Trong 2 giờ, đại diện Bộ Y tế và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã giải đáp các thắc mắc xung quanh 2 nghị quyết có quan điểm rất mới về Y tế và dân số Việt Nam trong tình hình mới.

Ngày 25/10/2017, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Theo Nghị quyết 20, Việt Nam sẽ thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân, khẳng định bình đẳng về quyền, nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế.

Nghị quyết yêu cầu đổi mới mạnh mẽ lĩnh vực y tế. Theo đó, ngành y và các ngành có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân có nhiệm vụ cung ứng dịch vụ một cách toàn diện cho người dân. Thực hiện phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, giai đoạn đến 2030, ngân sách nhà nước gần như ngừng đầu tư xây mới các bệnh viện công mà sẽ ưu tiên tập trung cho y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Những quan điểm mới mẻ nêu trên khiến người dân đặt nhiều câu hỏi, và nhiều kỳ vọng, khi mà dân số Việt Nam già hóa không đồng đều, gần 4 triệu người cận nghèo không có BHYT, mạng lưới y tế tuyến dưới thiếu năng lực cung ứng dịch vụ toàn diện...Cùng với Nghị quyết 20, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành. Nghị quyết chỉ đạo chuyển hướng công tác dân số sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số như: quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số (cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống). Cùng với đó, duy trì mức sinh thay thế vững chắc; giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam.

Để cung cấp đến người dân các thông tin cụ thể, Báo VietNamNet phối hợp cùng Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến: Quan điểm mới về chăm sóc sức khỏe, dân số Việt Nam.

- Ông Đinh Thái Hà - Phó vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế).
- Ông Hoàng Hà - Trưởng phòng Tổng hợp chính sách (Bộ Y tế)

{keywords}
Nhà báo Lê Thế Vinh, Phó Tổng Biên tập báo VietNamNet tặng hoa cho 2 khách mời. Ảnh: Lê Anh Dũng 

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU

Vũ Mai Lê , Nữ - 29 Tuổi
Như tôi được biết, mục tiêu 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất vào năm 2030. Vậy hiện tại, chúng ta đã thực hiện tầm soát bệnh bẩm sinh cho sơ sinh chưa?. Nếu có, đã thực hiện tại các bệnh viện nào?. Việc này có thể thực hiện tại các vùng nông thôn, vùng xa không?

Ông Đinh Thái Hà: Chúng ta đã thực hiện Chương trình tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh từ năm 2007 nhằm phát hiện và điều trị sớm một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân sô như thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh...

Hiện nay, Chương trình đang được thực hiện tại các trung tâm sàng lọc khu vực như Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Trường đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ.. các Bệnh viện sản nhi được Bộ Y tế cho phép thực hiện.

Các hoạt động của Chương trình đã triển khai tại 63/63 tỉnh/thành phố: tầm soát trước sinh đã được triển khai đến tuyến huyện; tầm soát sơ sinh đã được triển khai đến tuyến xã. Tuy nhiên, trong thực tế, việc tổ chức thực hiện Chương trình tại một số nơi của vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Văn Bách , Nam - 29 Tuổi
Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt đã nâng lên ở mức cao (73,4 tuổi) nhưng mỗi người Việt Nam lại có trung bình 15.3 năm sống chung với bệnh tật. Theo ông, nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật ở người cao tuổi Việt là gì và dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam cần thay đổi những gì để nâng cao tuổi thọ khỏe mạnh cho người dân?

Ông Đinh Thái Hà: Hiện nay, tuổi thọ bình quân của Việt Nam là 73,4 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng thu nhập bình quân đầu người, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi.

Để nâng cao tuổi thọ và thời gian sống khỏe mạnh của người dân, cần có tầm nhìn dài hạn, bao quát, không chỉ bằng những kế hoạch, chính sách ngắn hạn và những can thiệp riêng đối với người cao tuổi. Để có được tuổi già khỏe mạnh, con người cần được đảm bảo sức khỏe trong suốt vòng đời từ trước khi sinh ra cho đến khi về già. Đặc biệt, cần chuẩn bị điều kiện tốt trước khi trở thành người cao tuổi.

{keywords}
Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nguyễn Hải Quân , Nam - 38 Tuổi

Thưa ông, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ 2011 và đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Kéo theo đó là nhu cầu chăm sóc sức khỏe người già cũng tăng mạnh. Trong bối cảnh Việt Nam chưa giàu đã già, chúng ta có các chính sách y tế ứng phó như thế nào để mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, thích ứng với việc già hóa dân số.

Ông Đinh Thái Hà: Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số (dân số đang già) từ năm 2011 và có khoảng 2 thập kỷ để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn dân số già. Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng các cơ sở vật chất và các điều kiện kinh tế - xã hội chưa được chuẩn bị. Cụ thể là quy hoạch, thiết kế xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, các nhà dưỡng lão...

Năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 7618/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025, với mục tiêu: đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản; Chiến lược quốc gia bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngoài ra, chúng ta còn phải xây dựng môi trường phù hợp với người cao tuổi, chuẩn bị các điều kiện về an sinh xã hội, đáp ứng được yêu cầu trong tương lai gần trong chăm sóc và phát huy người cao tuổi khi bước vào giai đoạn dân số già.

Tran Thuy , Nam - 41 Tuổi
Trước nay, tôi thấy nhiều Đảng viên vẫn sinh con thứ 3 để có con trai. Có người để không ảnh hưởng công tác còn xin nghỉ việc không lương 1 năm, làm thủ tục để con đẻ thành con nuôi. Như vậy cấp lãnh đạo nào chịu trách nhiệm về thực tế đó?

Ông Đinh Thái Hà: Hiện nay, theo khoản 3 điều 27 của Quy định 102 ngày 15/11/2017 của Ban chấp hành Trung ương về xử lý, kỷ luật đảng viên quy định rõ nếu Gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm cố tình sinh thêm con ngoài quy định thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ. Các tổ chức Đảng chịu trách nhiệm thi hành quy định này.

Mạnh Đạt , Nam - 34 Tuổi
Thưa chuyên gia, trong chủ trương chung về công tác dân số, có yêu cầu Đảng viên phải ‘gương mẫu’. Ông có thể giải thích “gương mẫu” cụ thể là gì để người dân biết và tham gia giám sát. Xin cảm ơn ông.

