Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, 9 tháng năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Song, ở nhóm những mặt hàng thế mạnh mang về tỷ USD/năm cho Việt Nam, duy nhất ngành lâm sản có sự tăng trưởng bền vững với giá trị kim ngạch đạt 7,93 tỷ USD, tăng 18%.
Còn lại, nhóm nông sản chính chỉ đạt 13,9 tỷ USD, giảm tới 7,2% so với cùng kỳ; thuỷ sản cũng giảm 2%, đạt 6,23 tỷ USD.
Đáng chú ý, dù có tới 6 nhóm/sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD nhưng lại có tới 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, cà phê đạt 2,1 tỷ USD, giảm gần 22%; gạo đạt gần 2,24 tỷ USD, giảm 9,8%; hạt điều đạt 2,4 tỷ USD, giảm 5,4%; rau quả xuất khẩu đạt 2,15 tỷ USD, giảm 4,3%; tôm đạt 2,4 tỷ USD, giảm 8%.
Xuất khẩu tôm 9 tháng năm 2019 giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018 |
Theo Bộ NN-PTNT, thời gian qua, toàn ngành đã tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá tổng quan thị trường một số mặt hàng thiết yếu (gạo, đường, thủy sản, thịt lợn) và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường giá cả.
Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp và hỗ trợ các địa phương giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương. Tập trung tháo gỡ khó khăn tại thị trường Trung Quốc, mở cửa các thị trường mới như xoài xuất khẩu vào Mỹ, Anh, Úc... cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại EU, Philippines, Hồng Kông, Ba Lan,... Tuy nhiên, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản có dấu hiệu chững lại.
Bộ NN-PTNT nhận định, nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường giảm, đặc biệt thị trường Trung Quốc (ước giảm 8%), EU (giảm 6,5%); giá và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng: cà phê, gạo, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn, tôm, cá tra giảm sâu.
Thời gian tới, thương mại toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục suy giảm. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc leo thang; xuất khẩu nông sản sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại (nhất là từ thị trường Trung Quốc); nguy cơ áp thuế và rào cản kỹ thuật khi xuất siêu vào Mỹ tăng cao; giá xuất khẩu một số nông sản chủ lực vẫn còn xu hướng giảm.
Chưa kể, diễn biến thời tiết bất thường, dịch tả lợn châu Phi vẫn sẽ ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi.
Bảo Phương