- “Mùa ấu thơ” đưa ta đến với vẻ đẹp nguyên sơ của vùng quê xứ Đoài mây trắng qua cảm nhận của một cô bé có tâm hồn quá ư nhạy cảm, của một người phụ nữ chất phác, thuần hậu và hoài cổ.
Sau tạp bút “Phố xinh, làng xinh” (NXB Hội Nhà văn, 2005) viết chung với em trai Nguyễn Thanh Bình, tác giả Thái Hương Liên vừa ra mắt tập tạp bút “Mùa ấu thơ” (NXB Kim Đồng, 2015).
Cuốn sách mở đầu bằng không khí rộn ràng của hội Xuân, trong màn mưa mờ ảo giăng mắc với những lễ rước, cờ phướn, trống giục, với những liền anh liền chị áo mớ ba mớ bảy trong những đêm hát giao duyên, những màn rối nước bên chiếc ao có nhà thủy đình với các tích chèo cổ… những hoạt động không thể thiếu của người dân quê sau một năm dài làm ăn vất vả, mở đầu một năm mới “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Bìa cuốn sách Mùa ấu thơ
Qua gần 30 tạp bút, tác giả dẫn dắt ta thăm hết góc này đến góc khác của miền quê thanh bình tươi đẹp ấy, qua cả bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông. Ở đó có mái chùa cổ kính trầm mặc, đình làng uy nghi, cầu ao mùa Tết rộn ràng, có lũy tre xanh như cổ tích, có cánh đồng mùa ngập nước với bao âu lo trên gương mặt người lớn, bao thú vui thơ ngây của con trẻ.
Ở đó có hình ảnh người bà tảo tần quang gánh, áo nâu váy gụ, đầu vấn khăn mỏ quạ, răng đen ánh như hạt na. Ở đó có những đứa trẻ chăn trâu cắt cỏ, đánh găng đánh đáo, những đám rước đèn mùa Trung thu rộn ràng khắp mọi xóm ngõ với que kem hạt thị, xâu nến hạt bưởi…
Tuổi ấu thơ – miền kí ức không dễ phôi pha trong tâm trí mỗi người, cụm từ mà mỗi khi nhắc đến ta không khỏi bồi hồi, luyến nhớ, là hành trang không thể thiếu mà ta mang theo suốt cuộc đời, là điểm tựa tinh thần cho những thăng trầm của đời người.
Theo nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, tạp bút “Mùa ấu thơ” là cây cầu nối để những người đã có những kỉ niệm gắn bó với một miền quê trở lại tuổi thơ, để những bạn đọc thiếu niên ở thành thị, có khi chưa một lần về quê cứ "thư thả mà nương theo những tạp văn của chị, mà thấy thương yêu, quyến luyến khung cảnh làng quê yêu dấu, đong đầy kỉ niệm của một thời thơ dại, với một mùa thơ ấu".
T.Lê