Ông Đinh Thái Hà: Từ trước đến nay công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một cuộc vận động xã hội rộng lớn. Pháp luật không quy định chế tài xử phạt. Trong quá trình thực hiện cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình, nhiều địa phương đã đưa nội dung này vào hương ước, quy ước, thỏa ước tập thể, thông qua Hội đồng nhân dân.

Chủ trương chung về công tác dân số trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 21 là “tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”, chưa khuyến khích sinh con thứ 3. Là đảng viên phải chấp hành kỷ luật của Đảng. Hiện nay, theo Quy định 102 ngày 15/11/2017 của Ban chấp hành Trung ương, nếu đảng viên con thứ 3 (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), vẫn bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Tú uyên , Nữ - 24 Tuổi
Thưa chuyên gia, chính sách dân số trong thời kì mới không hạn chế số con của mỗi cặp vợ chồng, không xử phạt việc sinh con thứ 3. Như vậy, liệu vấn đề lạm phát dân số sẽ quay trở lại không? Các kịch bản của Cục dân số như thế nào?

Ông Đinh Thái Hà: Pháp luật không xử phạt. Nhưng tinh thần Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu rõ: “Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”.

{keywords}
Ông Đinh Thái Hà, Phó vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế) trả lời bạn đọc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Với tinh thần đó và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ kiểm soát được mức tăng dân số để đạt mục tiêu quy mô dân số 104 triệu người vào năm 2030.

Binh Minh , Nam - 39 Tuổi
Tôi thấy gánh nặng phòng tránh thai, kế hoạch hóa gia đình đang đè chủ yếu lên đôi vai phụ nữ. Công tác truyền thông thời gian tới đây có quan tâm đến nam giới để tạo cho họ trách nhiệm hơn trong việc chia sẻ về “kế hoạch” không? Xin cảm ơn ông!

Ông Đinh Thái Hà: Từ trước đến nay, chúng ta vẫn luôn vận động nam giới có trách nhiệm trong kế hoạch hóa gia đình, nhưng trên thực tế, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Có thể do ý thức của nam giới chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình. Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này.

Công tác dân số đã và đang thực hiện các giải pháp tăng cường vai trò của nam giới.
Thứ nhất, về truyền thông giáo dục: sản xuất các thông điệp và truyền thông mẫu về bình đẳng giới, tăng cường vai trò của nam giới trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Thứ hai, về cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình: khuyến khích nam giới thực hiện các biện pháp tránh thai như triệt sản nam, đặc biệt là sử dụng bao cao su nam. Tỷ lệ sử dụng bao cao su nam đã tăng từ 7,1 % năm 1996 tăng lên 1,5 lần (9,7%) vào năm 2005 và hiện nay tăng gấp hai lần (15,3 %) vào năm 2016 và sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Hàng năm, hai triệu nam giới sử dụng bao cao su cho mục đích kế hoạch hóa gia đình
Và hiện nay nam giới đã tham gia tích cực hơn vào cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình.

Van Hiep , Nam - 39 Tuổi
Việc mất cân bằng giới tính ở Việt Nam đang rất trầm trọng trong khi tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn phổ biến. Ngay cả Đảng viên vẫn cố sinh con trai. Ở phòng khám, không khó để biết được giới tính thai nhi. Như vậy mất cân bằng giới tính có giảm được hay không? Chính sách dân số mới sẽ làm gì để khắc phục điều này? Xin cảm ơn ông.

Ông Đinh Thái Hà: Năm 2016, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Đề án đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng. Một trong số các giải pháp đó là nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; từng bước xóa bỏ tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam khinh nữ; ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ y tế ; thêm vào đó là Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi.

Tôi tin chắc đến năm 2030, với sự nỗ lực của ngành dân số, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi người dân thì mục tiêu đưa tỷ lệ giới tính khi xuống gần mức cân bằng sinh học tự nhiên (dưới 109 trẻ em trai/100 trẻ em gái sinh ra sống) là khả thi.

Thuc Anh , Nữ - 30 Tuổi
Tôi thấy, mục tiêu của chính sách dân số thời kì mới là giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng. Vậy làm cách nào để đạt được mục tiêu nêu trên và làm thế nào để các gia đình không còn mang nặng tâm lý ưa thích và phải tìm mọi cách để sinh con trai?

Ông Đinh Thái Hà: Để đạt mục tiêu này, cần có các giải pháp đồng bộ như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về công tác dân số; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình…

Bên cạnh đó, để giảm chênh lệch mức sinh, cần chú trọng cả hai chiều: những nơi có mức sinh cao cần tiếp tục tuyên truyền, vận động và thực hiện các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích để người dân sinh ít con hơn; những nơi có mức sinh thấp cần tuyên truyền, vận động và thực hiện các biện pháp khuyến khích để người dân sinh đủ 2 con.
Còn làm sao để người dân không còn mang nặng tâm lý ưa thích và tìm mọi cách để sinh con trai thì công tác truyền thông giáo dục, vận động là yếu tố hàng đầu. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái và bình đẳng giới.

Thùy Chi , Nữ - 24 Tuổi
Tôi nghe nói Bộ Y tế chủ trương nới lỏng chính sách sinh con. Điều đó liệu có phải người dân được quyền sinh bao nhiêu con tùy ý mình hay không? Mong ông tư vấn cụ thể hơn. Cảm ơn ông rất nhiều.

Ông Đinh Thái Hà: Từ trước đến nay công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một cuộc vận động xã hội rộng lớn. Pháp luật không quy định chế tài xử phạt.

Chủ trương chung về công tác dân số trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 21 là “tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”, chưa khuyến khích sinh con thứ 3. Là đảng viên phải chấp hành kỷ luật của Đảng.

Việc sinh con của mỗi cặp vợ chồng nên phù hợp chủ trương chung, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Thanh Thanh Tú , Nữ - 22 Tuổi
Ngoài việc chăm sóc về sức khỏe, người cao tuổi cũng cần được chăm sóc về mặt tinh thần. Chúng ta có những chương trình cộng đồng nào dành riêng cho lứa tuổi này để cổ vũ họ sống khỏe mạnh, vui tươi? Cảm ơn ông.

