Trong 2 giờ, các chuyên gia chính sách giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay, tư vấn kỹ về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ.

Vì nhiều lý do, phụ nữ không được đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy về mục đích hôn nhân và quyền tài sản của phụ nữ. Trong ngày Phụ nữ VN, các chuyên gia chính sách giải đáp những vấn đề liên quan đến một nửa dân số.

Khi hàng năm, người dân Việt Nam dành 2 ngày đặc biệt để tôn vinh và chăm sóc phụ nữ là 20/10 và 8/3. Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nước đạt được nhiều tiến bộ về các mục tiêu bình đẳng giới, dựa trên tỷ lệ học sinh nam/nữ đều được đến trường; Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm 48,4% lực lượng lao động. Tỷ lệ phụ nữ giữ những vị trí quan trọng ở mức trung có tỷ lệ cao.

Tuy nhiên, trong một hội thảo về vấn đề giới gần đây, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng tình trạng bạo hành gia đình nhằm vào phụ nữ còn rất cao; và một trong những nguyên nhân chính khiến phụ nữ dễ rơi vào tình huống dễ bị tổn thương là sự lệ thuộc, trong đó sự lệ thuộc về kinh tế, quyền tài sản được nhắc đến như là một trong những nguyên nhân chính. Khi người phụ nữ lấy chồng, về gia đình chồng ở, đóng góp nhiều công sức xây dựng chung; nhưng khi mục đích hôn nhân không đạt được; người phụ nữ bắt buộc phải đứng trước lựa chọn: hoặc bế con đi tay trắng, hoặc tiếp tục ở lại trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Trường hợp của chị Lê Thị Lý bị chồng là Nguyễn Tiến Thịnh bạo hành ở Vĩnh Phúc ồn ào mấy năm trước là một câu chuyện điển hình.

Ngoài ra, cho dù quyền bình đẳng của phụ nữ đã được thể chế hóa trong Hiến pháp từ năm 1945, được chi tiết hóa trong các luật dân sự và các bộ luật liên quan đến tài sản khác nhau; quy định rõ vợ chồng đồng sở hữu tài sản chung trong hôn nhân; Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 qui định tài sản được phân chia bình đẳng giữa hai vợ chồng khi ly hôn, và giữa con cái trong thừa kế; Luật Bình đẳng giới 2006 qui định rằng vợ chồng có quyền và nghĩa vụ bình đẳng sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng thu nhập chung và trong việc quyết định các nguồn lực gia đình. Gần đây nhất, Luật Đất đai sửa đổi 2013 đã chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/07/2014 trong đó Khoản 4 Điều 98 quy định đảm bảo quyền bình đẳng của vợ và chồng trong sử dụng đất sản xuất và đất ở.

Việt Nam cũng đã cam kết thực thi nhiều công ước quốc tế có liên quan đến quyền bình đẳng của nam và nữ. Có thể kể đến một số công ước như: Tuyên ngôn nhân quyền 1948 có ghi tại Điều 17 xác định mọi người đều có quyền sở hữu tài sản riêng của mình và tài sản chung với người khác; Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, 1978 (CEDAW) quy định các quyền như nhau về sở hữu, kiểm soát và hưởng dụng tài sản của phụ nữ và nam giới; Đặc biệt, tại văn kiện Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc năm 2000 (MDG 11, 2 và 7) đã ghi rõ việc đảm bảo quyền tài sản và thừa kế tài sản cho phụ nữ và trẻ em gái.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi, vì nhiều lý do: tập tục văn hóa, nhận thức hạn chế của chị em phụ nữ về quyền của mình, cũng như trách nhiệm thực thi của các Cơ quan quản lý liên quan về vấn đề này chưa cao, dẫn tới tình trạng ở nhiều nơi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD đất/Bìa đỏ) hiện vẫn còn chưa được ghi cả tên vợ và tên chồng. Điều này dẫn tới việc thực hiện chính sách pháp luật không đầy đủ, tiếp tục đẩy phụ nữ vào trạng thái dễ tổn thương, cùng vô vàn hệ lụy khác (cha mẹ không ý thức đầy đủ về quyền thừa kế của con gái; chồng/gia đình chồng không ý thức đầy đủ về quyền lợi của vợ/con dâu; khi hôn nhân tan vỡ, người phụ nữ và trẻ em rơi vào trạng thái khó khăn vì không có chứng lý pháp luật để bảo vệ tài sản..vv.. ) dẫn tới vòng luẩn quẩn về hôn nhân và chất lượng sống không giải quyết được.

Với mong muốn người dân hiểu rõ hơn về chính sách và quyền tài sản của phụ nữ, góp phần thúc đẩy việc cấp "Giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân ghi rõ cả tên vợ và chồng" được thực thi tốt hơn trong thời gian tới, Tuần Việt Nam và Liên minh đất đai Landa tổ chức giao lưu trực tuyến ‘Chính sách đất đai và Quyền tài sản của phụ nữ vào 14:00 - 16:00 ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2014.

{keywords}
Các khách mời tại tòa soạn VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng

Các chuyên gia - khách mời:

1. GS. TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường
2. Bà Trần Thị Minh Châu - Giám đốc Viện Tư vấn Phát triển kinh tế xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA)
3. Ông Phạm Văn Thành - Chủ tịch Liên minh đất đai (Landa), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng nông thôn (CCRD).

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU

Nhiều luật bảo vệ quyền về tài sản của phụ nữ

Công Thành, Nam - 35 tuổi
Ông có thể chia sẻ về quyền phụ nữ trong tiếp cận đất đai được quy định trong những văn bản pháp luật nào? (công ước quốc tế và văn bản chính sách pháp luật liên quan tới đất đai tại Việt Nam)?

Ông Phạm Văn Thành: Quyền sở hữu tài sản (bao gồm đất đai) và các quyên liên quan khác là những quyền cơ bản của con người, đảm bảo bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong các lĩnh vực tài sản và nỗ lực của nhiều quốc gia trong đó có VN trong nhiều thập kỷ qua.

