấu giá được 13 triệu đồng.

13 triệu đồng?

Vâng, về giá trị tuyệt đối nó có thể rất khiêm tốn so với những cuộc đấu giá được báo chí đăng tải, với những thứ được trả giá tới hàng trăm triệu đồng, hoặc cả chục tỷ đồng. Nhưng với chúng tôi đó vẫn là một thành công lớn.

Tại sao?

Trước đây, sự đóng góp chủ yếu là của độc giả nên chúng tôi cũng không biết họ làm nghề gì. Nhưng qua lần đấu giá, chúng tôi nghĩ là đã có thành công bước đầu trong việc thu hút được sự chú ý của giới doanh nhân.

Tôi nghĩ doanh nhân không phải không yêu nước, nhưng họ chưa biết cách thể hiện thế nào. Hoặc giả, họ vẫn còn đang e ngại điều gì đó.

Thế năm nay, các bạn có tiếp tục phát động chương trình nào để ủng hộ ngư dân Lý Sơn không?

Có. Chúng tôi có phát động tiếp tục phong trào ủng hộ ngư dân Lý Sơn. Nhưng do Báo Thanh Niên và Báo Sài Gòn Tiếp Thị cũng phát động phong trào này nên chúng tôi quyết định tạm ngừng.

Ngại “đụng hàng”?

Thứ nhất, chúng tôi còn trẻ nên không làm hiệu quả bằng những tờ báo rất chuyên nghiệp này. Thứ hai, cũng là làm việc nghĩa, nhưng không thể mỗi nhóm làm một phách, khiến nguồn lực và sự chú ý dễ bị phân tán. Như vậy, sẽ ít hiệu quả.

 
 Tìm kiếm tư liệu mới cho Trung tâm dữ liệu

Vì vậy, chúng tôi tập trung vào chương trình tri ân cho những người còn sống trong CQ88 (Trận hải chiến ở Trường Sa năm 1988 – TG) mà chúng tôi còn giữ liên lạc, gia đình, thân nhân liệt sĩ CQ 88 và các nhân chứng Hoàng Sa.

Việc tổ chức có trở ngại gì không?

Rất may là ý tưởng của chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng. Khu Du lịch Suối Lương đã nhận là nhà tài trợ chính cho chương trình.

Các chú trong CQ88, trong khi trao đổi với chúng tôi, cũng bày tỏ mong muốn được gặp lại đồng đội. Bởi họ nay ở mỗi người một nơi, và cuộc sống cũng chẳng dư dả gì để có cơ hội gặp nhau.

Hay anh Vũ Xuân Khoa, con trai thuyền trưởng, anh hùng – liệt sĩ Vũ Phi Trừ của tàu 604, rất muốn gặp lại những đồng đội của cha mình, thuộc Lữ đoàn 125, để hỏi về ông.

Với anh Khoa, sự tìm kiếm, cho tới thời điểm này, nhiều khi vô vọng. Bởi, chẳng hạn, trong chuyến đi Cam Ranh vừa rồi, anh hỏi nhiều người ở Lữ đoàn 125, nhưng ít người biết rõ về cha của anh, dù ai cũng biết tên thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và sự hy sinh anh dũng của ông.

Hay chị Thuỷ, con gái của Liệt sĩ Trần Văn Phương, thậm chí còn không biết mặt cha mình. Bởi khi chị chào đời cũng là lúc cha hy sinh.

Rất may, nguyện vọng của chị quay về làm việc tại đơn vị cũ của cha chị đã toại nguyện. Hơn nữa, chồng chị Thuỷ cũng là hải quân, cùng đơn vị.

Tôi nghĩ, nếu đến năm 2015, Việt Nam hoàn thành đề án du lịch Trường Sa, chị Thuỷ có thể đóng góp được vì đó là ngành học của chị. Chị Thuỷ tốt nghiệp ngành Việt Nam học ở Đại học Quảng Bình.

Cho đến nay Trang thấy hiệu quả của những gì mà Trang và các bạn đã làm?

Tôi nghĩ khó có thể nhanh chóng thay đổi được thực tại, vì điều đó quá phức tạp, và phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố.

Về phần mình, chúng tôi chỉ mong muốn tri ân những người con đã ngã xuống vì Tổ Quốc. Hơn nữa, nếu những người thuộc thế hệ chúng tôi còn mơ hồ về câu chuyện đấu tranh vì chủ quyền biển đảo, thì mạng của chúng tôi sẽ giúp họ thay đổi nhận thức. Chí ít là họ bớt mơ hồ và bàng quan đi.

Tức là…

Mỗi người, qua nhận thức của mình, phải đóng góp một cách thiết thực vào sự nghiệp chung của cả dân tộc, thay vì coi đó là công việc của riêng Đảng và Nhà nước. Còn mình cứ lo “tiến thân”, “làm giàu”, hay lo “ăn chơi nhảy múa”.

Hay nói cách khác, bên cạnh ngoại giao nhà nước, còn có ngoại giao nhân dân. Chúng tôi đang góp phần vào công tác ngoại giao nhân dân đó.

Khi các cộng tác viên tham gia chương trình, họ được nghe câu chuyện của những người trong cuộc, những nhân chứng sống, hay cảm thấy được bối cảnh của câu chuyện. Chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy họ tìm hiểu sâu hơn, nắm vững được hơn về lịch sử Việt Nam.

