Đặc phái viên Trung Quốc lên tiếng ủng hộ trưng cầu ý dân tại Syria và kêu gọi chấm dứt bạo lực giữa các bên.

Theo Liên Hợp Quốc, xung đột tại Syria đã khiến cho gần 6000 người thiệt mạng
Trung Quốc "vô cùng lo ngại" về cuộc khủng hoảng tại Syria. Đặc phái viên của Trung Quốc đã tới Syria và kêu gọi chấm dứt đổ máu, ủng hộ trưng cầu dân ý chính trị do Tổng thống Assad hậu thuẫn.

Trong suốt chuyến thăm 2 ngày tới Syria, Thứ trưởng Ngoại giao Trạch Tuyển đã kêu gọi các bên tại Syria chấm dứt bạo lực và tiến tới các cải cách chính trị.

"Quan điểm của Trung Quốc là kêu gọi chính phủ, phe đối lập và những người nổi dậy chấm dứt các hành động bạo lực ngay lập tức" - ông Trạch Tuyển đưa ra phát ngôn sau các cuộc hội đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông Trạch cũng nói thêm rằng hòa bình phục vụ quyền lợi tối cao nhất của những người dân thường Syria.

"Chúng tôi hy vọng rằng cuộc trưng cầu dân ý về một hiến pháp mới, cũng như các cuộc bầu cử quốc hội tới đây sẽ được tiến hành một cách bình yên" - ông Trạch Tuyển phát biểu.

Ông Trạch trao đổi với ông Assad rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với chính quyền Syria và phe đối lập, Liên đoàn Ả Rập (AL), các quốc gia Ả Rập để đạt được một giải pháp cụ thể.

"Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực trung gian của Liên đoàn Ả Rập để tìm kiếm lối thoát chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria, và kêu gọi các bên liên quan tăng cường đối thoại và đàm phán nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình và thích hợp cho Syria trong khuôn khổ của Liên đoàn, và trên nền tảng của các đề xuất giải pháp chính trị liên quan tới Liên đoàn" - các hãng thông tấn trích lời ông Trạch Tuyển.

Cũng vào cuối ngày hôm qua, quan điểm này một lần nữa được lặp lại trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Sau các cuộc hội đàm hôm thứ Sáu với người đồng nhiệm Syria là ông Faisal Meqdad, ông Trạch Tuyển nói rằng Trung Quốc thúc giục cộng đồng quốc tế tôn trọng chủ quyền của đất nước Syria.

"Chúng tôi đã trao đổi các quan điểm về cách thức để củng cố quan hệ giữa hai bên trong bối cảnh đối mặt với giai đoạn khó khăn tại Syria" - vị đặc phái viên Trung Quốc nói. "Chủ quyền, thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria phải được cộng đồng quốc tế và các bên tôn trọng".

Sau cuộc gặp với ông Trạch Tuyển, Tổng thống Syria Assad lặp lại rằng cuộc nổi dậy hiện nay chỉ là một nỗ lực nhằm chia rẽ Syria.

"Những gì mà Syria đang đối mặt về cơ bản là một nỗ lực nhằm chia cắt và tác động lên vị thế địa chính trị, vai trò lịch sử của Syria trong khu vực" - ông Assad nói.

Phe đối lập tại Syria đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Assad trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp mới vào cuối tháng này. Văn kiện này được cho là bao gồm một chương nhằm chấm dứt quy định một đảng cầm quyền tại Syria. "Chúng tôi không thể tham dự vào cuộc trưng cầu dân ý này trước khi bạo lực và giết chóc chấm dứt" - phe đối lập Ủy ban Hợp tác Quốc gia vì Thay đổi Dân chủ bình luận.

Hiện, tình trạng khủng hoảng tại Syria đang đứng giữa hai nỗ lực ngoại giao hoàn toàn khác nhau. Một giải pháp do Mỹ và phương Tây ủng hộ là quy tội cho chế độ và kêu gọi nhanh chóng chuyển giao quyền lực. Giải pháp còn lại do Nga và Trung Quốc bảo trợ thì kêu gọi đối thoại chính trị giữa các bên xung đột.

Mới đây, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết bản dự thảo của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria do Maroc trình lên.

Hai quốc gia này cho rằng cuộc xung đột tại Syria nên được giải quyết về mặt chính trị và phản đối mọi can thiệp quân sự vào thứ mà họ gọi là "vấn đề nội bộ" của Syria.

Nhà khoa học chính trị Joseph Cheng cho rằng nỗ lực trung gian hòa giải của Trung Quốc tại Syria là do Trung Quốc muốn thể hiện vai trò toàn cầu của mình.

"Trung Quốc chắc chắn là muốn sử dụng và phát triển tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực Trung Đông - nơi có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, và Trung Quốc ngày càng tin rằng họ thực sự là một cường quốc toàn cầu. Đây là một lợi ích toàn cầu và mối quan tâm đó cần được tôn trọng" - ông Cheng phân tích.

  • Lê Thu (Theo RT)