Xuất thân trong một gia đình nghèo khó, anh Nguyễn Quang Danh (SN 1978) từ chỗ “không một tấc đất cắm dùi” bỗng chốc trở thành tỉ phú, có biệt thự khang trang bề thế. Chuyện là vào một chiều cuối tháng 6/2010, anh tình cờ phát hiện được một gốc kỳ nam (loại trầm quý), và từ đó anh ta “đổi đời” thành tỉ phú.
Xóm nghèo bỗng chốc xôn xao, nhiều người cũng đổ xô vào rừng để tìm kiếm “vận may đổi đời” để được như anh Danh...
Trở thành tỉ phú nhờ... lộc trời
Thôn Phú Cang 2 (xã Vạn Phú, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) nằm cách mặt đường Quốc lộ 1A khoảng 2km về hướng bắc. Với số dân khoảng 673 hộ. Đây cũng là thôn đông dân nhất trong xã.
Tuy nhiên, đặc điểm khiến cho nhiều người biết đến địa danh Phú Cang bởi trong số hơn sáu trăm hộ dân, có đến gần 400 gia đình có người làm nghề phu trầm trong các khu rừng trên khắp cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài.
Hầu hết những người này trước kia đều làm nông nghiệp. Nhưng khi thấy người cùng thôn giàu nhanh bằng nghề phu trầm thì họ cũng lũ lượt kéo theo tìm trầm với hy vọng thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn.
Tìm đến thôn Phú Cang, hỏi nhà anh Nguyễn Quang Danh (SN 1978) thì hầu như ai cũng biết. “Cứ đi đến căn biệt thự to nhất ở cuối con đường là đến nhà anh ấy đấy”, một người dân trong làng cho hay. Xuất thân trong một gia đình nghèo khó, phải bán đi miếng đất “cắm dùi” để làm thuê làm mướn lấy tiền cho con ăn học. Không có nhà cửa, lại không có ruộng đồng để sản xuất nên anh Danh đã phải từ biệt vợ con lên tận xã An Khê (tỉnh Gia Lai) để kiếm việc làm.
Thôn Phú Cang 2 |
Thế nhưng, may mắn đã mỉm cười với anh trong một chiều cuối tháng 6/2010. Trong lúc đi bẫy thú rừng, anh tình cờ phát hiện được một gốc kỳ nam (loại trầm quý). Chỉ sau một đêm, người thanh niên nghèo khổ bỗng biến thành tỉ phú. Câu chuyện giống như trong chuyện cổ tích của anh Danh đã làm xôn xao xóm nghèo.
Tiếp chúng tôi bằng một ấm trà thơm, anh Danh bắt đầu kể lại câu chuyện xảy ra cách đây chừng hơn 3 năm. Khoảng năm 2009, khi đứa con đầu lòng của anh chị vừa tròn 5 tuổi thì chẳng may đứa bé ngã bệnh. Vợ chồng nghèo khó, gia đình hai bên cũng giúp đỡ được gì nhiều.
Không còn cách nào khác, anh bàn với vợ là chị Trần Thị Thành (SN 1980), bán nhà để lấy tiền đưa con vào TP.Hồ Chí Minh chữa chạy. Một thời gian sau, bệnh tình của con đã thuyên giảm đi nhiều. Nhưng lúc này, hai vợ chồng không có chốn để về, anh quyết định đem con gửi ở nhà ông bà nội để đi làm thuê.
Trong lúc chị Thành đi ra thị trấn Ninh Hòa (huyện Ninh Hòa) để làm công nhân may, thì anh Danh tìm lên thị xã An Khê, cùng những người thân ở đây làm bẫy để đánh bắt thú rừng. Cuộc sống càng khó khăn gấp bội khi gia đình mỗi người một nơi, số tiền kiếm được không đủ cơm mắm qua ngày.
“Khi đó tôi cũng không biết thế nào, nghĩ đến cảnh vợ con mà đau lòng lắm. Ở trên này cũng đâu làm ăn được gì đâu, vì mình không được học hành đến nơi đến chốn nên không ai chịu thuê mướn mình làm. Cũng may là có mấy anh em rủ đi săn bẫy kiếm con heo, còn chồn về bán lấy tiền. May mắn trời phật thương tình cho tôi được “trúng hàng” để chuộc lại ngôi nhà và có tiền chữa bệnh cho con tôi như ngày hôm nay”, anh Danh tâm sự.
Anh Danh chia sẻ câu chuyện của mình |
Đó là một ngày giữa tháng 6/2010, như thường lệ anh Danh dậy sớm lên rừng đặt bẫy thú. Sau khi đặt bẫy xong xuôi, anh đi loanh quanh để kiểm tra bẫy một lần cho kĩ lưỡng. Trong lúc anh dùng rựa để phát quang các bụi cây gần đó bỗng phát hiện có mùi thơm từ một gốc cây cổ thụ, ban đầu chỉ thoang thoảng nhưng càng lúc càng thấy nức hết mũi.