Ngày 10/10/1948 đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. trong đó điều 17 ghi: "Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản riêng của mình và tài sản chung với người khác; Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách tùy tiện." Tuyên ngôn này đã mở đường cho nhiều văn bản cũng như công pháp quốc tế quy định về quyền tài sản của con người nói chung và phụ nữ nói riêng.

Ngày 18/12/1979, LHQ đã thông qua công ước xoa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), trong đó nhấn mạnh: "Các quốc gia thành viên phải dành cho phụ nữ những quyền binh đằng trong việc ký kết hợp đồng, quản lý tài sản và phải đảm bảo các quyền ngang nhau của cả vợ và chồng đối với sở hữu, thu nhận, kiểm soát, quản lý, hưởng thụ và sử dụng tài sản, dù không phải trả tiền hay có giá trị lớn".

Năm 2000, 189/192 quốc gia thành viên trong đó có VN đã nhất trí thông qua tuyên bố thiên niên kỷ (MDG) và cam kết đạt được 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015. Một trong 8 mục tiểu đó là thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Tuyên bố cũng đã xác định các vấn đề ưu tiên liên quan chặt chẽ với nhau cần thực hiện để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trong đó có việc đảm bảo quyền tài sản và thừa kế tài sản cho phụ nữ và trẻ em gái.

Còn ở VN hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 đến Hiến pháp 2013 đều khẳng định sự bình đẳng giữa nam và nữ về mọi phương diện.

Hiến pháp 2013 mới đây ghi rõ: "Công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt; nhà nước có chính sách đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định tài sản được phân chia bình đằng giữa hai vợ chồng bình đẳng khi ly hôn và giữa con cái trong thừa kế. Tài sản chung vợ chồng bao gồm tài sản do vớ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng, cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng.

Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên cả vợ và chồng"

Luật bình đẳng giới 2006 quy định rằng vợ chồng có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng thu nhập chung và trong việc quyết định các nguồn lực gia đình.

Ngày 1/7/2014 Luật đất đai (sửa đổi) 2013 đã chính thức có hiệu lực thi hành trong đó quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:

"Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và tài sản chung của cả vợ và chồng thì phải ghi cả họ tên vợ và chồng vào giấy chứng nhận quyền sở dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên 1 người."

{keywords}
Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nguyễn Hải Hà , Nam - 36  Tuổi
Qua các phương tiện truyền thông tôi được biết, Luật đất đai 2013 có quy định GCNQSD đất được ghi tên của cả vợ và chồng nhưng không biết thủ tục như thế nào. Đề nghị chuyên gia hướng dẫn thủ tục.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Việc ghi cả tên vợ và chồng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung của cả vợ và chồng đã được quy định  trong Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000, Luật đất đai 2003, và Luật đất đai 2013 hiện đã có hiệu lực thi hành. Khi vợ và chồng có quyền sử dụng đất chung, thì lúc đăng ký đất đai để xin cấp giấy chứng nhận cần nói rõ với văn phòng đăng ký đất đai rằng đây là quyền sử dụng đất chung và giấy chứng nhận phải ghi cả tên vợ và chồng. Trong trường hợp nơi đó không thực hiện (do quên hoặc do hiểu chưa đúng) thì người phụ nữ có thể viết đơn đề nghị đính chính Giấy chứng nhận sao cho phải ghi cả tên vợ và tên chồng. Trường hợp Quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận mà chỉ ghi một tên, thì cần làm đơn đề nghị cấp đổi lại giấy chứng nhận có ghi tên của cả vợ và chồng. Trình tự thủ tục về cấp mới Giấy chứng nhận cũng như cấp đổi Giấy chứng nhận đã được quy định cụ thể trong hệ thống thủ tục hành chính về đất đai, được công khai trên mạng Internet, cũng như tại các văn phòng đăng ký đất đai và trụ sở UBND cấp xã.

Văn Trung, Nam - 31 tuổi
Tôi nghe nói luật pháp có quy định các tài sản sau khi kết hôn được ghi tên cả vợ và chồng nhưng không biết cụ thể. Xin chuyên gia nói rõ về vấn đề này.

Ông Phạm Văn Thành: Tài sản chung do hai vợ chồng có được sau khi kết hôn thì được ghi tên cả hai vợ chồng.

Luật hôn nhân và gia đình quy định tài sản được phân chia bình đẳng giữa hai vợ chồng sau khi ly hôn và giữa con cái trong thừa kế.

Điều 95 khoản 4 điểm h, điểm i ghi rõ:

h)Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành quyền sử dụng chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng

i) chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vớ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất:

"Trong trường hợp tài sản thuộc chủ sở hữu chung của vớ và chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên cả vợ và chồng"

Điều 98 khoản 4 ghi rõ trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của cả vợ và chồng thì ghi tên cả họ tên vợ và chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận ghi tên 1 người.

Trong trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và tài sản chung của vợ hoặc chồng mà giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi tên vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với dất để ghi cả họ tên vợ và họ tên chồng nếu có yêu cầu.

Nam Thanh, Nam - 32 tuổi
Luật đất đai 2013 có quy định GCNQSD đất được ghi tên của cả vợ và chồng nhưng không biết rõ ý nghĩa. Đề nghị chuyên gia giải thích.

Ông Phạm Văn Thành: Trước đây Luật đất đai 2003 cũng đã có quy định là người vợ và người chồng đều có thể đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vấn đề này đồng nghĩa với việc họ hoàn toàn có quyền bình đẳng trong việc hưởng dụng, định đoạt tài sản. Với phụ nữ đây là cơ hội tốt để họ tăng cường tiếng nói trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên luật đất đai sửa đổi 2013 yêu cầu việc đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng thời của cả vợ và chồng. Theo quy định này, mọi người dân đều có quyền yêu cầu văn phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cấp huyện) cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ghi tên cả hai vợ chồng nếu trước đây chỉ ghi tên 1 người.

