Trong một tủ kính trưng bày tại Quốc Tử Giám ở Bắc Kinh có một cuốn sách từ thế kỷ 18 với các trang sách màu vàng vàng, chữ màu đen in đậm. Một số người Trung Quốc cho rằng, cuốn sách này là minh chứng cho thấy một dải diện tích của nước Nhật hiện đại là của Trung Quốc.

Một chuỗi các đảo thuộc Vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu) xưa kia, nay thuộc Nhật Bản. Trong đó có đảo Okinawa nơi các căn cứ quân sự của Mỹ đóng tại đây.
Hai cường quốc châu Á này hiện đang bất hòa về một nhóm các đảo không người ở biển Hoa Đông, thậm chí mâu thuẫn này có nguy cơ trở thành xung đột vũ trang.

Nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc hung hăng nhất của Trung Quốc đi xa hơn thế rất nhiều, họ muốn tuyên bố chủ quyền với vùng đất này, bao gồm cả đảo Okinawa với 1,3 triệu dân sinh sống và các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.

Là đảo lớn nhất trong quần đảo Ryukyu, trải dài khoảng 1.000km gần tới Đài Loan, đảo Okinawa là trung tâm của Vương quốc Ryukyu (Vương quốc Lưu Cầu) nơi từng là phiên thuộc của các vị vua Trung Quốc cũng như các lãnh chúa Nhật thời phong kiến.

Bốn trăm năm liền nơi đây từng phải cống nạp cho các triều Minh và Thanh của Trung Quốc, cho tới khi sáp nhập vào Nhật Bản năm 1879.

Người dân ở  Ryukyu được cho là có quan hệ gần gũi với Nhật Bản về mặt dân tộc cũng như ngôn ngữ hơn là với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số người Trung Quốc lại coi các quan hệ về lịch sử và văn hóa là nền tảng cho chủ quyền và phủ nhận quyền sở hữu đảo này của Nhật Bản, họ coi đó là di sản từ chủ nghĩa bành trướng của Nhật vốn kết thúc sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới II.

"Cái này đã chứng tỏ Ryukyu là của Trung Quốc" - một kỹ sư điện của Trung Quốc là Zhu Shaobo nói khi nhìn vào cuốn sách từ thời Thanh vẽ những sĩ tử Ryukyu học tại Quốc Tử Giám.

"Các sĩ tử Ryukyu rất siêng năng và trình độ văn hóa của họ cũng không hề thua kém sĩ tử Trung Hoa" - cuốn sách viết.

Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc và cả Đài Loan đều tin rằng Bắc Kinh có tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Ryukyu.

Tuy nhiên, vấn đề này lại một lần nữa được khuấy lên sau khi Bắc Kinh và Tokyo nổ ra tranh cãi về quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Tokyo gọi là Senkaku.

Trong các cuộc biểu tình chống Nhật mới đây tại Trung Quốc, những người tuần hành đã giơ các biểu ngữ có dòng chữ: "Đòi lại Ryukyu", "Lấy lại Okinawa".

Chính phủ Trung Quốc khong đưa ra tuyên bố nào như vậy, nhưng các phương tiện truyền thông lại có các bài báo và bình luận ngờ vực chính quyền Nhật Bản.

Trong một bài báo đăng trên truyền thông nhà nước hồi tháng Bảy vừa qua, Thiếu tướng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc La Viện viết rằng: "Vương quốc Ryukyu luôn là một vương quốc độc lập nằm dưới chính quyền của hoàng đế Trung Hoa trước khi bị Nhật chiếm vào năm 1879".

Vương quốc Ryukyu tồn tại từ năm 1429 cho tới năm 1879 có lịch sử phức tạp dưới sự ảnh hưởng của các hàng xóm hùng mạnh.

Đổi lấy việc cống nạp cho các hoàng đế Trung Hoa, các quan hệ thương mại và văn hóa đã phát triển rất hưng thịnh. Nhưng từ hồi đầu thế kỷ 17, Ryukyu chịu sức ép của Nhật Bản và bị buộc phải triều cống.

Tuy nhiên, trên danh nghĩa thì Ryukyu vẫn được coi là độc lập và tình trạng "một cổ hai tròng" vẫn kéo dài cho tới cuối thế kỷ 19 khi Nhật Bản không thể chấp nhận tình trạng mơ hồ của Ryukyu.

Các học giả phương Tây và Nhật Bản cho rằng các mối liên hệ giữa Okinawa và Trung Quốc không phải là cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ngày nay. Rất nhiều quốc gia xưa kia chịu ảnh hưởng của cấu trúc quan hệ quốc tế mà Trung Quốc từng là trung tâm.

"Đó là một hệ thống lệ thuộc về văn hóa và cũng là một cách mà đế chế Trung Hoa cố gắng kiểm soát thương mại" - Gregory Smits, một chuyên gia về lịch sử của Ryukyu tại Đại học Pennsylvania, nhận định.

Các chuyên gia thấy rằng ít khả năng Bắc Kinh theo đuổi việc đòi Okinawa.

Gavan McCormack, giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Australia, nói rằng bất kỳ một tuyên bố nào như vậy đều "rất không thực tế", và nói thêm rằng đây có thể là một 'quan điểm cực đoan để cố tìm cách lôi Nhật Bản vào bàn đàm phán'.

Jia Qingguo - một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh - nói thêm: "Tôi không nghĩ là chính phủ Trung Quốc muốn làm phức tạp thêm vấn đề vốn đã phức tạp".

Tuy nhiên, các câu hỏi xung quanh vấn đề chủ quyền của Nhật Bản khiến cho một thanh niên 25 tuổi gốc Okinawa tên là Akihiro Kinjo không khỏi trăn trở.

Okinawa từng là nơi diễn ra trận chiến ác liệt giữa Nhật và Mỹ năm 1945.

"Các bà của chúng tôi đã trải qua thời chiến và trong các câu chuyện của họ, đó là một khoảng thời gian kinh hoàng" - Akihiro Kinjo nói.

Theo hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, Mỹ duy trì các căn cứ quân sự quan trọng trên đảo này, và Washington cũng đang chuyển hướng chiến lượng 'sang' châu Á. Việc này khiến Bắc Kinh lo ngại rằng Washington muốn kiềm chế sự trỗi dậy của họ.

Hồi tháng Tám vừa qua, tạp chí quân sự World Journal đã cho đăng một tấm hình trong đó có một đầu tên lửa hướng theo phía Okinawa với dòng tiêu đề: "Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa định hướng tên lửa nhằm vào căn cứ Okinawa".

  • Lê Thu (theo Asia One)