Ra Trường Sa mới hình dung rõ ràng về thềm lục địa

Đài Trang có thấy hài lòng về quyết định của mình tham gia diễn đàn không?

Tôi hoàn toàn không có gì phải ân hận cả.

Đa phần những người tôi gặp khi đi làm chương trình này họ rất tốt, và bạn bè đối xử với nhau rất hết lòng, không tiếc nhau bất cứ cái gì cả. Đôi khi cảm giác như anh chị em một nhà ấy. Có thể hoàn toàn tin ở họ.

Chẳng hạn, sau chuyến đi Trường Sa về, tôi có thêm hai người bạn lớn là nguyên Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Thành Nam, và đặc biệt là Phó Chủ tịch HĐQT FPT Hoàng Minh Châu. Trong những trao đổi với họ tôi học được nhiều điều.

Tôi cũng coi việc quan tâm đến diễn đàn Hoàng Sa – Trường Sa là một cơ duyên lớn. Bởi, nhờ đó, tôi mới tìm hiểu nhiều về Hoàng Sa – Trường Sa. Và, vì vậy, tôi mới có chuyến đi Trường Sa, và gặp những người bạn tuyệt vời trong chuyến đi đó.

Hôm ở sàn nhảy Sailing Driver tại Nha Trang, tôi có thấy, trong khi mọi người đang say sưa nhảy, Đài Trang ngồi nói chuyện khá lâu, và có vẻ khá nghiêm túc, với GS Cù Trọng Xoay, mặc dù tiếng nhạc khi đó rất ồn.

Hai người tranh luận những gì, nếu không phải là “mật”? Chắc không phải tập dượt cho một dạng “Hỏi xoáy – đáp xoay” có liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa chứ?

Hổng dám đâu. GS Xoay nói mình làm truyền thông mình phải có cách tiếp cận nào đó để đến được với tất cả các đối tượng, và, quan trọng hơn, được họ chấp nhận.

GS Xoay có nói một câu rất ấn tượng: “Khi làm việc này, em phải học cách nói chuyện với những thằng cha nông dân.”

Đài Trang có đồng ý không?

 Có. Tôi cũng nghĩ đó là cái khó khăn nhất. Mình cảm nhận như thế, nhưng mình làm thế nào để người ta cũng cảm nhận như thế mới quan trọng.

Tức là giáo sư chỉ nói về phương pháp tiếp cận?

Đúng vậy. Giáo sư chỉ cảnh tỉnh thôi, chứ không gợi ý một phương pháp cụ thể nào. Tôi nghĩ đó là một lời khuyên thông minh.

Lý do Đài Trang đi Trường Sa?

Do họ không đủ người nên mới chuyển thành đoàn “FPT và những người bạn”. Tôi được một người bạn của FPT giới thiệu. Nhưng sau khi đi về, tôi nghĩ tôi đã trở thành người bạn của FPT.

Có điều gì trong chuyến đi khiến Đài Trang thấy ấn tượng nhất?

Chuyến đi nay mang tinh thần dân tộc rất là lớn, và đó là điểm chung để gắn kết mọi người, với nhiều thành phần xã hội, nghề nghiệp, lứa tuổi, tính cách khác nhau, lại với nhau. Tôi nghĩ, nói chung, không có gì ngoài một tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước có thể gắn kết mọi người Việt Nam lại được.

Có một anh đã nói rằng trước khi đi, mọi thứ vẫn mơ hồ, nhưng khi đến Cô Lin và nhìn sang Gạc Ma, tự nhiên thấy tinh thần dân tộc của mình bốc lên mạnh mẽ.

Còn chị Đinh Thị Hoa của Thiên Ngân thì chép miệng nói rằng chắc tinh thần này kéo dài không quá 2 tuần. Nhưng thực tế cho thấy đã 4 tháng rồi mà mọi người vẫn gắn kết với nhau. Hàng tuần, hàng tháng, từng nhóm vẫn gặp nhau.

Giáo sư Xoay, khi chia sẻ trên facebook, có nói rằng phát hiện lớn nhất của ông là “Ánh mắt trên đảo Cô lin”. Đài Trang có phát hiện gì không?

Năm 2009 tôi có tham dự hội thảo về Biển Đông do CLB Phao lồ Nguyễn Văn Bình tổ chức. Tôi còn nhớ có ai đó nói một câu là “trước khi tôi đi Trường Sa, tôi không biết thế nào là thềm lục địa”.

Tôi cũng không biết thế nào là thềm lục địa. Mặc dù, tôi làm công tác truyền thông về Hoàng Sa – Trường Sa, và vẫn cứ nói rằng theo công ước quốc tế thềm lục địa là thế này, thế kia.

Tôi vẫn cứ hình dung thềm lục địa là san hô, đá, và mình bước chân xuống thềm lục địa là mình bước xuống một tảng đá nào đó.

Nhưng khi ra giữa mênh mông sóng nước như thế, tôi mới cảm nhận đầy đủ. Bao la bát ngát một màu xanh, xanh mặn của nước biển, tôi mới hình dung thềm lục địa bao la rộng lớn đến mức nào, sự nguy hiểm tiềm ẩn cũng lớn ra sao.

Và tôi ngộ ra một điều: Lý thuyết chỉ mãi là lý thuyết, chỉ khi nào mình có trải nghiệm thực tế, khi đó nó mới trở thành kiến thức của mình!

Xin cảm ơn Đài Trang, và hẹn gặp lại ở Đà Nẵng!

Huỳnh Phan