Quỳnh , Nữ - 38 Tuổi
Tại khoản 4 điều 98 Luật đất đai có quy định về việc đảm bảo quyền của vợ và chồng trên GCNQSD đất sẽ được cấp đổi nếu có yêu cầu. Điều này được hiểu như thế nào?

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Đối với những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung của vợ và chồng mà đã cấp chỉ ghi một tên thì một trong hai bên hoặc cả hai bên có quyền đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp thành giấy chứng nhận mang cả tên vợ và tên chồng. Trình tự thủ tục đã được quy định tại Nghị định số 43/2014/ND-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đất đai 2013. Tất nhiên trình tự thủ tục cụ thể để thực hiện tại địa phương còn phụ thuộc vào quy định của UBND cấp tỉnh về thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.

Minh Hà , Nữ - 40 Tuổi
Tôi nghe nói về Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ, vậy quyền đó là như thế nào?

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ là một khái niệm chung về quyền của phụ nữ với đất đai, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận đối với quyền sử dụng đất chung của hai vợ chồng phải ghi cả tên vợ và tên chồng, việc giải quyết sử dụng đất này khi có thay đổi như: chồng hoặc vợ chết, ly hôn, nhận thừa kế,nhận tặng cho, được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Do tất cả những việc có liên quan đến thay đổi quyền sử dụng đất đều phải được giải quyết dựa trên cơ sở quyền sử dụng đất chung của vợ và chồng (giấy chứng nhận phài ghi cả tên vợ và chồng). Chính vì vậy, điểm cơ bản nhất của Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ là việc thực hiện thật đúng quy định về việc cấp giấy chứng nhận đối với quyền sử đất là tài sản chung của vợ và chồng phải ghi cả tên vợ và tên chồng.

{keywords}
GS.TSKH Đặng Hùng Võ và bà Trần Thị Minh Châu tại tòa soạn VietNamNet

Bà Trần Thị Minh Châu: - GCNQSD đất cần ghi đầy đủ họ tên của cả vợ và chồng khi thửa đất đó là tài sản chung của cả 2 vợ chồng

- Nếu GCNQSD đất hiện tại của gia đình chỉ ghi họ, tên chồng thì vợ chồng cần yêu cầu cơ quan chức năng cấp đổi để đảm bảo có ghi đầy đủ họ, tên của cả hai người nếu đó là tài sản chung của 2 vợ chồng.

- Chính quyền và cơ quan chức năng có trách nhiệm thực hiện yêu cầu này theo quy định của khoản 4 điều 98 Luật Đất đai 2013.

nguyễn hữu bằng , Nam - 27 Tuổi
Theo tôi tìm hiểu trong luật dân sự năm 2005 có điều khoản tài sản hình thành sau hôn nhân của cả vợ chồng đều được tính chung, vậy có cần thiết in trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tên của cả vợ chồng không, nếu quyền sử dụng đất đó có đóng góp công sức của cả 2 vợ chồng?

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Hệ thống pháp luật của Việt Nam có quy định khá đầy đủ về tài sản chung và tài sản riêng của cả vợ và chồng. Không chỉ trong bộ luật dân sự 2005 mà còn thể hiện cụ thể trong Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000 (Luật Hôn nhân & Gia đình 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) và Luật đất đai 2013 (nếu tài sản là quyền sử dụng đất ). Về mặt lý thuyết thì hai vợ chồng có thể cử đại diện đứng tên và không nhất thiết phải ghi cả hai tên. Trên thực tế nhiều khi quan niệm theo luật tục còn mạnh hơn quy định của pháp luật. Theo tư duy của luật tục, người ta có thể quên quy định của pháp luật. Khi giấy chứng nhận chỉ ghi một tên người ta sẽ có thói quen sẽ chỉ quan tâm đến người đứng tên trên giấy mà quên đi quyền và lợi ích của những người có liên quan. Đặc biệt những nước đã từng theo lý thuyết Nho giáo thì thường ít quan tâm đến lợi ích của phụ nữ. Trong trường hợp này, khi trên giấy chứng nhận chỉ có tên chồng thì những cán bộ thực thi nhiệm vụ dễ quên lợi ích của vợ. Chính vì vậy pháp luật cần phải quy định việc ghi cả tên vợ và chồng trên giấy chứng nhận. Trong xây dựng luật pháp, chúng ta không thể chỉ sử dụng logic hình thức mà còn cần tư duy theo logic xã hội.

Tại sao nhiều phụ nữ vắng tên trong Sổ Đỏ

Thu Hien , Nữ - 25 Tuổi
Tôi nghe trên báo đài có nói phụ nữ có quyền cùng ghi tên trên GCNQSD đất. Vậy làm thế nào để sử dụng và bảo vệ được quyền này khi gia đình và người thân không muốn?

Bà Trần Thị Minh Châu: Trước hết theo quy định trong khoản 4, điều 98 Luật đất đai 2013 thì mảnh đất hoặc nhà ở gắn liền với đất đó phải là tài sản chung của 2 vợ chồng thì chị mới có quyền đứng tên cùng chồng trong GCNQSD đất (sổ đỏ). Thứ hai, nếu thửa đất đó là tài sản chung của 2 vợ chồng chị mà chồng chị không đồng ý cho chị đứng tên thì chị nên giải thích cho chồng đây là quy định của pháp luật và chị phải yêu cầu địa chính địa phương làm đúng quy định của pháp luật.

Manh Hai , Nam - 34 Tuổi
Trách nhiệm của các cơ quan chính quyền trong việc đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ?

Bà Trần Thị Minh Châu: Theo tôi trách nhiệm của chính quyền trước tiên là tuyên truyền để người dân hiểu rõ chính sách pháp luật và thực hiện đúng pháp luật. Với cơ quan chức năng phải làm đúng quy định pháp luật đối với những trường hợp đất đai là tài sản chung của vợ và chồng thì phải cấp GCNQSD đất 2 tên.

Hong Ninh , Nữ - 30 Tuổi
Tình hình cấp đổi cho GCNQSDĐ đã cấp trước 2004 như thế nào? Một số địa phương tiến độ cấp đổi thấp? Tại sao?

