- Chàng "hoàng tử nhạc đỏ" Trọng Tấn và những tâm sự sâu lắng gửi gắm trên con đường âm nhạc...

Con đường âm nhạc trải dài

- Chúc mừng Trọng Tấn khi sắp trở thành nhân vật đặc biệt của “Con đường âm nhạc”!

Ca sĩ Trọng Tấn

- Chương trình (tối 18/9/2011) sẽ không thể thỏa mãn tai nghe của khán thính giả yêu nhạc như một buổi hòa nhạc được đâu bởi vì thời lượng trên sóng truyền hình buộc phải hạn chế, nhưng nhìn chung về chất lượng âm nhạc mà nói thì khá tốt.

Lần này có hai gương mặt tham gia (ca sĩ Trọng Tấn và ca sĩ Anh Thơ). Số lượng ca khúc được phép là 16 thì ba bài là để tri ân các thầy thanh nhạc thuộc thế hệ đi trước của chúng tôi. Mười ba ca khúc còn lại dành cho hai ca sĩ thể hiện. Từ hôm bắt đầu tập cho chương trình đến nay, phải nói là cực kỳ vất vả vì bản thân công việc bình thường của chúng tôi đã quá bận rồi. Nhưng cũng thật vui vì tôi nghĩ rằng khán thính giả yêu nhạc sẽ cổ vũ và có những đánh giá chính xác khi chương trình diễn ra.

- Ca khúc hát chung nào giữa Trọng Tấn và Anh Thơ khiến hai bạn ưng ý nhất?

-  Đó là “Tình ta biển bạc đồng xanh”. Trước hết phải nói đến vai trò sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương. Bài hát quá hay, giai điệu và ca từ đều quá đẹp. Sự thể hiện của tôi với Anh Thơ cũng luôn ăn ý mỗi khi song ca ca khúc này. Ngoài ra, còn có bài “Trên công trường rộn tiếng ca”.

Ca khúc "Tình ta biển bạc đồng xanh" do Trọng Tấn và Anh Thơ thể hiện

- Khán thính giả sẽ được nghe lại những đỉnh cao của Trọng Tấn?

- Ca khúc “Tiếng đàn bầu” sẽ được phối khí khác đi để mang lại cảm nhận nghệ thuật mới mẻ cho người nghe. Sau đó, là “Tình ca” của Phạm Duy hát cùng với tốp ca nam nữ của nhạc viện. Màu sắc của ca khúc này pha trộn vừa có yếu tố dân tộc rất cao, vừa mang hơi thở thời đại với ca từ ý nghĩa “Tôi yêu tiếng nước tôi…” sẽ là những điểm nhấn mạnh mẽ vào thẩm mỹ nghệ thuật của khán giả.

Một trong những món quà mà cá nhân tôi và ekip sản xuất chương trình cùng muốn gửi gắm tới các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất quê hương, là ca khúc “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song.

Ca khúc này đã có nhiều bản thu của tôi và các ca sĩ khác nhưng vì chương trình truyền hình trực tiếp cho nên chắc chắn các chiến sĩ ngoài đảo xa cũng xem được, nghe được và hiểu tình cảm của đất liền dành cho hải đảo.


Ca khúc "Nơi đảo xa" do ca sĩ Trọng Tấn trình bày

Sẽ xây những tượng đài mới

- Khán giả các thế hệ trước từng rất yêu mến “Tiếng đàn bầu” của Kiều Hưng, khán giả bây giờ lại thừa nhận “Tiếng đàn bầu” là một trong những “đỉnh cao” của Trọng Tấn. Cũng đã nhiều năm làm nghề, lại vừa đứng trên sân khấu lẫn trên bục giảng của khoa thanh nhạc (Nhạc viện Hà Nội), có ca khúc nào của các ca sĩ thế hệ đi trước mà Trọng Tấn thấy khó vượt qua?

- Thực ra thì tôi xác định là mình sẽ không “vượt qua” ai mà cố gắng để đưa được cái tôi dung dị nhất của mình đến với công chúng thôi. Mình hát đúng với trái tim của chính mình thì luôn được công chúng chấp nhận và yêu mến. Chính vì thế, tôi chưa bao giờ và không bao giờ “dẫm lên” các tượng đài mà muốn lập nên cho mình một tượng đài khác.

