Thống kê cập nhật số liệu mới nhất của Cục Lâm nghiệp cho thấy diện tích rừng của Việt Nam hiện khoảng 14,74 triệu ha, trong đó rừng trồng chiếm 4,57 triệu ha (31%), rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu ha (69%). Cùng với tạo công ăn việc làm cho hơn 2 triệu nông dân, rừng trồng chính là nguồn cung cấp chính cho công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu.

Tuyên Quang đặt ra mục tiêu phát triển thêm 20.000ha rừng gỗ lớn

Hiện nay tổng diện tích rừng hiện có của tỉnh Tuyên Quang là hơn 422.400ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu là trên 140.700ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 65%, đứng thứ 3 cả nước. Nâng tầm giá trị gỗ rừng trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người trồng, kinh doanh rừng.

W-anhminhoa-1.png
Ảnh minh hoạ

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu phát triển thêm 20.000ha rừng gỗ lớn, nâng tổng số diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh lên 89.000ha.

Để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XIX đã ban hành Nghị Quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021, thực hiện chính sách hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, tương đương mức hỗ trợ lãi suất khoảng 8,4 triệu đồng/ha; chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao để các hộ gia đình trồng rừng, làm giàu rừng, với mức hỗ trợ từ 5 triệu đến 12 triệu đồng/ha (tùy loài cây). UBND tỉnh Tuyên Quang cũng phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035.

Quảng Trị thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản

Còn tại Quảng Trị, việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt chuẩn phục vụ ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu được xem là giải pháp hoàn thiện và bền vững nhất.

Quảng Trị có diện tích đất lâm nghiệp có rừng 245.816ha, trong đó rừng tự nhiên 126.732ha; rừng trồng 119.084ha.

Theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022 của Bộ NN-PTNT về việc Phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế là 1 trong 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các HTX nông lâm nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2023, gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS…) vùng Duyên hải miền Trung đạt 22.900ha.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản về việc triển khai thực hiện Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025. Sở NN-PTNT Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này.

Theo đó, Quảng Trị sẽ xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC trên địa bàn 5 huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh đến năm 2025 đạt tổng diện tích 5.000ha, tỷ lệ gỗ lớn bình quân ở khu vực rừng gỗ lớn khi khai thác tham gia liên kết có đường kính trên 15cm đạt 60%. Tổng diện tích vùng trồng cây nguyên liệu gỗ lớn được quy hoạch của tỉnh 13.000ha. Trong đó, vùng Hải Lăng, Cam Lộ và Triệu Phong 8.000ha, vùng Gio Linh và Vĩnh Linh 5.000ha.

Bắc Kạn: Người trồng rừng có đời sống ổn định

Huyện Chợ Mới, địa phương đứng đầu tỉnh Bắc Kạn về trồng rừng và có thu nhập từ rừng trồng. Trong năm 2022, toàn huyện trồng được hơn 1.000ha rừng (mục tiêu là 830ha, đạt hơn 120% kế hoạch được giao). Trong đó, trồng rừng phân tán là 250ha, cây chủ lực là quế với hơn 100ha và diện tích trồng lại sau khai thác là hơn 650ha. Những xã có diện tích trồng rừng nhiều là Thanh Mai, Thanh Thịnh, Nông Hạ, Mai Lạp, Quảng Chu và Như Cố.

Phong trào trồng rừng ở huyện Chợ Mới đã được hình thành từ những năm 2000 và được nhân dân duy trì đến hôm nay. Phần lớn người dân đã trồng tới chu kỳ rừng thứ 3 và thứ 4, có một số ít cũng đã trồng tới chu kỳ thứ 5.

Trên địa bàn huyện Chợ Mới, những diện tích cây rừng thông thường như keo, mỡ có chu kỳ khai thác 6 - 7 năm, đem lại thu nhập cho người dân khoảng 120 - 130 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, cây hồi, cây quế được trồng ở các xã Yên Hân, Yên Cư và Bình Văn chỉ sau một chu kỳ có thu nhập từ 300 - 400 triệu/ha. 


 

Thúy Ngân và nhóm PV, BTV