Bà Trần Thị Minh Châu: Ở cả 3 vùng khảo sát của nhóm chúng tôi, các GCNQSD đất đã cấp trước năm 2004 mang tên một người, chủ yếu là người chồng thì nay đã được cấp đổi sang 2 tên cả vợ và chồng ở những vùng có dự án hoặc đối với trường hợp tách hộ chuyển đổi, thừa kế. Ví dụ, đất lâm nghiệp ở Đà Bắc, các loại đất ở huyện Yên Thủy (Hòa Bình), một số xã ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Tuy nhiên ở cả 3 vùng này, nếu không có dự án hoặc tách đổi, chuyển nhượng, thừa kế thì các GCNQSD đất vẫn mang 1 tên, chủ yếu là người chồng.

Cá biệt có địa phương tỉ lệ cấp đổi từ 1 tên thành 2 tên đối với những trường hợp GCNQSD đất đã cấp trước năm 2004 là 0%.

Lý do người dân không muốn đi đổi GCNQSD đất vì:

- Không biết, không hiểu chính sách GCNQSD đất 2 tên vì chưa được tuyên truyền thấu đáo

- Kinh phí đo đạc, cấp lại là hơi cao

- Tâm lý phụ nữ cho rằng có vấn đề gì đó mới đi đổi sổ

- Tâm lý e ngại đến gặp cơ quan công quyền

- Có hiện tượng vòi vĩnh, nhũng nhiễu từ phía cán bộ địa chính, tài nguyên môi trường

- Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (VD: người Vân Kiều) việc không thông thạo tiếng Kinh cũng là một rào cản.

- Tại một số địa phương, số lượng GCNQSD đất nằm tại ngân hàng khá lớn.

{keywords}
Bà Trần Thị Minh Châu giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bùi Thị Thắm , Nữ - 42  Tuổi
Gia đình tôi vừa đổi sổ đỏ nhưng trên giấy vẫn ghi một mình tên chồng tôi. Tôi thắc mắc thì được cán bộ địa chính bảo ghi vậy cho nhanh. Như vậy là đúng hay sai. Tôi muốn được ghi cả tên mình vào cùng chồng trong sổ đỏ thì bây giờ phải làm gì?

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, việc cấp giấy chứng nhận chỉ ghi một tên chồng sau năm 2004 là sai pháp luật, trả lời của cán bộ địa chính xã như vậy là vô trách nhiệm. Theo quy định của Luật đất đai 2013, trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung của vợ và chồng mà chỉ ghi một tên thì cần làm thủ tục đổi giấy chứng nhận từ một tên thành giấy chứng nhận ghi cả tên vợ và tên chồng.

Thanh Minh , Nam - 36 Tuổi
Tôi muốn đổi sổ để ghi cả tên của vợ mình vào GCNQSD đất của gia đình để đảm bảo quyền bình đẳng của 2 vợ chồng nhưng trên yêu cầu nộp rất nhiều tiền, có những khoản mà tôi không nhớ rõ nữa. Vậy xin hỏi trong các quy định mới, gia đình tôi có được hỗ trợ đổi sổ hay không?

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Thứ nhất, việc cấp đổi giấy chứng nhận chỉ ghi một tên sang giấy chứng nhận ghi cả tên vợ và chồng không phải trả mức phí quá cao. Theo quy định, về nguyên tắc, người có nhu cầu phải trả chi phí cho phôi giấy chứng nhận mới và mức phí đăng ký cấp đổi giấy chứng nhận khá thấp. Trên thực tế có thể có nhiều địa phương gây khó khăn do chưa nhận thức đúng pháp luật hoặc nhũng nhiễu để tạo tham nhũng nên đã nói mức phí quá cao. HIện nay Luật đất đai 2013 và Nghị định số 43/2014/ND-CP hướng dẫn thực hiện đã có hiệu lực thi hành, nhưng đến nay chắc nhiều địa phương cấp tỉnh vẫn chưa ban hành quy định về mức phí cấp đổi giấy chứng nhận. Theo quy định của pháp luật thì người có yêu cầu cấp đổi giấy chứng nhận phải trả phí cho việc cấp đổi giấy chứng nhận.

Một số địa phương cũng đang được các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí cấp đổi giấy chứng nhận. Tại các địa phương này, người có yêu cầu cấp đổi giấy chứng nhận không phải trả phí cho việc cấp đổi giấy chứng nhận. Người dân cần biết rõ những thông tin này để bảo vệ quyền lợi cho mình trong việc cấp đổi giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của vợ và chồng.

Sinh Thành, Nam - 35 tuổi
Tình hình thực thi các chính sách đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ hiện nay như thế nào? Có thuận lợi và khó khăn gì khi triển khai các chính sách này?

Ông Phạm Văn Thành: Kết quả của thực thi chính sách, suy đến cùng, được đo bằng việc chính quyền thực thi chính sách đó ra sao, người đân nhận thức như thế nào về chính sách và được hưởng lợi chính sách đó đến đâu. Luật đất đai 2003/2013 có những điểm tiến bộ là công nhận quyền bình đẳng trong sử dụng đất đai của phụ nữ và nam giới (bao gồm đất đai và tài sản gắn liền với đất) là tài sản chung của vợ và chồng, tuy nhiên trong thực tế người dân đặc biệt là phụ nữ nhìn chung còn thiếu nhiều thông tin về chính sách này cũng như không hiểu rõ lợi ích của chính sách cấp đổi, cấp mới quyền sử dụng đất mang tên cả vợ và chồng cũng như quyển của phụ nữ trong cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận khi mang tên cả hai người.

Với một số cán bộ địa chính ở các xã cũng như ở văn phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện tình trạng nói trên cũng tương tự, họ cũng chưa nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của việc thực hiện quyền của phụ nữ thông qua cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả hai vợ chồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của những bất cập trong tình trạng cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay ở các địa phương.