Ông Đinh Thái Hà: Năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 7618/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025, với mục tiêu: đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số. Đề án này phát huy những mô hình can thiệp cộng đồng có hiệu quả mà ngành dân số đã triển khai và từng bước thí điểm các mô hình can thiệp mới phù hợp với người cao tuổi.

Ngoài ra, chúng ta còn phải xây dựng môi trường phù hợp với người cao tuổi, chuẩn bị các điều kiện về an sinh xã hội, đáp ứng được yêu cầu trong tương lai gần trong chăm sóc và phát huy người cao tuổi khi bước vào giai đoạn dân số già.

Nguyễn Hữu Mạnh , Nam - 54 Tuổi
Đề nghị nói rõ hơn về nhận định: "Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc".

Ông Hoàng Hà: Tôi cho rằng: "Trong số 8 mục tiêu thiên niên kỷ,thì có tới 5 mục tiêu liên quan đến lĩnh vực y tế. Trong đó mục tiêu 1 thì liên quan đến giảm suy dinh dưỡng trẻ em, mục tiêu số 4 là giảm tỉ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi. Mục tiêu 5 là giảm tỉ số tử vong mẹ. Mục tiêu 6 là khống chế tỉ lệ mắc và chết các bệnh lây nhiễm như: Lao, Sốt rét và HIV. Mục tiêu 8 có nội dung liên quan đến vấn đề cung cấp nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh. Các số liệu so sánh được tính cho năm 2015 so với năm 1990. Tất cả các mục tiêu liên quan đến lĩnh vực y tế đều được thực hiện và nhiều mục tiêu đạt được trước thời hạn từ 4 đến 5 năm, đặc biệt Việt Nam là 1 trong số ít nước có tốc độ giảm tỉ số tử vong mẹ nhanh nhất."

{keywords}
Ông Hoàng Hà - Trưởng phòng Tổng hợp chính sách (Bộ Y tế) giải đáp các thắc mắc về nghị quyết 20. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trần Mạnh Thường , Nam - 35 Tuổi
Khi Nghị quyết 20 đi vào đời sống, chúng tôi - người dân (cũng là người thụ hưởng dịch vụ y tế) sẽ được lợi gì so với trước. Xin cảm ơn.

Ông Hoàng Hà: Tôi cho rằng " Xuất phát điểm để Bộ Y tế và Chính phủ trình ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành TW là “lấy người dân làm trung tâm phục vụ” và làm sao để người dân được thụ hưởng chính sách tốt nhất của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới, hạn chế tối đa những bất cập trong giai đoạn vừa qua.

Khi nghị quyết 20 đi vào cuộc sống, trước hết từng người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe đầy đủ, liên tục: tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng; tăng số lượng dịch vụ y tế thiết yếu cho người dân và giảm rủi ro về tài chính từ tiền túi hộ gia đình thông qua việc bao phủ bao hiểm y tế, đa dạng hóa các gói quyền lợi BHYT để mọi người được tham gia bình đẳng, lựa chọn gói quyền lợi phù hợp với khả năng đóng BHYT…"

Minh Vân , Nữ - 28 Tuổi
Thưa ông, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới là thế nào, xin ông vắn tắt những điểm mới nhất của Nghị quyết 20.

Ông Hoàng Hà: Tôi cho rằng " Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (viết tắt là UHC) được Tổ chức Y tế Thế giới đề ra hơn chục năm nay để các nước hướng tới thực hiện nhằm nâng cao công bằng và hiệu quả trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân (BVCSNCSKND). UHC bao gồm 3 nội dung: Bao phủ dân số (dân số được tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản); Bao phủ dịch vụ y tế (số dịch vụ mà cơ sở y tế cung ứng cho người dân) và Bao phủ về tài chính (giảm nguy cơ rủi ro về tài chính cho người bệnh). Đây cũng là một trong những yếu tố đánh giá mức độ công bằng của một quốc gia trong BVCS, NCSKND.

NQ 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 đề ra rất nhiều nội dung mới cho từng lĩnh vực BVCS
- Về quan điểm: Khẳng định Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.

- Về Mục tiêu, các chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 và 2030, từ trước đến nay chưa có Nghị quyết nào của Đảng về y tế đưa ra nhiều chỉ tiêu cụ thể như Nghị quyết 20-NQ/TW (19 chỉ tiêu).

- Đưa vấn đề “nâng cao sức khỏe” thành một nội dung chính, là nghĩa vụ và trách nhiệm của các Bộ, các cấp, các ngành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ để giải quyết vấn đề về liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sức khỏe học đường, sức khỏe nghề nghiệp, phòng chống tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, sử dụng hóa chất, an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh… tham gia bảo hiểm y tế toàn dân và thực hiện các quy định về phòng dịch, phòng, chữa bệnh mà chỉ ngành y tế thì không thể giải quyết được.

- Thực sự coi phòng bệnh hơn chữa bệnh, y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng (giai đoạn đến 2030, tập trung cao cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, cơ bản không sử dụng ngân sách nhà nước để xây mới tuyến trên). Đưa vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân liên tục (từ lúc còn thai nhi đến hết vòng đời); toàn diện (Chăm sóc nhiều bệnh của một người bệnh từ điều trị, chăm sóc, dinh dưỡng (chế độ ăn theo bệnh lý)…và lồng ghép (dự phòng đến điều trị (sàng lọc trước sinh, phát hiện sớm bệnh, tư vấn sức khỏe), kết hợp với điều trị, sử dụng hiệu quả nguồn lực) thành định hướng hoạt động, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp.

Ngoài ra còn nhiều nội dung đổi mới khác như đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo, thi cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp với thông lệ quốc tế để các nước trên thế giới công nhận bằng cấp của Việt Nam(hiện nay khá nhiều nước không công nhận bằng bác sỹ do Việt Nam cấp nên bác sỹ sang nước ngoài làm việc chỉ được công nhận trình độ như y sỹ, mặc dù năng lực nhiều chuyên gia, bác sỹ Việt Nam được đánh giá ngang tầm khu vực).

