Sau đợt tăng giá bất thường dịp trước tết, đến nay giá trứng gia cầm đang sụt giá thê thảm. Ở nhiều nơi, do không tiêu thụ được trứng, chủ trại chăn nuôi lâm cảnh thua lỗ, nợ nần, phải đem vứt bỏ trứng...
Trang trại đổ bỏ trứng
Đã hơn 1 tháng nay, ông Đinh Sỹ Chung ở xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) cứ mỗi lần nhìn thấy gà đẻ trứng ra là lại… sợ. Sợ bởi gà đẻ càng nhiều, lượng trứng tồn kho càng lớn. Nếu trước tết, giá mỗi quả trứng 2.200 đồng, thì thời điểm này dù đã giảm chỉ còn 1.100 đồng/quả, nhưng vẫn không có người mua.
Hiện nay, hàng ngày công nhân phải nhặt ra số trứng hết hạn để bỏ đi hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Ông Chung tiết lộ là gần đây trang trại đã phải đổ bỏ 2 xe trứng, mỗi xe khỏang 200.000 quả.
Tại trang trại của ông Đinh Sỹ Chung (xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) đang tồn kho hơn 300.000 quả trứng. |
Ông Đinh Quốc Sự - Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình cho biết: Ở Ninh Bình có 3 trang trại chăn nuôi gà lớn, trong đó trang trại của ông Đinh Sỹ Chung lớn nhất, những trang trại còn lại nuôi 5.000 - 10.000 gà đẻ. Trang trại của ông Chung rộng 3ha với tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng, có 6 dãy nhà chăn nuôi (mỗi gian rộng 1.200m2) với công suất tối đa có thể nuôi tới hơn 60.000 gà, song hiện tại lượng gà đã giảm 40% và số công nhân cũng phải cắt giảm 40% so với thời điểm cuối năm 2012.
“Để làm ra được 1 quả trứng gà công nghiệp, chi phí con giống, thức ăn, tiền công… ít nhất 1.700 - 1.800 đồng/quả, với giá bán chỉ 1.100 đồng, mỗi quả trứng bị lỗ 600-700 đồng/quả” - ông Chung cho biết. Dù đã chủ động cắt giảm đàn gà, nhưng tính trung bình, mỗi ngày trang trại của ông đang lỗ 15-18 triệu đồng.
Vốn là một chủ trang trại nuôi gà lớn nhất miền Bắc, song thời điểm này, ông Phạm Văn Lợi (xã Ái Quốc, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cũng đang điêu đứng do không tiêu thụ được trứng. Để “giải phóng” số lượng trứng tồn khổng lồ, ông đã phải chấp nhận ký hợp đồng để bán cho một số nơi với giá chỉ còn 50% (1.000 đồng/quả). Ông Lợi tâm sự: “Từ sau Tết Nguyên đán tới nay, do sức mua giảm, chúng tôi đã phải cắt giảm 50% nhân công và giảm số lượng gà từ 140.000 xuống 60.000 con”.
Không biết kêu ai
Không chỉ có trứng mà giá gà thương phẩm, cả giá gà giống và gà thương phẩm cũng đang giảm mạnh. Ông Hoàng Huy Hào ở thôn Đồng Lâm, xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế (Bắc Giang) cho biết, giá gà chỉ được một thời gian trước Tết Nguyên đán tăng cao, hiện đã giảm chỉ còn 58.000 đồng/kg, nếu hạch toán cụ thể, hiện người nuôi đã lỗ 3-5 triệu đồng/1.000 con gà.
Trong khi đó, theo ông Vũ Kỳ Truyền - chủ trại gà giống ở Chương Mỹ (Hà Nội), trước tết, giá gà thương phẩm nhích lên, lượng tiêu thụ cao nên giá gà giống cũng tăng theo. Tuy nhiên chỉ được khoảng 2 tháng, sau tết nhu cầu gà thịt giảm mạnh, giá gà giống lại tụt dốc, không thể bù được khoản lỗ cả năm 2012. Vì thế, theo ông Truyền, nếu chăn nuôi trong nước cứ bấp bênh như hiện nay, mà thiếu sự can thiệp của Nhà nước bảo hộ người chăn nuôi thì chỉ trong vài năm nữa ngành chăn nuôi trong nước sẽ “chết”.
Theo nhiều chủ trang trại, họ đang phải đánh cược trong một “cuộc chơi không sòng phẳng” trên thị trường chăn nuôi hiện nay. Ông Đinh Sỹ Chung cho biết, trong suốt 10 năm làm trang trại, đến nay ông chưa được hỗ trợ bất cứ một chính sách, hỗ trợ gì từ Nhà nước.
Từ việc làm trang trại phải bỏ tiền ra mua đất đến con giống, khoa học kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm… kể cả tiền mua thức ăn chăn nuôi là chi phí tốn nhất (trung bình mỗi ngày mất 80 triệu đồng), nhưng cũng rất khó để vay được vốn từ ngân hàng.
Suốt từ tháng 2 -11.2012, chăn nuôi liên tiếp thua lỗ, có thời điểm giá trứng còn 900 đồng/quả, nhưng đến cuối năm giá trứng tăng lên là thời điểm gỡ lại tiền lỗ vốn thì Bộ Công Thương lại dùng mệnh lệnh hành chính bắt hạ giá xuống, làm cho giá trứng của hộ chăn nuôi cũng phải hạ theo.
“Tôi lỗ cả năm 1,5 tỷ có ai quan tâm tới không? Nếu nói là tăng giá trứng cao, thì thời điểm cuối năm 2012 cũng chỉ đạt 2.500 đồng/quả, tức là giá bán cũng chỉ cao hơn giá thành sản xuất có 500 đồng và người tiêu dùng có ăn trứng cũng chỉ phải chi phí thêm vài nghìn đồng.
Hiện giá trứng rẻ sao không thấy người tiêu dùng phàn nàn? Theo tôi, phải đưa ra quỹ bình ổn giá để hỗ trợ người chăn nuôi như chúng tôi chứ không thể tạo ra một sân chơi không công bằng như hiện nay được” - ông Chung bức xúc.
Ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng năm 2012, người chăn nuôi thua lỗ triền miên trong suốt 7 tháng nhưng khi giá tăng lên là thời điểm gỡ lại, thì lại bị ép giảm giá xuống nên chưa thể bù lỗ.
“Hiện nay, khi giá giảm chẳng thấy có ai nhắc tới nỗi khổ của người chăn nuôi cả. Trứng hiện không phải là mặt hàng bình ổn giá, nên theo tôi nếu đã can thiệp thì phải can thiệp cả lúc giá tăng và lúc giảm để đảm bảo cho người chăn nuôi ít nhất bán được bằng giá thành sản xuất” - ông Trọng nói.
(Theo Danviet)