Một số nhóm cá biệt trong người dân có nhận thức tốt thì ủng hộ việc có tên của phụ nữ cùng tên của chồng ở trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên từ nhận thức tới thay đổi hành vi vẫn còn khoảng cách khá lớn, nhất là những hành vi e dè, ngần ngại vì những quan niệm phong kiến...của đại bộ phận phụ nữ khi phải đề xuất vấn đề ghi tên mình trong giấy chứng nhận (cấp đổi/cấp mới) quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó những rào cản khác cũng có những tác động nhát định đến việc cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như là: phí cấp đổi, cấp mới còn khá cao so với thu nhập của người dân, thời gian để thực hiện cấp đổi cấp mới giấy chứng nhận cũng như việc cung cấp các giấy tờ/tờ khai để được cấp đổi cấp mới cũng còn chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân, đâu đó cán bộ có trách nhiệm chưa thực hiện hết bổn phận và trách nhiệm của mình cũng như sách nhiễu..

Trước những thực tế trên cần phải có những chiến dịch truyền thông rộng khắp trong toàn quốc để thực thi chính sách đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi cả hai tên vợ và chồng.

{keywords}
Ông Phạm Văn Thành giải đáp các thắc mắc về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Hồng Minh , Nữ - 32 Tuổi
Tôi có nghe nói luật pháp quy định vợ chồng có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trong sở hữu tài sản chung, trong sử dụng thu nhập chung và trong việc quyết định các nguồn lực gia đình nhưng không có hướng dẫn cụ thể. Xin chuyên gia giải đáp.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Thứ nhất, hiện nay pháp luật đã có hướng dẫn khá cụ thể. Hiện hành, Luật Hôn nhân & Gia đình 2000 đang có hiệu lực thì hành và được hướng dẫn thông qua Nghị định số 24/2013/ND-CP. Trong đó có quy định đầy đủ về các loại tài sản chung và riêng của vợ và chồng, cách thức xử lý với từng loại tài sản khi được thừa kế, để thừa kế, phân chia khi ly hôn. Trên thực tế vẫn có một số địa phương chưa thực hiện đúng những quy định này, có thể gây thiệt hại về quyền lợi đối với phụ nữ (do tập quán tư duy theo lễ giáo phong kiến). Điều quan trọng hiện nay là cần thực thi những quy định này của pháp luật thật tốt trên thực tế.

Diệu Linh , Nữ - 32 Tuổi
Chồng tôi suốt ngày cờ bạc, rượu chè. Lúc nào say hay đánh bạc thua về thường đánh đập tôi và các con, có lúc nặng phải vào bệnh viện. Tôi muốn ly dị nhưng không có chỗ ở, mà sổ đỏ lại chỉ ghi một mình tên chồng tôi. Bây giờ tôi phải làm thế nào?

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Trước hết cần xem thửa đất đó của người chồng có trước hôn nhân hay được hình thành sau hôn nhân của cả vợ và chồng. Kể cả trường hợp thửa đất là của người chồng từ cũ thì người vợ vẫn có một phần giá trị tài sản được hình thành sau hôn nhân trên ngay thửa đất đó. Khi chị muốn ly hôn thì chị cần phải tìm hiểu kỹ những quy định của pháp luật về tài sản chung và tài sản riêng của vợ và chồng để chứng minh và bảo vệ lợi ích cho mình trong phân chia tài sản. Nhất là trường hợp thửa đất là tài sản của vợ và chồng mà chỉ ghi tên chồng khi cấp giấy chứng nhận thì tốt nhất là chị tìm cách đổi lại chứng nhận mang cả hai tên vợ và chồng. trong trường hợp có khó khăn khi cấp đổi thì tòa vẫn phải phán quyết đây là tài sản chung, chị cần biết điều đó để bảo vệ lợi ích của mình.

ltn , Nữ - 43 Tuổi
Tôi ở một xã nghèo, xin được giấu tên. Cách đây 3 năm, tôi và chồng li hôn, tòa án quyết định chia đôi tài sản chung là căn nhà chúng tôi đang sống. Do sổ đỏ chỉ mang tên chồng tôi (dù căn nhà mua trong thời gian chúng tôi là vợ chồng) nên tôi không thể bán nhà để chia sau khi li hôn (anh ấy không chịu kí). Tôi đã làm đơn lên tòa án nhân dân huyện và UBND huyện 2 năm nay. Vậy liệu tôi có cơ hội giành lại quyền lợi của mình hay không? Xin cảm ơn

Bà Trần Thị Minh Châu: Để giành được quyền lợi của mình, chị phải kiên trì thuyết phục chồng cũ cùng thực hiện quyết định của tòa án. Nếu chồng cũ của chị vẫn không hợp tác, chị có thể nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp.

Huyền My , Nữ - 31 Tuổi
Qua báo đài, tôi biết phụ nữ có quyền đứng tên cùng chồng trên GCNQSD đất. Tuy nhiên, ở quê tôi đất chỉ được chia cho con trai. Nói với chồng thì sợ bị cho là có ý xấu. Vậy tôi phải làm gì để đảm bảo quyền của mình?

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Sự thực chị ngại người ta đánh giá chị có ý xấu là do quan niệm của xã hội theo tư duy Nho giáo. Đây là tư duy không đúng và tất cả chúng ta đều phải vượt qua. Điều này có nghĩa là đừng tự kỳ thị mình có ý đồ xấu mà phải quan niệm đây là ý tốt, vì mọi việc được minh bạch về quyền lợi, về tài sản. Trong trường hợp chị cần thuyết phục mọi người là cần phải làm thật rõ về tài sản, không chỉ vì quyền lợi của chị mà còn là vì quyền lợi của các con chị, kể cả gái và trai. Nói cách khác chị phải thuyết phục chồng và gia đình cấp đổi giấy chứng nhận thành giấy chứng nhận có cả tên chị để đảm bảo lợi ích gia đình chị về lâu dài.

nguyen cong hoang phuc , Nữ - 60 Tuổi
Tôi 60 tuổi, có 3 con, không đăng kí kết hôn và chia tay (không sống chung một nhà). Sau đó cha mẹ tôi cho tôi 1 miếng đất, tôi đã bán miếng đất đó và mua miếng lớn hơn và đã xây nhà. Nếu tôi chết đi thì chồng tôi có được quyền tranh chấp với các con của tôi không. Cảm ơn GD. (Sổ đỏ đứng tên mình tôi, hộ khẩu không có tên chồng tôi).

