Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, với số tiền nợ nắm giữ trị giá khoảng hơn 1.100 tỷ USD. Trong khi Quốc hội Mỹ tiếp tục vật vã đàm phán nâng mức nợ trần, không ít người đặt câu hỏi: Bắc Kinh sẽ làm gì một khi Washington vỡ nợ?
Tuần trước, trong chuyến công du châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã phải lên tiếng đảm bảo với Bắc Kinh rằng các nhà lập pháp Mỹ sẽ sớm đạt được thỏa thuận về tăng mức trần nợ công. Tuy nhiên, mỗi ngày bế tắc trôi qua, nguy cơ vỡ nợ “kỹ thuật” của nền kinh tế lớn nhất thế giới càng đến gần. Nếu tình huống khó tưởng tượng này xảy ra, quan hệ Mỹ - Trung sẽ đi về đâu?
Trung Quốc sẽ tiếp tục mua trái phiếu Mỹ
Tuy nhiên, kịch bản này rất khó xảy ra. Trung Quốc có rất ít lựa chọn ngoài việc tiếp tục mua trái phiếu của Mỹ trong ngắn hạn, kể cả khi Washington tạm ngưng trả lãi cho Bắc Kinh trong một thời gian. Một phân tích trên tờ China-US Focus chỉ ra ba lý do chính để giải thích điều này.
Thứ nhất, các loại cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản tài chính Mỹ vẫn là một sản phẩm đầu tư hữu hiệu nhất đối với Trung Quốc và góp phần tạo ra lượng dữ trữ ngoại hối khổng lồ của nước này. Thị trường nợ của Mỹ trở thành nơi đặc biệt để người Trung Quốc dùng đồng USD - vốn dịch chuyển từ Mỹ qua Trung Quốc nhờ thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ - mua trái phiếu chính phủ Mỹ.
Một lý do khiến Trung Quốc mua các trái phiếu ngắn hạn của Mỹ là bởi thị trường này linh hoạt, tính thanh khoản cao, cho phép các bên đưa ra giá cả, mua và bán nhanh chóng. Chừng nào còn muốn duy trì hình mẫu phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu thì Trung Quốc còn phải tìm những nơi thuận lợi để đầu tư. Bởi vậy, dù nền kinh tế Mỹ có vỡ nợ hay không, các tài sản tài chính của Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu của Trung Quốc.
Thứ hai, Bắc Kinh muốn duy trì một cách ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD. Việc duy trì tỷ giá nhân dân tệ thấp một cách giả tạo sẽ giúp Trung Quốc kéo dài khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thường “múc” hết dòng USD chảy vào Trung Quốc, sau đó mua trái phiếu chính phủ Mỹ.
Thứ ba, Bắc Kinh quá đủ thông minh để không bán rẻ một lượng lớn trái phiếu Mỹ bởi động thái này có thể làm giảm giá trị rất nhiều đầu tư được định giá bằng đồng USD của Trung Quốc. Bên cạnh đó, nếu Bắc Kinh chơi kiểu vũ khí “hạt nhân” tài chính này, Mỹ có thể cắt giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn thương mại với Trung Quốc. Khi đó, hàng triệu doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phá sản vì mất cơ hội kinh doanh với Mỹ, gây nên tình trạng thất nghiệp đe dọa tới ổn định xã hội Trung Quốc.
Nói một cách khác, việc Mỹ vỡ nợ sẽ không để lại ảnh hưởng lâu dài cho mối quan hệ tài chính Mỹ - Trung bởi mọi thứ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường khi Mỹ dọn dẹp được “mớ lộn xộn” tài chính.
Trung Quốc cũng nhận thức rõ tình thế nguy hiểm từ nợ chính phủ Mỹ và đang giảm dần việc dùng dự trữ ngoại hối để mua trái phiếu Mỹ.
