Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. |
Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ TT&TT, đề cập đến vấn đề báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sứ mạng của báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường. Một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần. Báo chí phải tạo ra sức mạnh tinh thần đó. Dù là đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam, làm cho Việt Nam mạnh lên, ổn định, chứ không phải làm xói mòn sức mạnh của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với sự xuất hiện của mạng xã hội, hàng chục triệu người có thể đưa tin thì cách làm báo và cách quản lý báo chí phải có sự thay đổi căn bản. Sứ mạng của báo chí thì không thay đổi nhưng công nghệ làm báo và công nghệ quản lý báo chí thì thay đổi mang tính cách mạng. Ngoài ra, cách mà chúng ta sống và ứng xử trên không gian mạng cũng còn rất mới mẻ. Sử dụng công nghệ để nhìn thấy toàn cảnh bức tranh thông tin trên không gian mạng, có khả năng phân tích, đánh giá và dự đoán xu thế của hàng trăm triệu thông tin, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ người dân, doanh nghiệp, bảo vệ nhà nước trên đó. Đây là những thách thức quản lý mà Bộ TT&TT phải vượt qua.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, quản lý báo chí cái quan trọng nhất là phải đưa công nghệ vào, phải dùng công cụ để đo được, đếm được. Với số lượng báo chí và trang tin điện tử như hiện nay con người đọc, kiểm duyệt hết được. Nếu dùng trí tuệ nhân tạo đọc, dùng máy đọc thì những nội dung có vấn đề sẽ được phát hiện ra ngay. Muốn tạo nên một sự đồng thuận niềm tin thì phải đo được, đánh giá được nội dung nào tốt, nội dung nào vi phạm cả trên báo chí, trang tin điện tử và không gian mạng xã hội.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT về thông tin điện tử, với số lượng hơn 1.500 trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép và khoảng gần 1 triệu trang thông tin điện tử tổng hợp có tiếng Việt chưa được cấp phép, việc theo dõi thông tin cung cấp hàng ngày sẽ không thể hiệu quả nếu không có công cụ (phần mềm) lưu trữ, giám sát. Hiện chưa có công cụ theo dõi, giám sát hoạt động cung cấp thông tin của các trang thông tin điện tử tổng hợp có phép nói riêng và hoạt động cung cấp thông tin trên mạng nói chung.
Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin. |
Các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin. Chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, Youtube. Việc xác định đối tượng vi phạm trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trên các mạng xã hội nước ngoài khi đối tượng vi phạm thường ẩn danh hoặc giả mạo người khác gây khó khăn trong công tác điều tra.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Internet và thông tin trên mạng còn chưa theo kịp sự phát triển của thực tế do đặc thù phát triển quá nhanh của công nghệ, của các dịch vụ, nội dung thông tin.
Bộ TT&TT đã đưa ra giải pháp để giải quyết những vấn đề này, theo đó trong năm 2019 Bộ TT&TT sẽ sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quản lý về thông tin điện tử: Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP nhằm xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với đặc thù phát triển của ngành, giảm thiểu các thủ tục hành chính, hỗ trợ, định hướng các doang nghiệp trong nước phát triển các nội dung số, hệ sinh thái số phù hợp.
Một biện pháp kỹ thuật quan trọng sẽ được đưa vào quản lý đó là: Bộ TT&TT sẽ sử dụng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia hỗ trợ công tác quản lý đối với nhiệm vụ tự động rà soát, phân tích nội dung của các trang thông tin điện tử tổng hợp để nâng cao hiệu quản lý, phát hiện thông tin vi phạm, qua đó kịp thời, cảnh báo, xử lý theo quy định.
Tiếp tục đầu tư trang thiết bị, công cụ, phần mềm đánh giá, xếp hạng trang thông tin điện tử và nội dung thông tin trên mạng nhằm thiết lập công cụ trong việc đánh giá, quản lý nội dung thông tin trên mạng.