Các công nhân cổ cồn trắng đang trở thành tầng lớp mới nhất của Trung Quốc. Họ trẻ, thông minh và nghèo.


Nếu chỉ nhìn sơ qua, mọi người sẽ nghĩ rằng Guo Yilei là một câu chuyện thành công của Trung Quốc. Sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Gansu xa xôi, anh đang làm lập trình viên máy tính ở độ tuổi 26 ở Bắc Kinh. Với tiêu chuẩn ở Trung Quốc thì mức thu nhập hơn 70 USD/ tuần của Guo có thể coi là tươm tất. Khi có công việc ổn định, anh có thể có chừng đó tiền. Nhưng anh sẽ phải mất vài tháng để kiếm công việc khác.

Guo sống tại Tangjialing cùng với bạn gái, trong một căn hộ ở khu ổ chuột nồng nặc mùi hôi rộng khoảng 30m2, với giá 90 USD/ tháng. "Khi tôi còn đi học, tôi tin vào câu nói "Kiến thức có thể giúp bạn mở ra một trang mới. Nhưng khi tôi bắt đầu đi làm, niềm tin của tôi rơi rụng còn một nửa" - Guo nói.

Guo và ước chừng một triệu người nữa như anh đang tiêu biểu cho một sự phát triển đầy rắc rối và chưa từng có tại Trung Quốc: một tầng lớp cổ cồn trắng đang gia tăng nhanh chóng. Kể từ những năm 1990, các đại học của Trung Quốc đã tăng gấp đôi đầu vào, cao hơn rất nhiều so với nhu cầu của thị trường lao động đối với các cử nhân.

 Năm nay các đại học và học viện kỹ thuật của Trung Quốc đã cho "ra lò" 6.3 triệu cử nhân và kỹ sư. Rất nhiều trong số họ sinh ra và lớn lên tại các thị trấn nghèo khổ. Họ tin rằng cứ học hành chăm chỉ là sẽ có cuộc sống tốt hơn so với đời cha mẹ họ. Nhưng khi họ xin việc tại Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, hoặc bất kỳ thành phố lớn khác, họ đã sốc nặng.

Họ có thể rất thông minh và tràn đầy nhiệt huyết, nhưng một vài người bắt đầu hoài nghi rằng liệu hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn phải chăng chỉ là dối trá. Họ được coi như những "chú kiến" vì sự cần mẫn, các điều kiện sống eo hẹp, và những nỗ lực gần như phù phiếm. "Những 'chú kiến' đó có tham vọng rất lớn nhưng rốt cuộc lại chẳng có các kỹ năng thực tế" - Giáo sư Zhou Xiaozheng về xã hội học tại Đại học Nhân dân Trung Hoa cho biết.

Đó là một tình trạng dễ gây bùng nổ. Trong lĩnh vực chế tạo và lắp ráp, bất ổn luôn thường trực, các cuộc đình công diễn ra tại các nhà máy nhằm đòi mức lương cao hơn và quyền bầu nên các đại diện để thỏa thuận quyền lợi cho tập thể.

Những "chú kiến" bất mãn đang rất đáng lo ngại. Thu nhập của lớp cổ cồn xanh gần đây đã tăng lên, trong khi mức lương của "cổ cồn trắng" lại quá thấp do lượng cử nhân tốt nghiệp ồ ạt.

Theo thống kê của ngành Lao động, 87% cử nhân tìm được việc làm sớm hay muộn sau khi tốt nghiệp. Nói cách khác, thậm chí chính phủ cũng phải thừa nhận rằng ít nhất thì cứ 8 người lại có 1 người thất nghiệp. Và những người có việc nhiều khi phải làm trái ngành. 

Tangjialing vốn là một ngôi làng yên tĩnh với 3000 hộ dân, nhưng trong những năm qua, dân số ở đây đã tăng như nấm mọc sau mưa lên mức 50.000 người đa phần là trẻ và bán thất nghiệp. Khu vực này giờ trở nên chật chội với đầy rác thải và những căn phòng nhỏ xíu.

Chỉ riêng ở Bắc Kinh đã có nửa tá "tổ kiến" kiểu như vậy, và những bất ổn tiềm tàng trong đó có thể còn lớn hơn so với các công nhân trong nhà máy - GS Zhou cảnh báo.

Cử nhân đại học có nhiều kỳ vọng lớn lao hơn rất nhiều so với công nhân nhập cư - những người đã thổi bùng tăng trưởng của Trung Quốc trong những thập kỷ qua. "Những 'chú kiến' này đều có học. Họ nói ngoại ngữ. Họ thành thạo internet. Đó có thể là rắc rối mà chính quyền lo ngại" - ông Zhou phân tích.

Các 'chú kiến' này dường như ít có tổ chức. Nhưng họ lại có các kỹ năng kỹ thuật cần thiết, hiểu biết về bối cảnh chung và khách quan. "Giống như là tôi vừa gia nhập quân đội vậy. Về sau này, tôi sẽ gặp các 'công dân' cũ của Tangjialing và kết nối quan hệ với họ bởi chúng tôi có chung kinh nghiệm" - Wang Lei, một cử nhân của Đại học Nội Mông chia sẻ.

Những bình luận như vậy có thể khiến cho nhiều nhà quản lý lo lắng, bởi vì các "tập đoàn kiến" này rất dễ dao động và khó kiểm soát.

Hiện giờ, các bầy "kiến" vẫn đang không ngừng làm giàu. Chẳng hạn như Wang vẫn chưa từ bỏ giấc mơ trở thành doanh nghiệp phần mềm đầu tiên tại quê mình. Anh vẫn chăm chỉ đi lại 3 giờ mỗi ngày để tới cơ quan và về nhà. Mỗi tháng, anh kiếm được 200 USD cho công việc lập trình viên. "Tôi không muốn phung phí các khoản tiền chắt bóp của bố mẹ cho việc học hành của mình để rồi mặc một bộ đồng phục và gác cổng" - Wang nói.

  •  Lê Thu (theo Daily Beast)