Nhưng đây không phải là phản ứng trực tiếp trước cuộc tranh luận mức trần nợ công ở Mỹ mà chỉ là một phần trong chiến lược “dài hơi” của Bắc Kinh nhằm tạo ra một đồng nhân dân tệ mạnh hơn, được quốc tế hóa và một nền kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng. Vợ nỡ Mỹ do đó chỉ có thể làm hợp lý hơn chiến lược này.
Hơn 60 năm qua, không nền kinh tế nào thách thức Mỹ trong việc dẫn dắt các vấn đề kinh tế toàn cầu. Vị thế này giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc sử dụng “quyền lực mềm” để lôi kéo các nước khác đưa ra những chính sách kinh tế có lợi cho Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ còn cố sử dụng quyền lực kinh tế nhằm kiềm chế Trung Quốc, bóng gió chỉ trích rằng chính sách đồng nhân dân tệ yếu của Bắc Kinh là không phù hợp với kinh tế toàn cầu.
Khủng hoảng nợ của Mỹ có thể coi là “cú đấm” thứ ba nhằm vào uy tín của nước Mỹ, vốn từng được coi là một thế lực ổn định và đầy trách nhiệm trong kinh tế toàn cầu. Qua cuộc tranh luận về mức trần nợ công, thế giới nhìn thấy chính trường Mỹ đang chia rẽ sâu sắc về chính sách, xếp hạng tín dụng của Mỹ vì thế đứng trước nguy cơ sụt giảm.
Trước đây, “cú đấm” đầu tiên đã xảy ra năm 2008 khi “bong bóng” nợ xấu vỡ tung, đưa kinh tế thế giới vào suy thoái. Kể từ đó, các bản tin về hệ thống tài chính Mỹ đã liên tục chuyển hình ảnh một nước Mỹ đáng ngưỡng mộ thành hình ảnh của chủ nghĩa tư bản lạc lối.
“Cú đấm” thứ hai xuất hiện cuối năm 2010 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tung ra gói kích thích kinh tế gây nhiều tranh cãi mang tên “Nới lỏng định lượng lần 2” (QE2) với số tiền lên đến 600 tỷ USD. Trong khi FED khăng khăng giải thích QE2 giúp tạo lực đẩy cho kinh tế quốc nội đang èo uột của Mỹ thì nhiều đối tác bên ngoài lại cho rằng Mỹ quay lại với chính sách “lợi mình, hại người”, cố hạ giá trị đồng USD để hàng hóa Mỹ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Trái ngược với tình cảnh của Mỹ, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã cải thiện được danh tiếng như một thế lực dẫn dắt kinh tế toàn cầu. Mặc dù phải đối mặt với chỉ trích ngày càng tăng ở bên ngoài xung quanh chính sách đồng nhân dân tệ yếu song Trung Quốc vẫn biện hộ rằng trong những thời điểm nền kinh tế toàn cầu bấp bênh, vai trò của họ là phải duy trì đồng nội tệ ổn định.
Năm 2008, Bắc Kinh cũng đã đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) khen ngợi kế hoạch này không chỉ tốt cho Trung Quốc mà còn mang lại lợi ích cho kinh tế toàn cầu. Cuối cùng, Trung Quốc đã giành được vị trí quyền lực thứ ba trong IMF qua việc tăng thị phần trong tổ chức này.
Một số nhà phân tích cho rằng nếu Mỹ
phá sản, thiệt hại về mặt uy tín, vị thế của Mỹ sẽ lớn hơn nhiều so với hậu quả
về mặt kinh tế. Vợ nỡ của Mỹ sẽ ngày càng làm xói mòn uy thế của Mỹ trước Trung
Quốc, nhất là trong các vấn đề kinh tế “nóng bỏng” như “cuộc chiến” tỷ giá đồng
USD và đồng nhân dân tệ. Về dài hạn, nếu Mỹ vỡ nợ, Trung Quốc có thể thực sự trở
thành “kẻ thắng cuộc” hưởng lợi nhất, cô lập những chỉ trích của Mỹ để khẳng
định quyền lực kinh tế mạnh mẽ nhất hành
tinh.
V.Giang