Những người có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên đất Trung Quốc cho biết, việc nước này tiến hành các biện pháp điều chỉnh đặc biệt là để quản lý tốt hơn hoạt động khai thác đất hiếm và giúp cho công tác bảo vệ môi trường, chứ hoàn toàn không phải giảm sản lượng khai thác đất hiếm…
Sẽ không giảm sản lượng khai thác
Theo đài phát thanh Trung Quốc, tháng 6/2010, Bộ Tài nguyên đất Trung Quốc đã triển khai trên toàn quốc về việc điều chỉnh đặc biệt vấn đề trật tự khai thác khoáng sản trong đó có đất hiếm, hành động này bị nghi ngờ là Trung Quốc muốn giảm lượng khai thác đất hiếm, tiến tới quản lý và kiểm soát việc xuất khẩu đất hiếm.
Những người có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên đất cho biết, biện pháp điều chỉnh đặc biệt này là để ngăn chặn hiện tượng khai thác trộm cắp đất hiếm, chứ không phải giảm sản lượng khai thác loại khoáng sản này.
Đất hiếm (ảnh minh họa, nguồn: Wikipedia).
Chiến lược
Vụ trưởng Vụ quản lý khai thác khoáng sản – Bộ Tài nguyên đất Trung Quốc, ông Lưu Liên Hòa (Liu Lianhua) đã giải thích cụ thể nguyên nhân quyết định hành động điều chỉnh đặc biệt lần này.
Lưu Liên Hòa cho biết: “Sau khi khủng hoảng tài chính qua đi, kinh tế toàn cầu bắt đầu ấm lên, lúc này chúng tôi phát hiện thấy, trên thị trường giá đất hiếm đang tăng trở lại, và chính vào lúc này hiện tượng đào, khai thác trộm cũng bắt đầu tăng lên”.
“Để ngăn chặn xu thế này, chúng tôi lập tức áp dụng hành động khẩn cấp đặc biệt, vào tháng 5 tiến hành điều chỉnh, đến tháng 6 bắt đầu thực hiện hành động đặc biệt đầu tiên, tổ chức tiến hành điều tra theo kiểu “kéo lưới” ”.
Đào, khai thác trộm đất hiếm không những có tác động phá hoại rất lớn đối với môi trường, mà còn làm cho đất hiếm giá rẻ tràn ngập thị trường - Trưởng phòng Phòng khai thác khoáng sản – Vụ quản lý khai thác khoáng sản – Bộ Tài nguyên đất Trung Quốc, ông Kim Du Trung (Jim Uyzhong) cho biết:
Việc tiến hành điều chỉnh đặc biệt đất hiếm hoàn toàn không có nghĩa là muốn giảm lượng khai thác, mà là để bảo vệ tốt hơn môi trường, thúc đẩy việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản.
Theo ông Kim Du Trung: “Hai năm nay, chỉ tiêu khai thác không hề giảm một chút nào, hơn nữa một số khu vực còn tăng điều chỉnh một chút khi căn cứ vào các nhu cầu đặc biệt. Việc cần đối phó là khai thác thiếu căn cứ, khai thác phi pháp, cần phải tấn công vào các hành vi không tuân thủ theo quy định”.
“Hoạt động khai thác thiếu căn cứ thực tế xuất hiện ở Trung Quốc trong giai đoạn trước đây đã sớm bị cấm ở các nước phương Tây. Bước đi này là cần thiết đối với Trung Quốc, tôi có cảm giác là đã hơi muộn, làm như vậy là để bảo đảm cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên, đồng thời là để có được môi trường sinh thái tốt trong quá trình khai thác tài nguyên”.
Được biết, đất hiếm có chứa 17 nguyên tố có hàm lượng nhỏ trong vỏ trái đất, là loại nguyên liệu quan trọng dùng để sản xuất các linh kiện điện tử, pin mặt trời, động cơ, nam châm và các thiết bị vũ trụ… Trữ lượng đất hiếm ở Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 30% toàn cầu, nhưng nước này hiện là nhà sản xuất hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, Nhật Bản là nước phải nhập tới 60% lượng đất hiếm khai thác của Trung Quốc. Vừa qua hoạt động mua bán đất hiếm giữa Nhật – Trung đã tạm dừng khoảng 2 tháng do ảnh hưởng bởi sự kiện Nhật bắt giữ thuyền trưởng một tàu cá của Trung Quốc hồi đầu tháng 9.
Tokyo đã cáo buộc Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm không chính thức về việc xuất khẩu loại khoáng sản này, đồng thời tích cực tìm kiếm các nguồn cung khác, như tiến hành hợp tác với Việt Nam về khai thác đất hiếm…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Nhật Akihiro Ohata cho biết, hiện nay hoạt động mua bán đất hiếm giữa hai nước (Trung – Nhật) đã trở lại bình thường.
(Theo VTC News/Tân Hoa Xã )