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng quản lý toàn bộ các nhà thuốc (khoảng 44.000 nhà thuốc), kết nối 14.000 cơ sở y tế với cơ quan BHYT; quản lý việc kê đơn (tại cơ sở y tế), bán thuốc theo đơn (tại các quầy thuốc).

Đổi mới nhiều nhất vẫn là cơ chế tài chính và cơ chế hoạt động của đơn vị, đẩy mạnh tự chủ bệnh viện, ứng dụng mô hình quản trị bệnh viện; tăng cường xã hội hóa, khuyến khích phát triển y tế tư nhân (cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao); đổi mới hệ thống y tế theo hướng tin gọn, hiệu lực và hiệu quả…."

Pham Hai Trieu , Nam - 34 Tuổi
Dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về huyện nghèo công tác sẽ triển khai trong bao lâu. Khi hết thời gian tình nguyện thì BV huyện sẽ lấp chỗ trống cách nào? Nhu cầu BS có trình độ ở các huyện nghèo là bao nhiêu thưa ông?

Ông Hoàng Hà: Theo số liệu tổng hợp của 62 huyện nghèo, nhu cầu cần khoảng 600 bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại y tế cơ sở của huyện nghèo. Hiện đang đào tạo 150 bác sĩ trẻ (đào tạo 2 năm tại trường ĐH Y và bệnh viện tuyến trung ương theo hình thức cầm tay chỉ việc) đăng ký tình nguyện. Hiện mới đưa được 7 bác sỹ trẻ hoàn thành khóa đào tạo 2 năm về nhận công tác tại 6 huyện của 4 tỉnh miền núi phía Bắc.

Hết tháng 12 của năm nay thì sẽ có thêm 7 bác sĩ nữa hoàn thành khóa đào đạo và sẽ tiếp tục được đưa về các huyện nghèo khác.

Ngoài ra Bộ Y tế cũng có chính sách khuyến khích các bác sỹ sở tại tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn theo các khóa về Chuyên khoa 1 - 2 để bảo đảm có nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng.

Vũ Hải Hà , Nữ - 40 Tuổi
Tôi được biết ngành y tế đang thực hiện mô hình CDC về phòng bệnh. Xin ông cung cấp thông tin về CDC, đặc biệt là tác dụng của mô hình này trong kiểm soát dịch bệnh tại các tỉnh, thành.

Ông Hoàng Hà: "Mô hình CDC là một mô hình hiệu quả mà hầu hết các nước trên thế giới đã thực hiện cách đây vài chụ năm, trong khi Việt Nam mới bắt đầu thực hiện theo Thông tư 51/2015/TTLT-BYT-BNV. Trước khi ban hành Thông tư này, Bộ Y tế, Bộ Nội Vụ đã có nhiều đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới và đánh giá, phân tích thực trạng bệnh, dịch tại Việt Nam.

Mô hình này tập trung toàn bộ nguồn lực (từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ, năng lực chuyên môn…) vào một đầu mối để trước hết nâng cao hiệu quả trong chuyên môn, tiếp đến là hiệu quả trong đầu tư và sử dụng nguồn lực (trước đây phải đầu tư từ 7-9 đơn vị làm chức năng dự phòng, mà không đơn vị nào được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, trùng chéo chức năng, nhiệm vụ).

Hiện nay mới có khoảng 29 tỉnh thực hiện mô hình này. Riêng Trung ương chưa hình thành CDC Trung ương (KH đến năm 2020). Về cơ bản, các tỉnh mới thực hiện sắp xếp về tổ chức, nhân sự, cơ sở hạ tầng. Chưa được đầu tư để bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ chức năng của CDC, chưa kết nối mạng với trung tâm kiểm soát dịch bệnh của khu vực và thế giới để cập nhật diễn biến bệnh dịch trên thế giới và biện pháp phòng ngừa".

Lê Hoàng Mai , Nữ - 29 Tuổi
Theo Nghị quyết 20, Y tế dự phòng sẽ đóng vai trò trng tâm trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vậy ngành y sẽ có lộ trình như thế nào để xây dựng mạng lưới dự phòng vững chắc, rộng khắp, ít ra như mạng lưới khám chữa bệnh hiện nay?

Ông Hoàng Hà: Tôi cho rằng "Nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống y tế dự phòng, ngành y tế đang triển khai Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV, trong đó sáp nhập các đơn vị làm chức năng y tế dự phòng tuyến tỉnh để thành trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (đến nay đã có 29 tỉnh áp dung). Đến năm 2020, toàn bộ các tỉnh sẽ áp dụng mô hình này. Các đơn vị Y tế dự phòng Trung ương cũng sẽ thực hiện mô hình CDC Trung ương, vùng, phấn đấu hoàn thiện mô hình CDC từ Trung ương đến tỉnh trước năm 2025.

Tuyến huyện cũng đã và đang thực hiện lộ trình sáp nhập trung tâm y tế dự phòng với bệnh viện huyện để thành lập Trung tâm y tế huyện đa chức năng, trong đó trạm y tế xã thực sự trở thành đơn vị y tế thuộc trung tâm y tế huyện."

Mai Trang , Nữ - 27 Tuổi
Thưa ông, xin ông giải thích: "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng" là như thế nào? Cụ thể ngành y sẽ triển khai những hoạt động gì để đảm bảo y tế dự phòng ở Việt Nam thực sự lớn mạnh cả về con người và phương tiện như mạng lưới khám chữa bệnh?

Ông Hoàng Hà: Nhiều nghiên cứu đưa ra, đầu tư cho y tế dự phòng sẽ đem lại hiệu quả gấp 10 lần so với đầu tư cho điều trị bệnh. Hiện nay đã trở thành vấn đề quan tâm của toàn cầu. Dự phòng phải được thực hiện ngay tại cộng đồng nên vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sàng lọc trước sinh, theo dõi sức khỏe đến từng người dân là hoạt động cụ thể được thực hiện tại y tế cơ sở, phòng khám bác sỹ gia đình cho đến tuyến Trung Ương và với sự tham gia của các ban ngành đoàn thể.

