Mỡ không sơ chế, vệ sinh, được cắt nhỏ và cho thẳng vào chảo rán. Sau khi ép bì, mỡ vụn, thịt ôi thành dạng nước, loại mỡ này được chia đều vào các can nhựa còn mỡ tóp được đựng trong những thùng to bằng nhựa cáu bẩn.
Mỡ bẩn không cần rửa- chế biến luôn
Tại một cơ sở sản xuất bóng bì và mỡ lợn tại thôn Bình Lương, xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên, một ngôi nhà ẩm thấp nằm kế bên cống thoát nước của làng, xung quanh tường ám một màu đen kịt của khói bếp. Bên trong xưởng là những đống bì lợn, mỡ vụn, thịt quá buổi để lâu bốc mùi nồng nặc được đặt ngay tại nền nhà, nước từ các đống thịt chảy thành dòng đen, ruồi muỗi bay vi vu khắp nhà. Cạnh đó là vài người thanh niên đang cần mẫn phân loại thịt và cắt thành nhiều miếng nhỏ
Trên bếp lò, một chiếc chảo lớn đang rán mỡ sôi lục bục. Cạnh đó là chiếc nồi luộc bì bẩn như chưa bao giờ được đánh rửa. Mùi mỡ tanh đến phát ngấy của thịt tươi quá buổi, cộng thêm mùi khăm khẳm nguồn nước cống cạnh lò, cậu thanh niên vừa lọc mỡ vừa nhổ nước bọt tung tóe và lẩm bẩm tỏ vẻ khó chịu
Những người thợ thoăn thoắt nhặt những miếng mỡ bèo nhèo, vụn nát vẫn còn lông để riêng, miếng còn bì để một chỗ. Mỡ lọc ra từ đống bèo nhèo trên sẽ được đem rán rồi rót vào các can xanh đen kịt đang xếp hàng đợi đó. Lâu lâu sẽ có lái buôn tới gom hàng rồi bán lẻ tại các chợ hoặc cho các lò rán hành, rán quẩy.
Mỡ được lọc từ những tảng da lợn đã ngả màu, bốc mùi được chao qua chậu nước đục ngầu rồi cho vào rán luôn. |
“Mỡ nước giá 18.000 đồng/kg, còn mỡ tóp 55.000 đồng/kg, mua nhiều chị giảm giá cho. Số lượng bao nhiêu cũng có, chủ xưởng cho biết.
Chỉ vào đống bì lợn, chị Nga, chủ cơ sở sản xuất trần tình: “Vì bì lợn được gia đình tôi thu mua ở khắp nơi, nhiều khi phải thuê người đi thu mua rồi gửi qua đường xe khách. Vì nguồn hàng không phải lúc nào cũng phong phú nên nhiều khi người thu mua phải “đợi” gom được số lượng kha khá mới gửi xe lên cho cơ sở, nên việc bì lợn đã có mùi ôi là không tránh khỏi.
PV không khỏi rợn người khi được biết nguyên liệu trước và sau khi phân loại, đều không thông qua bất kỳ một công tác sơ chế, vệ sinh nào, mà được cắt nhỏ và cho luôn vào chảo rán. Sau khi ép bì, mỡ vụn, thịt ôi thành dạng nước, loại mỡ này được chia đều vào các can nhựa còn mỡ tóp được đựng trong những thùng to bằng nhưa cáu bẩn.
Được biết, bình quân một ngày các xưởng chế biến tại nơi đây chế biến khoảng 100 - 150kg bì lợn, mỡ vụn, thịt ôi thành mỡ nước, mà 1kg bì lợn, mỡ vụn, thịt ôi sẽ cho 6 đến 7 lạng mỡ nước.
Sản phẩm làm ra được đóng thành can và nhập cho dân buôn tại các chợ đầu mối như: Đồng Xa, Đồng Xuân, Phùng Hưng… mỡ nước có giá 18.000 đến 23.000 đồng/1kg; mỡ tóp từ 50.000 đến 60.000 đồng/1kg.