- Bàn chuyện làm nghề nghiêm túc, và như khán thính giả đã thấy là Trọng Tấn luôn làm nghề với một thái độ nghiêm túc nhất, trong khi diễn biến của thị trường ca nhạc Việt lại cực kỳ phức tạp? Nhạc sĩ sẵn sàng viết nhạc chỉ vì doanh thu, ca sĩ hát với mục tiêu là catxe cao và trình độ của người nghe nhạc thì sẵn sàng cổ vũ cho những sản phẩm ở tầm cực thấp?

- Theo tôi, cũng đừng nên quá lo lắng vì thị trường ca nhạc. Chúng ta phải chấp nhận điều đó vì nó là đương nhiên, là tất yếu trong quá trình phát triển của bất cứ một nền âm nhạc nào.

Một nền âm nhạc thật sự hội nhập và phát triển phải có đủ cả ba dòng cùng phát triển mạnh mẽ: Thứ nhất là dân gian, thứ hai là âm nhạc chính thống (classic) và cuối cùng là Pop (âm nhạc phổ thông).


Những vấn đề nổi cộm nhất mà mọi người đang nhìn thấy chủ yếu thuộc về Pop chứ không phải vấn đề của cả nền âm nhạc.

Cái đáng nói nhất trong số các vấn đề của âm nhạc Pop chính là những người làm nghề (nhạc sĩ, ca sĩ). Hãy nhìn lại xem họ có trách nhiệm với nghệ thuật, với đất nước hay không? Chắc chắn là hoàn toàn không. Có thể, ngay cả khái niệm cần phải có trách nhiệm, họ cũng không có trong đầu.

Nhiều ca sĩ không cần học hành gì, thích lên thì hát, và được gọi là ca sĩ, thích lên thì viết nhạc và được gọi là nhạc sĩ, thích lên thì thu đĩa và mang bán đầy thị trường.

Khi có những người sẵn sàng làm thế thì công chúng số đông (đặc biệt là công chúng trẻ, định hình về tâm sinh lý còn đang non nớt và rất muốn thử với những cái mới, dễ lọt tai) sẽ bị ảnh hưởng, theo kiểu nghe nhiều thành quen, hình thành một tầng lớp nghe nhạc thẩm mỹ thấp. Số này chưa hẳn đã là nhiều nhưng lại là bề nổi của vấn đề (bằng chứng là có những người phản ứng gay gắt rằng nếu báo chí không đưa tin thì cũng đâu có ai biết tới khi các phương tiện truyền thông bức xúc về nhạc thảm họa, nhạc rác).

Còn những cống hiến sâu sắc, ý nghĩa… cho âm nhạc thì thực ra vẫn được một số lượng cực lớn người nghe nhạc trên khắp miền đất nước và cả ở nước ngoài theo dõi, lắng nghe và cổ vũ đấy chứ. Nhưng phần này thuộc bề chìm nên không phải ai cũng thấy đấy thôi.

Theo tôi, để hạn chế những “tệ nạn” âm nhạc không khó, chúng ta có đầy đủ chế tài và quyền lực để làm điều đó. Ca sĩ không đủ tư cách thì không nên chỗ nào cũng cho hát, nhạc sĩ không đủ trình độ thì đừng cho xuất bản băng đĩa nữa. Vấn đề là ở tâm và tầm của người  làm quản lý văn hóa và phải thật sự ra tay chứ không phải cứ rung chuông gióng trống lên vài hồi rồi lại bỏ bê.


Nghe Trọng Tấn hát ca khúc "Tiếng đàn bầu"

Vẫn rất cần những yếu tố thị trường để làm hậu trường thật tốt cho âm nhạc chính thống phát triển và có như vậy mới thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc. Ví dụ như các khâu tổ chức, marketing, quảng bá, truyền thông, bán vé… cho các chương trình âm nhạc, nghệ thuật thực sự còn rất yếu. Chúng ta nên củng cố những điều đó chứ không nên đem vấn đề kinh tế ra để so sánh.