Về công tác dự phòng, trước hết triển khai mạnh mẽ hoạt động của y tế cơ sở, tăng cường đầu tư cho trạm y tế xã/phường, đẩy mạnh phối hợp liên ngành để giải quyết từ căn nguyên các yếu tố tác động đến sức khỏe, quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; đổi mới hệ thống tổ chức y tế dự phòng nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong phòng bệnh, kết nối với hệ thống y tế dự phòng trong khu vực và trên thế giới, nâng cao năng lực dự báo, phát hiện sớm bệnh để ngăn ngừa dịch bệnh kịp thời.

Văn Đức , Nam - 30 Tuổi
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh", nghe thật quen! tôi cảm giác nghe khẩu hiệu này từ khi mới ra đời. Vậy theo Nghị quyết vừa ban hành, ngành y tế có gì mới để thực hiện phương châm này, xin cảm ơn.

Ông Hoàng Hà: Tôi cho rằng "Phòng bệnh hơn chữa bệnh đã trở hành phương châm trong BVCSNCSKD từ bao đời nay, tuy nhiên trong thời gian vừa qua, để giải quyết nhu cầu trước mắt, cấp bách về khám chữa bệnh của người dân với mô hình bệnh tật thay đổi, tình trạng quá tải mà người dân đang bức xúc, Vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người bệnh được tập trung giải quyết trong khi NSNN còn quá hạn hẹp, các tỉnh đa số tập trung đầu tư cho khám chữa bệnh (phát triển bệnh viện mới, nâng cấp bệnh viện…) mà chưa đầu tư đầy đủ, đúng mức cho YTDP. Đến nay cơ bản đã giải quyết được các vấn đề này.

NQ số 18/2008/NQ-QH12 của Quốc hội đã đề ra dành ít nhất 30% chi cho y tế dự phòng trong tổng NSNN chi cho y tế), tuy nhiên các tỉnh chỉ bố trí được 17-20%, Trung ương gần 40%. Do đó Nghị quyết 20 một lần nữa khẳng định "Phòng bệnh hơn chữa bệnh"và để thực hiện đúng phương châm này, Nghị quyết đề ra những nhiệm vụ cụ thể và Chính phủ phân công cho từng Bộ, cấp, ban ngành thực hiện. Quy định tất cả các địa phương phải đưa mục tiêu y tế vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ bản không sử dụng NSNN để đầu tư xây dựng mới các Bệnh viện Trung ương. Riêng các tỉnh, tùy thuộc vào nguồn thu có thể đầu tư nâng cấp các bệnh viện tỉnh sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tăng cường tự chủ cho các bệnh. Các bệnh viện tiến tới tự chủ toàn bộ về tài chính để duy trì hoạt động và phát triển bệnh viện. Chuyển ngân sách nhà nước cấp cho đơn vị cung ứng dịch vụ (các BV) sang hỗ trợ người sử dụng dịch vụ (hỗ trợ người dân tham gia BHYT).

Các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung của Nghị quyết thì phương châm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh"sẽ thực sự trở thành hiện thực, đem lại hiệu quả trong công tác BVCSNCSK ND"

Phan Minh Hòa , Nam - 40 Tuổi
Có phải đến năm 2018 người dân có thể sinh 3,4 con theo ý muốn và tùy vào điều kiện của cá nhân mà không có sự ràng buộc nào về pháp lý (ví dụ hiện nay cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 là kỷ luật nhưng sau này không còn kỷ luật nữa? Xin cám ơn tòa soạn.

Ông Đinh Thái Hà: Từ trước đến nay công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một cuộc vận động xã hội rộng lớn. Pháp luật không quy định chế tài xử phạt.

Chủ trương chung về công tác dân số trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 21 là “tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”, chưa khuyến khích sinh con thứ 3. Là đảng viên phải chấp hành kỷ luật của Đảng. Hiện nay, theo Quy định 102 ngày 15/11/2017 của Ban chấp hành Trung ương, nếu đảng viên con thứ 3 (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), vẫn bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Việc sinh con của mỗi cặp vợ chồng nên phù hợp chủ trương chung, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trung Dũng , Nam - 28 Tuổi
Theo Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, ngành y và các ngành có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân có nhiệm vụ cung ứng dịch vụ một cách toàn diện cho người dân. Toàn diện là như thế nào thưa ông?

Ông Hoàng Hà: Người bệnh thường mắc cùng một lúc nhiều bệnh, Chăm sóc toàn diện được hiểu là chăm sóc, điều trị tất cả các bệnh của người bệnh. Người bệnh được điều trị bệnh, chăm sóc, dinh dưỡng (chế độ ăn theo bệnh)…do cán bộ y tế thực hiện nhằm giảm tình trạng người nhà bệnh nhân hoặc người giúp việc không có chuyên môn chăm sóc người bệnh trong bệnh viện, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác điều trị,đồng thời góp phần làm giảm tình trạng lây truyền chéo, bảo đảm vệ sinh môi trường trong bệnh viện, xây dựng bệnh viện xanh – sạch – đẹp để người dân tin tưởng hơn đối với cơ sở y tế.

Nguyễn Thu Thủy , Nữ - 26 Tuổi
Từ khi hệ thống giám định BHYT ra đời cùng với các biện pháp siết chặt thanh toán Quỹ BHYT, quỹ BHYT đã được kiểm soát tốt hơn. Bộ Y tế đã làm gì để góp phần kiểm soát quỹ?

Ông Hoàng Hà: Phối hợp chặt chẽ giữa các bên: Quản lý nhà nước về BHYT (Bộ Y tế, UBND các tỉnh); BHXH Việt nam và các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế và đại diện người sử dụng trong việc thống nhất các quy định chuyên môn, các hình thức xử lý vi phạm…

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, kết nối hệ thống CNTT để kết nối mạng giữa cơ sở y tế và BHYT

Bên cạnh đó làm tăng hiệu quả việc quản lý quỹ, cần thiết phải nâng cao năng lực cho các giám định viên BHYT để tiến tới đạt được chuẩn mực về giám định.

Hạnh Dung , Nữ - 35 Tuổi
Khi chú trọng y tế dự phòng, thì hệ thống bệnh viện có gì thay đổi thưa ông? Ngành y sẽ có tổ chức sắp xếp các cơ sở khám chữa bệnh công lập cho cân đối với nhiệu vụ yêu cầu đặt ra? Liệu việc sắp xếp này có ảnh hưởng phân hạng bệnh viện?

