Cô giáo Lê Thị Lệ Phương (SN 1979) ở Phan Đình Phùng, P.2, TP. Đà Lạt, nguyên là học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt, tốt nghiệp khoa Sinh Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh năm 2000, sau đó trở thành giáo viên dạy môn Sinh tại Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt từ năm 2000 cho đến nay.
Là người có nhiều đam mê khám phá trong công việc ở trường cũng như công việc làm thêm ngoài giờ ở nhà, cô Phương đã đem lại nhiều nguồn lợi kinh tế cho bản thân và gia đình. |
Lương giáo viên không lấy gì làm dư dả, lại là người có nhiều đam mê khám phá trong công việc ở trường cũng như công việc làm thêm ngoài giờ ở nhà, cô Phương đã tìm mọi cách để thay đổi cuộc sống. Nhận thấy Đơn Dương là huyện nằm ở phía đông nam Đà Lạt, phía nam cao nguyên Lâm Viên, có độ cao trên 1.000 m. Với diện tích đất tự nhiên trên 61.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp gần 17.000 ha, đất lâm nghiệp 38.000 ha. Đất đai thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng và Đơn Dương là thủ phủ cà chua lớn nhất của cả nước.
Tuy nhiên một thực trạng đáng buồn mà cô Phương nhận thấy ở địa phương mình là được mùa cà chua và sau đó là tình trạng hàng chục tấn cà chua bị đổ bỏ do thị trường không tiêu thụ.
Với 10.000 ha trồng cà chua tổng sản lượng thu được là 30.0000 tấn/ năm nhưng chỉ tiêu thụ ở dạng thực phẩm tươi do chưa có nhà máy chế biến. Cà chua chín thời gian bảo quản ngắn cơ sở thu mua nhỏ lẻ không tiêu thụ hết sản phẩm do người nông dân sản xuất,...Và cuối cùng người nông dân ở Đơn Dương buộc phải bỏ không trồng cà chua vì dịch bệnh không có phương pháp nào để khắc phục. Cô Phương ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình mẫu để người nông dân thấy được hiệu quả kinh tế cao trong canh tác nông nghiệp theo hướng mới từ đó làm giàu cho bản thân, thoát nghèo.
Với loại cà chua hữu cơ của cô Phương được tưới bằng trứng và sữa, một loại thực phẩm có đời sống thật "sang chảnh". |
Năm 2015, trong một lần tham quan ở 1 tổ hợp tác ở huyện Lạc Dương, cô gặp một tiến sĩ người Nhật tên Yamamoto Yoshikazu, chia sẻ với cô về quy trình trồng các loại cây ăn trái theo công nghệ hữu cơ hiện đại của Nhật Bản.
Từ đó, với những phương pháp đã có, cô tìm tòi, thử nghiệm và quyết định chuyển đổi cách trồng cà chua đen truyền thống sang trồng cà chua hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại 3 khu vườn với diện tích gần 9.000 m2 ở gần nhà đường Ba Tháng Tư, P.3; đường Trần Thái Tông, P.10 của TP. Đà Lạt và thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, H.Đức Trọng, Lâm Đồng.
Với loại cà chua hữu cơ của cô Phương được tưới bằng trứng và sữa, một loại thực phẩm có đời sống thật "sang chảnh" này, sau nhiều lần thử nghiệm nhiều loại giống khác nhau, cô nhập hạt giống từ Đài Loan, giống này đảm bảo độ ngọt, độ tươi và thịt quả dày. Sau đó ươm trong khay xốp sau 8 đến 10 ngày thì đem trồng vào giá thể là hỗn hợp đất đen, xơ dừa, bả mía, cám gạo được bọc trong bầu đất và hấp bằng lò hấp giá thể trồng nấm với nhiệt độ cao, việc trồng bằng giá thể như vậy có thể phòng trừ mầm bệnh trong đất và có thể dễ dàng loại bỏ khi cây mắc bệnh tránh lây lan.
Và điều quan trọng không thể thiếu để tạo ra loại cà chua thơm ngon đặc biệt này, theo cô Phương đó là hỗn hợp tưới cho cây gồm: trứng gà, sữa bò tươi, sữa bột, mật mía ủ cùng vi sinh vật trong 30 ngày sau đó pha loãng, bổ sung thêm canxi và magie rồi tưới theo phương pháp nhỏ giọt.
Sau 3 năm nghiên cứu và làm ra cây cà chua được nhiều khách hàng ưa chuộng, cô Phương đạt tổng mức doanh thu hơn 6,7 tỉ đồng, tỷ lệ lợi nhuận 32% trên doanh thu. Bình quân mỗi năm nhóm cô Phương có được lợi nhuận từ việc trồng cà chua trái cây giống Nhật theo công nghệ sinh học Nhật Bản tăng gấp 10 lần so với cà chua truyền thống giống Việt Nam bình thường. Đây được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đạt hiệu quả rất cao tại Lâm Đồng.
Sở dĩ, cô Phương chọn Đơn Dương là nơi sản xuất cà chua vì nó phát huy được kinh nghiệm của người nông dân trong kỉ thuật canh tác. Điều kiện tự nhiên và đất đai thuận lợi cho việc canh tác cà chua. Giữ được loại cây trồng đặc trưng cho vùng miền. Đây là một loại trái cây có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
"Người Mỹ gọi là “siêu trái cây”, người Pháp gọi là “ Pomme d’amour”, và người Đức gọi là trái táo của thiên đường”. Đúng như những tên gọi mà các nước đã dành tặng cho nó, cà chua chứa rất nhiều loại vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe đặc biệt là thành phần Licopen rất cao trong quả có thể ngăn chặn bệnh ung thư dạ dày, ung thư vú ở nữ và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới", cô Phương chia sẻ.
Mục tiêu giá trị cốt lõi của việc phát triển cây cà chua hữu cơ là cô Phương tạo công ăn việc làm cho phụ nữ phổ thông ở địa phương, thoát nghèo bền vững. |
Mục tiêu giá trị cốt lõi của việc phát triển cây cà chua hữu cơ là cô Phương tạo công ăn việc làm cho phụ nữ phổ thông ở địa phương. Đầu tư nâng cao vị thế bản thân và vị thế phụ nữ góp phần phát triển kinh tế chính trị xã hội ở địa phương. Cô Phương cũng mong muốn tạo ra sản phẩm hữu cơ giải quyết một phần vấn đề nhức nhối trăn trở của xã hội về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hỗ trợ cho người tiêu dùng tạo sự an tâm trong tiêu dùng sản phẩm, tuyển dụng và đào tạo lao động sản xuất theo phương thức mới, công nghệ mới, thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp.
Những sản phẩm cà chua sạch - lạ này là món quà sức khỏe mà nhiều du khách lựa chọn khi đến với Đà Lạt, không chỉ bởi lạ miệng mà còn vì tính dinh dưỡng vốn có của cà chua và nhất là cách trồng và chăm bón rất đặc biệt tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.
Bài: Lê Vũ Phong - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý - Nhóm PV