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Theo pháp luật Việt Nam, việc phân chia tài sản sau khi mất phụ thuộc vào di chúc, nếu không có di chúc việc phân chia tài sản sẽ thực hiện theo luật thừa kế. Trong trường hợp chị mất mà chồng vẫn còn (có đăng kí kết hôn) thì người chồng được thừa kế. Nếu người chồng không có đăng kí kết thì không được trong hàng thừa kế. Nếu chị có di chúc thì chị có thể di chúc cho bất kì người nào.

Hạnh Chi , Nữ - 40 Tuổi
Tôi lấy chồng được 15 năm thì chồng tôi mất. Nay tôi muốn đi bước nữa nhưng gia đình nhà chồng bảo nếu thế thì phải trả lại đất ở cho nhà chồng. Đây là đất bố mẹ chồng đã cho chúng tôi lúc ra ở riêng, sổ đỏ có tên chồng tôi. Điều này là đúng hay sai? Bây giờ tôi có thể làm gì để giữ lại nhà của mình?
GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Trong trường hợp này, khi chồng chị mất đất đó phải được giải quyết trên cơ sở luật thừa kế nếu chồng chị không có di chúc. Sau khi phân chia thừa kế cần phải đổi lại giấy chứng nhận theo phân chia thừa kế đã được thống nhất. Chắc chắn chị có phần đất được thừa kế theo pháp luật. Vấn đề còn lại chị phải nói rành mạch vấn đề này trong gia đình để mọi người hiểu rõ quy định pháp luật về thừa kế. Mặt khác, chị có quyền yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện việc giải quyết thừa kế theo quy định của pháp luật thật rành mạch.

{keywords}
GS.TSKH Đặng Hùng Võ giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Bình đẳng giới với Sổ Đỏ 2 tên

Hải Yên, Nữ - 37 tuổi
Xin chào ông Thành. Tôi được biết có một tổ chức ở Việt Nam có tên Liên minh đất đai, có thể giúp người dân nhất là phụ nữ chúng tôi hiểu và thực hiện quyền về tài sản. Vậy liên minh đã và đang làm gì cụ thể. Xin cảm ơn

Ông Phạm Văn Thành: Liên minh đất đai là một diễn đàn của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu quan tâm đến các vấn đề về đất đai nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên (nhà nước, doanh nghiệp, người dân) trong quá trình chuyển dịch đất đai phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước, đặc biệt là quyền hưởng dụng đất đai của người phụ nữ. Một trong các vấn đề liên quan hiện nay là tình trạng quyền của phụ nữ về tiếp cận đất đai chưa được đảm bảo thông qua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được ghi tên của phụ nữ.

Liên minh đất đai đã và đang tiến hành các hoạt động nghiên cứu về thực trạng cấp "sổ đỏ hai tên" nhằm tìm ra các giải pháp thích hợp để thúc đẩy vấn đề trên, góp phần cùng với người dân và các cơ quan nhà nước mau chóng đưa Luật đất đai 2013 vào thực tiễn cuộc sống. Liên minh cũng sẵn sàng tư vấn cho cả người dân và cán bộ chính quyền các cấp liên quan nhằm đáp ứng các nhu cầu của các địa phương.

Kiều Oanh , Nữ - 37 Tuổi
Vai trò của các cơ quan công quyền trong việc giám sát việc đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ?

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Để thực hiện tốt quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ thì chúng ta cần triển khai tốt 2 cơ chế sau:

- Cơ quan hành chính cấp trên phải thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra với cơ quan hành chính trực thuộc, ví dụ như UBND cấp tỉnh phải thực hiện kiểm tra, thanh tra tốt với Sở tài nguyên môi trường, UBND cấp huyện,…

- Hệ thống cơ quan dân cử gồm Quốc hội và HĐND các cấp cần thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát đối với triển khai công việc của hệ thống hành chính.

Nếu chúng ta thực hiện tốt 2 cơ tốt kiểm tra- thanh tra, giám sát thì việc thực thi pháp luật với việc bảo vệ quyền phụ nữ sẽ ngày càng tốt hơn

Nguyen Manh Tri , Nam - 41 Tuổi
Vì sao cần đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ?

Bà Trần Thị Minh Châu: Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ cần được đảm bảo vì theo pháp luật:

- Phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong gia đình và xã hội về mọi phương diện, trong đó có quyền tiếp cận đất đai.

- Phụ nữ có quyền tham gia và quyết định trong các giao dịch dân sự như chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho, quyền sử dụng đât đai.

- Phụ nữ được chủ động trong việc sử dụng, hưởng dụng đối với đất đai, được bình đẳng khi thực hiện quyền cho thuê, quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Qua đó, phụ nữ phát huy được vai trò của mình với phát triển kinh tế gia đình và xã hội.

Thanh Triet , Nam - 30 Tuổi
Nếu GCNQSDĐ hiện chưa có tên của phụ nữ (người vợ) thì họ có thể gặp phải những bất lợi gì?

Bà Trần Thị Minh Châu: - Khó khăn trong xác minh cũng như thực hiện các thủ tục hành chính trong các giao dịch dân sự như chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn hoặc trong phân chia tài sản, cơ quan có thẩm quyền sẽ mất nhiều thời gian xác minh khi xảy ra tranh chấp.

- Mất quyền sử dụng đất: Không đứng tên trong GCNQSD đất, phụ nữ mất đi quyền sử dụng đất đai. Trường hợp nếu vợ chồng ly hôn, người vợ vì không có tên trong GCNQSD đất nên vô hình chung đất đai của gia đình thuộc về người chồng và người vợ gặp khó khăn khi đòi phần tài sản của mình, vì tòa án phải điều tra xác minh mất nhiều thời gian.