Ông Hoàng Hà: Thực hiện cơ chế thị trường định hướng XHCN, tổ chức mạng lưới bệnh viện sẽ được rà soát sắp xếp lại, trước hết là giảm dần đấu mối các bệnh viện do Bộ Y tế và các Bộ, ngành trực tiếp quản lý (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) về địa phương quản lý. Đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ bệnh viện đa khoa tỉnh trước khi phát triển các bệnh viện chuyên khoa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân trong diện bệnh viện bao phủ (không theo địa giới hành chính), quan tâm đến người nghèo, đối tượng chính sách (được tiếp cận dịch vụ cao, có chất lượng ngay tại địa phương. Đặt mục tiêu khuyến khích xã hội hóa, phát triển cơ sở y tế ngoài công lập để góp phần nâng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân và đáp ứng dịch vụ theo yêu cầu.

Đổi mới tổ chức hệ thống, việc phân hạng bệnh viện vẫn không bị tác động, trước mắt vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Trong giai đoạn tới sẽ điều chỉnh tiêu chí phân hạng bệnh viện dựa trên chất lượng dịch vụ, chất lượng bệnh viện, không tập trung nhiều vào tiêu chí tổ chức khoa phòng để phân hạng bệnh viện như hiện nay.

Lê Danh Khôi , Nam - 36 Tuổi
Nghị quyết T.Ư 19 có chỉ đạo điều chỉnh, sắp xếp lại các bệnh viện, bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận thuận lợi về mặt địa lý. Chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan nhà nước ở T.Ư về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường ĐH). Xin ông cho biết, việc này được thực hiện thế nào để đảm bảo "nâng chất' y tế tuyến dưới?

Ông Hoàng Hà: Để bảo đảm người dân có thể tiếp cận với dịch vụ y tế một cách thuận lợi, hệ thống y tế phải phát triển rộng khắp. Hiện nay mạng lưới y tế Việt Nam được WHO đánh giá cao, tất cả các xa đều có nhà trạm, gần 100% thôn bản có nhân viên y tế và các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có các cô đỡ thôn bản.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, ngành y tế đã triển khai nhiều đề án, giải pháp như luân phiên cán bộ y tế từ tuyến trên xuống tuyến dưới, đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa, huyện nghèo, đưa bác sĩ địa phương đi đào tạo nâng cao tay nghề…từng bước triển khai mở rộng mô hình telemedicine (tư vấn, chẩn đoán, điều trị từ xa…) để giúp tuyến dưới tiếp cận với kiến thức, kỹ năng chuyển giao từ tuyến trên.

Bên cạnh đó nhiều chính sách khuyến khích tuyến dưới ngân cao chất lượng dịch vụ như phụ cấp, tạo cơ chế xã hội hóa… để các bệnh viện tuyến dưới có khả năng phát triển, thực hiện các kỹ thuật cao của tuyến trên."

Vũ Mai Lê , Nữ - 29 Tuổi
Thưa chuyên gia, có cách nào để nâng cao khả năng tự chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trẻ em Việt Nam. Tôi thấy ở thành phố, nhiều bà mẹ thường tìm hiểu thông tin trên mạng. Tuy nhiên, nhiều khi thông tin trên mạng không chính xác. Có kênh chính thống nào để các mẹ tham khảo và tự nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho mình và gia đình không ạ?

Ông Đinh Thái Hà: Bạn có thể tham khảo thông tin chính thức tại website của Bộ Y tế và các bệnh viện, cơ sở y tế đầu ngành. Tuy nhiên theo tôi để nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho mình và gia đình bạn nên đến gặp cơ sở y tế để được tư vấn chính thống. Các thông tin trên mạng chỉ là tham khảo, còn việc thực hành bạn nên được bác sỹ tư vấn trực tiếp hoặc liên hệ trực tiếp với các điểm cung cấp dịch vụ tư vấn chính thống như VOV.

Hồng Trang , Nữ - 27 Tuổi
Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 để tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Y tế mà cụ thể là Cục dân số đang có những hoạt động cụ thể nào ạ?

Ông Đinh Thái Hà: Bộ Y tế hiện nay đã triển khai đồng bộ 7 nhóm giải pháp của Kế hoạch hành động ở tất cả các tuyến. Trong đó nhấn mạnh vào nâng cao tính sẵn có và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; tăng cường truyền thông và tuyên truyền vận động và Nâng cao năng lực chuyên môn phụ sản/nhi-sơ sinh cho y tế các tuyến.

Nguyễn Minh Thành , Nam - 33 Tuổi
Trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng có một thực tế là có sự khác biệt lớn về tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em giữa các vùng miền. Vậy chúng ta sẽ cần làm những gì trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này? Xin cảm ơn ông.

Ông Đinh Thái Hà: Năm 2016 Bộ Y tế đã có quyết định số 4177/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu Cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và tử vong trẻ em thông qua các giải pháp can thiệp và thực hiện các biện pháp dự phòng có hiệu quả, ưu tiên các vùng còn nhiều khó khăn nhằm tiếp tục giảm sự khác biệt giữa các vùng miền trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc sơ sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Kế hoạch hành động đưa ra 7 nhóm giải pháp , phân công nhiệm vụ cho các tuyến để triển khai.
Việc thực hiện kế hoạch hành động này và các hành động khác sẽ sớm khắc phục được tình trạng nêu trên.

Ngọc Mai , Nữ - 33 Tuổi
Ngành Y sẽ đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 20. Bộ Y tế có chiến lược như thế nào về con người và hệ thống bệnh viện công lập?

Ông Hoàng Hà: Nhiệm vụ đầu tiên Nghị quyết đề ra đối với đổi mới tài chính y tế là Tăng cường đầu tư và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong lĩnh vực y tế để có nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo.

Trong giai đoạn đến năm 2030,cơ bản ngân sách nhà nước không tiếp tục đầu tư xây dựng mới các bệnh viện công (trừ các bệnh viện tuyến huyện ở vùng khó khăn, các bệnh viện lao, phong, tâm thần, các bệnh viện đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020). Các địa phương có nhu cầu tăng cơ sở, giường bệnh (do biến động dân số về cơ học) phải tự cân đối, sử dụng ngân sách địa phương.

