Trung Quốc đang là nước nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng nông sản Việt Nam như rau quả, cà phê, gạo, điều, tiêu, cao su… Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây Trung Quốc đang có những chiến lược phát triển trồng nông sản với diện tích lớn. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ có nguy cơ mất dần thị phần xuất khẩu.
Mang bệnh dại vì thịt mèo Trung Quốc
Đổ xô đi nhổ cà gai bán cho Trung Quốc
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết với cà phê, Trung Quốc nằm trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với sản lượng mỗi năm đạt từ 20.000 tấn trở lên. Trong năm 2012, Trung Quốc nhập khẩu hơn 30.000 tấn cà phê từ Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc đang có chính sách phát triển loại cây này để vừa xuất khẩu vừa cung ứng nhu cầu nội địa. “Nếu Tây Nguyên là “thủ phủ” cà phê của Việt Nam thì Vân Nam là “thủ phủ” của cà phê Trung Quốc. Mỗi năm tỉnh này sản xuất trên 28.000 tấn, chiếm hơn 98% sản lượng cà phê Trung Quốc” - ông Nam cho hay.
Song song đó, các hiệp hội cũng cho hay Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư trồng cao su ở các tỉnh trong nước, thậm chí còn là nhà đầu tư trồng cao su lớn nhất tại Lào. Gần như toàn bộ diện tích cây cao su tại bắc Lào đều thuộc về các nhà đầu tư Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc đã xây dựng xong các trung tâm chế biến hạt điều với diện tích rất lớn tại Quảng Châu, mở rộng diện tích trồng hồ tiêu tại đảo Hải Nam, trồng nhiều rau quả nhiệt đới như cam, quýt, tỏi, ớt, thanh long tại các tỉnh tiếp giáp với Việt Nam.
Nhiều mối nguy cho xuất khẩu
Trước xu thế trên, nhiều DN, chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về khả năng bị thu hẹp thị trường xuất khẩu. Ông Phạm Ngọc Bằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Cà phêĐăk Man, cho rằng sản lượng cà phê Trung Quốc sản xuất được dù là con số rất nhỏ nếu so sánh với 1 triệu tấn cà phê Việt Nam thu hoạch mỗi năm nhưng họ vừa nhập, vừa trồng cà phê để tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu nước ngoài. Xuất khẩu cà phê Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, là đối tác của những nhà rang xay lớn trên thế giới như Starbucks, Nescafé. Điều này sẽ làm tăng sự cạnh tranh đối với cà phê Việt Nam tại các thị trường nước ngoài.
“Có khả năng Trung Quốc mua nguyên liệu hoặc nông sản đã qua chế biến của Việt Nam về để chế biến ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hoặc hợp tác với những nhà rang xay lớn của thế giới. Khi đó Việt Nam trở thành vùng nguyên liệu nông sản giá rẻ để họ mua về chế biến xuất khẩu với giá cao” - đại diện một DN xuất khẩu cà phê lo ngại.
Theo TS Võ Mai, nhiều ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc nên khi họ chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm nhập thì DN Việt Nam sẽ rơi vào thế bị động. Hậu quả là chỉ cần Trung Quốc “hắt hơi, sổ mũi” ngưng mua, mua ít là nông sản rớt giá thê thảm, DN khổ sở, nông dân lỗ nặng. Nếu DN nước ta không có chiến lược kinh doanh, xuất khẩu thì mối nguy này sẽ ngày một gia tăng.
Mở rộng, chiếm lĩnh thị trường mới
Theo ông Huỳnh Quang Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nếu Trung Quốc có những chính sách nhằm giảm nhập thì Việt Nam cũng cần có những chính sách xuất khẩu tránh phụ thuộc vào thị trường này. Và DN Việt Nam đang làm được điều đó, bằng chứng là nhiều loại trái cây Việt Nam đã xâm nhập vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU. Đầu năm 2013, Nhật Bản là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu nhiều rau quả từ Việt Nam. Các sản phẩm rau quả xuất sang Nhật chủ yếu là cải bina, cải bó xôi, cà tím chiên, dưa chuột và nấm, sơ ri, thanh long, xoài cắt lát đông lạnh…
“Nhiều DN Việt cũng đang tập trung phát triển xuất khẩu sang những thị trường lân cận trong khu vực Đông Nam Á. Dù là nước xứ sở về trái cây, rau củ nhưng Thái Lan vẫn nhập rất nhiều trái cây Việt Nam như thanh long, nấm, đậu và các loại hoa tươi. Thị trường Nga, Hàn Quốc cũng có tín hiệu xuất khẩu mạnh trong năm nay” - ông Đấu nói.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), từ trước đến nay DN nước ta xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nhiều vì vận chuyển gần, số lượng nhiều, bên mua cũng không khắt khe về chất lượng, kích cỡ. Tuy nhiên, gần đây thị trường này bắt đầu thay đổi yêu cầu chất lượng rất gắt gao không khác gì các thị trường Mỹ, EU, Nhật. Vì vậy, nếu DN nước ta chú trọng vào chất lượng nông sản thì dù Trung Quốc có giảm nhập vẫn đáp ứng được thị trường các nước khác. Hiệp hội đã tiến hành xúc tiến thương mại ở Ấn Độ, châu Âu để tìm kiếm nhiều thị trường mới.
Làm sao để chiếm lĩnh được nhiều thị trường mới và ít bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc? Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết: “Chế biến sâu, xuất khẩu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu sẽ là hướng đi đúng của nông sản nước ta. Thời gian qua, những DN cà phê như Trung Nguyên, Vinacafe đã đầu tư mạnh công nghệ rang xay xuất khẩu cà phê bột, cà phê hòa tan, làm thương hiệu tốt và thu được giá trị xuất khẩu lớn”.
Thị trường Trung Quốc chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam; 24,8% thị phần xuất khẩu điều, 30% thị phần xuất khẩu rau quả. Theo thống kê hải quan, hằng năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 3.000-5.000 tấn hạt tiêu Việt Nam nhưng theo tính toán của các DN có hơn 15.000 tấn tiêu xuất qua Trung Quốc mỗi năm.
(Theo PLTPHCM)