- Nguy cơ xảy ra tranh chấp trong dòng tộc và họ hàng. Nếu không may người chồng mất, anh em gia đình chồng có thể tranh chấp thửa đất với lý do người vợ không có tên trong GCNQSD đất.

- Không được quyền chủ động khi muốn thế chấp ngân hàng để vay vốn hoặc góp vốn vào sản xuất kinh doanh. Trên thực tế, người chồng (chủ hộ) đứng tên một mình trong GCNQSD đất đồng nghĩa với việc chồng được quyết định đối với quyền sử dụng đất đai – loại tài sản có giá trị nhất đối mỗi gia đình.

cogiang , Nam - 39  Tuổi
Tôi kết hôn 2005, năm 2006 ba mẹ cho tôi mảnh đất 200m2 thổ cư, trên GCNQSDĐ chỉ ghi tên Tôi, không có tên vợ (vì ba mẹ tôi chỉ muốn cho riêng tôi nếu tôi chịu cưới vợ).Nay tôi muốn ly hôn tài sản này giải quyết ra sao? Chân thành cám ơn

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Đầu tiên phải khẳng định đây là tài sản riêng, vì anh nhận được tài sản này do bố mẹ tặng cho. Hơn nữa tài sản này được hình thành trước hôn nhân. Vậy đến nay nếu anh muốn ly hôn thì tải sản đó được xử lý như tài sản riêng. Điều này có thể tham khảo theo quy định của Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000,Nghị định số 24/2013/ND-CP hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000. Hiện nay, Luật Hôn nhân &Gia đình 2014 có quy định rất cụ thể về việc xử lý tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng sau ly hôn,nhưng luật này có hiệu lực từ 1/1/2015.

Vương thục Nhi , Nữ - 45  Tuổi
Thưa GS, cho tôi hỏi nếu cha mẹ để lại đất cho tôi, chỉ mình tôi đứng tên trong GCN quyền sử dụng đất, nhưng tiền xây nhà là của chung 2 vợ chồng, vậy khi ly hôn tôi có được sở hữu căn nhà và đất, chỉ chia lại phần tiền xây cho chồng hay toàn bộ nhà và đất phải chia cho chồng một nửa?

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Các quy định của pháp luật về tài sản chung và riêng của vợ và chồng ở nước ta là khá rõ ràng. Trong trường hợp cụ thể của chị thì quyền sử dụng đất là tài sản riêng của chị vì tài sản này được hình thành trước hôn nhân (do bố mẹ của chị tặng cho). Nhà ở được xây dựng trong thời kỳ hôn nhân và được coi là tài sản chung của vợ và chồng. Tất nhiên pháp luật còn quy định cụ thể hơn về việc nguyên tắc phân chia tài sản chung, đó là phải chứng minh được công sức đóng góp vào việc hình thành tài sản chung. Tóm lại, chắc chắn tòa án xử việc ly hôn sẽ quyết định trên nguyên tắc này, tức là quyền sử dụng đất sẽ thuộc về chị, nhà ở sẽ được phân chia giá trị cho cả hai bên, tùy theo công sức đóng góp của mỗi bên. Khi quyết định, tòa còn căn cứ vào tình trạng nhà ở của mỗi bên sau ly hôn để có thể có thời gian giải quyết việc phân chia giá trị tài sản.

Nguyen Ngoc Tra My , Nữ - 28  Tuổi
Hai vợ chồng tôi muốn vay tiền ngân hàng để làm ăn nhưng ngân hàng yêu cầu sổ phải có 2 tên. Vậy tôi phải hỏi ai các thủ tục đổi sổ này?

Bà Trần Thị Minh Châu: Hiện nay theo kết quả khảo sát “Đảm bảo quyền có tên trong GCNQSD đất tại 3 tỉnh: Hòa Bình, Quảng Trị, Vĩnh Long” của Liên minh Đất đai chúng tôi chưa thấy trường hợp nào như vậy. GCNQSD đất một tên vẫn được ngân hàng cho vay nhưng người chồng đứng tên sổ đỏ thì đồng thời đứng tên chủ hợp đồng vay, người vợ đứng thừa kế hợp đồng, người vợ chỉ thiệt thòi vì không được chủ động vay vốn ngân hàng, tức là không được đứng chủ hợp đồng vay.

Còn về việc đổi sổ, nếu thửa đất đó là tài sản chung của 2 vợ chồng thì cả 2 vợ chồng nên đến địa chính xã, phường đề nghị cấp đổi sang Sổ đỏ mang tên cả 2 vợ chồng theo khoản 4 điều 98 Luật đất đai 2013.

Nguyễn Sỹ Phượng , Nam - 42 Tuổi
Đối với những hộ đang đứng tên sở hữu đất đai 1 người, nếu muốn chuyển sàng tên 2 vợ chồng thì quy trình thủ tục như thế nào, thời gian bao lâu, trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc là gì?

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Thứ nhất, anh chị phải có đơn nghị chuyển tài sản này là tài chung của 2 vợ chồng, cụ thể là đổi GCNQSD đất thành giấy chứng nhận mang cả tên vợ và chồng. Trình tự thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận đã được quy định rất cụ thể trong hệ thống trình tự thủ tục hành chính về quản lý thủ tục đất đai. Anh có thể đến xem quy định về trình tự thủ này tại trụ sở UBND cấp xã hoặc Văn phòng đăng kí đất đai tại cấp huyện.

evaonha , Nữ - 32 Tuổi
Xin cho biết các khoản mà tôi phải trả khi làm thủ tục đổi GCNQSD đất? Ngoài những khoản đó, tôi có phải trả thêm tiền dịch vụ nào khác nữa hay không?

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Ngoài các khoản phí chính thức cho việc cấp đổi giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất theo quy định của UBND cấp tỉnh thì người đi làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận không phải trả thêm bất kỳ một loại phụ phí nào. Nếu ở địa phương nào đó có yêu cầu thêm các khoản phí khác là vi phạm pháp luật.