Về chiến lược đổi mới đối với nhân lực y tế, thực hiện quan điểm: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương”.

Ngành y tế đã xây dựng một số đề án từ đổi mới công tác đào tạo, đổi mới phong cách, đạo đức, đổi mới bậc lương khởi điểm cho bác sỹ và các phụ cấp cho cán bộ y tế về công tác vùng sâu, vùng xa; đổi mới phương thức quản trị bệnh viện để tăng hiệu quả và thu nhập của cán bộ y tế trong các bệnh viện tự chủ về tài chính…

Về đổi mới tài chính đổi với các bệnh viện công lập: tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, tổ chức, tài chính và hoạt động, từng bước áp dụng mô hình quản trị bệnh viện như tương tự quản trị doanh nghiệp để cán bộ y tế được hưởng thu nhập dựa trên hiệu quả hoạt động của bệnh viện, không bị bó hẹp như hiện nay."

Quân Nguyễn , Nam - 33 Tuổi
Theo Nghị quyết 20, ngành y sẽ đổi mới mạnh mẽ. Những đổi mới này là gì? Đổi mới có ảnh hưởng giá dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế? Xin cảm ơn

Ông Hoàng Hà: Như phần trên đã trả lời về những nội dung đổi mới mà Nghị quyết đề ra, từ quan điểm, mục tiêu đến nhiệm vụ, giải pháp và hoạt động cụ thể. Có thể nói Nghị quyết 20-NQ/TW rất toàn diện, chuyên sâu và cụ thể (giải quyết các yếu tố tác động đến sức khỏe, đề ra các nhiệm vụ chuyên sâu cho từng lĩnh vực hoạt động (Nâng cao sức khỏe, Y tế dự phòng, Y tế cơ sở, Khám chữa bệnh, nhân lực và phát triển khoa học, dược trang thiết bị, tổ chức hệ thống và tài chính cho y tế…), và cụ thể đến từng Bộ, từng ngành, từng hoạt động (chẳng hạn quản lý ATVS thực phẩm theo chuỗi, truy suất nguồn gốc…).

Vấn đề đổi mới tài chính y tế được tiếp tục thực hiện theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ, gắn với lộ trình BHYT toàn dân để bảo vệ rủi ro về tài chính cho người bệnh. Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả của quỹ khám chữa bệnh người nghèo để hỗ trợ các trường hợp chi phí thảm họa cho người bệnh và khó khăn về tài chính gây nghèo hóa."

Nguyen cong doan , Nam - 40 Tuổi
- Theo quan điểm mới về chính sách dân số có phải người dân nên sinh đủ 2 con, có quyền quyết định số lần sinh con. Nhưng theo Quy định 102 mới ban hành của Bộ Chính trị nếu Đảng viên sinh con thứ 3 vẫn bị kỷ luật mức khiển trách, vấn đề này có sự khác nhau giữa quy định pháp luật và quy định của đảng? Trường hợp Pháp luật không quy định vi phạm chính sách dân số thì có bị kỷ luật Đảng không?

Ông Đinh Thái Hà: Từ trước đến nay công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một cuộc vận động xã hội rộng lớn. Pháp luật không quy định chế tài xử phạt.

Chủ trương chung về công tác dân số trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 21 là “tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”, chưa khuyến khích sinh con thứ 3.

Không có sự khác nhau giữa quy định của Đảng và quy định của pháp luật đối với đảng viên. Là đảng viên phải chấp hành kỷ luật của Đảng.

Hiện nay quy định của Đảng nêu rõ những trường hợp không vi phạm tương tự như theo quy định của pháp luật.

Tuấn Dũng , Nam - 42 Tuổi
Theo Nghị quyết 20, Y tế cơ sở sẽ được ưu tiên tập trung đầu tư. Xin ông cho biết lý do tại sao. Mạng lưới y tế cơ sở sau khi được đầu tư phát triển theo tinh thần nghị quyết sẽ đáp ứng chăm sóc sức khỏe toàn diện nhân dân như thế nào theo hình dung của ông?

Ông Hoàng Hà: Nhiệm vụ đầu tiên Nghị quyết đề ra về đổi mới tài chính y tế là Tăng cường đầu tư và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong lĩnh vực y tế để có nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo.

Trong giai đoạn đến năm 2030,cơ bản ngân sách nhà nước không tiếp tục đầu tư xây dựng mới các bệnh viện công (trừ các bệnh viện tuyến huyện ở vùng khó khăn, các bệnh viện lao, phong, tâm thần, các bệnh viện đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020). Các địa phương có nhu cầu tăng cơ sở, giường bệnh (do biến động dân số về cơ học) phải tự cân đối, sử dụng ngân sách địa phương.

Về chiến lược đổi mới đối với nhân lực y tế, thực hiện quan điểm: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương”. Ngành y tế đã xây dựng một số đề án từ đổi mới công tác đào tạo, đổi mới phong cách, đạo đức, đổi mới bậc lương khởi điểm cho bác sỹ và các phụ cấp cho cán bộ y tế về công tác vùng sâu, vùng xa; đổi mới phương thức quản trị bệnh viện để tăng hiệu quả và thu nhập của cán bộ y tế trong các bệnh viện tự chủ về tài chính…

Về đổi mới tài chính đổi với các bệnh viện công lập: tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, tổ chức, tài chính và hoạt động, từng bước áp dụng mô hình quản trị bệnh viện như tương tự quản trị doanh nghiệp để cán bộ y tế được hưởng thu nhập dựa trên hiệu quả hoạt động của bệnh viện, không bị bó hẹp như hiện nay."

Ngô Thùy Vân , Nữ - 23 Tuổi
Trước nay Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở. Như đào tạo cử tuyển, đưa bác sĩ địa phương đi đào tạo nâng cao tay nghề, đưa bác sĩ trẻ về huyện nghèo công tác. Xin hỏi đại diện Bộ Y tế, để ưu tiên đào tạo - phân bổ nhân lực giỏi cho y tế cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 20, Bộ Y tế sẽ làm thế nào?

