- Khép lại quá khứ "yêng hùng", ngày 30/3, "trùm" giang hồ đất Bắc từng làm nhiều người dân và doanh nghiệp địa phương khiếp vía đã phải nhận mức án 30 năm tù giam.
Kết thúc chuỗi ngày tung hoành của ‘trùm’ giang hồ đất Bắc Từng có dưới trướng tới 60 đàn em, một thời ngang ngược khiến người dân và cả doanh nghiệp trong vùng khiếp sợ, ra trước vành móng ngựa, “trùm” giang hồ đất Bắc phải đối mặt với mức án 30 năm tù giam. |
Từ ngày 24- 30/3, TAND tỉnh Hưng Yên đưa Phạm Khắc Tú (tức Tú “khỉ”, SN 1975, trú tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cùng 17 đàn em ra xét xử về các tội 'Cố ý gây thương tích'; 'Cưỡng đoạt tài sản'; 'Mua, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng'; 'Đánh bạc'; 'Tổ chức đánh bạc'.
Tú "khỉ" và nhóm đàn em tại tòa. |
Với nhận định, vụ án có nhiều bị cáo thuộc trường hợp tái phạm, hoạt động dưới hình thức băng nhóm, gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương nên cần xử lý nghiêm, HĐXX tuyên phạt trùm giang hồ Phạm Khắc Tú mức án 7 năm tù cho tội 'Cố ý gây thương tích'; 12 năm tù tội 'Cưỡng đoạt tài sản'; 4 năm tù tội 'Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng'; 3 năm 6 tháng tù giam tội 'Tổ chức đánh bạc'; 5 năm tù giam tội 'Đánh bạc'.
Tổng hợp hình phạt mà Tú "khỉ" phải nhận là 30 năm tù giam. Ngoài ra, bị cáo này còn phải nộp hơn 137 triệu đồng tiền thu lợi bất chính để nộp ngân sách Nhà nước.
Với 3 tội danh bị truy tố gồm: 'Cưỡng đoạt tài sản', 'Cố ý gây thương tích', 'Mua, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng', đàn em thân tín của Tú "khỉ" là Bùi Đức Hiệp chịu mức hình phạt 22 năm tù giam.
"Trùm" giang hồ đất Bắc nhận 30 năm tù giam. |
Một đàn em thân tín khác của "ông trùm" là Đỗ Văn Tuấn (tức Tuấn “vẩu”) nhận 15 năm 6 tháng tù giam vì tội 'Cố ý gây thương tích' và 'Chiếm đoạt tài sản'.
Ngoài ra, các đàn em khác của Tú "khỉ" người phải nhận mức án thấp nhất là cải tạo không giam giữ và cao nhất là 20 năm 6 tháng tù.
Riêng bị cáo Đào Văn Bảy nhận mức án 8 tháng 17 ngày tù, bằng thời hạn tạm giam nên được trả tự do tại tòa. Bị cáo Trần Thị Hưng do còn có con nhỏ nên tòa xem xét xử phạt 3 năm cải tạo không giam giữ.
Theo cáo buộc của VKS, khi biết Cty Sông Hồng được phép thăm dò trữ lượng, quản lý bảo vệ mỏ cát phù sa ven sông Hồng, tại khu vực xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, Hưng Yên, Tú đã gặp lãnh đạo Cty đòi được góp cổ phần, nhưng không được chấp thuận.
Sẵn trong tay chừng 60 đàn em, gồm những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự hoặc đang có lệnh truy nã, Tú đã chỉ đạo nhóm đàn em gây áp lực, cản trở hoạt động kinh doanh của Cty Sông Hồng.
Bọn chúng đã dùng nhiều thủ đoạn như đe dọa, ngăn cản, ném chất bẩn vào người, vào nhà của lái xe ô tô, máy xúc, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian dài, làm trì trệ hoạt động của công ty này.
Ngày 19/1/2013, Tú đến gặp ông Giám đốc để yêu cầu nhượng lại 50%, và doạ sẽ cho đàn em tiếp tục gây rối, yêu cầu các bến đò, phà tại địa bàn tỉnh Hưng Yên không chở hàng cho công ty.
Tú đã yêu cầu ông giám đốc phải chi ra 500 triệu đồng để “mua sự yên ổn” cho công ty. Ngày 27/3/2013, Tú bị bắt quả tang khi đang nhận 200 triệu đồng của đại diện Cty Sông Hồng.
Khám nhà Tú, cảnh sát thu 17 dao, kiếm các loại; 14 viên đạn K59 và nhiều giấy tờ liên quan đến cho vay nặng lãi. Cơ quan điều tra xác định, khẩu K59 luôn được Tú "khỉ" mang bên người để thị uy đối phương.
Kiểm tra điện thoại của Tú, cảnh sát phát hiện có nhiều tin nhắn liên quan đến chơi lô đề, cá độ bóng đá, với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Tú bị cáo buộc trực tiếp giao dịch với các con bạc để bán lô đề và liên kết với một số đàn em tổ chức cá độ và chém gây thương tích 44,5% một thanh niên tại lễ hội...
- T.Nhung