Sáng 28/10, QH nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của UBTVQH về dự án luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để tăng cường dân chủ, phát huy trách nhiệm công dân trong xây dựng pháp luật, dự thảo luật có một số điểm mới để đảm bảo việc lấy ý kiến được thực chất, hiệu quả hơn như quy định lấy ý kiến phải tập trung vào những chính sách quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp, quy định một địa chỉ dễ tiếp cận để đăng tải ý kiến và phản hồi.
Bộ Tư pháp cho rằng luật cần quy định cụ thể hơn vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế đa dạng hóa hình thức lấy ý kiến nhân dân thông qua các tổ chức xã hội khác nhau.
Đối với những dự án luật quan trọng, có thể tổ chức trưng cầu ý dân.
UBTVQH tán thành với quy định thể hiện vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát, phản biện xã hội.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi cần cân nhắc quy định Mặt trận chủ trì tổ chức lấy ý kiến đối với tất cả các dự thảo văn bản pháp luật; việc này sẽ gây khó khăn cho Mặt trận trong tổ chức thực hiện.
Mặt khác, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật là khác nhau, phụ thuộc vào phạm vi, đối tượng điều chỉnh của các dự án khác nhau.
Dự thảo luật quy định cơ quan, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hoặc ban hành văn phản pháp luật trái Hiến pháp.
Dự thảo luật quy định Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật có vai trò là cơ quan thẩm định các chính sách, nội dung của từng đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
Ủy ban Pháp luật cho rằng việc thành lập Hội đồng mang tính chất chuyên môn, tư vấn cùng tồn tại song song với bộ, cơ quan ngang bộ tham mưu cho Chính phủ là cần thiết nhưng cần nghiên cứu quy định cụ thể để Hội đồng này hoạt động được hiệu quả. Cần cân nhắc xem đây là Hội đồng có thành phần cố định, hoạt động thường xuyên hay được thành lập theo từng dự án luật.
Cẩm Quyên