Ông Hoàng Hà: Ưu tiên đào tạo phân bố nhân lực y tế,nhiều chính sách đã được ban hành tạo điều kiện cho các cán bộ y tế tại các cơ sở này tiếp cận với những kĩ thuật mới như đẩy mạnh việc luân phiên chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới ; khuyến khích các cán bộ đang công tác tại tuyến dưới, tham gia các khóa đào tạo nâng cao, đào tạo chuyên khoa 1,2; đào tạo từ xa.

Đào tạo bác sĩ trẻ tình nguyện 2 năm theo hình thức cầm tay chỉ việc tại tuyến trung ương trước khi đưa về nhận công tác tại Y tế cơ sở của Vùng khó khăn.

Mở rộng thêm các hình thức đào tạo, chẩn đoán điều trị từ xa theo hình thức Telemedicine. Xây dựng chế độ phụ cấp xứng đáng cho các cán bộ đang công tác tại Y tế cơ sở của vùng sâu vùng xa.

Ha Minh Hien , Nữ - 32 Tuổi
Trong nghị quyết 21 Hội nghị T.Ư 6 khóa 12 chúng tôi nghiên cứu có thấy 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc. Xin cho biết thông tin cơ bản về hệ thống này?. Khi nào chúng ta hoàn thành? Người dân sẽ được những thuận lợi nào sau khi thực hiện?

Ông Đinh Thái Hà: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp các thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của tổ chức, cá nhân.

Có 16 chỉ tiêu thông tin của công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số định danh cá nhân là khóa chính dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Theo quy định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, do Bộ Công an quản lý nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân.

Hiện tại, Bộ Công an đang tích cực triển khai xây dựng hệ thống và theo Nghị quyết số 21, đến trước năm 2030, 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Việc này sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến tại các bộ ngành, địa phương và xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Hoàng Vinh , Nam - 30 Tuổi
Nghị quyết 20 chỉ đạo bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân. Bộ Y tế dự định làm gì để góp phần tăng sức hấp dẫn của các chính sách BHXH tự nguyện, từ đó tiến đến BHYT toàn dân?

Ông Hoàng Hà: Bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân đã được đặt ra thành mục tiêu phấn đấu. Bao phủ CSSK toàn dân (UHC) đã được đề cập trong phần trả lời câu hỏi trước,cụ thể là để tăng được bao phủ về dân số, người dân tiếp cận được với các dịch vụ y tế cơ bản thì hệ thống y tế phải rộng khắp; các cơ sở y tế phải nâng cao năng lực để tăng cung cấp dịch vụ có chất lượng cho người dân và đẩy mạnh bảo hiểm y tế toàn dân để giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe.Bao phủ BHYT toàn dân là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ rủi ro về tài chính cho người bệnh trong chăm sóc sức khỏe.

Để mọi tầng lớp nhân dân thấy được sự cần thiết và tính hiệu quả khi tham gia BHYT, Ngành Y tế và BHXH Việt Nam đã tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân tham gia BHYT; khuyến khích tham gia BHYT hộ gia đình để giảm mức đóng từ người thứ 2, 3, 4, 5 tham gia theo tỷ lệ mức đóng giảm dần (từ 70%, 60%, 50% và 40%)

Ngoài ra, đa dạng hóa các gói BHYT (mức đóng phù hợp với mức hưởng) và kết nối với các BHYT thương mại để người dân có nhiều lựa chọn trong tham gia BHYT.
Luật BHYT cũng đã quy định BHYT – xã hội là bảo hiểm bắt buộc."

VŨ MẠNH QUÂN , Nam - 50 Tuổi
Thưa chuyên gia, hiện tượng " người mẹ trẻ đơn thân" (sinh viên, công nhân trẻ...) ngày càng gia tăng tại các khu công nghiệp lớn [Đồng nai, Long Thành, Bình Dương] ngày càng gia tăng. Quan điểm mới về chăm sóc sức khỏe dân số VN có lưu ý đến vấn đề này không?

Ông Đinh Thái Hà: Chính sách dân số mới đã quan tâm tới tất cả phụ nữ, người di cư, không phân biệt trong tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản trong đó có chăm sóc sức khỏe và dân số.

Theo tinh thần Nghị quyết 21 chúng ta sẽ có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng với các dịch vụ xã hội cơ bản. Và ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm các nhóm dân số đặc thù (như trẻ em, người di cư, bao gồm cả những trường hợp bạn nêu trên) đều thực sự bình đẳng về cơ hội tham gia, thụ hưởng thành quả phát triển.

Nguyễn Hoàng Oanh , Nữ - 33 Tuổi
10 năm trước, tôi và bạn bè tôi đi xin việc vào các doanh nghiệp tư nhân được yêu cầu kí cam kết chỉ sinh con sau 2 năm làm việc? 10 năm sau, các em, các cháu tôi đi xin việc vẫn được đề nghị kí cam kết này mới được vào làm. Thưa ông, việc kí cam kết này có trái luật hay không và có bị xử phạt hay không ạ? Rõ ràng ở đây có sự phân biệt đối xử nghiêm trọng với lao động nữ, trái với chủ trương bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước ta.

Ông Đinh Thái Hà: Từ trước đến nay công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một cuộc vận động xã hội rộng lớn. Pháp luật không quy định chế tài xử phạt. Trong quá trình thực hiện cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình, nhiều địa phương đã đưa nội dung này vào hương ước, quy ước, thỏa ước tập thể...

Trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 21, chúng ta sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số quy định về xử lý vi phạm trong công tác dân số phù hợp với quy định của Pháp luật.

Thuc Anh , Nữ - 30 Tuổi
Thưa ông, trong chỉ đạo về công tác dân số, có một thực tế là: “Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả”. Vậy, tới đây, địa phương nào lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ về công tác dân số tại địa phương có phải chịu trách nhiệm không? Nếu có, cụ thể là gì? Có thôi chức không?

Ông Đinh Thái Hà: Câu hỏi của bạn thực chất đã bao hàm nội dung trả lời, giao nhiệm vụ cho ai, giao chỉ tiêu cho cấp nào thì người đó, người đứng đầu tổ chức phải chịu trách nhiệm. Còn xử lý ở mức nào còn căn cứ vào mức độ không hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đề ra về công tác dân số mới đánh giá được.

Theo tinh thần nghị quyết 21, đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến khách mời

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

VietNamNet