Người làm nghề nghiêm túc có thể không mua nổi nhà triệu đô, xe chục tỉ như người chạy theo thị trường nhưng cũng có thể kiếm tiền chính đáng, lương thiện, mua nhà mua xe, dựng phòng thu, nuôi vợ con đàng hoàng.

Danh hiệu không có ý nghĩa nếu chỉ là một từ sáo rỗng

- Nhiều ca sĩ thị trường thu nhập ngất trời trong khi những người làm nghề nghiêm túc thì không thấy ai được bước vào hàng “sao” và khó có thể đo đếm được sự khác nhau giữa các mức catxe?

- Cái mà những người chạy theo thị trường được nhiều nhất chính là tiền. Còn thì người ta chỉ nghe và có thể thấy thích thú nhưng không ai bàn về chất lượng nghệ thuật những đứa con tinh thần của họ, cũng không thể nâng lên đến tầm thưởng thức các “tác phẩm” kiểu thị trường.

Cho dù có viết mãi, hát mãi, thứ âm nhạc thị trường theo kiểu buôn bán này cũng sẽ không bao giờ có mặt trong bảng ghi nhận của một nền âm nhạc chính thống. Và người làm nghệ thuật thực sự thì sẽ không bao giờ đủ can đảm để “dám” đưa ra những sản phẩm có mức độ nghệ thuật thấp như thế.

Nói cho cùng, những vấn đề của âm nhạc là quá lớn và liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó, đặc biệt là các nhà quản lý văn hóa.


- Đúng thế, nhưng một nghệ sĩ lớn thường đi kèm với một nhà văn hóa lớn. Và, thành đạt, nổi tiếng không có nghĩa là có văn hóa cao. Văn hóa tức là phải bồi đắp và từng cá nhân làm văn hóa, nếu có ý thức thì sẽ góp phần xây dựng nên nó. Khán giả yêu mến thường gọi Trọng Tấn là “hoàng tử nhạc đỏ”. Tấn nghĩ gì về danh hiệu này?

- Tôi đã hoạt động âm nhạc được hơn 10 năm rồi, thật vui và hạnh phúc vì khán thính giả yêu mến và ghi nhận mình. Nghe cái tên “hoàng tử nhạc đỏ” thật đáng yêu. Nhưng tôi nghĩ, mọi danh hiệu đều không có ý nghĩa gì nếu nó chỉ là một từ sáo rỗng.

Điều quan trọng nhất là tôi luôn muốn mang đến cho khán thính giả những sản phẩm có chất lượng cao nhất về âm nhạc và để thật sự đạt tới điều đó thì quãng đường phía trước luôn luôn là những sự cố gắng mới.

- Như ca từ của ca khúc “Trên công trường rộn tiếng ca”: Đôi bồ câu đang bay về hướng, anh cùng em đi ra công trường. Gió lộng trời xanh chim hót hoa đưa hương. Với cả tình ta nâng bước ta lên đường… Dù nắng mưa vẫn bền chí, gió sương vẫn vững lòng. Tình yêu đang rẽ sóng, để tô thắm non sông…?

­- Thực sự tôi rất thích ca từ của bài hát này. Nó không chỉ là những câu khẩu hiệu đâu mà là tâm trạng, là ý chí của nhiều lớp người, nhiều thế hệ sẵn sàng cống hiến cho cái chung, cho đất nước, đã được ghi lại trong những khoảnh khắc thăng hoa và được chia sẻ cho mãi đến bây giờ.



Nghe Trọng Tấn và Anh Thơ song ca “Trên công trường rộn tiếng ca”

Tôi luôn thấy hạnh phúc khi những tiếng vỗ tay vang lên cổ vũ cho tình yêu âm nhạc thực sự. Âm nhạc chính thống không thể so sánh với âm nhạc thị trường về tiền bạc thì âm nhạc thị trường cũng không thể nào so sánh với âm nhạc chính thống về giá trị nghệ thuật được công chúng ghi nhận và tôn vinh.

Hòa Bình (thực hiện)