Những hình ảnh đồ họa về ông Tập Cận Bình do một công ty truyền thông nhà nước Trung Quốc thực hiện, đã khơi mào cho những tranh luận xung quanh cách nhìn nhận mới đối với việc quảng bá hình ảnh các nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới này.
TIN BÀI KHÁC:
Các bức tranh, do trang qianlong.com, một cổng thông tin do Ủy ban thành phố Bắc Kinh quản lý, đã tóm tắt về quá trình công tác của ông Tập kể từ khi ông được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) vào tháng 11/2012.
Ông Tập đã dành 39 ngày để thực hiện 12 chuyến thị sát tại 11 tỉnh thành và bỏ ra 39 ngày khác để thăm 14 quốc gia trên 5 châu lục.
Những bức đồ họa cũng liệt kê sở thích của ông như đọc sách, đá bóng, bơi lội và võ thuật bằng việc sử dụng chữ tượng hình.
Đây là lần đầu tiên một cơ quan truyền thông quốc gia Trung Quốc đăng tải hình ảnh biếm họa về ông Tập Cận Bình. Trước đó, một đoạn video có tựa đề "Làm thế nào để trở một nhà lãnh đạo Trung Quốc" đã nhanh chóng gây sốt trên trang Youku vào tháng 10 năm ngoái, trong đó, hình ảnh ông Tập được miêu tả bằng nhân vật hoạt hình.
Các nhà quan sát coi loạt đồ họa trên là một bước tiến xa hơn so với đoạn phim hoạt hình chứng tỏ sự thay đổi trong cách nhìn nhận về lãnh đạo Trung Quốc. Nó có giá trị xây dựng hình ảnh về một nhà lãnh đạo và tương tác công chúng theo các đơn giản nhưng ấn tượng.
Mặc dù phổ biến ở nước ngoài nhưng thật hiếm để nhìn thấy hình ảnh biếm họa của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, khi hình thức nghệ thuật này bị coi là chỉ dùng để đả kích hay vạch trần các vấn đề xã hội.
Vào năm 1986, ba bức biếm họa đã thu hút sự chú ý ngoài sức tưởng tượng tại một triển lãm ở Thượng Hải. Đó là hình vẽ về Đặng Tiểu Bình đang chơi trên cầu, Hồ Diệu Bang, khi đó là Tổng bí thư đang chỉ huy một dàn hợp xướng và Giang Trạch Dân, khi đó là thị trưởng Thượng Hải, đang đọc sách.
"Tôi đã vẽ các bức tranh với lòng biết ơn chân thành đối với Đặng Tiểu Bình, người đã khiến cuộc sống của chúng tôi trở nên tốt đẹp hơn vì thế gia đình tôi có thể đoàn tụ sau Cách mạng Văn hóa (1966-1976)", Zhang Weiping, một trong những nhà vẽ tranh biếm họa cho biết.
Zhang đã mất một tháng để hoàn thành tác phẩm của mình và tránh "phong cách khiêu chiến" của tranh biếm họa Cách mạng Văn hóa. Tác phẩm của ông đã được xuất bản trên Nhật báo Giải phóng vào ngày 15/8/1986 như một bước đi tiên phong.
Zhang cho biết ba bức tranh biếm họa đã nhận được sự ủng hộ của công chúng, đặc biệt là các công nhân nhà máy, những người nói rằng họ cảm thấy các nhà lãnh đạo gần gũi với họ hơn.
Các tác phẩm tượng tự rất hiếm khi xuất hiện trong hơn hai thập kỷ qua khi các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc quyết định phải "cực kỳ cẩn trọng" với tranh biếm họa lãnh đạo, Zhang cho biết.
Sự đình trệ này không được phá vỡ cho tới tháng 9 năm 2006, khi một bức biếm họa về cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đang viết thư xuất hiện tờ New Express có trụ sở tại Quảng Châu.
Họa sĩ vẽ tranh biếm họa Zhang Yanjun và Zhu Zizun cũng đã tạo ra một số hình ảnh biếm họa về các nhà lãnh đạo được đánh giá cao trong những năm 2009-2011. Mặc dù không phổ biến song chúng vẫn được coi là một sự thay đổi khi các họa sĩ được phép làm như vậy.
Xét về thói quen văn hóa và chính trị, "tranh biếm họa các nhà lãnh đạo" tại Trung Quốc có một chút cường điệu và sử dụng chủ đề tích cực, Zhang Weiping nói.
Mặc dù không có quy tắc rõ ràng, các phương tiện truyền thông thường không in những hình ảnh biếm họa về các chính trị gia cấp bộ trở lên, Thời báo Hoàn cầu trích lời một biên tập viên của tạp chí Cartoon Weekly có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.
Tuy nhiên, người này cũng nhấn mạnh rằng vấn đề này đã trở nên cởi mở hơn trong những năm gần đây, không chỉ vì các nhà chức trách muốn gần gũi hơn với người dân, mà còn cho thấy công chúng đã có sự hiểu biết sâu rộng hơn về tranh biếm họa.
"Một bức tranh biếm họa tốt có thể kể một câu chuyện, thậm chí là tô điểm thêm cho nhân vật, nó có chức năng mở rộng hơn những bức tranh chỉ đơn thuần có tính chất nhạo báng hay gây cười, miễn là nó thể hiện được bản chất của nhân vật," ông nói.
Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình được ca ngợi là "con người của nhân dân" sau chuyến thăm tới một nhà hàng bình dân ở Bắc Kinh vào tháng 12/2013 khi ông ngồi và ăn tối với những thực khách khác.
Sầm Hoa (Theo Sina)