Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) vừa phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng sơ kết 7 mô hình thí điểm Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Theo đề án, hiện có 7 mô hình thí điểm trồng lúa giảm phát thải tại 5 tỉnh ĐBSCL gồm: Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và TP Cần Thơ. Trong đó, ở vụ Hè Thu có 4 mô hình thí điểm với diện tích gần 200ha đã cho thu hoạch.
Kết quả, năng suất lúa ở các mô hình thí điểm cao hơn mô hình sản xuất bên ngoài khoảng 0,2-0,7 tấn/ha tuỳ địa phương; chi phí sản xuất lại thấp hơn khoảng 14-20% nên lợi nhuận của nông dân tăng cao.
Về giảm phát thải khí nhà kính, tại mô hình thí điểm ở Cần Thơ, kết quả giảm được 12 tấn CO2 tương đương/ha/vụ so với ngoài mô hình để nước ngập liên tục và vùi rơm trên đồng ruộng. Mô hình ở Sóc Trăng giảm được 4 tấn CO2/ha/vụ và mô hình ở Trà Vinh giảm 5,4 tấn CO2/ha/vụ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đang thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để hoàn chỉnh các thủ tục liên quan đến việc chi trả thí điểm tín chỉ carbon. Từ đó, xây dựng cơ chế chi trả trình Chính phủ phê duyệt.
Dự kiến, vụ Hè Thu 2025 hoặc Đông Xuân 2025-2026 có thể chi trả thí điểm tiền tín chỉ carbon cho các mô hình, nguồn từ Quỹ TCAF khoảng 20 triệu USD. Theo đó, bà con nông dân tham gia đề án sẽ có thêm một khoản hỗ trợ từ bán tín chỉ carbon.
Song, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh và nêu rõ mục đích cao nhất của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng đến là chứng minh được hiệu quả giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải và tăng lợi nhuận cho nông dân, chứ không phải chỉ là bán tín chỉ carbon.
Trên những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương tham mưu lịch thời vụ Đông Xuân sắp tới. Những mô hình thí điểm quy mô 50ha trước đó có thể mở rộng diện tích ra các ô liền kề, liền khoảnh.