- Trùng Khánh từ lâu được biết tới ở TQ là vùng đất đồi núi và sương mù. Gần đây hơn, thành phố của hàng triệu dân lại gắn với một chính khách nổi tiếng - Bạc Hy Lai.


Nhiều người dân địa phương nói rằng, ông Bạc lãnh đạo thành phố - một trong những nơi phát triển nhanh nhất trái đất - như thể ông là một “hoàng đế”.

Vị chính khách này từng là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đã xây dựng cơ sở quyền lực vững chắc tại đây, nơi ông hy vọng có thể là bàn đạp vươn tới vị trí cao hơn nữa. Nhưng, cái chết của một người Anh - Neil Heywood - trong thành phố đã làm “phát lộ” một trong những vụ bê bối chính trị lớn Trung Quốc nhiều năm qua.

Vợ ông Bạc Hy Lai, bà Cốc Khai Lai đang bị tình nghi có liên quan trong cái chết của doanh nhân người Anh. Vụ bê bối làm ông Bạc “ngã ngựa” ngay vào lúc rất nhiều người nhắc đến ông như một nhân vật sáng giá của quá trình chuyển giao quyền lực một thập niên mới có một lần tại Trung Quốc năm nay.

Ảnh: Global Post

Trong thành phố nơi ông từng làm lãnh đạo, một số người vui mừng vì sự “thoái vị” của Bạc Hy Lai. Nhưng cũng có nhiều người nói, họ nhớ về một người đàn ông - người truyền cảm hứng cho họ.

Ông Bạc đã “tạo ra sự trình diễn chính trị phi thường” trong 5 năm dẫn dắt Trùng Khánh, một nhà bình luận địa phương tên Chu Chí Dũng nói. Ông là người khao khát sự nổi tiếng, khác hẳn với một số chính khách cấp cao khác thường biết ẩn mình. "Từ quan chức hàng đầu tới người dọn dẹp đường phố, tất cả đều biết ông muốn vươn tới vị trí đỉnh điểm”, ông Chu nói. "Thậm chí còn có người nói, ông có thể lãnh đạo đất nước một ngày nào đó”.

"Bạc Hy Lai luôn tạo ra ấn tượng rằng, ông không quan tâm việc mọi người nói những điều này”, nhà bình luận nhấn mạnh. Vị chính khách hiểu rõ truyền thông, đã đi theo cách của mình để thu hút sự chú ý trong nước, khi thực hiện quyết định gây nhiều tranh cãi là trấn áp các tổ chức tội phạm trong thành phố.

Một số nhà quan sát chỉ trích ông Bạc và lực lượng an ninh của ông đã bỏ qua các quy định luật pháp và nhân quyền khi tiến hành trấn áp nghi phạm, điều này khá nghiêm trọng vào thời điểm Trung Quốc đang chú trọng tăng cường nhà nước pháp quyền.

Ông Bạc cũng nổi tiếng với “chiến dịch đỏ” làm sống lại những bài hát và câu khẩu hiệu thời Mao Trạch Đông, cổ súy một mô hình kinh tế bình quân. Đường lối của ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người chỉ trích sự chênh lệch, mất cân bằng của mô hình tăng trưởng kinh tế “nóng” hiện nay tại Trung Quốc, nhưng cũng gây nhiều điều “gai mắt”.

“Chiến dịch đỏ” khiến không ít người khó chịu vì nó làm gợi nhớ lại cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông giai đoạn 1966-1976.

Công - tội?

Ít tuần sau khi ông Bạc bị cách chức, đã có ít nhiều thay đổi trong thành phố. Các biển quảng cáo chiến dịch của vị chính khách đã được thay thế, những chương trình văn hóa thế chỗ các ca khúc thời Mao Trạch Đông phát trên truyền hình địa phương.

Bạc Hy Lai là một chính khách gây ra những cảm xúc trái ngược. Nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu trong thành phố không thích thương hiệu chính trị của ông, thứ mà họ tin là đã dẫm lên các quy định luật pháp. "Chúng tôi sợ không nói ra khi ông tại nhiệm”, một quan chức trong chính quyền nói.

Nhưng với chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân túy mà ông thực hiện, như xây dựng nhà ở xã hội giá cả phải chăng, ông Bạc lại có được sự ủng hộ lớn trong thành phố. Ông được xem là một chính khách “Làm Được” ở một quốc gia mà ít nhiều bộ máy quan liêu bị nhiều người coi là rào cản tiến bộ.

Trong năm 2008, ông đã trực tiếp đàm phán trên truyền hình với tài xế taxi và chủ hãng để chấm dứt một cuộc đình công. Tại sân trước một gara, các tài xế không tiếc lời ca ngợi Bạc. "Là một phụ nữ, tôi luôn lo lắng vì nạn trộm cướp và các khách hàng đi mà không chịu trả tiền”, một người lái taxi tên Bành Dung 40 tuổi nói. “Nhưng ông Bạc đã cải tổ an ninh trong thành phố”.

Một tài xế taxi khác nói, ông hy vọng người kế nhiệm Bạc Hy Lai sẽ tiếp tục làm việc vì người dân. Đấu tranh cho các chương trình xã hội, ông Bạc giành được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người đã bị “gạt sang lề” trong suốt quá trình bùng nổ kinh tế của Trung Quốc.

Nhà bình luận chính trị Chu Chí Dũng nói, vụ bê bối Bạc Hy Lai giống như một “sự thức tỉnh”. Ông nhấn mạnh: "Cơ bản là mọi người ở Trung Quốc đều tin quan chức thì tham nhũng. Nhưng ít nhất, Bạc Hy Lai đã làm được điều gì đó cho dân, nên nhiều người ở đây có thể tha thứ cho những lỗi lầm của ông”.

Và thách thức lớn nhất để lại sau khi Bạc Hy Lai ra đi, chính là những vấn đề xã hội mà ông đã từng cố gắng giải quyết.

Thái An (theo BBC)