Sau khi xem xét xung quanh, anh gọi điện cho cha mình là ông Nguyễn Ân (SN 1935) để báo tin. Sau khi ông Ân lên tới nơi, bằng kinh nghiệm hàng chục năm đi rừng, ông Ân vui mừng bảo con trai: “Nhà mình giàu rồi, đây là kỳ nam, quý lắm đó con ơi!”.
“Tôi và cha rọi đèn pin rồi hì hục đào sâu xuống lòng đất khoảng 1 mét, cứ thế đào rộng ra một diện tích đất khoảng gần 5m2 để thu lấy trầm quí. Mãi cho đến tờ mờ sáng hôm sau thì công việc mới tạm thời hoàn tất. Kết thúc việc đào bới, chúng tôi thu được khoảng gần 5kg kỳ nam loại quý và một số ít trầm loại 1. Sau khi đã lấy được trầm, hai cha con không dám trở về khu nhà trọ ở mà đón xe về thẳng nhà.
Khi chủ buôn đến đặt vấn đề mua số kì nam này, chúng tôi hoảng hốt khi nghe số tiền lên đến 3-4 tỉ đồng/kg. Từ trước đến nay tôi chưa từng dám nghĩ đến con số tiền khổng lồ như thế này chứ nói gì đến việc mình được sở hữu nó. Sau khi thỏa thuận được giá cả, chúng tôi bán số kỳ nam đó với giá khoảng hơn 18 tỉ đồng”, anh Danh kể lại.
Cả làng đổ bộ vào rừng mong đổi đời
Sau khi hay tin cha con anh Danh “trúng” được gốc kỳ nam đắt giá, hàng trăm hộ dân trong thôn ào ạt kéo tới nhà anh để tận mắt chứng kiến số tiền mà hai người đã kiếm được sau một đêm nơi xứ người. Nhiều người gặng hỏi anh về nơi đã tìm thấy kì nam quý để tìm đến thử vận may “đổi đời”.
Suy tính kĩ lưỡng, anh nói với những người tìm đến nhà rằng: “Kho báu này là của hai cha con chúng tôi tìm ra, nhưng giờ mấy người đi khai thác thì chúng tôi thấy tiếc lắm. Nhưng dù sao cũng là chỗ anh em họ hàng trong thôn với nhau cả, nên tôi sẽ chỉ cho mấy người với điều kiện là chúng tôi sẽ được chia thêm 2 phần trong số đó. Mọi người đều đồng ý nên tôi chỉ cho họ khu rừng”, anh Danh nhớ lại sự việc hôm đó.
Sau đó, hàng trăm người ùn ùn kéo đến đó với hy vọng được trở nên giàu có như anh Danh. “Hôm đó người người tranh nhau đi kiếm trầm như đi hội, xe cộ chạy trên đường qua thôn như chong chóng, nên những người già và trẻ nhỏ được giữ kĩ trong nhà chứ không cho ra đường.
Một số người đi trầm lâu ngày thì biết nên chuẩn bị gì để lên khai thác được trầm, trong khi đó nhiều người nghe thấy trầm là xách xe máy chạy thẳng lên đó mà không đem theo cuốc hay cơm gạo để ăn. Cũng trong ngày hôm đó, những câu chuyện xoay quanh vấn đề đi tìm trầm xôn xao khắp làng trên xóm dưới”, một người trong thôn cho hay.
“Khi nghe cha vợ tôi chỉ điểm được nơi có trầm thì tôi cùng với 7 anh em nữa chuẩn bị đầy đủ cuốc, xẻng và một số đồ dùng khác rồi lên đường đến khu rừng An Khê. Lúc này đã có một số người lên trước nhưng không phát hiện được chính xác là ở điểm nào của khu rừng nên không thể tìm thấy trầm được. Chúng tôi đến nơi thì gặp hơn chục người ở đây cũng xin vào đoàn với anh em chúng tôi. Vì là chỗ làng xóm thân quen cả nên không thể từ chối được, con số lúc này đã lên 20 người.
Một khúc gỗ trầm |
Sau khi đã đến điểm có trầm, anh em phân công nhau mỗi người một việc và thống nhất ý kiến là sẽ chia đồng đều cho nhau, không phân biệt người đào trầm hay kẻ nấu ăn. Chỉ một ngày sau thì thì anh em cũng thu được một số lượng trầm cũng khoảng vài kg.
Khi biết chắc chắn là đã lấy hết số trầm còn sót trong lòng đất, anh em họp lại và gọi con buôn lên để mọi người cùng bán. Với số tiền bán được, chia thành 22 phần (2 phần dành cho cha con anh Danh-PV), mỗi người được 470 triệu đồng”, anh Nguyễn Ngọc Thạch (SN 1970) kể lại sự việc…
(Theo Pháp luật Việt Nam)