Những quy định để cấp hộ khẩu ở Thâm Quyến và Quảng Châu được mở rộng hơn nhưng lại bị chỉ trích, vì nó thiên về người có bằng cấp và giàu có.
Đường Kiến Ba, người làm việc trong một nhà máy điện tử ở Thâm Quyến, chuẩn bị phải thực hiện một chuyến đi 800km về quê nhà ở Hồ Nam để lấy các hồ sơ cần thiết cho cậu con trai 4 tuổi nhập học.
Ông Đường, 31 tuổi, sống ở thành phố phát triển của Trung Quốc gần 10 năm nay, nhưng không có hộ khẩu đã tự động đăng ký tên cho con trai một chỗ ở trường công lập.
Quảng Đông, tỉnh cực nam của Trung Quốc, có 37 triệu người di cư, rất nhiều người trong số đó phải vất vả để tích đủ điểm cần thiết nhằm giành được quyền cư trú trong một hệ thống “xin cho” rất phức tạp - một số người thậm chí còn hiến cả máu để thúc đẩy những cơ hội thành công trong cuộc chiến hộ khẩu.
Công nhân di cư Trung Quốc tại một ga tàu. Ảnh: AP |
Những quy định để cấp hộ khẩu áp dụng hiện tại ở Thâm Quyến và Quảng Châu - hai thành phố đông dân nhất của tỉnh - được mở rộng hơn nhưng lại vấp phải sự chỉ trích lớn, vì nó thiên về người có bằng cấp và giàu có.
Ví dụ, Quảng Châu có quy định 20 điểm với những ai đầu tư khoảng 784.000 USD vào các công ty địa phương và 20 điểm nữa cho ai sở hữu bất động sản trong thành phố. Người xin cấp hộ khẩu ở Thâm Quyến kể từ tháng 7 năm nay có thể có “điểm thưởng” khi có bằng phát minh sáng tạo. Những người từ 18-35 tuổi cũng có thể được cộng điểm, đây là một lợi thế với công nhân nhà máy trong độ tuổi này. Tương tự như vậy, người đang theo học để lấy một tấm bằng đại học hoặc là cư dân vùng nông thôn Quảng Đông cũng có thể nhận nhiều điểm hơn.
Với rất nhiều công nhân nhà máy không có tiền hoặc có bằng cấp cao, có một cách để gia tăng cơ hội sở hữu hộ khẩu là hiến máu hoặc hiến thời gian thông qua các dịch vụ cộng đồng. Báo chí địa phương cho hay, mùa hè năm nay, một người cha ở Quảng Châu tìm kiếm hộ khẩu đã hiến máu ba lần. Ông đã phải nghỉ việc để về Tứ Xuyên lấy các tài liệu cần thiết. Ông hy vọng con trai mình có thể được phép nhập học vào một trường địa phương, nhưng lại không thành công ngay ở ngưỡng đệ đơn xin cấp hộ khẩu. Ông mới chỉ tích luỹ được 98 điểm trong khi 130 điểm là mức tối thiểu để đủ tư cách nộp đơn.
Một số vấn đề khác nảy sinh ở khắp Trung Quốc đã đặt ra yêu cầu cải cách hệ thống cư trú. Sự phức tạp trong việc cấp hộ khẩu đã tạo ra hàng trăm công dân hạng hai. Nỗi bất mãn với hệ thống hai cấp này ngày càng gia tăng trong tầng lớp người lao động tại các thành phố. Các tiêu chí đặt ra khiến công nhân chỉ thêm tuyệt vọng vào thời điểm nhiều tỉnh phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động.
Giáo sư Trạch Vân Quyên, chuyên về luật tại Đại học Thâm Quyến đã chỉ trích hệ thống tích điểm là “vô nhân đạo”. “Tất nhiên có chính sách vẫn tốt hơn là không có gì, nhưng nó lại hướng tới việc tạo ‘đẳng cấp’ trong quyền cư trú”, bà nói.
Một số các biện pháp ở Quảng Đông đã vấp phải sự nhạo báng chua xót với người di cư. Kế hoạch xây dựng một bảo tàng của người di cư trong tỉnh đã được chào đón bằng sự chế giễu. “Tại sao không xây bảo tàng cho công chức, người chẳng làm gì cả”, một người Trung Quốc bình luận trên blog như vậy. “Chỉ những tác phẩm nghệ thuật đang hấp hối mới được trưng bày trong viện bảo tàng”.
Theo thống kê của chính quyền Thâm Quyến, cho tới nay, 20.000 người di cư đã tích lũy điểm theo hệ thống mới, và gần 10.000 người đã nộp đơn xin cấp hội khẩu kể từ 1/7. Năm ngoái, 4.600 người đệ đơn đã được cấp hộ khẩu và con số này dự kiến tăng gấp đôi năm nay.
Tuy nhiên, đây chỉ là tỉ lệ quá nhỏ trong tổng số người di cư - 12 triệu trong số 14 triệu cư dân của Thâm Quyến.
Bức tranh cải cách hộ khẩu ở khắp Trung Quốc vẫn còn đang trái ngược. Khoảng 2,2 triệu người được công nhận quyền cư trú tại Trùng Khánh, chính quyền cho biết, sau khi các chính sách mới về hộ khẩu được áp dụng một năm trước đây.
Lưu Khai Minh, nhà hoạt động vì người lao động, người đứng đầu Viện Quan sát đương thời ở Thâm Quyến nhấn mạnh, Bắc Kinh cần rũ bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống hộ khẩu và cư xử với mọi người dân như nhau. Nếu không, chính quyền thành phố do không sẵn sàng đem lại phúc lợi cho người di cư, sẽ phải tìm ra những cách khác để đi đường vòng. “Chính quyền thành phố nói ‘tôi cần nhân công, nhưng tôi lại không muốn mọi người”, ông nói.
Thái An (theo FT)