Lê thị Lam , Nữ - 46 Tuổi
Tôi mua 1 lô đất trong khu dư án . Khi làm hợp đồng tôi đã hỏi kỹ và phía công th đồng y chỉ đứng tên tôi/hop dong nay đa ký cách đây 2 năm . Nhưng mới gần đây phía công ty gọi và yêu cầu tôi bổ sung chứng minh nhân dân của chồng tôi để làm sổ đỏ . Cho tôi hỏi nếu sổ đỏ lấy tên mình tôi có được không, căn cứ thông tư hướng dẫn nào để tôi có cơ sở làm việc với chủ đầu tư

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Việc mua nhà này xảy ra sau hôn nhân thì buộc phải ghi cả tên vợ và chồng trên GCNQSD đất, trừ trường hợp một bên có văn bản đề nghị cấp theo tên của người kia. Việc này không phụ thuộc vào công ty BĐS. Đối với công ty có thể chỉ đứng tên một người hợp đồng đại diện nhưng GCNQSD đất phải đứng 2 tên. Trong trường hợp này công ty yêu cầu CMT của chồng có cả 2 tên là công ty làm đúng pháp luật.

Nếu chị muốn cấp 1 tên của chị, chị cần có 1 văn bản của chồng đề nghị đây là tài sản riêng của vợ tôi và cấp GCNQSD đất đứng 1 tên của vợ.

Thanh Duong, Nam - 33 tuổi
Tôi muốn thay đổi nội dung trong sổ đỏ có cả tên vợ tôi trong đó được không ạ hiện nay sổ của tôi chỉ có tên tôi đứng tên trên bìa đỏ. Nếu được thì thủ tục phải làm những gì ạ. Xin cảm ơn

Ông Phạm Văn Thành: Văn phòng cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại UBND Huyện có trách nhiệm thực hiện yêu cầu đổi sổ đỏ cho mọi người dân. Bạn có thể gặp cán bộ địa chính xã để được hướng dẫn chuẩn bị các loại giấy tờ biểu mẫu có liên quan trước khi gặp cán bộ có trách nhiệm tại Văn phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện. Mức phí nộp để thực hiện cấp đổi sổ đỏ phụ thuộc vào quy định của các địa phương.

Nguyễn Thùy , Nữ - 50 Tuổi
Xin chào các chuyên gia, Vợ chồng tôi lấy nhau được 30 năm, có tiết kiệm được một khoản tiền. Năm vừa qua chồng tôi có mua mảnh đất. Vậy sổ đỏ đứng tên người chồng có hợp pháp không hay phải cả hai vợ chồng?

Bà Trần Thị Minh Châu: Đây là mảnh đất vợ chồng chị có được trong thời kì hôn nhân, có sự đóng góp công sức của cả hai vợ chồng vì vậy, theo quy định của khoản 4, điều 98 Luật Đất đai 2013, GCNQSD đất phải mang cả họ tên vợ và họ tên chồng. Trừ trường hợp hai vợ chồng chị cùng thỏa thuận để mảnh đất chỉ đứng tên chồng chị.

Hang Ha , Nữ - 36 Tuổi
Hai vợ chồng tôi đi vay tiền ngân hàng nhưng ngân hàng bảo chồng tôi là người vay, còn tôi chỉ là người thừa kế do GCNQSD đất chỉ ghi tên chồng tôi. Nay tôi muốn bình đẳng với chồng, có trách nhiệm và nghĩa vụ chung trong các khoản vay thì phải làm gì?

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Phương án tốt nhất là đổi lại giấy chứng nhận từ giấy với một tên chồng thành giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng. Lúc đó ngân hàng sẽ phải làm thủ tục cho vay mà cả hai đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Trong trường hợp chưa đổi được giấy chứng nhận thì chị cần phải nói với ngân hàng đây là giấy cấp không theo đúng quy định của pháp luật là ghi cả tên vợ và tên chồng, vậy ngân hàng phải giải quyết như trường hợp trên giấy có ghi cả hai tên.

nguyen minh lan , Nữ - 45 Tuổi
Tôi kết hôn năm 1994, bố mẹ tôi để cho tôi 1 căn nhà chung cư. Tôi muốn làm thủ tục sở hữu tài sản riêng thì phải làm gì. Xin cảm ơn

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Trường hợp này căn hộ chung cư đó là tài sản riêng của chị vì chị được tặng cho trực tiếp từ bố mẹ. Đương nhiên không phải là tài sản của chồng chị. Nhưng thời điểm nhận tặng cho và kết hôn cùng một lúc, nên chị cần làm giấy tờ nhận căn hộ này độc lập với chuyện kết hôn sao cho tài sản được coi là hình thành trước hôn nhân. Đối với chồng chị, chị cũng phải nói rõ điều này. Sự thực phụ nữ VN thường hay ngại nói đến tài sản, nhưng đây là điều cần làm rõ và chúng ta đừng ngại. Đây là cách thức tốt nhất, minh bạch nhất để đảm bảo quyền lợi của mình.

Minh Thùy , Nữ - 28 Tuổi
Đã có các văn bản Luật đảm bảo quyền bình đẳng của nam và nữ, của vợ và chồng trong gia đình. Vậy sao không có quy định bắt buộc phải ghi tên vợ và chồng trên GCNQSD đất mà chỉ ghi khi có yêu cầu?

GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Hiện nay pháp luật đã quy định phải ghi cả tên vợ và tên chồng trên giấy chứng nhận đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả vợ và chồng. Như vậy quan niệm của bạn về việc chỉ 'ghi tên vợ và chồng trên GCNQSD đất mà chỉ ghi khi có yêu cầu" là không đúng. Tất nhiên ở một số địa phương, cán bộ quản lý cũng có quan niệm tương tự như bạn, gây ra nhiều lộn xộn trong việc thực hiện quy định ghi cả tên vợ và chồng trên giấy chứng nhận. Từng bước chúng ta sẽ làm cho các địa phương thực hiện đúng các quy định này của pháp luật.

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến các khách mời.

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!


VietNamNet