“Cũng có khi những người làm quẩy rán, bánh rán tại Hà Nội đến tận đây mua hàng. Mỡ nước làm ra bao nhiêu hết bấy nhiêu, nhất là vào mùa đông, lượng mỡ làm ra không đủ cung cấp cho nhu cầu người mua..”, chị Nga cho biết them.
Thấy PV đưa ánh nhìn không mấy thiện cảm về những chiếc can bẩn, chỉ nhìn thôi cũng không dám đụng vào, chị Lan vội thanh minh đó là những thùng nước rác cho lợn còn can đựng mỡ là can “sạch màu xanh còn nguyên mác”. Mác dán trên chiếc can “sạch” có chữ Corrosive (chất gặm mòn). Còn “thùng nước rác cho lợn” vẫn còn nguyên váng mỡ đông lại trên miệng và nắp can. Trên bếp lò, một chiếc chảo lớn đang rán mỡ sôi lục bục. Cạnh đó là chiếc nồi luộc bì bẩn như chưa bao giờ được đánh rửa.
Mùi mỡ rán, mỡ tươi trộn vào nhau trong cái nắng hanh hao khiến không khí trở nên đặc quánh, đặc trưng của làng nghề làm bì lợn. Chốc chốc, một chiếc công nông chất đầy những bao tải bì khô lại lù lùa tiến ra từ các lò chế biến. Đồng hồ đã chỉ đến 12 giờ trưa song cả làng vẫn chưa ai nghỉ. Nhà thì thái mỡ, nhà lọc bì, nhà lại rán mỡ xèo xèo.
Xoong rán mỡ cáu bẩn. |
Nguy cơ ung thư
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Các nhà hàng sử dụng loại mỡ bẩn này để chế biến đồ ăn bán cho khách là việc làm bị nghiêm cấm, không có lương tâm của người bán hàng. Loại mỡ này nếu rán ở nhiệt độ cao trên 180 độ C sẽ sinh ra những chất gây hại như: andehit, chất oxy hóa…
Các chất này khi rán ở nhiệt độ cao sẽ bay hơi trong không khí, gây ô nhiễm và vô cùng nguy hiểm nếu hít phải. Mặt khác, loại mỡ này nếu tái sử dụng sẽ tạo ra nhiều cặn lẫn chung vào mỡ, ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, thở khó… Nặng thì, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, có thể gây nên bệnh ung thư nguy hiểm đến tính mạng".
Mỡ tóp đựng trong thùng hóa chất độc hại, mỡ nước thì được đựng trong những can nhựa. |
Theo ông Nguyễn Huy Lập, chủ tịch UBND xã Tân Quang thì Thôn Bình Lương có nghề làm bóng, bì, mỡ nước đã vài chục năm nay. Cứ 10 nhà thì có tới 8 gia đình sản xuất bì, mỡ nước. Người dân sống được với nghề, thậm chí có gia đình còn khá giả và phất lên nhờ xuất khẩu bì, bán bóng, mỡ nước và tóp mỡ. Những năm gần đây khi đất ruộng bị các nhà máy lấy hết, cuộc sống của họ phụ thuộc chủ yếu vào nghề này.
Nhắc tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, không giấu giếm, ông Lập thừa nhận 100% các hộ gia đình sản xuất bóng bì, mỡ lợn ở thôn Bình Lương điều không được cấp giấy phép sản xuất vì không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất cũng chưa xây dựng được hệ thống xử lí nước thải nên nước bẩn được thải trực tiếp ra môi trường.
Phải chăng các cơ quan chức năng của xã Tân Quang nói riêng và huyện Văn Lâm nói chung đang buông lỏng quản lí với các làng nghề và làng có nghề?. Nếu cứ để tình trạng các hộ sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tồn tại, thì hậu quả gây ra từ những sản phẩm mà họ làm ra thật khôn lường.