Có hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trứng có màu, vệt lạ: trứng đã được phối giống để đưa vào lò ấp đến ngày thứ tám nhưng không có trống; trứng ấp có phôi bị chết, lòng trứng bị loãng ra và có vệt máu.
Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng lo ngại khi liên tục gặp tình trạng mua trứng về luộc chín thì thấy trong lòng trứng xuất hiện màu hồng đỏ, tím đỏ và vệt loằng ngoằng “giống như con nòng nọc hay lăng quăng”.
Mới đây, ngày 3/9, bà Bùi Thị Tường Vân (ngụ TP.Pleiku, Gia Lai) mua năm quả trứng vịt về luộc chín thì phát hiện hai quả trứng có lòng trắng màu hồng sậm và rất khó bóc vỏ. Trước đó, đầu tháng 4/2014, anh Tuấn (ngụ Cầu Giấy, Hà Nội) và gia đình cũng phát hoảng khi một trong năm quả trứng vịt đã luộc chín vẫn ứa máu đỏ tươi sau khi bóc. Dịch đỏ tươi nằm ở lớp trong vỏ, ngoài lòng trắng của quả trứng. Có trường hợp lòng trắng trứng sau khi luộc chín có màu đỏ hồng rất lạ. Đặc biệt, có quả trứng khi luộc chín lòng trắng trứng xuất hiện vệt loằng ngoằng.
Hiện tượng này là gì? Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (chuyên sản cung cấp trứng gia cầm), khẳng định: “Vệt lạ trên lòng trắng trứng luộc chín trông như con nòng nọc, lăng quăng thực ra là phôi trứng đang phát triển thì chết, cho ra hình dạng như vậy”. Theo ông Thiện, loại trứng vịt dùng để ấp trứng vịt lộn hay để lấy vịt con giống cần có phôi (trứng của vịt mái được phối trống). Bình thường, khi đưa loại trứng này vô lò ấp từ 16 - 17 ngày, sẽ cho ra trứng vịt lộn, ấp 27 - 30 ngày sẽ cho ra vịt con. Thế nhưng, trên thực tế nhiều loại trứng có phôi lại được bán ra thị trường. Ở nhiệt độ nóng, phôi trứng sẽ phát triển nhưng không đủ “độ” nên phôi chết, nhìn thì thấy có những vệt nâu giống con lăng quăng.
Về màu hồng lạ ở lòng trứng, ông Thiện cho rằng loại trứng vịt ung (trứng hư thối) có sự chuyển tiếp từ màu lòng trứng bình thường sang màu đỏ hồng trước khi thành màu nâu đậm. “Không có động cơ gì để người ta tiêm màu hay nhuộm lòng trứng vì lợi nhuận cũng không tăng thêm. Trước thông tin trứng có màu lạ và nhiều người lo ngại phẩm màu sudan độc hại, chúng tôi cũng đã nhiều lần thử đưa mẫu đi kiểm nghiệm nhưng kết quả không phát hiện chất lạ nào”, ông Thiện cho biết thêm.
Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ ngày 11/9, PGS-TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, có hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trứng có màu, vệt lạ. Thứ nhất, trứng đã được phối giống để đưa vào lò ấp đến ngày thứ tám nhưng không có trống, tỷ lệ 5 - 8/100 quả trứng không có phôi, người chăn nuôi mang bán ra thị trường. Lúc này lòng trứng bị loãng ra nên tạo màu. Thứ hai, tỷ lệ 2/100 quả trứng có phôi bị chết, lòng trứng bị loãng ra và có vệt máu.
GS-TS khoa học Lưu Duẩn (Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn), nói thêm, trứng có hiện tượng bất thường như vậy là do đã bị nhiễm khuẩn ở mức độ cao. Theo ông Nguyễn Đăng Vang, trứng vịt dễ nhiễm nhiều loại khuẩn, nhiều nhất là khuẩn Samonella - gây bệnh phó thương hàn cho phôi trứng. “Nhưng, không phải 100% trứng vịt đều nhiễm khuẩn. Trứng vịt sau khi đẻ nếu được nhặt ngay, rửa sạch, khử trùng thì sẽ giảm nguy cơ nhiễm khuẩn”, PGS-TS Vang lưu ý.
Các lý giải trên cũng giải đáp cho thông tin “trứng gà xuất hiện sinh vật lạ ngoe nguẩy trong phần lòng đỏ” khiến người tiêu dùng hoang mang, trong đó có sự lo ngại trứng xuất xứ Trung Quốc.
Theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), khi chọn mua trứng, hãy nắm quả trứng trong lòng bàn tay để hở hai đầu, soi trứng vào nguồn sáng (đèn điện…). Trứng tươi có màu hồng trong suốt với một chấm màu hồng ở giữa, túi khí có đường kính không quá 1cm, ở đầu lớn đường bao quanh cố định không di động; lắc không có tiếng kêu; vỏ trứng trắng sạch. Trứng cũ nhìn sẽ thấy vệt màu đỏ có nhiều đường vân, túi khí to hơn 1,5 - 2,5cm, lắc có tiếng kêu nhẹ, vỏ trứng trắng xám. Trứng hỏng thối có màu sắc không đồng đều, lắc thử nghe phát ra tiếng kêu rõ, vỏ trứng trắng thâm đục, sần sùi, có thể nứt.
Bác sĩ Trần Văn Ký - phụ trách ATTP phía Nam (Hiệp hội Kỹ thuật ATTP VN) khuyến cáo: “Trứng bị hỏng do vi khuẩn xâm nhập sinh độc tố, khi ăn vào có thể bị trướng bụng, khó tiêu, ói mửa, tiêu chảy”.
(Theo PNOL)